Aa

"Sức khỏe" doanh nghiệp xây dựng: Bức tranh nhạt nhòa

Chủ Nhật, 04/08/2019 - 20:00

Nếu như những năm 2015 - 2018, ngành xây dựng tăng trưởng tích cực nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản, thì bước sang năm 2019, khó khăn bắt đầu xuất hiện với nhiều doanh nghiệp.

Kinh doanh trì trệ

Được xem là “anh cả” trong ngành xây dựng Việt Nam khi luôn nhận được nhiều gói thầu lớn, nhưng kết quả kinh doanh quý II/2019 của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) lại gây thất vọng cho nhà đầu tư.

Cụ thể, trong quý II/2019, doanh thu thuần của CTD chỉ đạt 5.788 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ, chủ yếu từ sự sụt giảm doanh thu hợp đồng xây dựng. Tương ứng, biên lãi gộp của CTD trong quý cũng chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước, ở mức hơn 3%.

Trong kỳ, CTD còn phát sinh thêm khoản lỗ hơn 10 tỷ đồng từ công ty liên kết. Kết quả, Công ty chỉ đạt gần 124 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 71% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, đây cũng là con số lãi thấp nhất mà CTD đạt được 1 quý trong 5 năm qua, kể từ quý II/2015.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, CTD đạt doanh thu hơn 10.037 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 313 tỷ đồng, lần lượt giảm 20% và 56% so với nửa đầu năm 2018. Con số này cũng chỉ mới hoàn thành được 37% chỉ tiêu doanh thu và 24% kế hoạch lãi cho cả năm 2019.

Một ông lớn khác của ngành xây dựng là Ricons cũng không khá hơn là bao khi trong quý II/2019, tổng doanh thu thuần chỉ đạt 1.671,8 tỷ đồng, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận ròng sau thuế đạt 70,1 tỷ đồng, giảm gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các doanh nghiệp ngành xây dựng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2019. Ảnh: Shutterstock

Các doanh nghiệp ngành xây dựng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2019. Ảnh: Shutterstock

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Ricons đạt doanh thu 2.573,1 tỷ đồng, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận lũy kế đạt 102 tỷ đồng, giảm khoảng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2019, nhưng xu hướng đi xuống về mặt lợi nhuận cũng xảy ra với Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HBC) trong quý I/2019. Theo đó, trong quý I/2019, dù doanh thu thuần tăng trưởng gần 11% so với cùng kỳ, xấp xỉ đạt 3.708 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế của HBC giảm gần 12%, đạt gần 120 tỷ đồng. Đây là quý thứ 3 liên tiếp, lợi nhuận HBC đi thụt lùi.

Tương tự, theo báo cáo tài chính quý I/2019 của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), doanh thu thuần trong kỳ của Công ty giảm gần 16%, chỉ đạt gần 573 tỷ đồng. Công ty báo lỗ hơn 5,5 tỷ đồng trong quý đầu tiên của năm 2019, trong khi cùng kỳ lãi hơn 2,2 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/3/2019, nợ phải trả của CII đã gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu, ghi nhận gần 16.053 tỷ đồng.

Ngày 11/7/2019, CII công bố, kỳ vọng sẽ nhận được số tiền 1.120 tỷ đồng (48 triệu USD) sau khi hoàn thành thương thảo với một trong những đối tác dự án lớn vào ngày 10/7/2019 và các dự án khác vào cuối tháng 6/2019.

Tới ngày 22/7, CII thông báo đã nhận được 764 tỷ đồng (33 triệu USD) trong tổng số tiền này, kỳ vọng sẽ nhận được phần còn lại 356 tỷ đồng (15 triệu USD) trong quý III/2019. Thương vụ này được kỳ vọng sẽ giúp kết quả kinh doanh của CII tốt hơn trong quý III/2019 và thời gian tới, trong khi trong quý II/2019, chưa thấy có dấu hiệu gì cho thấy kết quả kinh doanh của Công ty sẽ tươi sáng hơn.

Các ông lớn đã gặp khó, dĩ nhiên các doanh nghiệp nhỏ, vốn nhận được ít gói thấu lớn hơn cũng gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm 2019.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC) đã sớm dự báo về khả năng sụt giảm lợi nhuận trong giai đoạn nửa đầu năm 2019 do nhiều khó khăn trong giá vốn hàng bán và chi phí gia tăng, trong khi các khoản thu hồi công nợ còn nhiều vướng mắc.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2019 của PHC cho thấy, do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tới 36% đã khiến cho lợi nhuận của Công ty chỉ đạt trên đạt 10,6 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ 2018 và chỉ hoàn thành 15% kế hoạch cả năm.

Tương tự, CTCP Tập đoàn Cotana cũng dự báo kết quả lợi nhuận đi xuống do thị trường bất động sản chững lại sau một khoảng thời gian phát triển bùng nổ.

Kết thúc quý I/2019, dù Cotana ghi nhận doanh thu 41,3 tỷ đồng, tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận lại giảm tới 92,3%, chỉ đạt vỏn vẹn 2,7 tỷ đồng.

Khó khăn nối dài

Báo cáo xu hướng sản xuất - kinh doanh ngành xây dựng quý II và dự báo quý III/2019 do Tổng cục Thống kê công bố cách đây không lâu cho biết, với số lượng mẫu khoảng 5.500 doanh nghiệp, đại diện cho toàn bộ khu vực doanh nghiệp có hoạt động xây dựng của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có tới 36,4% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn so với quý I/2019.

Dự báo quý III/2019, chỉ có 22,7% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh tốt hơn, 40,9% nghiệp nhận định giữ ổn định và 36,4% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.

Con số này cho thấy, doanh nghiệp ngành xây dựng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Nguyên nhân có thể do tình trạng cạnh tranh trong ngành xây dựng ngày càng mạnh, thị trường bất động sản chững lại, hoặc là việc kiểm soát chi phí công ty đang thực hiện không tốt.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng cho biết, ngoài những nguyên nhân xuất phát từ vấn đề nội tại, thì doanh nghiệp này cũng chịu ảnh hưởng từ những yếu tố khách quan. Bài toán về huy động vốn cũng là bài toán hết sức nan giải, các kênh liên kết ngân hàng thương mại cần được điều chỉnh, quy trình thủ tục của ngân hàng đôi khi hơi chặt chẽ, nên nhiều lúc không hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn có những khó khăn về nguốn nhân lực, kể cả lao động trực tiếp và gián tiếp. Doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi lao động mùa vụ, vì ý thức trách nhiệm của họ chưa cao, ảnh hưởng đến tiến độ công trình.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top