Aa

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Thứ Hai, 01/03/2021 - 14:00

Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được xác định là phần quan trọng của “cỗ xe tam mã” thúc tăng trưởng kinh tế năm 2021, nên đang được tăng tốc ngay từ những tháng đầu năm.

Tăng tốc giải ngân

Số liệu thống kê về tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong 2 tháng đầu năm chưa được công bố, song nhìn vào các động thái tích cực trên công trường xây dựng các dự án quy mô lớn, như cao tốc Cam Lộ - La Sơn, cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45…, có thể dự báo một kết quả khả quan về giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua.

Đầu tháng 2/2020, khi báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 là 452.418,463 tỷ đồng, đạt 96,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2019 đạt 73,7% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 76,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Đây là tỷ lệ cao nhất trong nhiều năm gần đây và là “quả ngọt” của những nỗ lực vượt bậc của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
Dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được yêu cầu phải khẩn trương đưa vào vận hành. Ảnh: Đ.T

Tháng 1/2021, con số giải ngân ước tính là 15.000 tỷ đồng, đạt 3,25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng). Tốc độ giải ngân này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho là còn chậm so với kỳ vọng, song vẫn cao đáng kể so với mức chỉ 0,95% của tháng 1/2020. Nguyên nhân, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là do trong tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương còn phải tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, thanh toán vốn cho các dự án đầu tư thuộc kế hoạch năm 2020, trong khi một số đơn vị khác vẫn trong quá trình thực hiện nhập dự toán năm 2021 trên hệ thống Tabmis, làm cơ sở để các chủ đầu tư thực hiện thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước.

Để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngay từ cuối năm ngoái, việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước đã được rốt ráo thực hiện. Chính vì vậy, đến hết tháng 1/2021, đã có trên 412.000 tỷ đồng vốn kế hoạch được phân bổ, đạt 89% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Đây là con số tích cực, mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư không khỏi sốt ruột khi số vốn còn lại chưa được phân bổ khá lớn, trên 101.000 tỷ đồng. Điều này cũng xuất phát từ một đặc thù của năm 2021, đó là kế hoạch đầu tư công năm được triển khai khi kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 chưa được thông qua. Do đó, các dự án đầu tư mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư trước ngày 31/12/2020, theo quy định, được Quốc hội cho phép để lại phân bổ sau khi Quốc hội khóa XV thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Quyết liệt ngay từ đầu năm

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các đại dự án, nhất là trong ngành giao thông, đã tăng tốc triển khai và giải ngân vốn đầu tư công. Như đã thông tin, năm 2021, ngành giao thông - vận tải được phân giao khoảng 46.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, cao hơn 10% so với năm 2020, nên đang quyết liệt triển khai sớm, để tránh áp lực giải ngân vào cuối năm.

Lần đầu tiên, “kịch bản” giải ngân vốn đầu tư công đã được xây dựng một cách cụ thể và quyết liệt ngay từ đầu năm.

Áp lực với ngành này còn là phải tập trung triển khai một loạt dự án quy mô lớn, như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành… Thậm chí, mới đây, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các dự án, công trình giao thông quan trọng, nhất là 2 dự án thành phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông chuyển sang đầu tư công đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua để khởi công trong tháng 6/2021, cũng như các dự án thành phần còn lại. Bên cạnh đó, phải khẩn trương đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ đầu Xuân Tân Sửu mới đây, cũng một lần nữa nhấn mạnh việc không được để xảy ra tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” như lâu nay.

Trong khi đó, hàng loạt biện pháp quan trọng để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021 tiếp tục được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.

“Phải chủ động xây dựng ngay kế hoạch giải ngân theo từng tháng, từng quý; trong đó, quý I hoàn thành việc thu hồi vốn ứng trước của kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021; quý II hoàn thành việc giải ngân các dự án được phép kéo dài kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 sang năm 2021; quý III giải ngân 80% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 của các dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành trong năm 2021 và hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án khởi công mới dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư năm 2021 và lũy kế đến quý IV phấn đấu giải ngân 90% kế hoạch năm 2021 được giao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Như vậy, lần đầu tiên, “kịch bản” giải ngân vốn đầu tư công đã được xây dựng một cách cụ thể và quyết liệt ngay từ đầu năm. Gắn với “kịch bản” này, với tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án sẽ là trách nhiệm của từng lãnh đạo, tổ chức, cá nhân cụ thể.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã đồng ý thành lập Tổ công tác đặc biệt để rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, sản xuất - kinh doanh gặp vướng mắc trong thời gian dài tại các bộ, ngành, địa phương. Đây cũng là cách để giải ngân vốn đầu tư công sẽ tiếp tục có kết quả tích cực trong năm 2021, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top