Aa

Tái khởi động nhiều dự án hạ tầng trọng điểm tại TP.HCM

Thứ Năm, 22/04/2021 - 10:00

Thời gian qua, bên cạnh nhiều dự án hạ tầng trọng điểm được đầu tư hiệu quả, góp phần phát triển diện mạo đô thị TP.HCM, cũng còn một số dự án triển khai dang dở hoặc chậm triển khai, gây lãng phí.

Thời gian qua, bên cạnh nhiều dự án hạ tầng trọng điểm được đầu tư hiệu quả, góp phần phát triển diện mạo đô thị TP.HCM, cũng còn một số dự án triển khai dang dở hoặc chậm triển khai, gây lãng phí nguồn lực đất đai, nguồn vốn xã hội cũng như ảnh hưởng đến việc quy hoạch trên địa bàn.

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh.
Một góc TP.HCM. (Ảnh minh họa: Hoàng Hải/TTXVN)

Dự án BOT tuyến đường nối Đại lộ Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM - Trung Lương, dài 2,7km, tổng mức đầu tư hơn 1.557 tỷ đồng do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh làm nhà đầu tư.

Hiện nay dự án đã ngừng triển khai, được Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề xuất chấm dứt hợp đồng do chủ đầu tư yếu kém năng lực tài chính, vi phạm hợp đồng BOT.

Trong diễn biến mới nhất, giữa tháng Ba vừa qua, ông Nguyễn Văn Nhuần, Phó Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt - Chi nhánh TP.HCM (ngân hàng tài trợ vốn cho dự án) ký Văn bản số 90/CV/LienVietPostBank.NSG gửi Sở Giao thông Vận tải TP.HCM thông báo việc chấm dứt tài trợ tín dụng, đồng thời đề xuất Công ty Cổ phần Him Lam là nhà đầu tư mới thay thế nhà đầu tư cũ để tiếp tục tham gia dự án.

Theo đại diện Ngân hàng Bưu điện Liên Việt - Chi nhánh TP.HCM, để triển khai dự án, doanh nghiệp dự án ban đầu là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương đã vay vốn tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt - Chi nhánh TP.HCM với hạn mức 1.438 tỷ đồng. Đến nay nhà đầu tư không thực hiện đúng yêu cầu về Hợp đồng BOT, dừng dự án từ tháng 6/2018 cũng như không trả nợ vay đúng hạn và chuyển sang thành nợ xấu cho ngân hàng.

Dự án này được triển khai theo hình thức BOT, nhà đầu tư được chỉ định là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (các lãnh đạo của Công ty đang là bị cáo trong vụ án liên quan đến Đinh Ngọc Hệ - tức Út trọc). Về phương án thu hồi vốn, chủ đầu tư được xây dựng 1 trạm thu phí trên đoạn tuyến nối Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM - Trung Lương, thời gian thu phí hoàn vốn kéo dài 17 năm 8 tháng.

Trong quá trình triển khai dự án, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã nhiều lần đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công do thực hiện còn sơ sài, chưa đảm bảo yêu cầu, hoàn thiện hồ sơ dự toán dự án, kế hoạch huy động vốn nhưng doanh nghiệp dự án không thực hiện đầy đủ.

Trong khi đó, một số dự án hạ tầng lớn trên địa bàn TP.HCM cũng đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục dù đã có chủ trương thực hiện từ lâu. Cụ thể là dự án Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, tổng mức đầu tư 1.395 tỷ đồng, sau khi trình Sở Xây dựng thành phố thẩm định thiết kế bản vẽ thi công dự kiến trong tháng Tư này, dự kiến sẽ khởi công xây dựng trong quý 3 năm nay.

Dự án Xây dựng nhà hát giao hưởng và Vũ kịch thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức, có tổng mức đầu tư 1.508 tỷ đồng, hiện đang chờ Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cho ý kiến chỉ đạo để thực hiện các công việc tiếp theo sau khi đã tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc.

Tương tự, dự án bồi thường giải phóng mặt bằng khu Liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, phường An Phú, thành phố Thủ Đức có tổng mức đầu tư 8.004 tỷ đồng, hiện đang nghiên cứu điều chỉnh mục tiêu dự án trước khi thẩm định phê duyệt dự án do TP.HCM không còn đăng cai Sea Games 31 vào năm 2021.

Ngoài ra, một số dự án cũng đang trong giai đoạn trình đề xuất chủ trương đầu tư. Dự án đường Vành đai 4 đi qua địa bàn Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM có tổng mức đầu tư dự kiến 100.000 tỷ đồng.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án này, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, nghiên cứu toàn diện nội dung dự án trong đó nghiên cứu tổng thể phương án, quy mô đầu tư, phân kỳ đầu tư, hình thức đầu tư, kết nối với các tuyến giao thông chính trong Vùng TP.HCM. Đồng thời Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét để có cơ chế hỗ trợ một phần vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án.

Hai dự án giao thông trọng điểm khác trên địa bàn TP.HCM “treo” nhiều năm nay, hiện cũng đang được tái khởi động là dự án ga Thủ Thiêm và ga Bình Triệu. Tại dự án dự án ga Bình Triệu, diện tích quy hoạch lên tới 41ha.

Vừa qua Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Lê Hòa Bình đã họp với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn và thống nhất việc Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan xem xét cơ chế triển khai thực hiện công tác bồi thường, tái định cư đối với các tổ chức, cá nhân nằm trong ranh quy hoạch ga Bình Triệu trong giai đoạn 2021 - 2025 để sớm ổn định đời cống của người dân cũng như xúc tiến kế hoạch đầu tư dự án theo quy hoạch.

Tái khởi động nhiều dự án hạ tầng trọng điểm tại TP.HCM
(Ảnh minh họa: Thành Đạt/TTXVN)

Trong khi đó, ga Thủ Thiêm được quy hoạch là ga đầu mối bao gồm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, tuyến đường sắt nhẹ TP.HCM - Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự án tuyến metro số 2, xe buýt nhanh BRT số 1. Tuy nhiên hiện nay dự án vẫn nằm trên giấy do tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, tuyến đường sắt nhẹ TP.HCM - Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang ở giai đoạn Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Theo phương án của 2 dự án nói trên, nhà ga tại khu vực ga Thủ Thiêm được bố trí trên cao. Trong khi đó, quy hoạch các đường giao thông trong phân khu thuộc Khu đô thị chỉnh trang kế cận Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn mang tính chất xâm phạm và chồng lấn bên trong phạm vi quy hoạch của nhà ga Thủ Thiêm. Vì thế hiện nay chưa đủ cơ sở để tổ chức lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu vực nhà ga Thủ Thiêm.

Trên cơ sở đó, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu quy hoạch chi tiết ga đầu mối Thủ Thiêm để cơ cơ sở quản lý quy hoạch, triển khai các dự án đầu tư.

Trong khi đó, sau thời gian ngưng trệ do Ngân hàng Thế giới chấm dứt tài trợ vốn, dự án xây dựng hạ tầng và cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên đang được “tái khởi động” khi mới đây Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị kiến nghị Sở Xây dựng TP.HCM trình Ủy ban Nhân dân thành phố để báo cáo Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố thống nhất bố trí nguồn vốn đối ứng của Thành phố là 4.200 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai thực hiện.

Theo ông Bùi Thanh Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, dự án sẽ xây dựng kè dọc hai bên bờ kênh dài gần 33km, nạo vét toàn tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên với chiều rộng đáy từ 30 - 90m, cao trình đáy kênh từ -4m đến -5m.

Với việc đầu tư đường giao thông đô thị dọc kênh, dự án sẽ kết nối TP.HCM với tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 8.200 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tầng đô thị làm chủ đầu tư, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 4.000 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng thành phố./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top