Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2022 tổ chức mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc (BitCham) đề nghị, Việt Nam cần linh hoạt hơn trong việc trao hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng để mở rộng kinh doanh thời kỳ hậu giãn cách xã hội. Từ thực tế các ngân hàng Anh đang hoạt động tại Việt Nam, BitCham cho rằng năm nay nhiều tập đoàn đa quốc gia sẽ triển khai dự án ở Việt Nam nên hạn mức tăng trưởng tín dụng của mỗi ngân hàng cần nhiều hơn.
Giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cho mỗi TCTD năm nào cũng là đề tài được quan tâm. Theo thông lệ hàng năm vào cuối quý I, NHNN sẽ hoàn tất việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng.
Nguyên tắc chung trong phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN là dựa vào quy mô vốn, tỷ lệ an toàn vốn, quy mô khách hàng của từng TCTD. Ngoài ra, các chỉ tiêu cộng thêm bao gồm TCTD có tỷ trọng cao trong cho vay sản xuất kinh doanh hoặc cho vay các lĩnh vực Chính phủ ưu tiên phát triển (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao).
Trong hai năm qua, khi dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp, thì yếu tố ngân hàng nào giảm lãi suất, phí, cơ cấu lại nợ cho khách hàng càng nhiều sẽ được NHNN tính thêm điểm cộng trong xét cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng…
Năm 2022, NHNN định hướng tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, ứng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6 - 6,5% của Chính phủ. Điểm khác biệt so với mọi năm, năm nay hệ thống ngân hàng được Chính phủ giao nhiệm vụ cấp bù lãi suất 2% đối với những doanh nghiệp, người dân sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 và có khả năng phục hồi tăng trưởng.
Kinh tế đã, đang lấy lại đà tăng trưởng và vốn tín dụng tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến khó lường, áp lực lạm phát ngày càng lớn và với những biến động địa chính trị trên thế giới đặt ra những thách thức không nhỏ trong điều hành chính sách tiền tệ nói chung và điều hành tín dụng nói riêng của NHNN.
Cùng với việc xem xét cấp hạn mức tăng trưởng phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh, năng lực quản lý của mỗi TCTD, NHNN còn phải xem xét kiểm soát tổng hạn mức tín dụng trong bối cảnh vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa phải đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát. Nguy cơ rủi ro lạm phát do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong nước và ngoài nước, cả yếu tố cầu kéo và chi phí đẩy như xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản (dầu, lương thực, thực phẩm); kinh tế dự kiến phục hồi trong năm 2022 khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng, gây sức ép lên giá cả. Điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ .
Các chuyên gia của Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, mặc dù các chỉ số cơ bản trong nền kinh tế đều tăng trưởng trở lại đầu năm nay nhưng cũng cần cảnh giác hậu giãn cách tiêu dùng tăng sẽ làm chỉ số giá tăng. HSBC đã nâng dự báo lạm phát của Việt Nam từ mức 2,7 trước đó lên mức 3% trong năm 2022 (thấp hơn mục tiêu dưới 4% của Quốc hội đề ra).
Thực tế những năm qua hạn mức tăng trưởng tín dụng NHNN giao cho mỗi TCTD không cố định mà định kỳ NHNN sẽ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu trên cơ sở xem xét các yếu tố trên cũng như tình hình hoạt động năng lực tài chính và khả năng tăng tín dụng lành mạnh của tổ chức đó trong tương lai.
Bên cạnh đó NHNN luôn yêu cầu các TCTD mở rộng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, đưa vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; đồng thời giám sát chặt tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp; kiểm soát tín dụng ngoại tệ phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
TP.HCM - thị trường tín dụng chiếm khoảng 26% tổng dư nợ tín dụng cả nước, trong hai tháng đầu năm 2022 ước tăng khoảng 3,5% so với cuối năm 2021 và tăng 15% so với cùng kỳ. Chuyên gia cho rằng, là đầu tàu kinh tế, tăng trưởng của TP.HCM góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Đây cũng là yếu tố cần xem xét khi cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng trên địa bàn. Tuy nhiên tăng trưởng tín dụng phải gắn liền với sức hấp thụ vốn hiệu quả trong nền kinh tế, tránh tình trạng có mức tăng trưởng sản lượng thấp nhưng tăng trưởng tín dụng cao, điều đó sẽ tạo áp lực đến lạm phát.