Aa

Tăng thuế môi trường xăng dầu: Minh bạch thu-chi để người dân hiểu, ủng hộ

Thứ Ba, 25/09/2018 - 20:20

Thuế bảo vệ môi trường (TBVMT) với mặt hàng xăng, dầu sẽ tăng kịch trần từ ngày 1-1-2019. Dù còn hơn 3 tháng nữa mới có hiệu lực, nhưng các DN vận tải đã cảm thấy sức nóng.

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu TBVMT đối với mặt hàng xăng dầu. Nghị quyết sẽ có hiệu lực kể từ đầu năm sau (1-1-2019).

Theo đó, thuế môi trường với xăng sẽ tăng lên kịch khung 4.000 đồng/lít, từ mức 3.000 đồng/lít. Với dầu hỏa, mức thuế tăng lên 1.000 đồng/lít, từ mức 300 đồng/lít hiện nay. Thuế môi trường lên các mặt hàng dầu nhờn, mỡ, mazut cũng tăng lên 2.000 đồng/lít, từ mức 900 đồng/lít.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, GĐ Cty CP Vận tải, thương mại và dịch vụ Đất Cảng (khai thác tuyến vận tải khách Hải Phòng- Hà Nội) cho rằng, giá xăng dầu thời gian qua tăng liên tục, nhưng DN vận tải vẫn “ghìm giá” cước.

Nếu giờ tăng thêm thuế xăng dầu, chắc chắn sẽ tác động đến giá thành vận tải và đẩy gánh nặng chi phí về phía DN, người dân và hành khách. “Đối với ngành vận tải, chi phí xăng dầu chiếm từ 30-40% giá thành.

Trong cơ cấu giá thành, nếu thuế đánh vào xăng dầu tăng 10% thì cước vận tải sẽ tăng 3-4%”, ông Hải cho biết. Theo ông Hải, hiện nay, vận tải đang có sự canh tranh lớn giữa các loại hình, nếu không giữ bình ổn giá cước thì người dân sẽ hạn chế đi xe khách.

“Việc tăng TBVMT với các mặt hàng xăng dầu khiến chúng tôi càng thêm khó khăn do phải đang chịu nhiều chi phí bến bãi, phí BOT cầu đường cao, phí bảo trì đường bộ thu trên đầu xe”, ông Hải bày tỏ.

tang thue moi truong xang dau minh bach thu chi de nguoi dan hieu ung ho
Xăng dầu là loại vật tư rất quan trọng đối với mọi ngành trong nền kinh tế quốc dân. Ảnh: V. Khuê.

Còn ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, mức thuế đối với xăng dầu tăng thì mỗi lít xăng DN vận tải phải “móc hầu bao” chi thêm 1.000 đồng. Con số này tưởng chừng nhỏ, song cộng dồn vào cả năm sẽ dẫn đến chi phí DN tăng khá lớn.

“Các loại vật giá đều tăng theo giá xăng dầu… Khi chi phí đầu vào tăng, DN phải tăng giá đầu ra như giá cước vận tải và người dân phải sẽ là đối tượng gánh chịu cuối cùng”, ông Liên cho biết.

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho rằng, tăng TBVMT với xăng, dầu từ đầu năm tới chắc chắn tác động đến ngành vận tải. “Nhiên liệu chiếm tỷ trọng khoảng 35% - 45% trong giá thành. Tăng TBVMT sẽ đẩy giá xăng, dầu lên khiến giá thành vận tải sẽ tăng theo. Tất nhiên sẽ có độ trễ chứ không phải tăng giá xăng là tăng cước xe ngay được”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, hiện các DN vận tải cũng đang phải tính toán để tiết giảm chi phí, đồng thời sử dụng phương tiện tốt hơn, để tiết giảm việc tiêu hao nhiên liệu. Hiện hiệp hội cũng khuyến cáo các DN thành viên không tăng giá cước tùy tiện. Tuy nhiên, sau khi giá xăng tăng chắc chắn giá cước vận tải cũng tăng nhưng phải hợp lý, phù hợp thị trường.

Chia sẻ với những khó khăn về ngân sách nhưng theo người đứng đầu VATA, hiệp hội quan tâm nhất là việc sử dụng khoản tiền thu từ thuế đó ra sao. “Trong lần họp với Ủy ban Kinh tế Quốc hội tôi cũng nói nên chăng thành lập quỹ Bảo vệ môi trường nhưng chưa được đồng tình”, ông Thanh nói.

Dưới góc nhìn chuyên gia kinh tế, chuyên gia PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng, tất cả các sản phầm, dịch vụ từ gạo, gia cầm, dệt may… đa phần phải vận chuyển bằng vận tải nên tăng giá xăng, dầu sẽ làm tăng chi phí, giá thành. Bản thân mỗi lít xăng đã phải chịu rất nhiều loại thuế và phí.

Trong khi đây lại là vật tư chiến lược đầu vào của nền kinh tế, tác động mạnh đến mọi mặt hàng sản xuất và tiêu dùng, ảnh hưởng đời sống người dân. Nếu neo mức chịu thuế BVMT với xăng ở 4.000 đồng/lít, nó sẽ trở thành một mức cố định để làm giá xăng luôn luôn cao. Điều này ngay lập tức sẽ ảnh hưởng tới giá cả của các mặt hàng khác.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, quyết định tăng TBVMT lần này sẽ giúp ngân sách có thêm khoảng 15.600 tỷ đồng. Đây là khoản thu lớn cho ngân sách nhưng sẽ làm tăng chi phí vận tải, tăng giá thành tất cả sản phẩm dịch vụ, giảm năng lực cạnh tranh của DN, đóng góp vào lạm phát.

“Tất cả các sản phẩm đều có chi phí vận tải trong khi dịch vụ từ máy bay ô tô, các loại tàu đều sẽ tăng chi phí theo giá xăng. Chưa kể, xăng tăng thì từ hạt gạo, quần áo tới con gà, con vịt đều tăng theo, ảnh hưởng đến đời sống người dân”, ông Long nói.

Trong một diễn biến khác, việc đề xuất thời điểm điều chỉnh tăng mức TBVMT tăng từ ngày 1-1-2019 được Chính phủ lý giải là để không tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2018.

Chính phủ giải thích, do xăng dầu chỉ là một trong số 11 nhóm mặt hàng (với khoảng 654 mặt hàng) được đưa vào rổ hàng hóa tính CPI và không có tác động quá lớn vì quyền số mặt hàng này chỉ chiếm khoảng 4% đến mặt bằng giá so với các hàng hóa quan trọng, thiết yếu khác như lương thực thực phẩm (quyền số 36,12%) hay nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (quyền số 15,73%).

Đồng thời, xăng dầu cũng là mặt hàng có thể sử dụng biện pháp bình ổn để hạn chế tác động lên mặt bằng giá trong các thời điểm cần thiết.

Với 2019, thời điểm tăng TBVMT, Chính phủ đánh giá, theo phương pháp tính CPI bình quân thì việc thực hiện chỉ tiêu kiểm soát lạm phát của cả năm 2019 sẽ chịu ảnh hưởng bình quân bởi CPI của tất cả các tháng trong năm.

Do đó, việc điều chỉnh thuế áp dụng trong tháng 1-2019 sẽ chỉ tác động đến CPI bình quân 2019 ở mức thấp và không ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý, điều hành giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của cả năm 2019.

Hiện nay, Chính phủ đang báo cáo Quốc hội về chỉ tiêu CPI năm 2019 trong khoảng 4-5%. Theo đánh giá nếu điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1-1-2019 sẽ tác động không lớn đến chỉ số CPI cả năm 2019, chỉ ở mức 0,07-0,09%.Như vậy, việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1-1-2019 là đảm bảo tính khả thi.

Nhìn chung, trong bối cảnh hiện nay, năng lực cạnh tranh của ngành, sản phẩm trong nước yếu, nếu đánh thuế BVMT cao như vậy thì chắc chắn sẽ tác động đến sự cạnh tranh của DN, vì xăng dầu là loại vật tư rất quan trọng đối với mọi ngành trong nền kinh tế quốc dân.

Vô hình trung khi đánh thuế môi trường cao sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của DN trong khi khả năng cạnh tranh của họ còn rất yếu.

Ngoài ra, cũng ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, mặc dù hiện thu nhập bình quân của nước ta đã ở ngưỡng trung bình nhưng vẫn là mức trung bình thấp của thế giới. Nếu đánh thuế trong khi mức sống của người dân còn thấp là điều không nên.

Việt Khuê

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top