Aa

Tài xế vi phạm luật có thể bị tước bằng vĩnh viễn

Chủ Nhật, 13/01/2019 - 08:06

Trước hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết sẽ áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn trong thời gian tới. Lái xe vi phạm sẽ đối diện nguy cơ bị tước GPLX vĩnh viễn.

  Nhiều biện pháp cứng rắn để kéo giảm tai nạn giao thông sẽ được áp dụng trong năm 2019. Ảnh: TL

Nhiều biện pháp cứng rắn để kéo giảm tai nạn giao thông sẽ được áp dụng trong năm 2019. Ảnh: TL

Xử nặng lái xe vi phạm

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, tính từ ngày 16/11/2017 đến 15/11/2018, toàn quốc xảy ra hơn 18.700 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 8.200 người, bị thương hơn 14.800 người. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ TNGT giảm 1.348 vụ, số người chết giảm 33 người, số người bị thương giảm 2.238 người. Số nạn nhân trẻ em dưới 18 tuổi bị tử vong do TNGT là 1.442 người (chiếm 6,6%), giảm 194 người so với năm 2017.

Còn theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, năm 2018, tai nạn giao thông cả nước chỉ đạt được hai mục tiêu là giảm số vụ và số người bị thương. Riêng số người chết chỉ giảm 0,4%, không đạt mục tiêu đưa ra là giảm 5%. Thừa nhận nguyên nhân về tai nạn giao thông có nhiều lý do, tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng rõ ràng là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận tài xế chưa tốt. Tài xế không chấp hành hiệu lệnh, uống rượu bia, sử dụng ma túy… Đa số các vụ tai nạn vừa qua đều có liên quan đến tài xế. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sẽ đánh trượt ngay các thí sinh vi phạm một số lỗi trong sát hạch như không dừng đèn đỏ, vi phạm đường đèo, vi phạm tại các gác chắn đường sắt.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, sắp tới sẽ có một số quy định ràng buộc trách nhiệm chủ phương tiện theo hướng xử lý rất nặng lỗi này. Thậm chí, một số vụ tai nạn chết người đặc biệt nghiêm trọng có thể thu hồi phương tiện, cấm tài xế đó không được lái xe vĩnh viễn. Hiện Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam thời gian tới siết việc học, thi cử và cấp bằng cho lái xe con và xe tải; từ các khâu học, giảng viên dạy cho tới thực hành, nhất là trên sa hình sẽ có nhiều thay đổi.

Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức học thi cấp bằng lái xe, tất cả các lái xe khi ra đường phải vững vàng nghiệp vụ, tư cách đạo đức tốt, chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, tăng thời lượng giáo trình để lái xe biết vấn đề cơ bản về Luật giao thông, tổ chức thi cử công khai minh bạch để cấp bằng. Những đối tượng không nắm vững lý thuyết và thực hành thì phải loại. Thi bằng lái lên những loại xe container, xe quá khổ quá tải thì trình độ năng lực phải thật tốt, đảm bảo vận hành an toàn cho người tham gia giao thông.

Sẽ kiểm tra đột xuất việc sát hạch lái xe

Bộ GTVT cũng cho biết, đơn vị này vừa phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý GPLX đảm bảo an toàn giao thông. Đề án đưa ra nhiều giải pháp nhằm quản lý chặt, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, cấp GPLX. Mục tiêu của đề án nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, khai thác hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và đảm bảo chất lượng của đội ngũ lái xe.

Đồng thời, phát huy hiệu quả của các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch hiện có với quy mô theo hướng hiện đại, phù hợp với khả năng đầu tư và đặc điểm của từng địa phương. Bộ GTVT sẽ tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất và giám sát công tác đào tạo lái xe tại tất cả các Sở GTVT trong toàn quốc. Xử lý nghiêm, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi giấy phép đào tạo các cơ sở đào tạo lái xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn.

Năm 2019, thực hiện năm ATGT 2019 với chủ đề “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”, Bộ GTVT công bố chỉ tiêu quyết tâm giảm TNGT từ 5-10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2018; kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.

Bộ GTVT cũng sẽ tăng cường tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải và phối hợp các hiệp hội vận tải, hiệp hội nghề nghiệp, hiệp hội chủ hàng để trao đổi, nắm bắt và tiếp nhận thông tin để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; nâng cao điều kiện an toàn giao thông; xử lý hiệu quả các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, các vị trí đường ngang đường sắt; thực hiện đồng bộ công tác thẩm định, thẩm tra ATGT, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Sắp tới Bộ GTVT sẽ phối hợp với các lực lượng của Bộ Công an và các địa phương tăng cường điều tiết, bảo đảm ATGT.

Đặc biệt, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đã có nguồn vốn, các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án quan trọng của ngành; Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; triển khai dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, dự án cảng hàng không Long Thành, mở rộng cảng hàng không Tân Sơn Nhất bảo đảm kế hoạch đề ra; Hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; Kịp thời xử lý có hiệu quả các vướng mắc, tồn tại trong quá trình thu phí hoàn vốn các dự án BOT. Đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng...

Sẽ xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ GTVT, Bộ Công an và các địa phương trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ người lái xe khi tham gia giao thông cũng như khi tham gia học, sát hạch, cấp GPLX. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Công an chia sẻ dữ liệu vi phạm của người lái xe, không để xảy ra tình trạng người bị tạm giữ GPLX giả khai báo mất để được cấp lại.

 

Minh Anh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top