Nhóm thiện nguyện khởi đầu từ “3 anh phụ buýt”
Quặt vào ngõ nhỏ gần cầu Vĩnh Tuy (Long Biên), Thủy dẫn chúng tôi tới một không gian khá yên tĩnh và ấm cúng. Ánh đèn vàng phản chiếu gương mặt điển trai, từng được cộng đồng mạng đặt cho danh xưng “Hot boy xe buýt” năm nào. Hằng ngày, anh dậy từ 3h30 để chuẩn bị cho công việc. Làm phụ xe buýt nhiều năm trên tuyến xe số 15 (bến xe Gia Lâm - Phố Nỉ), nụ cười tỏa nắng dường như đã trở thành thương hiệu của chàng trai trẻ.
“Cứ khoảng 3 rưỡi sáng mình ra khỏi nhà, chiều về, tối đi phát đồ ăn cho người vô gia cư, không đi thì ở nhà làm kế hoạch các chuyến đi thiện nguyện”. Hỏi về quyết định không theo học đại học mà đi làm luôn, Thủy cười hiền nói đó là cái duyên. Thời cấp 3, thường xuyên đi lại bằng xe buýt, chẳng biết từ khi nào, ước mơ được làm người “hướng dẫn viên xe buýt” cứ lớn dần trong anh. Anh yêu cái cảm giác được đứng trên xe buýt, được giúp đỡ mọi người, chỉ dẫn lên xuống.
Nhắc đến thiện nguyện, ánh mắt Thủy lấp lánh, sáng đến lạ kỳ. “Sao Thủy lại thích đi từ thiện?” - Thủy lắc đầu cười, sửa lại câu hỏi của chúng tôi: "Mình không hẳn đi từ thiện đâu, chính xác hơn là làm việc thiện tâm”. Mở điện thoại, Đinh Xuân Thủy cho chúng tôi xem những bức ảnh ngày đầu đi làm thiện nguyện. “Hồi đầu chỉ có mình với hai ông bạn cùng làm phụ xe đi, sau rồi thành nhóm lớn”.
Ngày 20 tháng 5 năm 2016, đăng dòng tâm sự trên tài khoản mạng xã hội rằng muốn đi làm cái gì đó cho những người vô gia cư, Thủy lập tức nhận được sự ủng hộ của hai đồng nghiệp. Tan ca vào lúc chiều tối, chàng trai phụ buýt tuyến 15 gọi điện về cho mẹ nhờ bà thổi xôi, rồi mấy anh em đi phát cho người vô gia cư xuyên từ 3h đêm đến sáng. Cái tên “Buýt thiện tâm” mà sau này đổi thành “Thiện Tâm An” bắt nguồn từ đấy. “Hồi đó mọi người hay gọi bọn mình là nhóm ba anh phụ buýt hơn”, Thủy tủm tỉm cười.
Khi chúng tôi hỏi về gia đình, anh lặng đi một chút. Ánh mắt nhìn chúng tôi hơi đượm màu buồn: “Mẹ mình với em gái vẫn khỏe. Bố mình mất cách đây cũng hơn 10 năm rồi, mất vì rượu…”, Thủy hơi ngừng một lát. Khoảnh khắc duy nhất từ lúc gặp mặt, chúng tôi mới thấy một Đinh Xuân Thủy hơi trầm lại, mất đi cái tếu táo và vui vẻ như ban đầu.
Vuốt vuốt tóc, anh nói tiếp, giọng điệu cương quyết mà chắc nịch: "Từ hồi bố mình mất, mình đặt ra mục tiêu từng ngày trôi qua phải sống thật ý nghĩa. Bố mình đã mất chính vì rượu thì mình cần phải biết cái gì nên hay không nên”.
Đối với chàng trai 9x, điều may mắn có lẽ đến từ chính người mẹ của anh. Bà là một công nhân môi trường, người cắt tỉa cành, trồng hoa làm đẹp thêm đường phố Thủ đô - một công việc vất vả nhưng cũng tràn đầy tự hào. Bà chưa một lần cấm cản cậu con trai mình “đi đêm về hôm”, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, chỉ quan tâm dặn dò cậu con trai duy nhất của mình lo gìn giữ sức khỏe, bởi có sức khỏe mới giúp được nhiều người hơn.
“Từ thiện dễ, thiện tâm mới khó”
Đó là câu mà Thủy nhắc đi nhắc lại với chúng tôi, anh cũng khẳng định mình không chỉ đi làm từ thiện, mà là thiện tâm. Bởi với anh, khi có thiện tâm rồi, trên đường gặp những mảnh đời khó khăn mình sẽ giúp đỡ, bao dung hơn.
“Nhiều người cho rằng, chỉ người nghèo khổ mới cần giúp đỡ. Quan điểm của mình thì khác, có người giàu họ vẫn khổ đấy thôi, khổ về tinh thần. Đôi khi một nụ cười chân tình cũng đủ khiến họ ấm lòng và có thêm động lực”.
Mỗi tháng, Thiện Tâm An tổ chức bốn đến năm kế hoạch, trọng tâm là phát đồ ăn đêm cho những người vô gia cư và người mưu sinh đêm. Thủy thường cùng với các thành viên trong nhóm tự tay xuống cơ sở gốc mua bánh, kiểm tra kỹ lưỡng hạn sử dụng trước khi tiến hành gói chúng lại.
Điểm đặc biệt nhất trong cách phát thiện nguyện của Thiện Tâm An là những phần ăn như bánh mì, sữa, bánh ruốc,...tất cả đều được mang đến chùa dâng lễ, cầu nguyện rồi mới đem đến cho những mảnh đời khó khăn. “Chúng mình làm vậy bởi lẽ, làm gì cũng cần cái tâm, chúng mình đem lễ trước để cầu bình an cho những người nhận phần đồ ăn ấy, mong họ khỏe mạnh”.
“Các bạn thường phát ở đâu?”, chúng tôi hỏi. Thủy gãi đầu: “Nhiều chỗ lắm, những chỗ tập trung đông người vô gia cư ấy. Như ở Ga Hà Nội, phố Huế, Tràng Thi, chợ Trời…”. Mở đầu mỗi điểm dừng chân luôn là câu chào thân thiện kèm nụ cười gần gũi: “Con chào ông/bà, chúng con có ít lộc chùa, con biếu ông/bà ăn ấm bụng”. Không hoa mỹ, không màu mè nhưng đủ sức sưởi ấm cõi lòng đơn độc của những mảnh đời không nhà trong tiết trời đông lạnh lẽo. Mỗi tháng, có gần hàng trăm suất quà được trao tặng cho mảnh đời chưa được may mắn.
Thủy cho chúng tôi xem bức ảnh được anh lưu trong điện thoại, được chụp ở bãi rác đoạn bến xe Lương Yên vào năm 2017, một kỷ niệm mà anh nhớ mãi không quên. Ngày đó, một bạn trong đoàn phát hiện ra bác gái lúi húi nhặt nhạnh đồ trong bãi rác cao, ngập bốn bề. Khi mình bảo “bác ơi chúng con có món quà tặng bác”, câu nói của bác khiến mình nghẹn đắng các cậu ạ! Bác ngạc nhiên thốt lên: “Ồ! Bác đứng ở trong này mà các cháu vẫn nhìn thấy à?”. Gương mặt mệt mỏi những vẫn cười, xung quanh toàn rác, mình vừa thương, vừa cảm động”.
Người đàn bà tầm tuổi mẹ anh. Trong khi người người nhà nhà quây quần thì dưới đêm đông rét mướt, bà phải lam lũ vì cuộc sống, vì gia đình. Điều tiếc nuối nhất đối với Thủy là đã không thể ở lại trò chuyện với bà lâu hơn, bởi biết đâu, anh có thể giúp đỡ bà thêm điều gì đó ngoài những chiếc bánh và hộp sữa. Phải sống có cái tâm sáng đến thế nào mới khiến anh băn khoăn suy ngẫm mãi như vậy. Bởi suy cho cùng, Đinh Xuân Thủy cũng chỉ là một người bình thường, gia đình anh cũng chẳng giàu có, nhưng anh sẵn sàng dành tiền và tâm sức để cho đi, chia sẻ đi.
Vào những ngày cuối năm, mỗi thành viên lại có những việc bận rộn của riêng mình, số người đi phát đồ cũng lúc đông lúc thưa. “Ít người quá thì có đi không?”, Thủy ngay lập tức khẳng định: "Một mình mình vẫn đi được, mình chỉ cần thiện tâm, có hôm một mình phát trăm suất ấy chứ. Điều mình cảm thấy vui nhất là nhìn thấy những người mình gặp họ nở nụ cười, họ hạnh phúc”.
Tính ra mỗi ngày, anh chàng phụ xe buýt này làm việc suốt 10 tiếng đồng hồ nhưng vẫn không hề xem nhẹ những kế hoạch thiện nguyện mình đã đề ra, không nản chí, không từ bỏ.
Không chỉ phát đồ ăn cho những người vô gia cư vào đêm tối, Thủy và nhóm Thiện Tâm An của mình còn dành những phần quà đơn giản mà đầy ý nghĩa cho những bệnh nhân tại bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh viện Y học cổ truyền, hay trẻ em mồ côi tại trung tâm bảo trợ xã hội Lạc Trung.
“Họ cần gì, trong khả năng chúng mình sẽ cố gắng thực hiện bằng được”, Thủy nói. Anh cũng cảm thấy rất may mắn và có thêm động lực bởi luôn có nhiều bạn trẻ cùng đồng hành với mình trong mỗi chuyến thiện nguyện. Họ có thể làm nhiều nghề, nhiều lứa tuổi, nhưng đều có chung một mục đích là giúp người, giúp đời.
Thời gian trôi nhanh, trời Hà Nội chuyển sang tối hẳn, mưa dày hơn, gió cũng mạnh hơn. Trước khi chia tay, Thủy tâm sự với chúng tôi những nguyện vọng của năm 2019. Ánh mắt của chàng trai ấy vẫn sáng lấp lánh dưới ánh đèn vàng lờ mờ.
Dõi theo anh cho đến khi khuất hẳn, câu chuyện của Thủy khiến chúng tôi không khỏi suy ngẫm. Ngẫm về những bạn trẻ đang nỗ lực thay đổi nhận thức của cộng đồng về chữ “thiện tâm” như Thủy, ngẫm về tình bao dung và yêu thương những số phận kém may mắn hơn trong cuộc sống, và ngẫm về những người mang nụ cười, mang cái tâm sưởi ấm cho đời.
Phượng Nguyễn – Dương Thành