Tài chính tự thân – Năng lực thiết yếu trong quản lý tài chính cá nhân
Covid-19 cho chúng ta thấy sức tàn phá ghê gớm của dịch bệnh hay nói rộng hơn là các yếu tố bất thường trong cuộc sống. Thông thường, khi chúng ta đối diện với một tình huống không chắc chắn hoặc một tình huống có kết quả bất như ý, chúng ta dành nhiều sự tập trung đến các yếu tố bên ngoài của tình huống đó mà quên mất việc quay về với các yếu tố bên trong bản thân mình...
* * *
Khi còn là một cậu bé lớp 2, mẹ đã hỏi tôi: “Nếu ba mẹ ly dị nhau con có đồng ý không?”. Tôi nhớ tôi đã trả lời mẹ rằng: “Nếu ba mẹ ly dị mà tốt hơn cho ba mẹ thì nên ly dị; con ủng hộ và con cảm thấy bình thường về việc đó”...
Sau đó ba mẹ tôi ly dị và tôi về sống cùng ông bà ngoại. Hồi đó cuộc sống của thế hệ 8x như tôi không quá khó khăn như thời 6x, 7x của ông bà bố mẹ, tuy nhiên việc thiếu đi sự quan tâm, tình yêu thương của bố mẹ cũng khiến cuộc sống của tôi gặp khá nhiều hạn chế và tôi đã có nhiều trải nghiệm thô ráp thời ấu thơ.
Sống cùng ông bà, tôi sớm tự nhận thức được rằng mình không có quyền đòi hỏi quá nhiều như quyền được đi chơi, quyền được giúp đỡ làm bài tập hay những quyền tương tự khác. Vì thế tôi tự tìm cách giải quyết vấn đề và mong muốn của mình. Chính những năm tháng tự mình làm, tự mình học hỏi đó đã dạy cho tôi một bài học giá trị rằng: “Năng lực tự thân là điều duy nhất của bản thân tôi và tôi có khả năng điều khiển được, còn các yếu tố bên ngoài tôi không có quyền năng điều khiển”.
Sau này khi tôi lớn lên, làm trong ngành tài chính, tôi áp dụng đúng bài học này cho bản thân mình cũng như các khách hàng trong khía cạnh tài chính và tôi nhận ra rằng bài học này có thể áp dụng cho tất cả mọi người trong mọi khía cạnh của cuộc sống chứ không chỉ riêng trong vấn đề tài chính.
Thông thường, khi đối diện với một tình huống không chắc chắn hoặc một tình huống có kết quả bất như ý, chúng ta dành nhiều sự tập trung đến các yếu tố bên ngoài của tình huống đó mà quên mất việc quay về với các yếu tố bên trong bản thân mình.
Trong tài chính cá nhân cũng vậy, nếu để ý kỹ ta có thể thấy nhiều kế hoạch tài chính có bản chất phụ thuộc nhiều vào môi trường đầu tư bên ngoài. Ví dụ khi chúng ta đánh giá hoặc nghe thông tin rằng thị trường bất động sản sẽ tăng và quyết định mua bất động sản với kỳ vọng tăng giá mà không xem xét những yếu tố khác như kiến thức, nguồn lực, kinh nghiệm... Sau đó bất động sản đó không tăng giá hoặc giảm giá thì sao? Nó ảnh hưởng như thế nào đến tình hình tài chính của chúng ta? Liệu chúng ta có đủ bình tĩnh, sáng suốt để lựa chọn hành động tiếp theo? Những quyết định như vậy là chỉ xem xét và mong đợi từ yếu tố bên ngoài, trong khi yếu tố bên trong chưa được soát xét. Điều này khiến tôi liên tưởng tới 1 câu thành nghĩ mà cha ông ta đã nói đó là “há miệng chờ sung”.
Đối lập với việc “ngồi chờ sung rụng” là việc làm chủ tài chính thông qua năng lực tự thân. Tài chính tự thân là hành trình chúng ta từng bước tạo lập những điều kiện quan trọng để ứng phó với các biến cố có khả năng xảy ra trong cuộc sống hoặc xây dựng một ước mơ tốt đẹp trong tương lai. Sự chuẩn bị này bao gồm 3 yếu tố sau đây:
1. Cảm xúc: Sự kết nối đến cảm xúc của bản thân bạn về kế hoạch tài chính đó, cảm xúc của bạn là gì, bất an hay bình an? Đây là yếu tố bên trong bản thân mỗi người và cũng là yếu tố quan trọng để giúp chúng ta có đủ động lực từng bước tiến tới mục tiêu mong muốn.
2. Tri thức: Sự hiểu biết liên quan đến các lĩnh vực tài chính mà mình đang xem xét. Để có thể làm chủ được kế hoạch của mình, chúng ta cần có kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm liên quan đến vấn đề đó. Tránh trường hợp quyết định của chúng ta chỉ dựa vào kinh nghiệm của người khác, của những yếu tố bên ngoài và khi có điều gì đó bất như ý xảy ra chúng ta sẽ cảm thấy rất hoang mang.
3. Hành động: Cách chúng ta lựa chọn phương thức thực hiện. Kế hoạch chỉ có khả năng đạt được khi bạn bắt đầu hành động và hành động cần phù hợp nguồn lực và điều kiện của chính bản thân mình.
Chúng ta hãy cùng xem xét một ví dụ đơn giản về việc một người bố lên kế hoạch tài chính để đảm bảo cho hai con của mình sau này được tiếp cận với hệ thống giáo dục tốt nhất thông qua việc việc đi du học.
Thông thường nếu là người bố đó, ta sẽ sẽ âm thầm làm lụng vất vả, tiết kiệm để xây dựng cho con quỹ du học và đến khi con trưởng thành chúng ta mới thông báo cho con về điều đó. Hệ quả của việc này là rất nhiều đứa con khi đi du học đã không cảm nhận được sự vất vả tích lũy của bố những năm qua và không trân trọng điều mà bố đã dành cả tuổi thanh xuân để xây dựng cho nó.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, nếu xét về theo khía cạnh tài chính tự thân, người bố có thể lựa chọn làm khác đi để kế hoạch tài chính của mình thật sự có ý nghĩa và khả thi hơn, cụ thể người bố cần xem xét 3 yếu tố:
• Đầu tiên là yếu tố cảm xúc. Khi bắt đầu xây dựng kế hoạch tài chính đó, người bố nên kết nối cảm xúc với hai đứa con của mình thông qua việc trao đổi dự định của bố và ý nghĩa của dự định đó đối với ba bố con, từ đó giúp hai đứa con kết nối được với ước mơ của bố và cũng giúp người bố có động lực để thực hiện ước mơ đó.
• Tiếp theo là yếu tố tri thức. Người bố cần tìm hiểu đầy đủ các thông tin, kiến thức, các điều kiện tài chính cần thiết để có thể tiến tới mục tiêu gây dựng được quỹ du học cho hai con. Ví dụ như số tiền cần đi du học, chương trình du học phù hợp, cách thức đầu tư hiệu quả, sản phẩm đầu tư phù hợp…
• Cuối cùng là hành động. Người bố cần lựa chọn những hành động phù hợp với năng lực và điều kiện của mình. Ví dụ, hàng tháng vào ngày nhận lương, Bố sẽ để dành ra 5 triệu đồng và chuyển sang tài khoản tiết kiệm để tích lũy dành tặng 2 con. Mỗi tháng làm được bố cùng hai con sẽ đánh dấu vào bảng “Hành trình cùng nhau xây dựng ước mơ” của hai con.
Đồng thời bố sẽ giao tiếp hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng để con thấy từng thời khắc trôi qua bố và con đều đang nỗ lực trên hành trình này. Sự có mặt của chúng ta với con cái giúp đồng bộ hoặc hiểu sớm sự không phù hợp trong kế hoạch của mình và giá trị nhận được của người thụ hưởng.
Vậy bạn còn chờ gì nữa?
Chúng ta hãy cùng làm thử một kế hoạch tài chính dành tặng người bạn yêu thương (có thể là chính bản thân mình) nơi khơi nguồn cảm xúc, hiểu rõ (tri thức) về điều mình mong muốn và hành động một cách kỷ luật bền bỉ. Và cũng đừng quên tâm sự với người bạn yêu thương về hành trình này nhé./.