Đặt ở cung Của cải, cũng đồng thời là nơi tụ tài trong căn phòng sẽ đem lại may mắn và thành công cho công ty trong sản xuất, kinh doanh. Sau khi khai thông được Tài vị (xem bài “Khai thông Tài vị và những điều kiêng kỵ” ở kỳ trước), nơi đặt két sẽ đón được khí tốt làm cho tài lộc vượng lên.
Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt của tài lộc lại nằm ở két sắt đựng tiền. Két bạc vừa là biểu tượng của Tài lộc, vừa là nơi cụ thể cất trữ tiền bạc, của cải. Để thu hút tài lộc, các doanh nhân từ xưa đến nay thường sử dụng một số linh vật phong thủy để chiêu tài, đặc biệt là Tỳ hưu, Thiềm thừ và Hoa mai kim tiền (đồng tiền cổ Hoa mai).
Tại sao lại như vậy?
Tỳ hưu
Tỳ Hưu là một con vật trong truyền thuyết, là loài mãnh thú dũng mãnh nhưng lại mang ý nghĩa tốt lành. Tỳ hưu có mặt giống con lân đực nhưng lại có râu, mình to, đuôi dài, có chùm lông đuôi rậm. Tương truyền, con vật này không ăn thức ăn bình thường mà chỉ ăn vàng bạc.
Đặc biệt, nó không có hậu môn; do đó mà vàng bạc nó ăn vào bao nhiêu cũng không bị thoát đi đâu. Chính vì vậy mà người ta cho rằng, Tỳ hưu là linh vật số một trong việc chiêu tài. Do điều đặc biệt này, Tỳ hưu không những có tác dụng hút tài lộc bốn phương về cho gia chủ mà còn giữ cho của cải không bị thất thoát.
Người ta sử dụng Tỳ hưu đặt trên két bạc để hút tài lộc. Tuy nhiên, khi sử dụng Tỳ hưu cần chú ý phải đặt đầu Tỳ Hưu hướng ra cửa chính hoặc hướng ra cửa sổ thì mới có tác dụng hút tài khí bốn phương (chúng tôi sẽ có bài riêng về Tỳ hưu và cách khai quang điểm nhãn cũng như những tác dụng khác của Tỳ hưu).
Thiềm thừ
Thiềm Thừ cũng là con vật huyền thoại, là con cóc vàng có ba chân, biểu tượng của Thần Tài, sự may mắn về kinh doanh và tiền bạc, dùng để biến hung thành cát trong công việc. Thiềm Thừ được người đời tôn xưng là con vật quý, biểu tượng cho Vượng Tài.
Cũng giống như Tỳ hưu, điểm đặc biệt của Thiềm thừ là không có hậu môn; do đó tương truyền nó chỉ biết ăn vào mà không tiết ra nên không những là vật chiêu tài mà còn được coi là thần giữ của. Chính vì vậy, Thiềm Thừ được các doanh nhân chuyên dùng vào việc tăng cường tài lộc, chỉ đứng sau Tỳ hưu.
Thiềm thừ là tượng có vàng ba chân ngồi trên đống tiền, miệng ngậm một đồng tiền cổ, tượng trưng cho việc mang tiền vào nhà. Vì vậy, khi sử dụng để chiêu tài, bạn phải hết sức lưu ý là đặt Thiềm thừ quay đầu vào trong nhà. Nếu đặt quay đầu ra cửa, nó không những không mang tiền vào nhà mà ngược lại, lại mang của cải trong nhà đi. Cũng không đặt Thiềm Thừ đối diện với cửa mà nên đặt trên đường chéo với cửa ra vào (chúng tôi sẽ có bài giới thiệu riêng về Thiềm thừ và cách khai quang điểm nhãn cũng như những tác dụng khác của Thiềm thừ).
Hoa mai kim tiền
Trong phong thủy, người ta còn dùng đồng tiền cổ hoa mai để chiêu tài. Đây là đồng tiền xu có năm cánh, giống bông hoa mai, nên gọi là Hoa mai kim tiền. Đặc điểm của đồng tiền cổ này là trên 5 cánh hoa, một mặt chạm Ngũ tự gồm: THỌ (Sống lâu), MỆNH (Số mạng), THỦ (Đứng đầu), PHÚ (Giàu có) và QUÝ (Địa vị, công danh); mặt kia chạm các hình mang biểu tượng: Đào tiên (Trường thọ), Chim khách (Cát tường), Thỏi vàng (Của cải), Dơi (Phúc) và Tuần lộc (Lộc). Hoa mai kim tiền có đủ cả Thiên – Địa – Nhân kết hợp do được lưu hành từ xa xưa nên nó tượng trưng cho Tài lộc. Người ta thường sử dụng để chiêu tài cho két bạc.
Tuy nhiên, khi chiêu tài người ta đặt Tỳ hưu và Thiềm thừ lên trên két bạc, còn đối với Hoa mai kim tiền thường sử dụng 3, 5 hay 8 đồng nhưng lại đặt vào bên trong két.