Phát triển thị trường tài chính tiêu dùng được nhiều chuyên gia kinh tế trong nước đánh giá là biện pháp khả quan nhất để giải quyết “vấn nạn” tín dụng đen đang hoành hành.
Tín dụng đen - “lỗ đen vũ trụ” của thị trường tài chính
Sự phát triển của cho vay tiêu dùng được coi là minh chứng rõ nét về vai trò của thị trường này trong việc giải quyết các nhu cầu vay vốn của người dân. Không những thế, cho vay tiêu dùng còn được kỳ vọng sẽ là một liệu pháp đủ mạnh để giải quyết vấn nạn “tín dụng đen” đang hoành hành ở khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Thực tế cho thấy, “tín dụng đen” vẫn đang sống khỏe nhờ “thủ tục giải ngân” nhanh chóng và dễ dàng đến mức không ngờ.
Tuy nhiên, đi liền với những khoản vay dễ dàng đến từ “thế giới ngầm” này thường là những hợp đồng mập mờ, đầy cạm bẫy, ẩn chứa dưới dạng giấy vay nợ hoặc giấy nhận tiền, kèm với đó những quy định rối rắm và khó hiểu. Thậm chí, đôi khi ràng buộc giữa hai bên chỉ là giấy vay nợ mà không kèm bất kỳ điều khoản nào.
Điều đáng nói là, dù trong trường hợp nào thì ngay sau khi đặt bút ký, khách hàng cũng đã tự “chui đầu vào rọ” với những khoản lãi khổng lồ và thường cao hơn nhiều so với mức “thỏa thuận” ban đầu giữa hai bên.
Trong trường hợp mất khả năng chi trả, khách hàng sẽ lập tức trở thành “con nợ” và bị khủng bố, đe dọa, siết nợ không nương tay. Một ví dụ điển hình về “nạn nhân” của tín dụng đen là gia đình bà Nguyễn Anh Thảo (SN 1968, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) mà nhiều tờ báo đã đăng tải dù chỉ vay hơn 200 triệu đồng nhưng phải trả lãi tới… 1 tỉ đồng.
Trước khoản lãi vô lý, gia đình bà Thảo đã trình báo công an nhưng bất chấp việc chủ mưu đã lẩn trốn, các “con nợ” vẫn ngày ngày sống trong nỗi lo sợ và tình cảnh khốn đốn với hàng chục vụ bị đe dọa, tấn công bởi những kẻ giấu mặt.
Những trường hợp như bà Thảo không phải là hiếm nhưng câu chuyện sinh viên dính vào tín dụng đen mới thật sự tạo lên bức tranh bi thảm của lĩnh vực này.
Điển hình như trường hợp Lâm, một sinh viên năm cuối đại học ở Hà Nội vay nặng lãi 10 triệu đồng để đóng học và mua bộ máy tính phục vụ cho việc làm đồ án tốt nghiệp. Mặc dù Lâm vay 10 triệu đồng, lãi suất chỉ khá “nhẹ nhàng” 15%/tháng nhưng thực tế Lâm chỉ nhận được 8,5 triệu đồng kèm lời giải thích rằng số tiền 1,5 triệu kia là... “cắt lãi trước”.
Tuy nhiên, đến khi nhận thông báo khoản nợ, Lâm mới ngã ngửa vì tổng số tiền phải trả lên tới… 13 triệu đồng cho khoản vay 8,5 triệu đồng sau chưa đầy 3 tháng.
Công ty tài chính: giải pháp cho người tiêu dùng
Trước hết, cần khẳng định rằng, việc vay vốn của người dân phục vụ chi tiêu hằng ngày là nhu cầu có thật và rất lớn. Thực tế cũng cho thấy, không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các quốc gia trên thế giới, không thị trường tài chính nào có thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu này nếu chỉ có hoạt động của các ngân hàng, đặc biệt là nhu cầu vay tiêu dùng nhỏ lẻ trong thời gian ngắn.
Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng của một thị trường với quy mô dân số trên 90 triệu dân như Việt Nam một cách lành mạnh và hợp pháp, việc phát triển hệ thống các công ty tài chính là điều cần thiết và cấp bách.
Theo các chuyên gia, nếu được nhìn nhận một cách đúng mức, vai trò của các công ty tài chính tiêu dùng không thua kém gì so với ngân hàng, nhất là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa hay các đối tượng khách hàng có nhu cầu vay món nhỏ lẻ cho mục đích tiêu dùng trong thời gian ngắn…
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng: “Lợi ích lớn nhất mà các công ty tài chính mang lại cho người tiêu dùng là giúp họ tăng khả năng tiếp cận vốn một cách hợp pháp. Hơn nữa, “cuộc chạy đua" khốc liệt giữa các công ty tài chính như hiện nay sẽ mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng cả trên khía cạnh lãi suất và điều khoản cho vay”, Tiến sĩ Lực nhấn mạnh.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng chỉ ra rằng hành lang pháp lý của lĩnh vực tài chính tiêu dùng về cơ bản đã “khá kiện toàn, nhất là trong việc kiểm soát rủi ro nhưng vẫn cần phải tiếp tục hoàn thiện một số cơ chế chính sách. Bên cạnh đó, các công ty tài chính cần hướng dẫn chi tiết hơn về tính minh bạch thông tin trong quá trình cho vay tiêu dùng. Cần chỉ rõ mức phí là bao nhiêu, tiền phạt là bao nhiêu, việc cho vay tín chấp lãi suất cao hơn vay ngân hàng là bao nhiêu…
Đó cũng là những thông tin khách hàng cần được minh bạch ngay từ đầu. Đặc biệt, các công ty tài chính cần có sự tư vấn cho khách hàng về khoản vay của họ trước khi đặt bút ký hợp đồng”.