Aa

Tăng trần chi phí lãi vay được trừ lên 30%: Liệu đã đủ?

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Hai, 16/12/2019 - 06:11

Sau hàng loạt kiến nghị của doanh nghiệp cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ quyết sửa triệt để những vướng mắc trong quy định khống chế chi phí lãi vay tại Nghị định 20.

Doanh nghiệp khổ vì Nghị định 20

Kể từ khi được ban hành vào tháng 2/2017, Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết được cho là dấu mốc quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật về giao dịch liên kết, đưa Việt Nam tiến gần hơn đến các chuẩn mực quốc tế về gia tăng tính minh bạch và nỗ lực chống tránh thuế nhưng lại là một trong những quy định về thuế gây tranh cãi và ảnh hưởng nhiều nhất cũng như gây ra nhiều vướng mắc nhất trong việc triển khai đối với các doanh nghiệp.

Dù mục tiêu là để chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI nhưng nhiều doanh nghiệp nội lại đang bị “vạ lây” khi phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cụ thể, Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp". Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Nếu áp theo điều khoản này, chi phí lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết sẽ bị tính thành 2 lần, nguy cơ “lỗ chồng lỗ”, do vậy, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng về những bất cập của việc khống chế chi phí vay của Nghị định 20.

Quy định của Nghị định 20 đang tạo ra nhiều khó khăn đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ - con hiện đang phát triển mạnh ở nước ta. Trong khi mô hình này được đánh giá là tiên tiến, vừa giúp tăng hiệu quả sử dụng vốn, vừa tối ưu vì hoạt động điều phối sẽ được tập trung về một đầu mối là công ty mẹ. Các công ty con sẽ chỉ tập trung vào sản xuất kinh doanh.

Khoản 3 Điều 8 Nghị Định 20 gây khó khăn cho doanh nghiệp.

“Nâng mức trần lên 30%, doanh nghiệp sẽ thấy thỏa đáng”

Theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ- CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết của Bộ Tài chính, trần chi phí lãi vay để được trừ khi tính thuế dự kiến được tăng lên 30% thay cho mức 20% như quy định hiện hành và sẽ được áp dụng ngay trong kỳ quyết toán thuế năm nay.

Trong bối cảnh, càng đến gần thời điểm quyết toán thuế cuối năm, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước càng như “ngồi trên đống lửa” khi đứng trước nguy cơ từ lãi thành lỗ vì bị áp trần lãi vay theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP, động thái này của Bộ Tài chính được đánh giá là tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp khi mức trần được nâng lên, nới rộng khả năng vay vốn của các doanh nghiệp liên kết.

Cụ thể, dự thảo nghị định hướng dẫn, tổng chi phí lãi vay thuần phát sinh trong kỳ của người nộp thuế (chi phí lãi vay bù trừ với doanh thu lãi tiền gửi, tiền cho vay) được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay thuần, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.

Dự thảo nghị định cũng hướng dẫn cụ thể về doanh thu lãi tiền gửi, tiền cho vay và các khoản có tính chất tương tự được xác định theo pháp luật về kế toán và thuế. Chi phí lãi vay bao gồm chi phí lãi vay và các khoản có tính chất tương tự lãi vay, bao gồm cả chi trả tiền vay được tính vào giá trị đầu tư theo quy định của pháp luật về kế toán và thuế.

Bộ Tài chính cho biết, về tác động định tính, phương án hướng dẫn rõ áp dụng tổng chi phí lãi vay thuần cho phép các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động trung chuyển vốn, vay, cho vay lại, quản lý quỹ, ký quỹ trong nội bộ tập đoàn sẽ giải quyết được toàn bộ khó khăn, vướng mắc của các đơn vị có ý kiến khi áp dụng chi phí lãi vay gộp theo quy định tại Nghị định 20.

Về định lượng, khi áp dụng đồng thời các phương án tháo gỡ gồm khống chế 30% chi phí lãi vay thuần và cho chuyển lãi vay tương ứng chuyển lỗ, về đối tượng áp dụng, số lượng doanh nghiệp bị loại chi phí lãi vay năm 2017 giảm từ 2.799 đơn vị xuống 1.034 đơn vị; năm 2018 giảm từ 3.080 đơn vị xuống còn 1.093 đơn vị, tốc độ giảm tương ứng là 63 - 65%.

Sau khi cân nhắc mức ngưỡng cụ thể nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc nâng khống chế 30% là phù hợp với thực tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, trong bối cảnh hiện tại nếu nâng mức trần chi phí lãi vay lên 30% sẽ cao hơn mức huy động lãi suất ngân hàng thì doanh nghiệp sẽ thấy thỏa đáng và có thể thực hiện được.

Nhưng liệu đã đủ?

Bất cập của Nghị định 20 không chỉ nằm ở con số 20% mức trần chi phí lãi vay được trừ mà còn ở đối tượng áp dụng của Nghị định này.

Nếu các doanh nghiệp không có động cơ chuyển giá, ví dụ như họ có quan hệ giao dịch vay vốn giữa công ty mẹ và công ty con, thuế suất của họ là bằng nhau, đều áp dụng một mức thuế suất phổ thông, không có ưu đãi thuế thì họ phải thuộc trường hợp không bị khống chế lãi vay theo Nghị định 20.

Còn nếu không phân định rõ mà khống chế lãi vay cả những trường hợp này, tất yếu sẽ tạo ra rào cản ở việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.

Đó là chưa kể, Nghị định áp dụng chung cho cả doanh nghiệp của nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam với 2 chuẩn mực kế toán khác nhau và điều kiện hoạt động khác nhau, nếu áp dụng cùng công thức với tỷ lệ tính toán giống nhau sẽ gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp của Việt Nam. Nhất là khi vay vốn là nhu cầu thực tế, thường xuyên của doanh nghiệp nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh đặc biệt với những ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài như đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp khởi nghiệp…

Ảnh minh họa.

Do vậy, chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn kiến nghị: “Bộ Tài chính nên đề xuất Chính phủ sửa Nghị định 20 theo hướng: Quy định khống chế lãi tiền vay tại Nghị định 20 chỉ nên áp dụng đối với hai đối tượng doanh nghiệp: Một là, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quan hệ liên kết qua biên giới; Hai là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có giao dịch về vay vốn với các bên có quan hệ liên kết có mức thuế thu nhập doanh nghiệp khác nhau".

Thực tế, Nghị định 20/2017/NĐ-CP tuy đã được ban hành nhưng khó giải quyết triệt để vấn đề chuyển giá mà lại đang tác động ngược đến những doanh nghiệp chân chính trong nước.

“Kêu gọi chống chuyển giá nhưng cuối cùng doanh nghiệp FDI vẫn chuyển giá. Các chính sách cần phải điều chỉnh để chấp nhận ở một mức độ nào đó mà không thể cấm được. Khi xác định doanh nghiệp FDI vào Việt Nam hay các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, phải xác định cái được và cái mất.

Đối với doanh nghiệp FDI, vấn đề xác định công ty này có chuyển giá không là vấn đề rất khó. Khó kiểm soát giá cả đầu vào ở bên nước ngoài vì bản chất việc định giá giữa 2 nước là hoàn toàn khác nhau. Chưa kể các nước vẫn có xu hướng bảo vệ công ty của mình bởi nó mang lại lợi ích quốc gia. 

Thực tế để có một tổ chức chung như Interpol (tổ chức hình sự quốc tế) để kiểm soát vấn đề chuyển giá trên thế giới là điều không tưởng, bởi chuyển giá là vấn đề phức tạp, liên quan tới hệ thống kế toán. Do đó, tôi cho rằng cần xác định một hướng kiểm soát khác nhằm đảm bảo lợi ích của 2 bên: Nhà nước Việt Nam với doanh nghiệp", TS. Bùi Thúy Vân, Trưởng Khoa Kinh tế đối ngoại, Học viện Chính sách và Phát triển (APD) nhận định.

Còn theo ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, cần phải bãi bỏ khoản 3 điều 8 của Nghị định 20.

“Nghị định 20 là trái với quy định của luật. Nếu trái quy định Hiến pháp thì chắc chắn phải bãi bỏ và phải thay thế bằng một văn bản khác. Theo quy định thì có thể bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần, không thể nói trái luật mà không bãi bỏ được. Chúng ta sẽ trả lời thế nào nếu Chính phủ ban hành một văn bản sai luật?

Thứ hai, về phạm vi, đối tượng điều chỉnh quy định, mục đích ban đầu của Nghị định này là chống chuyển giá, chống chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, áp dụng với các giao dịch liên kết. Và theo như thông lệ quốc tế đó là xuyên biên giới, khi sửa lại Nghị định cũng cần xem lại phạm vi đối tượng áp dụng”, ông Phúc nêu ý kiến.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu quan điểm rằng, trong hoàn cảnh thiếu vốn hiện tại của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thì việc khống chế chi phí lãi vay cố định ở mức 20% hay 30%, 50% đều không nên áp dụng mà nên xét đến mục đích sử dụng vốn, “miễn là chi phí thật và hợp lý, hợp lệ cũng cần phải được chấp nhận”, ông Thành nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top