“Tái sinh” các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo cho Thủ đô: Giải pháp vẹn cả đôi đường
Hà Nội còn gần 100 nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp cần di dời ra khỏi nội đô - một “di sản” khổng lồ để phát triển công nghiệp văn hóa còn bỏ ngỏ. Hà Nội cũng đang thiếu trầm trọng các không gian sáng tạo, không gian văn hóa cộng đồng để khẳng định vị thế trong mạng lưới các Thành phố sáng tạo được UNESCO công nhận, do thiếu quỹ đất. Bài toán này sẽ được giải quyết khi các không gian sáng tạo được mọc lên trên nền các nhà máy cũ, vừa phát huy giá trị văn hóa, vừa tạo ra lợi ích kinh tế cho Thành phố.
Năm 2011, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt. Trong đó, vấn đề di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch trên địa bàn 12 quận, huyện đã được đặt ra.
Sau khi Luật Thủ đô ra đời, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Quyết định 130 ngày 23/1/2015 giao UBND thành phố chủ trì xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi nội thành. Theo đó, quỹ đất sau di dời sẽ được dùng vào các công trình, cơ sở hạ tầng công cộng chứ không xây dựng chung cư cao tầng. Bên cạnh đó, những công trình có giá trị kiến trúc sẽ phải được bảo tồn, tôn tạo và khai thác.
Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các nhà máy cũ sau khi di dời, khu đất cũ lại được dùng để xây dựng thành chung cư thương mại.
Theo số liệu từ kết quả khảo sát của PPWG (nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân), tính đến tháng 8/2020, tại quận Thanh Xuân và Hai Bà Trưng có 19/21 nhà máy đã di dời bị chuyển đổi thành chung cư thương mại, chiếm tới 84% tổng diện tích quỹ đất. Chỉ có 1 nhà máy nhường chỗ cho trường học tư nhân và 1 bị dẹp bỏ để phục vụ xây dựng đường trên cao.
Theo danh sách từ thành phố cuối năm 2019, Hà Nội có 92 cơ sở công nghiệp trên địa bàn nội thành cần phải di dời. “Đây là những quỹ đất trống cuối cùng của thành phố. Nếu không nắm bắt cơ hội này để chuyển đổi các cở sở công nghiệp thành các không gian công cộng, không gian sáng tạo thì có lẽ chúng ta sẽ mất cơ hội mãi mãi”, PGS.TS.KTS. Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) đánh giá.
Mặt khác, Hà Nội đã chính thức là thành viên thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, càng đặt ra nhu cầu cấp bách đối với việc mở rộng các không gian sáng tạo. Một lãnh đạo thành phố Hà Nội từng nhấn mạnh, một thành phố sáng tạo không thể tách rời, không thể thiếu các không gian sáng tạo.
Tuy nhiên, cũng theo kết quả khảo sát được PPWG thực hiện năm 2020, có 79,4% người tham gia khảo sát đánh giá Hà Nội đang thiếu và quá thiếu không gian công cộng và 81,96% người tham gia khẳng định không gian công cộng quan trọng và rất quan trọng đối với cuộc sống của họ.
Đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân Thủ đô, nhiều không gian văn hóa nghệ thuật của Hà Nội đã lần lượt “chào đời” như Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Phố bích họa Phùng Hưng, Không gian văn hóa nghệ thuật Phúc Tân, Phố sách Hà Nội... Cùng với đó là sự phát triển chủ động của nhiều mô hình không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật đến từ các doanh nghiệp, chuyên gia văn hóa, văn nghệ sĩ... như VICAS Art Studio, Hanoi Creative City, Heritage Space, Toong Coworking Space, Ơ kìa Hà Nội, Tổ chim xanh,...
Tuy nhiên, dù phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng và được cộng đồng đón nhận nhưng nhiều không gian sáng tạo đã phải chấm dứt hoạt động do thiếu mặt bằng, cơ sở hạ tầng, để lại nhiều tiếc nuối. Nhiều không gian đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người yêu văn hóa, yêu Hà Nội như Heritage Space cũng phải nhiều lần chuyển địa bàn vì phải trả lại mặt bằng cũ.
Các nhà máy cũ là "địa chỉ" tốt nhất để hình thành các không gian sáng tạo. Ảnh: Nhà máy xe lửa Gia Lâm.
Trong bối cảnh các không gian sáng tạo đang thiếu “chốn dung thân” thì quỹ đất cùng với các di sản công nghiệp của gần 100 nhà máy cũ trên địa bàn chính là “địa chỉ” phù hợp nhất. Đó cũng là giải pháp vẹn cả đôi đường, vừa giải quyết được bài toán di dời các “quả bom nổ chậm” đe dọa môi trường thành phố ra khỏi nội thành, vừa mở rộng, làm phong phú thêm các không gian sáng tạo để Hà Nội tiếp tục khẳng định mình trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của thế giới.
“Dưới góc nhìn di sản, các nhà máy cũ nếu đã loại bỏ hoạt động sản xuất gây ô nhiễm, thì không hẳn trở thành các ứ tồn đô thị cần phải đập bỏ, thay thế. Chúng ta hoàn toàn có thể bảo tồn, cải tạo, tái sử dụng thích nghi chúng thành các trung tâm văn hoá, nghệ thuật, các tổ hợp sáng tạo, khởi nghiệp như kinh nghiệm ở rất nhiều nơi trên thế giới, PGS.TS.KTS. Phạm Thúy Loan khẳng định.
KTS. Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích cho rằng, mục đích của việc di dời nhà máy đươc đặt ra là di dời nguồn gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, áp lực giao thông và dây chuyền sản xuất ra khỏi khu vực nội đô, còn lại phần “vỏ” của nhà máy có thể bảo tồn một phần với những công trình mang tính biểu tượng để giữ lại những dấu ấn, giá trị về lịch sử, văn hóa. Đó chính là giá trị phi vật thể của di sản công nghiệp để tạo ra những không gian sáng tạo có giá trị.
Minh chứng cụ thể có thể kể đến công trình Complex 01 (Tây Sơn, Hà Nội) được xây dựng trên nền móng một xưởng in cũ sau khi hoàn thiện và khai trương đã trở thành không gian sáng tạo, nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hoá, nghệ thuật, kết nối nghệ sĩ với giới trẻ. Công trình giữ lại những nét riêng của kiến trúc nhà máy cũ với cửa sổ vòm kính, tường gạch đỏ thô ráp, cánh cửa sắt nặng, bậc thang kim loại, tấm băng rôn “Máy in màu số 2 phấn đấu vượt chỉ tiêu sản lượng 35.000 tờ in/ca” và cả cây xoài do vị giám đốc đầu tiên của nhà máy cũ trồng. Complex 01 pha trộn giữa vẻ đượm màu thời gian song song với những mảng màu hiện đại. Ưu điểm của Complex 01 so với nhiều không gian sáng tạo khác là có diện tích rộng, vị trí ngay trung tâm, nhờ thế nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật, các hội chợ thủ công, các liveshow âm nhạc, giới thiệu cổ phục... đã được tổ chức và thu hút được đông đảo người tham dự.
Ngoài Complex 01, Hà Nội từng có những nhà máy cũ nay đã trở thành các không gian văn hóa như Trung tâm Văn hóa Pháp ở phố Tràng Tiền vốn trước đây là xưởng in của Báo Nhân dân; tổ hợp Zone 9 (cũ) ở phố Trần Thánh Tông được cải tạo từ một cơ sở sản xuất của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2; “quận nghệ thuật” Hanoi Creative City ở phố Lương Yên xây trên nền tòa nhà Kim khí Thăng Long, 282 Design ở phố Phú Viên xưa kia là nhà máy sản xuất mũ cối. Thay vì bị bỏ hoang, bị xuống cấp và không còn giá trị sử dụng, các không gian nhà máy cũ đã mở ra cơ hội cộng đồng sáng tạo tiếp tục những câu chuyện văn hóa của thành phố.
Thay vì biến những khu “đất vàng” sau khi di dời nhà máy trở thành các tòa nhà chung cư và trung tâm thương mại, theo Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia Phạm Thúy Loan, các nhà máy cũ hoàn toàn có thể trở thành di sản công nghiệp, thành phần không thể tách rời của di sản văn hóa Hà Nội. Nếu được bảo tồn đúng cách, đây sẽ là nguồn lực để Hà Nội phát triển sau khi được công nhận là thành viên của mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Ẩn khuất trong những tòa nhà cao tầng của TP. Hà Nội có rất nhiều nhà máy cũ có không gian rộng, kiến trúc đẹp, độc đáo, hiện đại. Đặc biệt, nhiều nhà máy trong số đó gợi nhớ về những hình ảnh của Hà Nội một thời như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy Bánh kẹo Hải Hà, Khu “Cao - Xà - Lá”... Đó là những dấu ấn văn hóa đặc trưng cần được coi trọng và lưu giữ.
Bảo tồn di sản công nghiệp, “thổi hồn” sáng tạo trên nền di sản nhà máy ấy sẽ vừa tạo ra các không gian văn hóa nghệ thuật phục vụ người dân, vừa mang lại nguồn thu cho ngân sách, vừa lưu giữ được một phần giá trị lịch sử, kiến trúc của công trình nhà máy, tạo nét đặc trưng riêng cho khu dân cư. Việc bảo tồn không nhất thiết phải giữ nguyên trạng, mà tùy theo từng công trình để bảo tồn một phần hay nguyên trạng.
Tức là tạo ra sức sống mới cho những không gian cũ, vừa bảo vệ được ký ức lịch sử, vừa mang lại lợi ích kinh tế, thúc đẩy sáng tạo và kinh tế sáng tạo, góp phần đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân.
Đi sâu hơn vào vấn đề này, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với TS. KTS Trương Ngọc Lân, Phó trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng), là chuyên gia chuyên về lịch sử kiến trúc, một trong những thành viên tham gia khảo sát, nghiên cứu phân tích về tiềm năng bảo tồn và phát triển từ các nhà máy cũ thuộc mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống”.
PV: Thưa TS. KTS Trương Ngọc Lân, hiện nay Hà Nội đã trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO, đây được coi là động lực để phát triển công nghiệp văn hoá tại Hà Nội, theo ông, Hà Nội có những lợi thế gì để phát triển điều này?
TS.KTS. Trương Ngọc Lân: Theo tôi, hiện nay Hà Nội đang có một số lợi thế lớn, đặc biệt là với vị thế là Thủ đô sáng tạo.
Thứ nhất, phần lớn các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức văn hoá,… đều có trụ sở tại Hà Nội. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có nguồn lực về con người rất tốt, các nhà nghiên cứu, các nghệ sỹ cũng như cộng đồng làm sáng tạo chiếm một tỷ lệ lớn trong thành phố. Tất cả những điều này sẽ thúc đẩy cho văn hoá sáng tạo phát triển mạnh.
Thứ hai, Hà Nội có hệ thống di sản văn hoá vật thể và phi vật thể rất đa dạng, là nền tảng giúp cho những người làm văn hoá sáng tạo có thể tận dụng và phát huy tối đa khả năng.
Thứ ba, Hà Nội có các quỹ không gian như gần 100 các nhà máy, công xưởng đã có sẵn có khả năng trở thành không gian sáng tạo.
Đây là những lợi thế căn bản mà Hà Nội hiện có, cùng với việc Hà Nội đã trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO sẽ hỗ trợ tốt hơn và có những tác động đến ý thức phát triển về công nghiệp văn hoá sáng tạo tại Việt Nam.
PV: Theo ông, tại sao nhà máy cũ ở Hà Nội lại có ưu thế để trở thành không gian sáng tạo hơn các địa điểm khác?
TS.KTS. Trương Ngọc Lân: Ở trên thế giới, các nhà máy cũ, cơ sở công nghiệp cũ thường được sử dụng làm không gian sáng tạo. Bởi nó có những lợi thế chung nhất định và Hà Nội cũng có những lợi thế như vậy. Các nhà máy cũ được xây trong thời thuộc địa, sau quá trình đô thị hoá, những nhà máy này đã nằm lọt trong nội thành Hà Nội, trong trung tâm khu đô thị, rất dễ kết nối với cộng đồng dân cư, cộng đồng sáng tạo. Với vị trí trung tâm dân cư, các nhà máy cũ có thể trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo. Không gian này, nếu được dùng cho cộng đồng có thể thông qua sinh hoạt văn hoá và dễ dàng đem đến những sản phẩm sáng tạo cho cộng đồng.
Mặt khác, các không gian trong nhà máy cũ, đặc biệt là các nhà xưởng, thường có diện tích rộng. Những không gian này rất dễ dàng chuyển đổi linh hoạt trong sử dụng và giúp cho người làm sáng tạo có thể tổ chức được nhiều hoạt động, đồng thời đáp ứng các nhu cầu đa dạng, biến đổi theo thời gian. Ngoài ra, các nhà máy, nhà xưởng không chỉ có độ lớn diện tích bên trong mà còn có độ lớn diện tích chung bên ngoài có thể ứng dụng tạo ra nhiều không gian sáng tạo cho những sự kiện đông người.
Cũng như ở các nước trên thế giới, việc sử dụng không gian nhà máy cũ có sẵn còn giúp tiết kiệm tổng chi phí đối với những không gian sáng tạo tại các nhà các nhà máy cũ. Ban đầu những nghệ sĩ nghèo, các đơn vị khởi nghiệp chưa có nhiều nguồn vốn, họ có thể tận dụng hoặc làm lại những cơ sở vật chất có sẵn như những khu nhà, cổng, điện, nước,… còn sử dụng được. Từ đó, nhanh chóng đưa không gian sáng tạo vào hoạt động, mà không bị mất nhiều thời gian để đầu tư cũng như là trang bị lại từ đầu, đồng thời tiết kiệm chi phí.
Ngoài ra, bản thân không gian các nhà máy cũ ở Hà Nội hay ở các nước khác trên thế giới còn được coi là di sản. Bởi chúng là những công trình đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hiện đại hoá, đô thị hoá, công nghiệp hoá của thành phố. Một số nhà máy mang nhiều giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, là hình mẫu để ứng dụng cho nhiều nhà máy về sau.
Những công trình này chính là những di sản đại diện cho sự phát triển của xã hội và đô thị trong một giai đoạn lịch sử. Nó còn được coi là hiện thân của văn minh công nghiệp, hàm chứa các giá trị lịch sử, kiến trúc, công nghệ, xã hội, khoa học, thẩm mỹ và giá trị nhân văn.
Một số nhà máy đóng vai trò khai sinh cho một ngành công nghiệp ở Hà Nội, đồng thời là những công trình kiến trúc hiện đại nhất và đẹp nhất ở Hà Nội và Miền Bắc.
Đơn cử như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm hay Nhà máy Bia Hà Nội, sự xuất hiện của chúng còn là sự khai sinh của một ngành công nghiệp. Hay sự xuất hiện của Nhà máy Bia Hà Nội còn mở ra một giai đoạn mới, một không khí mới trong văn hóa ẩm thực đường phố Hà Nội. Không những thế, Nhà máy Bia Hà Nội còn là công trình kiến trúc hiện đại nhất Hà Nội, thậm chí nhất cả miền Bắc trong giai đoạn đó. Đặc biệt, giá trị kiến trúc của nhà máy này vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay.
Những nhà máy này như những “dấu chân” của thời đại, gắn với các thế hệ làm việc trong các nhà máy ở Hà Nội, để lại những dấu ấn lịch sử, xã hội mạnh mẽ. Quả thực không gian nhà máy rất hấp dẫn, thú vị, đẹp mắt, góp phần tạo ra sự khác biệt, có khả năng kích thích sức sáng tạo cộng đồng.
Những không gian sáng tạo và hấp dẫn từ trước đây và cả hiện nay như Zone 9, 282 Design, Complex 01,… là minh chứng cho tiềm năng và lợi ích của việc chuyển đổi nhà máy cũ thành không gian sáng tạo tại Hà Nội. Có thể nói, lợi thế của những nhà máy cũ là rất lớn. Cơ hội để tiếp tục phát triển bền vững cũng rất lớn.
PV: Việc bảo tồn các di sản công nghiệp thông qua việc hình thành các không gian sáng tạo dù đã trở thành xu hướng từ lâu trên thế giới, tuy nhiên còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Theo ông, việc triển khai mô hình này có gặp khó khăn, rào cản gì?
TS.KTS. Trương Ngọc Lân: Dù di sản công nghiệp còn là khái niệm khá mới mẻ, nhưng nếu không có cái nhìn đúng đắn về loại hình di sản này để có các biện pháp bảo vệ kịp thời, tương lai không xa, các di sản công nghiệp sẽ chỉ còn trong ký ức của người Hà Nội.
Điều khiến các chủ đầu tư e ngại khi đầu tư vào những không gian sáng tạo tận dụng những công trình cũ là tính chất pháp lý của công trình và mức độ ổn định trong việc sử dụng, tức là có thể sử dụng lâu dài hay không. Bởi thực thế, các nhà máy cũ đều nằm ở những khu vực “đất vàng”, đắt giá về mặt bất động sản, cho nên luôn bị đe doạ bởi việc chuyển đổi sang chung cư.
Ngoài ra, hiên còn thiếu những quy định, quy trình rõ ràng để phát triển không gian sáng tạo ấy để đảm bảo tính an toàn. Ví dụ như công trình Zone 9 (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngoài vấn đề pháp lý về việc cho thuê, còn có vấn đề về độ an toàn dẫn đến phải dừng hoạt động.
Nếu muốn xây dựng không gian sáng tạo trên công trình cũ, cần phải có quy trình liên quan đến việc kiểm định không gian, hỗ trợ cho người làm sáng tạo chuyển đổi không gian, sau đó xin phép, rồi mới xây dựng và thiết kế sao cho không gian cũ đó đạt yêu cầu an toàn và các tiêu chuẩn, quy chuẩn khác về xây dựng. Đây là vấn đề quan trọng cần được quy định cụ thể, rõ ràng và đồng bộ.
Không gian sáng tạo Complex1 (Tây Sơn, Đống Đa) được xây dựng trên nền xưởng in cũ.
PV: Ngoài ra, theo ông, yếu tố lợi nhuận có phải là một rào cản?
TS.KTS. Trương Ngọc Lân: Việc sinh lời hay không còn phụ thuộc vào mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Mức độ sáng tạo, sản phẩm cuối cùng có đem lại lợi nhuận nhiều không, đó là xét về mặt lợi nhuận vật chất. Còn về lợi nhuận phi vật chất, việc đầu tư dài hạn, phát triển công nghiệp văn hoá, không gian sáng tạo không chỉ có lợi ích trực tiếp đối với bản thân doanh nghiệp trong việc tạo ra lợi nhuận mà còn mang lại lợi ích chung cho nền kinh tế. Về lâu về dài, những sản phẩm đó có thể mang lại lợi ích khác lớn hơn. Như ở Hàn Quốc, việc phát triển văn hoá như phim, ảnh, thời trang,… giúp cho các sản phẩm khác ở Hàn Quốc cũng bán được như ô tô, điện thoại, đồ điện tử,… Nhìn một cách tổng thể, bản thân hoạt động văn hoá có thể sinh lời, thậm chí nó còn đem lại nhiều lợi ích tốt hơn nữa, quan trọng hơn nữa. Ngoài ra, các hoạt động văn hoá sáng tạo còn có giá trị về mặt giáo dục, nó có thể giúp định hướng phát triển những xu hướng thẩm mỹ tốt, xu hướng sáng tạo tốt và tạo cảm hứng cho các hoạt động liên quan đến các ngành khác nhau.
PV: Trong thời gian tới, để thực hiện hoá việc chuyển đổi nhà máy cũ thành không gian sáng tạo kết hợp với không gian văn hoá cộng đồng một cách hiệu quả, Hà Nội cần làm gì?
TS.KTS. Trương Ngọc Lân: Đầu tiên,Thành phố cần có chủ trương đúng đắn. Cần tính đến quỹ không gian cho việc phát triển công nghiệp văn hoá, cũng như không gian trong cộng đồng trên cơ sở tận dụng những nguồn lực đã có sẵn. Bản thân các nhà máy cũ đã nằm trong khu nội thành, dân cư đông đúc, vị trí đắt giá, trong khi đó, Hà Nội lại thiếu chỗ để phát triển không gian công cộng, không gian sáng tạo . Điều này đặt ra hướng phát triển cho việc tận dụng các nhà máy cũ ấy, sử dụng không gian thích hợp trong các nhà máy để phát triển không gian sáng tạo, không gian sinh hoạt cộng đồng.
Không gian cộng đồng trước hết giải quyết cho nhu cầu của người dân, sau đó là cho cộng đồng người làm sáng tạo. Nếu như bây giờ, chúng ta đem phát triển hết thành các dự án thương mại, bất động sản thì hiện trạng thiếu hụt không gian công cộng càng cao, đối tượng làm văn hoá sáng tạo cũng không có được không gian để phát triển những giá trị văn hóa, nghệ thuật.
Các hoạt động văn hoá sáng tạo còn có giá trị về mặt giáo dục, nó có thể giúp định hướng phát triển những xu hướng thẩm mỹ tốt, xu hướng sáng tạo tốt và tạo cảm hứng cho các hoạt động liên quan đến các ngành khác nhau.
Ngoài ra, việc giữ các nhà máy cũ cũng có lợi, nhiều nhà máy cũ được coi là di sản, dù chưa được công nhận. Chúng ta có thể kết hợp vừa bảo tồn vừa phát huy sử dụng công năng mới, hoặc giữ 1 phần có giá trị nhất, còn các phần khác chúng ta vẫn có thể phát triển được. Có rất nhiều cách để tất cả cùng có lợi, chứ không phải cực đoan theo một hướng nhất định. Do đó, việc định hướng, quy hoạch rất quan trọng.
Ví dụ như ở Trung Quốc, khu nghệ thuật 798 Space ban đầu cũng chỉ là nhà máy bỏ đi nhưng khi cộng đồng sáng tạo tham gia vào phát triển đã trở thành khu trung tâm nghệ thuật và là điểm tham quan du lịch nổi tiếng. Từ đây, giá trị bất động sản tăng lên khá nhanh, giá thuê cũng đắt hơn. “Nước lên thuyền lên”. Một thành phố sáng tạo vẫn tốt hơn một thành phố không sáng tạo. Nhà máy cũ di dời khỏi nội đô Hà Nội chính là cơ hội tuyệt vời để phát triển kinh tế sáng tạo thông qua việc chuyển đổi chúng thành không gian sáng tạo.
Trên thế giới, nhiều đô thị chuyển đổi từ các thành phố công nghiệp bụi bặm, ô nhiễm trở thành các địa điểm du lịch, giải trí hấp dẫn nhờ việc hình thành các không gian sáng tạo cho mình. Còn người dân được hưởng lợi là vào dịp cuối tuần chẳng phải đi đâu xa, có thể vui chơi, giải trí ngay tại nơi mình sống. Các không gian sáng tạo chính là một hướng đi giải quyết để xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, duy trì và tạo ra bản sắc cho đô thị.
- Trân trọng cảm ơn ông vì cuôc trò chuyện thú vị!
Một số không gian sáng tạo được hình thành từ nhà máy cũ trên thế giới:
Tobacco Factory Theatre ở thành phố Bristol (Anh): Đây là một không gian sáng tạo được hình thành từ việc cải tạo một công trình đã cũ - nhà máy thuốc lá bị bỏ hoang thành một địa điểm nghệ thuật mang một sức sống mới với hàng loạt các nhà hát hay các triển lãm; kéo theo sự mở cửa của hàng loạt cửa hàng và dịch vụ, một khu vực đáng sống với người dân địa phương...
Bảo tàng Tate Modern (Anh): Đây cũng là một điển hình của không gian sáng tạo. Trên nền một nhà máy điện bỏ hoang, một bảo tàng nghệ thuật đương đại được xây dựng, thu hút khoảng 5 triệu lượt khách tham quan mỗi năm; kéo theo hàng loạt các dịch vụ khác và biến vùng đất này từ một vùng đất nghèo thành một khu vực nhộn nhịp.
Công trình Zeche Zollverein (North Rhine-Westphalia, Đức): Từ mỏ than công nghiệp chuyển thành công viên văn hóa đa năng.
Nagasaki Shipyard Museum (Nagasaki, Nhật Bản): Từ bến tàu cảng công nghiệp chuyển đổi thành bảo tàng lịch sử công nghiệp...
Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam Bùi Hoài Sơn: Việc chuyển đổi nhà máy cũ thành các không gian sáng tạo là khả thi và mang lại hiệu quả đa chiều. “Cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò của các không gian sáng tạo trong việc phát triển Thủ đô; hoàn thiện hệ thống chính sách để tạo điều kiện phát triển các không gian sáng tạo và huy động nguồn lực cho các không gian sáng tạo.
Điều phối viên mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” Lê Quang Bình: Thành phố cần xây dựng hạ tầng cho ngành công nghiệp văn hóa. Việc chuyển đổi công xưởng cũ thành không gian sáng tạo chính là một hướng đi đúng, khi Hà Nội đang có gần 100 nhà máy được di dời khỏi nội đô. Thành phố cần xây dựng một kế hoạch hành động riêng, coi các không gian sáng tạo lớn, đa chức năng được chuyển đổi từ nhà máy cũ là nòng cốt.