Aa

Tăng cường thanh tra, thu hồi triệt để các dự án treo: Giải pháp then chốt để chống lãng phí tài nguyên quốc gia

Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Thứ Sáu, 25/04/2025 - 16:07

Trong năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu kiên quyết thu hồi triệt để các dự án treo và xử lý dứt điểm tình trạng thất thoát tài sản công, đặc biệt là đất đai, theo đúng các kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Đây được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn mới.

Loại bỏ các dự án kém hiệu quả, thúc đẩy dòng chảy tài nguyên

Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 của Chính phủ, do Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tại phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nêu rõ: việc rà soát, loại bỏ các dự án chậm triển khai, không còn phù hợp là yêu cầu cấp thiết để bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai - tài nguyên quan trọng của quốc gia.

Tăng cường thanh tra, thu hồi triệt để các dự án treo: Giải pháp then chốt để chống lãng phí tài nguyên quốc gia- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tại phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn)

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2024, thu ngân sách nhà nước đạt 2,043 triệu tỷ đồng, vượt hơn 342.700 tỷ đồng so với dự toán, cho thấy nỗ lực tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đã đạt kết quả tích cực. Tuy vậy, Chính phủ không chủ quan, mà tiếp tục đặt ra yêu cầu siết chặt kỷ luật tài chính, loại bỏ triệt để các điểm nghẽn gây lãng phí, trong đó nổi bật là tình trạng "dự án treo".

"Thu hồi triệt để các dự án treo và đẩy nhanh việc thu hồi các tài sản, đất đai nhà nước bị thất thoát, vi phạm theo các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán", ông Thắng nhấn mạnh.

Chính phủ cũng yêu cầu rà soát toàn bộ danh mục đầu tư công, kiên quyết gạch bỏ những dự án không thực sự cần thiết, chậm triển khai hoặc hiệu quả thấp. Thay vào đó, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, tạo động lực tăng trưởng nhanh và bền vững.

Cảnh báo tình trạng lãng phí đất công, nhà công

Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm thường trực Lê Quang Mạnh trình bày đã thẳng thắn chỉ ra, lãng phí tài nguyên, đặc biệt là đất đai, vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương.

Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa chú trọng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý nhà, đất công; chưa phân cấp kiểm tra hiện trạng; việc lập phương án sắp xếp lại tài sản chậm trễ, dẫn đến tình trạng đất bỏ hoang, nhà công vụ xuống cấp, không sử dụng đúng chức năng.

Cơ sở dữ liệu đất đai - nền tảng cho quản lý tài nguyên hiệu quả - cũng bị đánh giá là chưa hoàn thiện, không đáp ứng được yêu cầu kết nối, chia sẻ và minh bạch hóa thông tin.

Không chỉ vậy, đất của các dự án chậm đưa vào sử dụng, đất do các nông - lâm trường quản lý bị bỏ hoang sau các đợt thanh tra, kiểm tra vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Tình trạng này không chỉ gây lãng phí, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của người dân và doanh nghiệp về tính nghiêm minh trong quản lý đất đai.

Tăng cường thanh tra, thu hồi triệt để các dự án treo: Giải pháp then chốt để chống lãng phí tài nguyên quốc gia- Ảnh 2.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, trong năm 2025 cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thu hồi triệt để các dự án treo. (Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN)

Đề xuất giải pháp mạnh tay và đồng bộ

Từ những đánh giá trên, cơ quan thẩm tra của Quốc hội kiến nghị cần triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ, trong đó nhấn mạnh: 

Đẩy mạnh sắp xếp, xử lý lại quỹ nhà đất công: rà soát toàn bộ trụ sở, nhà công vụ, đất công tại các bộ ngành, địa phương; kiên quyết chuyển giao những cơ sở không sử dụng hiệu quả về cho địa phương quản lý, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; Xây dựng phương án sử dụng hiệu quả tài sản sau tinh gọn bộ máy: bố trí làm trạm y tế xã, trường học, công trình phúc lợi công cộng thay vì để hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích; Xử lý nghiêm đất đai bị bỏ hoang: các dự án chậm triển khai, đất công lãng phí phải bị thu hồi theo đúng quy định pháp luật. Nhà nước cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn với những chủ đầu tư cố tình găm đất, trục lợi từ chính sách; Tăng cường thanh tra chuyên đề về sử dụng đất đai, tài sản công: triển khai các đợt kiểm tra diện rộng, công khai danh sách các dự án vi phạm và lộ trình xử lý để tăng tính minh bạch và giám sát xã hội; Đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp: nhằm tối ưu hóa nguồn lực và giảm áp lực lên ngân sách.

Việc thu hồi triệt để các dự án treo không chỉ là một trong những trụ cột trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mà còn là chìa khóa để tái cấu trúc không gian phát triển, giải phóng nguồn lực, tạo dư địa mới cho tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi một hệ thống giải pháp quyết liệt, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và địa phương - với tinh thần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, minh bạch trong xử lý và đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top