Tháng 8/2023, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định di dời 9 cơ sở công nghiệp ra khỏi khu vực trung tâm thành phố (TP). Hiện Hà Nội đang trong tiến trình điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và lập Quy hoạch Thủ đô, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội tốt để chính quyền TP đưa ra định hướng sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ sở này cho không gian công cộng, xây dựng phát triển không gian sáng tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Sớm có quy hoạch chi tiết để thực hiện tái thiết
Trong danh mục 9 cơ sở mà TP. Hà Nội có kế hoạch di dời trong 5 năm tới, quận Hoàn Kiếm có 2 cơ sở, gồm: Công ty In Báo Nhân Dân tại 15 Hàng Tre, diện tích hơn 1.500m2; Công ty TNHH MTV In báo Hà Nội mới ở 35 Nhà Chung, diện tích hơn 1.800m2.
Tại quận Ba Đình có 1 cơ sở là Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng Công ty CP Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội với hơn 52.000m2 tại số 183 Hoàng Hoa Thám.
Tại quận Thanh Xuân có 2 cơ sở gồm: Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long tại 235 Nguyễn Trãi, Thượng Đình, Thanh Xuân với hơn 64.000m2 và Công ty TNHH MTV In và Thương mại Thông tấn xã Việt Nam, địa chỉ tại số 70/342 Khương Đình, phường Hạ Đình, diện tích 5.000m2.
Hai cơ sở trên địa bàn quận Long Biên gồm: Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Công ty Vận tải Hành khách đường sắt Hà Nội, địa chỉ 551 Nguyễn Văn Cừ, diện tích hơn 20ha và Tổng kho Xăng dầu Đức Giang, địa chỉ tại số 26 phố Đức Giang, diện tích hơn 159.000m2.
Tại quận Đống Đa và quận Bắc Từ Liêm cùng có một cơ sở, lần lượt là Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp số 167/6 phố Phương Mai, diện tích hơn 800m2 và Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam tại phường Phúc Diễn, diện tích hơn 30.000m2.
Nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch trên địa bàn TP không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn tạo dư địa phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện những vấn đề liên quan đời sống dân sinh, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân trên địa bàn Thủ đô.
KTS. Phạm Hoàng Phương (Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng) đánh giá, 9 cơ sở thuộc diện phải di dời theo quyết định của UBND TP. Hà Nội đều nằm trong khu vực nội đô, có quy mô diện tích lớn từ một vài đến hàng chục ha nên việc duy trì sản xuất công nghiệp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân, cản trở sự phát triển của Thủ đô, vì vậy việc di dời là cần thiết.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, do hiện trạng quy hoạch sử dụng đất nhiều trường hợp hiện khá phức tạp, một số đã được chuyển đổi một phần trong thời gian trước đây nên cần sớm xây dựng các phương thức chuyển đổi sử dụng đất những cơ sở trên một cách đồng bộ và thống nhất. Công năng cho những khu đất này sau khi chuyển đổi nên là các không gian công cộng hữu ích, để bổ sung gia tăng thêm không gian công cộng, vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa cộng đồng đang rất thiếu trong khu vực nội đô Hà Nội hiện nay.
Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng thông tin, đến thời điểm này, Hà Nội đã có đầy đủ khung pháp lý để di dời cơ sở công nghiệp trong nội thành đến khu vực mới phù hợp quy hoạch. Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu cũng đã định hướng rất rõ về không gian phù hợp với từng khu vực đô thị, quy định chức năng cho mỗi lô đất công nghiệp sau khi di dời.
Như 9 cơ sở nêu trên, trong quy hoạch phân khu đã xác định sau di dời đều có chức năng công cộng, cây xanh, trường học, đất hỗn hợp, bãi đỗ xe… “Để đẩy nhanh việc tái thiết đô thị từ quỹ đất di dời các cơ sở công nghiệp cũ, TP cần sớm lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, dự án đầu tư xây dựng, thiết kế - đầu tư xây dựng công trình theo từng lô đất, khu đất. Tạo lập không gian công cộng, sáng tạo, phù hợp chức năng sử dụng đất theo quy hoạch. Đặc biệt, ưu tiên phát triển đủ hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và không gian công cộng phục vụ người dân. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến việc bảo tồn, gìn giữ, nâng cao những di sản công nghiệp có giá trị” - ông Nguyễn Đức Hùng đề xuất.
Di dời không có nghĩa là xóa bỏ hoàn toàn
Phần lớn cơ sở di dời là các công trình gắn liền với một giai đoạn lịch sử xây dựng rất hào hùng, đi vào trong nhiều tác phẩm nghệ thuật, hội họa, thơ ca, đặt nền móng cho sự phát triển của Thủ đô và Quốc gia, có giá trị rất lớn trong việc lưu giữ và tạo dựng bản sắc đô thị. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc di dời để đảm sử dụng quỹ đất theo đúng quy hoạch cần một chiến lược chuyển đổi công năng, bảo tồn và phát huy giá trị phù hợp.
Thay vì phá bỏ tất cả, Hà Nội nên giữ lại một phần hoặc toàn bộ nhà máy cũ để làm chứng nhân lịch sử một thời. Cùng với đó, các nhà máy cũ có thể được chuyển đổi thành không gian hoạt động nghệ thuật, sáng tạo, khởi nghiệp…
Theo KTS. Phạm Hoàng Phương, Hà Nội cần nghiên cứu đánh giá, xây dựng phương án di dời và tái phát triển chi tiết đối với từng trường hợp cơ sở xí nghiệp, nhà máy cụ thể, làm rõ chất lượng kiến trúc và kết cấu các hạng mục công trình xây dựng cũ để có thể bảo tồn tái sử dụng hoặc bắt buộc phá dỡ. Khi quy hoạch tái thiết các không gian này cần có chất lượng sử dụng cao với không gian cuốn hút, kèm theo nhiều hình thức trang trí (tượng, phù điêu, ánh sáng, cây xanh…) phù hợp đặc sắc, trở thành điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan cho từng khu vực đô thị, điểm vui chơi, check in, nghỉ ngơi sôi động, thú vị cho người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Đồng tình quan điểm, TS.KTS. Nguyễn Việt Huy (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) khẳng định, việc di dời các nhà máy ra khỏi nội đô không có nghĩa là xóa bỏ hoàn toàn mà nhằm tạo điều kiện phát triển tốt hơn. Phần vỏ của nhiều nhà máy ngoài giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa… còn có giá trị về không gian cần ứng dụng vào các chức năng có ích khác. Đó chính không gian sáng tạo, không gian công cộng, không gian văn hóa nghệ thuật… Đây là cơ hội để đem lại nhiều lợi ích cả về kinh tế, văn hóa, đô thị, nhất là hầu hết cơ sở nằm trong danh mục di dời đều nằm ở những vị trí đắc địa như Nhà máy thuốc lá Thăng Long, Nhà máy Bia Hà Nội…
“Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia đã quan tâm đến việc phát huy và bảo tồn các di sản công nghiệp, kiến thiết lại những công trình kiến trúc nhà máy, công xưởng cũ thành những công viên giải trí, văn hóa, góp phần hiệu quả trong việc phát triển công nghiệp văn hóa. Những mô hình này được đánh giá là yếu tố giúp cải thiện môi trường sống của người dân, mang đến tác động tích cực cho cộng động” - TS.KTS. Nguyễn Việt Huy chia sẻ.
Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 với nhiều hoạt động văn hóa di sản hấp dẫn được tổ chức thành công tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm hay trường hợp Khu nhà trưng bày trong khuôn viên Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đã thực hiện rất thành công việc lưu giữ các giá trị kiến trúc, tái hiện truyền thống và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử. Đó là những gợi ý tốt cho Hà Nội đưa ra những định hướng trong các bản quy hoạch về tái thiết bền vững các di sản công nghiệp.
KTS. Phạm Hoàng Phương - Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng