Aa

Tái khởi động cây cầu dây văng có tĩnh không thông thuyền cao nhất Việt Nam sau nhiều năm đứng hình

Thứ Ba, 06/05/2025 - 14:06

Sự trở lại của công trình không chỉ mang ý nghĩa tháo gỡ điểm nghẽn kỹ thuật quan trọng, mà còn mở ra kỳ vọng kết nối trọn vẹn hai miền Đông - Tây Nam Bộ.

Ngày 5/5/2025, cầu Phước Khánh – một trong những hạng mục trọng điểm trên tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành – đã chính thức được tái khởi động sau nhiều năm đình trệ do vướng mắc về vốn và thủ tục đầu tư. 

Cầu Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu, nối huyện Cần Giờ (TP. HCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), là cây cầu dây văng có tĩnh không thông thuyền cao nhất Việt Nam, lên tới 55m. Với chiều dài hơn 3km và mặt cầu rộng gần 22m, cầu được thiết kế để đáp ứng nhu cầu vận tải biển ngày càng tăng và đảm bảo luồng hàng hải cho tàu biển cập cảng TP. HCM.

Tái khởi động cây cầu dây văng có tĩnh không thông thuyền cao nhất Việt Nam sau nhiều năm đứng hình- Ảnh 1.

Phối cảnh cầu Phước Khánh. Ảnh: Internet

Trước đó, gói thầu xây dựng cầu Phước Khánh được triển khai từ tháng 1/2016 bởi liên danh nhà thầu Sumitomo Mitsui - Cienco 4. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong việc bố trí vốn và đàm phán gia hạn hiệp định vay, dự án phải tạm ngưng từ năm 2020, khi đã hoàn thành hơn 80% khối lượng thi công. Sau nhiều năm, gói thầu này mới tìm được đơn vị thi công mới thay thế.

Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã tiến hành đấu thầu gói thầu J3-1 để thực hiện phần việc còn lại của cầu Phước Khánh, với giá trị hợp đồng hơn 635 tỷ đồng. Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Hạ tầng Bắc Trung Nam và Công ty TNHH Freyssinet Việt Nam là đơn vị trúng thầu, với thời gian thi công dự kiến là 450 ngày (khoảng 15 tháng).

Tái khởi động cây cầu dây văng có tĩnh không thông thuyền cao nhất Việt Nam sau nhiều năm đứng hình- Ảnh 2.

Hiện cầu đang được thi công trở lại. Ảnh: VNE

Việc thi công trở lại cầu Phước Khánh không chỉ giúp hoàn thiện tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành mà còn góp phần quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa miền Tây và miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là kết nối với sân bay quốc tế Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành, khi hoàn thành, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tải cho các tuyến đường hiện hữu như Quốc lộ 1, Quốc lộ 51 và cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây. Đây cũng là tuyến đường huyết mạch kết nối các tỉnh miền Tây với miền Đông Nam Bộ, kết nối với sân bay Long Thành.

Tái khởi động cây cầu dây văng có tĩnh không thông thuyền cao nhất Việt Nam sau nhiều năm đứng hình- Ảnh 3.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành kết nối với sân bay Long Thành. Ảnh: Internet

Cầu Phước Khánh là một trong hai cây cầu lớn nhất trên cao tốc Bến Lức - Long Thành. Việc tái khởi động thi công cầu Phước Khánh là minh chứng cho quyết tâm của các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và hội nhập khu vực.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) là dự án trọng điểm quốc gia với quy mô vốn khoảng 5 tỷ USD (khoảng 110 nghìn tỷ đồng). Đây sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai với diện tích 5.364ha và công suất phục vụ lên đến 100 triệu hành khách/năm.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top