Thủ tướng yêu cầu thẩm định điều chỉnh tổng mức đầu tư 2 tuyến metro đội vốn 52.000 tỷ đồng
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về việc triển khai Dự án đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP.HCM khẩn trương có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư 2 dự án trên để tổ chức thẩm định. Giao Bộ Giao thông vận tải rà soát, thẩm định kỹ việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, trình Chính phủ trước ngày 20/3/2018.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải xây dựng phương án nguồn vốn thực hiện dự án, huy động tối đa các nguồn vốn hợp pháp theo quy định pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Chính phủ để trình Quốc hội theo quy định.
Tăng diện tích ở bình quân để đăng ký thường trú gây khó khăn cho dân?
Đề xuất tăng diện tích ở bình quân để đăng ký thường trú tại TP.HCM nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi cơ quan quản lý kỳ vọng sẽ có kết quả tích cực thì các chuyên gia cho rằng sẽ gây khó khăn cho người nhập cư.
Kiến trúc sư Trương Hoài Phong cho rằng, sự phát triển của TP.HCM có sự đóng góp không nhỏ của người lao động nhập cư. Quy định về diện tích ở bình quân để đăng ký thường trú tăng từ 10m2/người, đối với khu vực ngoại thành, lên 20m2/người sẽ gây khó khăn, dẫn tới hạn chế số lượng lao động nhập cư. Bởi đa số dân nhập cư, nhất là người lao động nghèo, tập trung tại các khu vực vùng ven.
Theo Kiến trúc sư Trương Hoài Phong, thay vì quy định diện tích ở bình quân như nói trên thì chính quyền TP.HCM cần lập các khu đô thị vệ tinh, đầu tư hạ tầng kết nối với các khu vực vùng ven để giãn dân.
Kinh doanh bất động sản tiếp tục là lĩnh vực có tốc độ gia tăng doanh nghiệp cao nhất
Nhận định này được bà Nguyễn Thu Hà, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra trong một báo cáo mới nhất về tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2018.
Qua xem xét về số lượng và tốc độ gia tăng doanh nghiệp cho thấy, ngành Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có số lượng doanh nghiệp đăng ký nhiều nhất so với cả nước nhưng xét về tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp của ngành nghề so với cùng kỳ năm 2017 thì ngành Kinh doanh bất động sản có tỷ lệ cao nhất là 67,5%.
Về số vốn đăng ký, ngành Kinh doanh bất động sản tiếp tục có số vốn đăng ký mới nhiều nhất là 58.741 tỷ đồng, chiếm 29,8%; tiếp đến là Xây dựng có 30.344 tỷ đồng, chiếm 15,4%; Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 28.112 tỷ đồng, chiếm 14,2%; Công nghiệp chế biến, chế tạo có 20.028 tỷ đồng, chiếm 10,1%; Sản xuất phân phối điện, nước, ga có 12.053 tỷ đồng, chiếm 6,1%;...
Căn hộ giá rẻ được dự báo thắng lớn năm 2018
Savills vừa đưa ra dự báo về tương lai của thị trường bất động sản Việt Nam dựa trên tác động tích cực từ tầng lớp trung lưu. Phó giám đốc điều hành và Trưởng bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam, Troy Griffiths cho biết các quốc gia mới hoặc đang phát triển với tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh, điển hình như Việt Nam, đã đem đến cho nhà đầu tư nhiều cơ hội tại thị trường nhà ở.
Ông Troy Griffiths giải thích, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam gồm lớp nhà giàu mới nổi và nhóm người trẻ có thu nhập cao, ổn định và có khả năng chi trả tốt cho tài sản giá trị là bất động sản. Chuyên gia này nhận định tầng lớp trung lưu đang góp phần không hề nhỏ vào việc thay đổi thị trường bất động sản.
Trước đó, Công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG) cũng công bố kết quả nghiên cứu về tầng lớp trung lưu đang phát triển với tốc độ nhanh chóng ở Việt Nam. Theo đó, “tầng lớp trung và thượng lưu” với mức thu nhập từ 714 USD một tháng trở lên ở Việt Nam sẽ tăng lên mức 33 triệu người trong giai đoạn 2014-2020. Còn Công ty nghiên cứu thị trường Nielson ước tính rằng dân số thuộc tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ đạt mức 44 triệu người vào năm 2020, và 95 triệu người vào năm 2030.
Duyệt chỉ giới đường đỏ nút giao đường Vành đai 3,5 - Đại lộ Thăng Long
UBND TP. Hà Nội vừa ký quyết định phê duyệt chỉ giới đường đỏ nút giao thông giữa đường Vành đai 3,5 với đường Đại lộ Thăng Long, tỷ lệ 1/500.
Theo đó, phê duyệt hồ sơ Chỉ giới đường đỏ nút giao tuyến đường Vành đai 3,5 với tuyến đường Đại lộ Thăng Long và phạm vi nghiên cứu các đường dẫn, tách nhập làn có vị trí thuộc địa giới huyện Hoài Đức và quận Nam Từ Liêm.
Hình thức sẽ là nút giao khác mức kết hợp hầm chui trực thông trên đường Vành đai 3,5 theo phương án thiết kế kiến trúc và hồ sơ đề xuất Dự án đầu tư xây dựng nút giao đã được UBND Thành phố phê duyệt tại các Quyết định số 4958/QĐ-UBND ngày 26/7/2017 và số 8393/QĐ-UBND ngày 01/12/2017.
Tuyến đường Vành đai 3,5 đoạn phía Bắc nút giao có bề rộng mặt cắt ngang điển hình 60m, gồm: dải phân cách giữa rộng 5,5m, phần xe cơ giới mỗi bên rộng 12,25m (3 làn xe mỗi bên), dải phân cách bên ngăn cách giữa làn xe cơ giới và xe thô sơ mỗi bên rộng 1m, làn xe thô sơ mỗi bên rộng 6m, hè mỗi bên rộng 8m. Riêng đoạn từ hết Khu đô thị Bắc An Khánh đến ĐL Thăng Long chỉ giới đường đỏ được mở rộng cục bộ 70m để bố trí hầm chui, nhánh rẽ.