Aa

Sức đề kháng của kinh tế Việt Nam đã khác

Thứ Bảy, 14/03/2020 - 16:30

Sức đề kháng của nền kinh tế Việt Nam đã được củng cố hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Với diễn biến tuần qua trên các thị trường thế giới và trong nước, trong các dòng chảy thông tin đã có những liên tưởng đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Nếu so sánh với thời điểm đó, sức đề kháng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay đã khác, cũng như bớt gánh nặng trên vai.

Trước thềm cuộc khủng hoảng 2008, kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường chứng khoán bùng nổ, giá nhiều loại tài sản và cả chứng khoán tiềm ẩn rủi ro bong bóng vỡ.

Một phần khi đó được kích thích bởi đòn bẩy tín dụng quá cao, như năm 2007 tăng trưởng tín dụng lên tới 53,89%.

Lạm phát và lãi suất cũng leo thang trên cơ sở một nền kinh tế lao vào vay mượn, sử dụng đòn bẩy tín dụng. Chi phí đời sống, sản xuất kinh doanh và cả ngân sách Nhà nước cũng tích tụ rủi ro quá tải. Năm 2008, chỉ riêng lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn lên tới 15%/năm, lãi suất cơ bản (để tham chiếu lãi suất cho vay) cũng đã 14%/năm.

Khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, bối cảnh trên của Việt Nam dẫn tới sức phòng thủ, hay sức đề kháng hạn chế, năng lực chống đỡ cú sốc từ bên ngoài dễ “buông súng”. Điển hình như diễn biến phản ánh trên thị trường chứng khoán sau đó, kéo dài những năm sau 2008…

Được xem là rường cột của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng khi đó cũng nổi lên tình trạng ma trận sở hữu chéo, sân sau mà bơm thổi quy mô vốn, kéo tín dụng về sân sau hoặc thế chấp tài sản có giá trị “ảo” (như cổ phiếu), định giá tài sản ở mức cao, bật tường và “chim mồi” trên các kênh tương tác vốn để gia tăng tổng tài sản…

Ba năm sau đó, sự suy yếu của hệ thống ngân hàng bộc lộ rõ. Nợ xấu bắt đầu lộ thiên, rồi lên mức độ hai con số; thanh khoản hệ thống bấp bênh bên bờ đổ vỡ… Có những hệ lụy đến nay vẫn xử lý chưa xong.

Nhưng nay, trước tác động của dịch Covid-19, trước chao đảo ở các thị trường trong và ngoài nước, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có sức đề kháng dày dặn hơn nhiều.

Ít nhất 18 ngân hàng thương mại hiện đã đạt chuẩn Basel II; cơ cấu tài sản nói chung đã có dịch chuyển sang các phân khúc an toàn hơn như với bán lẻ, phân tán rủi ro; chất lượng lợi nhuận trở nên bền vững hơn khi cấu phần thu phi tín dụng gia tăng đáng kể, nhiều thành viên đã có cơ cấu này từ 20-30%; tín dụng bất động sản cũng đã có phần thay đổi bản chất để giảm thiểu rủi ro; và kinh qua các cuộc khủng hoảng và suy giảm kinh tế, cả ở rủi ro pháp lý, công tác quản trị và điều hành ít nhất đã dày thêm kinh nghiệm.

Ở quản trị và điều hành nói trên, giá trị kinh nghiệm cũng được nâng lên ở tầm cao hơn - điều hành của Chính phủ.

Ở tầm đó, về yếu tố gánh nặng, điểm thuận lợi là chi phí ngân sách hiện đã thuận lợi hơn rất nhiều so với quãng 2008.

Đơn cử như, giao dịch gần đây cho thấy dòng tiền các tổ chức, cả khối ngoại, đổ dồn vào kênh trái phiếu Chính phủ (như tạm tìm kênh trú ẩn, vốn dồn vào thì giá lên và lợi suất giảm hoặc thấp). Lợi suất và lãi suất trái phiếu Chính phủ đều ở mức thấp. Lãi suất trái phiếu Chính phủ phát hành 2008 có thời điểm “khủng khiếp” 14,5%/năm mà kỳ hạn ngắn cỡ 2 năm; còn nay kỳ hạn 10-20 năm cũng chỉ trên 2%/năm.

So sánh với các nước trong khu vực, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm gần đây của Việt Nam cũng thấp hơn hẳn, thậm chí là trái phiếu của một quốc gia có mức gần hơn với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Liên quan đến lãi suất, gánh nặng lãi vay đối với doanh nghiệp và người dân cũng đã khác trước rất nhiều. Năm 2008, lãi suất cho vay phổ biến quanh 18%/năm thì nay doanh nghiệp vay ngắn hạn chỉ khoảng 6-8%, trung dài hạn 9-11%/năm.

Một vài so sánh trên để nhìn lại sức đề kháng của kinh tế Việt Nam trước tác động của dịch Covid-19. Còn lại, với sự bùng nổ truyền thông về dịch bệnh hiện nay, có lẽ điểm cần gia cố thêm là sức đề kháng tâm lý.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top