Khoản 3, Điều 8 của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”.
Có nghĩa là nếu chi phí lãi vay vượt mức 20% tổng lợi nhuận thuần của DN thì khoản vượt đó không được tính vào chi phí hoạt động của DN. Nội dung này đang gây ra thiệt hại đối với nguồn thu và năng lực cạnh tranh của DN có giao dịch liên kết, nhất là các lĩnh vực cần đầu tư vốn lớn như bất động sản, công nghệ cao, chứng khoán.
Nghị định số 20 có tác dụng rõ ràng về chống chuyển giá
Sáng 29/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp về việc sửa đổi quy định áp mức chi phí lãi vay vào chi phí hoạt động của DN để nộp thuế theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Tại cuộc họp, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Cao Anh Tuấn nhấn mạnh tới ý nghĩa và lợi ích chống chuyển giá trong các giao dịch liên kết nói chung của Nghị định số 20 trên tinh thần ứng xử công bằng, khách quan giữa các loại hình DN.
“Chúng tôi chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định rất kỹ trong 2 năm, tham khảo và tiếp nhận rộng rãi ý kiến các bên, nhất là các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Thực tế, khi lấy ý kiến về nội dung này của Nghị định thì DN không có ý kiến gì còn các DN FDI phản ứng mạnh nhưng khi ban hành thì họ không có ý kiến gì nữa vì đã đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Ngược lại, khi ban hành xong rồi thì các DN trong nước lại có ý kiến về chi phí lãi vay”, ông Tuấn nói.
Ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ Nghị định số 20 có tác dụng rõ ràng về chống chuyển giá.
“Nói Nghị định 20 như một tội phạm trong cản trở phát triển kinh tế tôi không đồng ý. Nếu không có quy định này, tôi xin khẳng định diễn biến (chuyển giá - PV) phức tạp hơn rất nhiều”, ông Chiểu nói. Vị này cũng nhấn mạnh, từ khi có Nghị định 20, việc chuyển giá, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài đối với doanh nghiệp FDI hầu như không phát sinh.
Giữ vững lập trường này, ông Trần Quang Chiểu cũng chỉ ra: “Thực trạng trong nước, cùng một tỷ lệ thuế suất, vẫn có hiện tượng chuyển giá, như giữa trong khu chế xuất và ngoài khu chế xuất, trong khu công nghiệp và ngoài khu công nghiệp, 2 doanh nghiệp hoạt động trong 2 chế độ khác nhau, nơi thuế thu nhập 20%, nơi chỉ có 10%. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 20 là hoàn toàn đúng pháp luật, phù hợp, đúng thẩm quyền”.
Tuy nhiên, đồng tình với những khó khăn của DN khi áp dụng Nghị định 20, ông Chiểu cho rằng Chính phủ chỉ cần tập trung xử lý số lượng 15% là các DN trong nước trong tổng số các giao dịch liên kết hiện nay.
Hướng sửa theo đề xuất của ông Chiểu là: Nâng chi phí mức lãi vay từ 20% như hiện nay lên 30% và kèm theo điều kiện loại trừ một số trường hợp và cho phép hạch toán chi phí lãi vay vào số lỗ được chuyển giao theo quy định pháp luật về thuế thu nhập DN.
Từ kỳ vọng cho tới thực thi
Như đã thấy, Nghị định 20 ra đời với kỳ vọng chống chuyển giá trong các giao dịch liên kết cũng như góp phần ứng xử công bằng, khách quan giữa các loại hình DN. Kỳ vọng là vậy, nhưng kể từ khi đưa vào áp dụng, nhiều doanh nghiệp cũng như giới chuyên môn đã lên tiếng về sự bất cập của Nghị định này.
Theo đó, bày tỏ quan điểm của mình, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính quốc gia - cho rằng Nghị định 20/2017/NĐ-CP chưa thuyết phục, chưa tính nhiều đến các đặc thù của Việt Nam và còn nhiều bất cập.
Ông Lực cho hay, Nghị định 20 có hiệu lực từ 1/5/2017, trong khi Thông tư 41 hướng dẫn thực hiện Nghị định 20 ban hành ngày 28/2/2017, điều này là quá gấp gáp để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, nếu chiếu theo mức khống chế tỷ lệ lãi vay/EBITDA là 20% như quy định, Việt Nam sẽ có 423 doanh nghiệp vượt trần 20%, tương đương gần 1% số doanh nghiệp đang hoạt động.
"Tuy nhiên, Cơ quan thuế lại không đưa ra số liệu về tỷ lệ quy mô doanh nghiệp, vì có thể 423 doanh nghiệp này chiếm quy mô lớn hơn rất nhiều so với tỷ trọng số lượng, vì đa phần các doanh nghiệp vượt trần đều hoạt động theo mô hình tập đoàn, tổng công ty... Điều đó cho thấy, Nghị định 20 chưa có cơ sở mang tính thuyết phục, chưa tính nhiều đến đặc thù của Việt Nam”, ông Lực nhận định.
Ở góc độ khác, trước nhiều ý kiến cho rằng quy định tại Khoản 3, Điều 8 trong Nghị định 20 chưa công bằng khi áp dụng với các doanh nghiệp, TS. Lê Xuân Nghĩa bày tỏ quan điểm: Luật Các Tổ chức tín dụng có quy định rõ ràng về cho vay có liên quan, có mức độ khống chế về tỷ lệ cho vay, đương nhiên là lãi suất được hạch toán 1 cách bình thường.
"Tôi thấy rằng, mục tiêu chuyển thu nhập thuế từ quốc gia có suất thu nhập thuế cao sang thấp. Còn trong nội địa Việt Nam thì thuế suất như nhau, tôi đề nghị Nghị định 20 chỉ áp dụng cho doanh nghiệp xuyên biên giới, không áp dụng cho doanh nghiệp nội địa Việt Nam", TS. Nghĩa khẳng định.
Bởi theo chuyên gia này, rất nhiều nước chưa áp dụng, nhất là những nước nghèo như Việt Nam. Còn tỷ lệ là 20%, TS. Nghĩa cho rằng cần xem lại tỷ lệ cho hợp lý và đặc biệt, với Nghị định 20, vị này đề xuất quan điểm chỉ nên áp dụng cho doanh nghiệp xuyên biên giới, không nên phân biệt đối xử theo ngành nghề, quy mô, càng gây rắc rối.
Bày tỏ quan điểm cứng rắn hơn, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, cần phải bãi bỏ khoản 3 điều 8 của Nghị định 20.
“Nghị định 20 là trái với quy định của luật. Nếu trái quy định Hiến pháp thì chắc chắn phải bãi bỏ và phải thay thế bằng một văn bản khác. Theo quy định thì có thể bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần, không thể nói trái luật mà không bãi bỏ được. Chúng ta sẽ trả lời thế nào nếu Chính phủ ban hành một văn bản sai luật?
Thứ hai, về phạm vi, đối tượng điều chỉnh quy định, mục đích ban đầu của Nghị định này là chống chuyển giá, chống chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, áp dụng với các giao dịch liên kết. Và theo như thông lệ quốc tế đó là xuyên biên giới, khi sửa lại Nghị định cũng cần xem lại phạm vi đối tượng áp dụng”, ông Phúc nêu ý kiến.
Với vai trò là đơn vị chuyên môn, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) đã đề xuất nên nghiên cứu lại cơ sở tính, mức khống chế lãi vay.
"Việc ban hành Nghị định 20 cho thấy, chúng ta đã học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Nhưng chúng ta cần nghiên cứu kỹ hơn, cần lấy thêm ý kiến của các chuyên gia, các công ty tư vấn thuế, tài chính quốc tế, họ sẽ có kinh nghiệm để đưa ra cơ sở tính thuế, tỷ lệ khống chế… cho phù hợp".
Bên cạnh đó, bà Cúc cho rằng, chính sách thuế cần đồng bộ, bình đẳng, công bằng với mọi đối tượng. Nghị định 20 hiện nay chỉ khống chế lãi vay đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, trong khi các doanh nghiệp không có giao dịch liên kết thì Luật thuế TNDN hiện nay chưa quy định mức khống chế.
"Trong tương lai, Luật thuế TNDN cần sửa đổi, bổ sung quy định khống chế lãi vay đối với tất cả các DN, đảm bảo bình đẳng về thuế, chứ không chỉ áp dụng đối với giao dịch liên kết", bà Cúc nhận định.