Aa

Tái khởi động nhà máy nhiên liệu sinh học hơn 2.000 tỷ sau nhiều năm ‘đắp chiếu’

Thứ Năm, 17/07/2025 - 14:42

Dự kiến công tác sửa chữa, đầu tư bổ sung thiết bị của nhà máy hoàn tất trong tháng 7 và 8; khởi động kỹ thuật trong tháng 9; chạy thử trong tháng 10 và chính thức sản xuất thương mại từ tháng 11 tới.

Nằm trên diện tích hơn 24ha trong khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) - một trong những khu kinh tế lâu đời bậc nhất Việt Nam - Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất được khởi công từ năm 2009, do Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF) làm chủ đầu tư.

Đây là một trong ba dự án sản xuất ethanol quy mô lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, với tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, công suất thiết kế 100 triệu lít/năm, sử dụng sắn lát khô làm nguyên liệu. Mục tiêu của dự án là cung ứng ethanol để pha trộn xăng sinh học E5, góp phần thực hiện chủ trương phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành và chạy thử vào năm 2012, nhà máy nhanh chóng rơi vào thua lỗ do giá nguyên liệu tăng cao, trong khi thị trường ethanol trong nước chưa phát triển. Năm 2014, nhà máy vận hành thương mại trong thời gian ngắn rồi phải dừng hẳn từ 2015, rơi vào cảnh “đắp chiếu” suốt nhiều năm.

Đến năm 2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bàn giao lại quyền quản lý và vận hành nhà máy cho Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Dù BSR đã nỗ lực sửa chữa, bảo trì và tìm đầu ra cho sản phẩm, nhưng hạ tầng xuống cấp cùng đầu ra bế tắc khiến nhà máy tiếp tục bỏ hoang giữa lòng khu kinh tế.

Tái khởi động nhà máy nhiên liệu sinh học hơn 2.000 tỷ sau nhiều năm ‘đắp chiếu’- Ảnh 1.

Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi). Nguồn: BSR.

Hi vọng chỉ thực sự được “thắp sáng” trở lại gần đây. Theo thông tin từ Báo Tuổi Trẻ, BSR-BF đã xây dựng xong kế hoạch tái vận hành nhà máy. Cụ thể, công tác sửa chữa, đầu tư bổ sung thiết bị dự kiến hoàn tất trong tháng 7 và 8; khởi động kỹ thuật trong tháng 9; chạy thử trong tháng 10 và chính thức sản xuất thương mại từ tháng 11 tới.

Chi phí khôi phục sẽ do công ty và các đối tác cùng triển khai, với mục tiêu đảm bảo vận hành an toàn, ổn định. Đáng chú ý, công suất hệ thống thu hồi CO₂ cũng được nâng thêm 40–50 tấn/ngày, nhằm tối ưu hiệu quả kinh tế và giảm phát thải.

Việc hồi sinh Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất nằm trong chiến lược lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và BSR, nhằm thực hiện cam kết Net-Zero vào năm 2050, đồng thời đáp ứng quy định bắt buộc sử dụng xăng E10 từ ngày 1/1/2026. Đây cũng là bước quan trọng trong kế hoạch chuyển đổi xanh của BSR đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Hiện năng lực sản xuất ethanol trong nước mới chỉ đạt khoảng 450.000 m3/năm, chưa đáp ứng nổi 40% nhu cầu pha chế E10 (ước tính 1,2–1,5 triệu m³/năm), phần còn lại phải nhập khẩu trong bối cảnh giá ethanol thế giới biến động mạnh.

Do đó, việc tái vận hành Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất không chỉ là giải pháp kinh tế, mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính cho ngành giao thông - lĩnh vực đang phát thải lớn nhất hiện nay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top