Aa

Talkshow: Khó đến mức cứ để thị trường méo mó?

Yên Trung
Yên Trung huongbt.ajc@gmail.com
Thứ Hai, 26/11/2018 - 06:00

Chia sẻ về tính khả thi của việc xây dựng nên hệ thống thông tin chính thống cho thị trường bất động sản, GS.TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – cho rằng, hệ thống thông tin đất đai cơ sở căn bản đã có nên việc này không khó, có thể làm được. Và chỉ khi làm được thì thị trường mới phát triển một cách minh bạch, không méo mó, không lên xuống bất thường...

Talkshow: Xây dựng hệ thống thông tin cho thị trường bất động sản

Video: Thảo Liên 

Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng mới đây đã phát đi cảnh báo về việc trên các trang mạng xã hội đăng tải văn bản giả mạo có nội dung đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng cầu nối đi qua một khu đô thị trên địa bàn thành phố. Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT-TT TP. Đà Nẵng khẳng định sau khi phát hiện văn bản, Sở đã chủ động liên hệ với các cơ quan liên quan để xác minh thật giả. Sau khi xác minh, đơn vị này khẳng định đây là văn bản giả được tung ra nhằm mục đích tạo cơn sốt đất trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ.

Đây không phải là lần đầu tiên các văn bản giả, thông tin giả chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được tung ra thị trường với mục đích thổi giá, tạo cơn sốt đất.

Tình trạng thông tin giả, thông tin không được kiểm soát xuất hiện ngày càng nhiều đã có tác động không nhỏ đối với thị trường bất động sản các tỉnh thành phố, tạo nên những cơn sốt không lý do hay những đợt trầm lắng bất thường. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin chính thống được xác minh, được quản lý chặt chẽ là ngày càng cấp thiết, để đảm bảo một thị trường minh bạch, công khai.

Tham gia chương trình Talkshow Góc nhìn đa chiều của Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam Reatimes, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, sự việc thông tin giả ở Đà Nẵng chỉ là một trong nhiều sự việc bị phát hiện mới đây, gây tác động xấu đến thị trường. Xuất phát từ việc không có các nguồn thông tin công khai nên tạo cơ hội cho kẻ xấu phát ra thông tin giả còn khách hàng cũng không biết dựa vào đâu để xác minh.

“Chính phủ đã có định hướng rất rõ ràng về hệ thống thông tin. Những luật mới ban hành từ năm 2014 đến nay đều có một chương về hệ thống thông tin, không luật nào không có. Tức là định hướng về mặt pháp luật chúng ta đã có. Nhưng trên thực tế thì gần như việc này vẫn đang dậm chân tại chỗ. Việc thông tin nhiễu loạn sẽ làm sai lệch thị trường cùng nhiều hệ luỵ tiêu cực. Làm cho thị trường đang yên lành có thể tự nhiên sốt, hoặc mặt bằng giá đang bình yên thì tự nhiên bị đẩy cao, tăng vọt lên vô cớ...

Ngoài ra còn có thể có những hệ lụy khác. Ví dụ, có truờng hợp nhiều phôi giấy chứng nhận bị mất ở nơi này nơi kia hoặc trường hợp ra thông báo thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi sổ đỏ rồi nhưng người cầm giấy đó không nộp lại, giấy chứng nhận đó có thể vẫn được giao dịch trôi nổi trên thị trường hoặc có thể đang nằm trong ngân hàng để thế chấp cho các khoản vay mà ngân hàng không biết… Tất cả những trường hợp đó đều là vì thiếu thông tin công khai”, ông Võ phân tích.

Theo ông Võ, hiện nay, dù thị trường có nhiều đơn vị cùng tham gia đưa ra các báo cáo hàng tháng, hàng quý và đưa ra các dự báo, tuy nhiên mới chỉ là dự báo định tính, chưa mang tính định lượng, chưa được kiểm soát dẫn đến tình trạng thông tin khác nhau, thậm chí trái ngược.

“Chưa có chỉ số nào chính xác và cụ thể để đưa ra các dự báo như thị trường bong bóng hay phân khúc nào sẽ có thể dư cung dẫn đến trầm lắng hay phân khúc nào nguồn cung còn thiếu để tập trung đẩy mạnh đầu tư. Chúng ta mới chỉ nói suông với nhau”, ông Võ nêu nhận định.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, ở thời đại hiện nay, trong khi cụm từ cách mạng công nghiệp 4.0 được nhắc đến nhiều, nhưng dường như chưa ai thực sự nhìn vào khái niệm đơn giản nhất của cuộc cách mạng này.

“Cách mạng 4.0 là giai đoạn mà chúng ta dựa chủ yếu vào thông tin để từ đó làm ra các giá trị gia tăng trong đó giá trị gia tăng về mặt quản lý là cao nhất. Nếu muốn tiếp cận được đến với cuộc cách mạng 4.0 này thì ít nhất phải có một hệ thống thông tin đầy đủ, chính xác của tất cả các ngành mà trong đó, việc đầu tư phát triển trên đất, bao gồm cả bất động sản là rất quan trọng. Để có những bất động sản thông minh, đô thị thông minh, thành phố thông minh, xã hội thông minh, hệ thống quản lý thông minh thì chắc chắn không có gì quan trọng hơn là chúng ta phải có một hệ thống thông tin đầy đủ, chính xác, được cập nhật kịp thời, được kết nối online.

Thông tin, đặc biệt là thông tin về bề mặt đất mà chúng ta đang quản lý là thông tin cơ bản của 4.0 và thông tin đó phải thật đầy đủ. Đấy là cơ sở để chúng ta tạo dựng việc kết nối thông tin với mọi đối tượng khác cùng hoạt động trên bề mặt đất. Nếu không có hệ thống thông tin bất động sản thì làm sao có được đô thị thông minh, đô thị 4.0?”, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt câu hỏi.

Không chỉ công khai thông tin, theo ông Võ việc các thông tin về bất động sản được đưa ra thị trường cũng phải được kiểm soát, tránh trường hợp nhiều đơn vị cùng đưa ra báo cáo thị trường nhưng mỗi đơn vị lại có những chỉ số khác nhau, gây nhiễu loạn, hoang mang.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, đối với thị trường bất động sản, cách tốt nhất là việc kiểm soát hệ thống thông tin chính thống phải do cơ quản quản lý nhà nước với trách nhiệm cao nhất được giao theo pháp luật. Bộ Xây dựng phải yêu cầu các nơi nộp báo cáo như báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán nội bộ, báo cáo tiến độ dự án, báo cáo tiến độ bán hàng,… một cách chính thống, chính xác, phải chịu trách nhiệm với báo cáo của mình.

Nêu quan điểm về vấn đề thiếu vốn mà Bộ Xây dựng đang gặp phải trong xây dựng hệ thống thông tin, ông Võ cho rằng đó không phải lý do chính thức.

“Chính phủ đã đầu tư khá nhiều kinh phí cho hệ thống thông tin. Vậy để có hệ thống thông tin bất động sản thì cái nền để bắt đầu là nền về đất đai.

Nghị quyết của Quốc hội là năm 2013 phải hoàn thành cơ bản việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và theo báo cáo thì 80% thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận, có nghĩa là 80% số lượng thửa đất hiện nay đã được đo đạc. Vậy nền tảng đó đã đủ để cho thị trường bất động sản phát triển hay chưa? Tôi cho rằng quá đủ, bởi vì từ đấy thì chúng ta sẽ rà lại tất cả những dự án bất động sản được phê duyệt. Những dự án này “đặt lên” hệ thống bản đồ địa chính thì sẽ có được một cái thiết kế theo quy hoạch. Từ đấy ta có thể dựng được lập thể để có thể nắm được là đã triển khai được đến đâu, tiến độ thế nào. Điều đó làm rất dễ, không khó, không đòi hỏi kinh phí nhiều. Kinh phí nhiều chỉ đòi hỏi ở khâu thu thập dữ liệu nhưng cái nền về đất đai đã có thì việc thu thập dữ liệu từ các dự án bất động sản tôi cho rằng không phải là câu chuyện lớn”, GS. Đặng Hùng Võ phân tích.

GS. Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, điều quan trọng là phải xây dựng một quy trình thu thập thông tin dữ liệu và báo cáo. Nếu cá nhân, đơn vị nào không tuân thủ quy trình đó thì có hình thức xử lý. Quy trình này cần sự tham gia của tất cả các chủ thể trong đó cơ quan quản lý nhà nước là trung tâm vì hệ thống thông tin phục vụ cho lợi ích của toàn dân. Tiếp theo là phải có sự tham gia tích cực của chủ đầu tư dự án, của người mua nhà, mua bất động sản, rồi sự tham gia của người dân, bằng cách đống góp thông tin mình đang có để có thể hoàn chỉnh hệ thống thông tin đầy đủ chính xác.

Từ việc xây dựng hệ thống dữ liệu thành công, sẽ lập được một mặt bằng phát triển bất động sản và đánh giá được tiến độ các dự án hay số liệu bán sản phẩm bất động sản ở từng phân khúc, từng khu vực để từ đó hiểu được thị trường đang cần gì, thiếu gì,… Hơn hết là để thị trường được minh bạch.

“Nếu làm được việc này thị trường sẽ phát triển rất tốt. Nếu thiếu công khai minh bạch thì nguy cơ tham nhũng là cực kỳ lớn. Có thể là nhà đầu tư bịt mắt người dân, che mắt cơ quan quản lý, cơ quan quản lý cũng không có đủ thông tin để đưa ra các quyết định quản lý chính xác và như vậy thì thị trường sẽ méo mó và không công bằng. Tất cả những điều này đều dẫn tới một sự không công bằng, mà xã hội thiếu công bằng thì không thể phát triển.

Việc có thông tin chính thống không chỉ thuận lợi cho quản lý, thuận lợi cho người tham gia giao dịch mà điều quan trọng nhất là có thể chống tham nhũng trong thị trường bất động sản, để đảm bảo lợi ích của các bên được chia sẻ theo đúng quy định của pháp luật”, GS. Đặng Hùng Võ kết luận.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top