Aa

Sức ép lên lãi suất vẫn chưa vơi

Thứ Ba, 23/08/2022 - 16:00

Mặc dù có tín hiệu giảm sức ép lên lãi suất nhưng VCBS dự báo từ nay đến cuối năm, xu hướng tăng lãi suất huy động vẫn tiếp diễn, mặt bằng lãi suất huy động dự báo tăng 1 - 1,5 điểm cho cả năm nay...

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giảm trong tuần vừa qua. Đến ngày 17/8/2022, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm giao dịch ở mức 2,18%/năm, giảm 0,49%/năm so với cuối tuần trước đó; lãi suất kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng cũng giảm trung bình từ 0,12 - 0,27%/năm.

Trước đó, cuối tháng 7/2022, NHNN bất ngờ nâng mạnh lãi suất đấu thầu trên thị trường mở, kéo lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vọt tăng, có lúc lên tới trên 5%/năm ngay trước thời điểm Fed công bố tăng lãi suất.

Việc lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng nhanh sau đó lại liên tục giảm trong thời gian vừa qua, theo đánh giá của giới chuyên môn, không phải chuyện ngẫu nhiên. Một chuyên gia ngân hàng phân tích, việc NHNN duy trì lãi suất cho vay liên ngân hàng cao ngay trước thềm Fed tăng lãi suất là nhằm mục đích ghìm cương tỷ giá.

“Nâng lãi suất sẽ giúp đồng VND hấp dẫn hơn so với USD, từ đó giảm bớt nhu cầu nắm giữ USD, gián tiếp làm hạ nhiệt tỷ giá”, vị này nhận định.

Thực tế, sau khi lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, tỷ giá trung tâm và tỷ giá VND/USD trên thị trường đã giảm đáng kể.

Mặc dù lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng trên thị trường 1, lãi suất dường như vẫn chưa có dấu hiệu điều chỉnh theo.

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 8/2022 của CTCK Vietcombank (VCBS) cho thấy, trong tháng 8, nhiều NHTM đã tăng lãi suất huy động thêm 0,1 - 0,5 điểm % tùy kỳ hạn. Theo đó, lãi suất huy động từ đầu năm tới nay đã được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng từ 0,8 - 1 điểm %.

Đơn cử gần đây, Techcombank tăng lãi suất huy động kỳ hạn 7 - 11 tháng từ 4%/năm lên mức cao nhất 5,55% năm tùy độ tuổi, số tiền gửi của khách hàng. Ngay cả các ngân hàng trong Big 4 cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất như Vietcombank tăng lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn dài lên 5,6%/năm…

Tuy nhiên, thị trường đang phát đi những tín hiệu tích cực hơn đối với lãi suất như áp lực lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt khi giá xăng dầu đang giảm nhanh trở lại, tăng trưởng kinh tế năm 2022 vẫn tích cực…

Bên cạnh đó, NHNN vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay, kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng và chỉ nới thêm dư địa cho một số ngân hàng đáp ứng đủ điều kiện, tăng trưởng tín dụng trong năm nay sẽ chỉ xấp xỉ mức tăng của năm ngoái. Điều này khiến các ngân hàng không phải tăng cường huy động vốn bằng mọi giá để đáp ứng mục tiêu mở rộng tín dụng, từ đó cũng giúp lãi suất tiền gửi ổn định hơn.

Mặc dù có tín hiệu giảm sức ép lên lãi suất nhưng VCBS dự báo từ nay đến cuối năm, xu hướng tăng lãi suất huy động vẫn tiếp diễn, mặt bằng lãi suất huy động dự báo tăng 1 - 1,5 điểm % cho cả năm nay.

Chung quan điểm, VNDirect cho rằng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì đà tăng trong những tháng tới. Nguyên do là nhu cầu tín dụng cao trong bối cảnh kinh tế phục hồi. Trong khi đó, tăng trưởng tiền gửi còn chậm trong 7 tháng đầu năm (chỉ tăng 4,2% so với đầu năm và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái).

Thêm vào đó, việc Fed dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất cũng ảnh hưởng tới Việt Nam. Đồng USD mạnh sẽ gây áp lực lên tỷ giá hối đoái và lãi suất của Việt Nam.

“Chúng tôi giữ quan điểm rằng lãi suất tiền gửi có thể tăng 30 - 50 điểm cơ bản trong 6 tháng cuối năm 2022. Dự báo lãi suất tiền gửi 12 tháng của NHTM (bình quân) tăng lên mức 6,0 - 6,2%/năm vào cuối năm 2022, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm”, nhóm phân tích cho biết.

Yếu tố nữa được đánh giá có thể tác động lên lãi suất là theo Thông tư 08/2021/TT-NHNN, kể từ ngày 1/10/2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn sẽ giảm từ mức 37% xuống mức 34% cũng có thể khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài để cơ cấu lại nguồn vốn.

Lãnh đạo một ngân hàng thừa nhận, yếu tố tạo áp lực tăng vẫn nhiều hơn. Việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN cũng đang có xu hướng thận trọng hơn để kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá.

Vấn đề nữa là chênh lệch huy động vốn - tín dụng đang xu hướng mở rộng nên không dễ được cải thiện trong ngắn hạn.

“Dù không quá lo ngại cuộc đua tăng lãi suất huy động sẽ tiếp diễn nhưng xu hướng tăng lãi suất huy động nhẹ là có”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nhìn nhận.

Theo TS. Võ Trí Thành, lãi suất luôn là một trong những công cụ góp phần kiềm chế lạm phát, bảo vệ giá trị đồng nội tệ của tất cả quốc gia. Mỗi khi lạm phát cao, tỷ giá chịu áp lực, NHTW các nước đều phải nâng lãi suất nội tệ.

Tại Việt Nam, NHNN cũng phải điều hành lãi suất tương quan với diễn biến lạm phát, tỷ giá, đảm bảo nguyên tắc giữ tiền đồng có lợi hơn giữ USD.

TS. Lê Xuân Nghĩa cũng ghi nhận, NHNN đã điều hành khá tốt chính sách tiền tệ từ đầu năm đến nay và nên giữ nguyên chính sách điều hành như hiện tại ít nhất đến hết quý III/2022. Tuy nhiên theo ông, sau 9 tháng, khi bức tranh về tỷ giá, lạm phát, động thái của Fed rõ ràng hơn, NHNN có thể đưa ra quyết sách mới về chính sách tiền tệ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top