Aa

Khoản 3, Điều 8 trong Nghị định 20 “sẽ được sửa triệt để”

Thứ Năm, 15/08/2019 - 15:04

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Khoản 3, Điều 8 sẽ được sửa triệt để khi chúng ta sửa Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp...

Khoản 3, Điều 8 trong Nghị định 20 gây khó cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Sáng 15/8, tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) đặt câu hỏi dành cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: “Ngày 24/2/2017, trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định việc quản lý thuế với các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết. Trong đó, Khoản 3, Điều 8 quy định về khống chế trần chi phí lãi vay khiến cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Xin hỏi Bộ trưởng có kế hoạch sửa đổi quy định này không và bao giờ sẽ sửa?”.

Trả lời câu hỏi chất vấn của ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Nghị định 20 sau khi ra đời đã phát huy tác dụng rất tốt. Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính và cơ quan thuế đã giúp giảm lỗ 37.000 tỷ đồng trong năm 2017 và 40.000 tỷ trong năm 2018. Số giảm lỗ kỳ này sẽ phân bổ vào lãi các kỳ sau, giúp tăng thu ngân sách.

“Về kế hoạch triển khai Luật quản lý thuế, Thủ tướng đã chỉ đạo cần sửa Nghị định 20, trong đó tập trung vào Khoản 3, Điều 8. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ trình Chính phủ nhưng trước tình hình hiện nay, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, trình theo quy trình rút gọn để đẩy nhanh tiến độ sửa Khoản 3, Điều 8.

Khoản 3, Điều 8 sẽ được sửa triệt để khi chúng ta sửa Luật thuế TNDN”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Đáng chú ý, trước khi ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương đặt câu hỏi nêu trên dành cho Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế đã bày tỏ sự bất cập của việc khống chế trần chi phí lãi vay là tác động lên hoạt động đi vay và cho vay lại giữa công ty mẹ và các công ty thành viên - vốn rất phổ biến trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng như tư nhân.

Thậm chí, trong phần Kết luận tại Hội nghị trực tuyến sơ kết ngành tài chính cách đây hơn 1 tháng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã dẫn chứng vấn đề khống chế trần chi phí lãi vay đối với các doanh nghiệp liên kết quy định tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP như một ví dụ.

"Thủ tướng 3 lần đều nhắc đến chuyện này rồi", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Văn phòng Chính phủ cũng đã từng thẩm định. Nếu chờ cho đến khi sửa đổi bổ sung theo Luật quản lý thuế thì rất chậm. Vì thế, các bộ ngành liên quan cần phối hợp để sửa đổi những bất cập tại Nghị định 20.

"Vướng đâu thì phải tính đến đó. Sắp tới, Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục có thẩm định cụ thể, lắng nghe từng bộ ngành, từng vướng mắc để giải quyết", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Kể từ khi được ban hành vào tháng 2/2017, Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết là một trong những quy định về thuế gây tranh cãi và ảnh hưởng nhiều nhất cũng như gây ra nhiều vướng mắc nhất trong việc triển khai đối với các doanh nghiệp.

Trong đó, khoản 3, điều 8 quy định: Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế - tức 20% EBITDA. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top