Aa

Loạn kênh thông tin thị trường địa ốc

Thứ Sáu, 24/08/2018 - 14:01

Loạn kênh thông tin thị trường địa ốc; Bình Thuận: Chỉ đạo hoả tốc về việc phân lô, bán nền... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Loạn kênh thông tin thị trường địa ốc

Do nguồn cung lớn, để cạnh tranh và bán hàng nhanh, đa phần các chủ đầu tư dự án bất động sản chọn cùng lúc nhiều đơn vị phân phối. Để đẩy mạnh bán hàng, các đơn vị phân phối này cũng đẩy mạnh marketing, nhất là hoạt động marketing online trên các diễn đàn, các website rao vặt để lôi kéo khách hàng.

Gõ cụm từ "mua bán nhà đất Hà Đông" trên công cụ tìm kiếm của Google, chỉ trong 0,69 giây, có tới hơn 49 triệu kết quả. Trong số các trang hiển thị đầu tiên, nhiều nhất là alonhadat.com.vn; batdongsan.com.vn, nha.chotot.com, muabannhadat.vn, nhadat24h.net, kenhbds.vn… Khi vào từng trang web trên, không quá khó để thấy rất nhiều sản phẩm cùng diện tích, cùng khu vực, thậm chí thuộc cùng 1 dự án, nhưng mức giá chênh nhau với những cam kết ưu đãi rất khác nhau.

Trong vai người có nhu cầu mua nhà, quan tâm tới một quảng cáo bán căn hộ chung cư cao cấp có diện tích 70 m2, có thiết kế đẹp, hiện đại, hai mặt tiền, với dịch vụ tiện ích xung quanh đa dạng như hồ bơi, sân vườn, nhà xe rộng rãi…, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản được môi giới rao tin này dẫn đến xem thực tế căn hộ. Tuy nhiên, khi xem thực tế, thì căn hộ này đã qua sử dụng và không “lung linh” như hình quảng cáo, trong khi dự án cũng chỉ là một khu tập thể cũ được cơi nới lại, hạ tầng thiếu đủ thứ, chứ không phải là chung cư cao cấp với các tiện ích được tô vẽ.

Hiện có nhiều trang thông tin rao vặt bất động sản khiến người tiêu dùng hoa mắt. Ảnh: Dũng Minh

Hiện có nhiều trang thông tin rao vặt bất động sản khiến người tiêu dùng hoa mắt. Ảnh: Dũng Minh

Khi tỏ thái độ bức xúc vì quảng cáo không đúng sự thật và hình ảnh trên web cũng không đúng căn nhà được rao, giống như lừa đảo khách hàng, phóng viên (trong vai khách hàng) được môi giới giải thích là phải làm vậy để không cho các “cò” khác biết căn nhà đó ở đâu, mới không bị rơi mối.

Điều đáng nói, khi phản ánh việc rao bán thiếu trung thực tới các website đăng tin, thì các trang này cho biết, đây là trách nhiệm thuộc về người rao tin, website không chịu trách nhiệm.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, hiện có không ít môi giới và sàn môi giới bất động sản khi đăng rao bán trên các trang web rao vặt thường để ở mức giá hấp dẫn, nhằm thu hút người mua. Khi khách gọi đến thì cho biết “vừa bán xong”, nhằm tạo nên sự khan hàng, sau đó thuyết phục khách mua lại với giá cao hơn, hoặc hướng tới dự án khác. Với các chiêu này, các “cò” nhà đất và sàn môi giới có thể kiếm thêm tiền chênh, ngoài hoa hồng môi giới từ 2 - 3% từ chủ đầu tư hoặc chủ nhà.

Xem chi tiết tại đây.

Bình Thuận: Chỉ đạo hoả tốc về việc phân lô, bán nền

Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu UBND TP. Phan Thiết và UBND các huyện, thị xã kiểm soát, quản lý hiệu quả việc thực hiện các dự án đảm bảo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mục đích sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt trên địa bàn quản lý; kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng đất, việc cập nhật các đồ án quy hoạch xây dựng được phê duyệt vào quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, xử lý nghiêm túc, kịp thời đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, nhất là việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tự phát; thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật đất đai, nhà ở khi giải quyết thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà ở, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện chuyển nhượng...

Xem chi tiết tại đây.

Bà Rịa – Vũng Tàu “ra lệnh” ngưng tách thửa, phân lô bán nền

Ngày 23/8, ông Trần Ngọc Cẩm Tuấn, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, ông vừa ký công văn gửi các phòng chuyên môn, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thành phố, thị xã về việc ngưng thực hiện thủ tục tách thửa, phân lô bán nền.

Cụ thể, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu trưởng các phòng chuyên môn, giám đốc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thành phố, thị xã tạm ngưng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ tách thửa, san lấp mặt bằng, phân lô bán nền trên địa bàn kể từ ngày 15/8/2018.

Đối với những hồ sơ tiếp nhận trước ngày 15/8/2018, các chi nhánh phải thống kê, lập báo cáo danh sách cụ thể về Văn phòng đăng ký đất đai trước ngày 25/8/2018 và tiếp tục giải quyết theo quy định.

Đồng thời, Văn phòng Đăng ký đất đai giao Phòng Đăng ký và cấp giấy chứng nhận khẩn trương tham mưu việc điều chỉnh Quyết định 23/2017/QĐ-UBND ngày 15/9/2017 (Quyết định 23) quy định về tách thửa trên địa bàn tỉnh và báo cáo trong tháng này.

Xem chi tiết tại đây.

Đất vàng Hạ Long bị bỏ hoang vì Dự án khách sạn triệu đô "ngậm" đất

Khách sạn Sheraton Hạ Long Bay được khởi công vào tháng 10.2015 với dự kiến quy mô 265 phòng cùng đầy đủ các tiện nghi cao cấp theo đúng tiêu chuẩn quốc tế cho một khách sạn 5 sao, 68 căn hộ cho thuê, khu dịch vụ tiền sảnh, quầy bar, nhà hàng, lễ tân, quầy lưu niệm, các phòng nhỏ, khu thư giãn, sảnh đợi, bể bơi, phòng tập thể dục, khu spa và các tổ hợp dịch vụ, chăm sóc sức khỏe, tổ chức sự kiện khác. 

Lý do chậm tiến độ ban đầu là do tháng 3.2016, chủ đầu tư dự án là công ty Cổ phần Thể thao và Giải trí Club M đề nghị thay đổi quy mô, thiết kế của dự án  theo hướng mở rộng quy mô, bổ sung thêm hạng mục tòa nhà văn phòng, dịch chuyển vị trí khách sạn về phía biển.

Lý do chậm tiến độ ban đầu là do tháng 3.2016, chủ đầu tư dự án là công ty Cổ phần Thể thao và Giải trí Club M đề nghị thay đổi quy mô, thiết kế của dự án theo hướng mở rộng quy mô, bổ sung thêm hạng mục tòa nhà văn phòng, dịch chuyển vị trí khách sạn về phía biển.

Khách sạn Sheraton được hoàn thành khi đưa vào sử dụng được kỳ vọng là một phần trong chuỗi dịch vụ xung quanh vịnh Hạ Long, góp phần thúc đẩy dịch vụ du lịch địa phương phát triển.

Xem chi tiết tại đây.

Đề nghị thu hồi dự án 10 năm “không lớn” của tập đoàn Việt Á

Theo báo cáo của Đoàn Giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP Hà Nội, Dự án khu đô thị Việt Á, tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh do Công ty CP Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á làm chủ đầu tư.

Dự án được giao đất tại Quyết định số 2729/QĐ-UBND ngày 29.7.2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, diện tích được giao là 23,017ha. Dự án này không có trong danh sách 161 dự án chậm triển khai theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Theo báo cáo của UBND huyện Mê Linh, dự án thuộc nhóm phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, đề nghị TP Hà Nội chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương thực hiện điều chỉnh, phối hợp với huyện thực hiện giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án. 

Xem chi tiết tại đây.

Chặn cơn sốt giá đất nền, nhà phố

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, thời gian qua có sự tăng đột biến giá đất nền và nhà phố. Thậm chí, có nơi nhà đất riêng lẻ tăng lên tới 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, từ đầu năm 2017 đến những tháng đầu năm 2018, xuất hiện các đợt sốt ảo giá đất nền tự phát, đất nông nghiệp phân lô trái phép tại một số quận, huyện ngoại thành như: quận 9, quận Thủ Đức, quận 2, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ,… Tại quận 9, đất nền phân lô nhỏ lẻ tại các trục đường Nguyễn Duy Trinh, Võ Văn Hát, Lã Xuân Oai, Tam Đa, Gò Cát,... đồng loạt tăng giá cao. Đáng chú ý, xuất hiện nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, trong đó có cả giới đầu cơ, đầu nậu, cò đất chuyên nghiệp làm giá, thổi giá, tạo sóng, lướt sóng đẩy giá ảo đất nền, đất nông nghiệp rất cao so với giá trị thực để trục lợi. Cá biệt, có những trường hợp mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật, trong đó phần lớn là mua bán, chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư thứ cấp, kinh doanh lướt sóng kiếm lời. Thủ phạm chính là giới đầu nậu, cò đất với thủ đoạn đầu cơ, thổi giá, tạo sóng tại một số địa phương.

Theo Sở Xây dựng, việc tăng giá như trên là chưa đúng với giá trị sản phẩm, chưa phù hợp với tiến độ hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của dự án cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị của TP.HCM đang triển khai.

Nhận định về hệ lụy của cơn sốt đất nền, ông Lê Hoàng Châu khẳng định: “Cơn sốt giá ảo này có gây tác hại cho thị trường bất động sản, làm lệch pha dòng tiền đầu tư, gây thiệt hại rất lớn cho những nhà đầu tư thứ cấp lướt sóng nhưng không bán được sản phẩm khi thị trường hạ nhiệt”. Vẫn theo ông Châu, các cơn sốt giá ảo đất nền tự phát, đất nông nghiệp phân lô trái phép thu hút một phần nguồn vốn tín dụng và vốn đầu tư của xã hội làm giảm nguồn vốn đầu tư vào các dự án căn hộ. Một phần không nhỏ tín dụng tiêu dùng bị sử dụng sai mục đích, chuyển hướng vào đầu tư kinh doanh bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trong năm 2017 tăng gần 15% so với năm 2016 và chiếm 18% trong tổng tín dụng, trong đó, có 52,9% tổng tín dụng tiêu dùng cho vay với mục đích mua nhà, xây nhà, sửa chữa nhà ở (tăng 3,4% so với năm 2016) mà một phần không nhỏ đã chuyển qua kinh doanh bất động sản.

Xem chi tiết tại đây.

Khu đô thị Tân Tây Đô "khát" nước sạch: Sở Xây dựng Hà Nội vào cuộc

Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ trì cuộc họp bàn giải pháp cấp nước sạch cho người dân khu đô thị Tân Tây Đô trên tinh thần hợp tác và mong muốn tìm được tiếng nói chung.

Buổi họp có sự tham gia của nhiều bên, gồm UBND huyện Đan Phượng, chủ đầu tư cấp 1 của khu đô thị Tân Tây Đô là Công ty TNHH Xuân Phương, hai chủ đầu tư thứ cấp là Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Tuấn Quỳnh và Công ty Cổ phần Hải Phát; đơn vị đang cấp nước cho khu đô thị là Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ môi trường Việt Nam và Công ty Cổ phần nước sạch Tây Hà Nội.

Trước đó, hàng nghìn người dân tại Khu đô thị Tân Tây Đô đã căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư thứ cấp Hải Phát phải cấp nước sạch cho người dân. Do nguồn nước mà họ sử dụng suốt 5 năm qua có chứa hàm lượng Asen, Amoni (các chất gây ung thư) gấp 3 đến 6 lần mức cho phép.

Đầu tháng 06/2018, Sở Xây dựng đã đưa ra đề nghị các đơn vị liên quan liên hệ với Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội để nghiên cứu, thực hiện đầu tư bổ sung đấu nối nguồn cung cấp nước sạch từ hệ thống mạng lưới cấp nước do Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội sử dụng nguồn nước sạch sông Đà. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề nước sạch cho người dân vẫn là một vấn đề nhức nhối, chưa được giải quyết triệt để.

Tại buổi họp, đại diện của Công ty nước sạch Tây Hà Nội tỏ thái độ đồng tình, nhất trí hoàn toàn với quan điểm của sở. Đơn vị này yêu cầu chủ đầu tư phải cùng hợp tác, chung tay xây dựng hệ thống nước sạch cho người dân, chủ động liên hệ với Tây Hà Nội để đưa ra phương án, chứ không thể đùn đẩy trách nhiệm.

Xem chi tiết tại đây.

Dừng trả quyền lợi đối ứng BT, nguy cơ tắc dự án hạ tầng

Cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT. Đầu tháng 8, cơ quan này có văn bản yêu cầu kể từ ngày 1/1/2018, tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công, trong đó có đất đai để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định vấn đề này có hiệu lực thi hành.

Điều này gây nhiều băn khoăn cho không chỉ các nhà đầu tư, mà ngay cả với các địa phương đang hợp tác triển khai các dự án BT, bởi nếu việc này được triển khai nghiêm túc, thì các dự án đã tiến hành từ đầu năm đến nay sẽ bị dừng bàn giao quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư. Trong khi đó, để triển khai các dự án hạ tầng, nhà đầu tư đã phải bỏ ra một lượng tiền rất lớn để thực hiện các hạng mục như đền bù, giải phóng mặt bằng, thiết kế, thi công… Trong đó, nhiều hạng mục của dự án thậm chí phải chi tiền triển khai trước khi các hợp đồng được ký kết.  

Sự chậm trễ này cũng gây thiệt hại cho cả Nhà nước lẫn người dân vì chắc chắc, các nhà đầu tư sẽ phải tạm dừng để nghe ngóng trước khi có quyết định mới.

“Nếu tạm dừng trả quyền lợi đối ứng đối với hình thức đầu tư này vô thời hạn thì nhà thầu kiêm nhà đầu tư sẽ thiệt hại lớn. Do đó, công trình, dự án BT được lựa chọn theo đúng quy định, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì nên cho tiếp tục triển khai bình thường. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền có thể thực hiện kiểm toán lại công trình đó để đảm bảo khách quan, minh bạch. Sau này, với các quỹ đất đối ứng có thể đưa ra đấu giá và lấy tiền thanh toán lại cho nhà thầu. Vì bản chất của BT là bàn giao công trình và nhận tiền, nhưng không có tiền nên thanh toán bằng quỹ đất thay thế”, ông Lê Hoàng Châu chia sẻ thêm.

Trao đổi với báo chí, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Luật Basico cũng cho rằng, việc thanh toán quyền lợi đối ứng cho các công trình BT vẫn phải theo quy định hiện hành, cho đến khi có quy định mới.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top