Aa

Tăng trưởng kinh tế cuối năm: Lá chắn vaccine và sống chung với dịch

Chủ Nhật, 11/07/2021 - 15:30

Các chuyên gia cho rằng vaccine Covid-19 là chìa khóa để Việt Nam sớm bình thường hóa lại các hoạt động kinh tế. Chính phủ cũng cần sớm có lộ trình để sống chung với dịch.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 5,64% nửa đầu năm 2021 là con số tích cực nhờ lực đỡ từ tăng trưởng của ngành sản xuất và xuất khẩu, khi hai khu vực này vẫn duy trì bền vững đáng ngạc nhiên.

Tuy nhiên, nửa còn lại của năm sẽ rất khó khăn nếu như Việt Nam không có giải pháp chống dịch tốt và lá chắn vaccine chưa được triển khai hiệu quả.

Động lực tăng trưởng từ sản xuất và xuất khẩu

Nửa đầu năm, nền kinh tế tăng trưởng 5,64%, trong đó quý II tăng 6,61%. Đây là con số tích cực trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng trên nền tăng trưởng thấp của năm ngoái 2020.

tang truong kinh te cuoi nam la chan vaccine va song chung voi dich

Nguyên nhân là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất và ngành dịch vụ vẫn thể hiện tốt vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%. Theo các chuyên gia, điều này cho thấy sức mạnh nội tại của nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể chống chọi tốt với những cú sốc từ bên ngoài do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch.

Có thể lấy ví dụ điển hình như ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 8,1 tỷ USD, tăng 61,1% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt là ở các thị trường chủ lực, ví dụ như ở Mỹ tăng đến 90%, những thị trường năm 2020 tăng trưởng âm như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU cũng tăng trưởng trở lại trung bình 10 - 30%...

Dự báo ngành chế biến xuất khẩu gỗ vẫn đạt tăng trưởng tốt từ đây đến cuối năm do đơn hàng xuất khẩu lúc nào cũng dồi dào, nhu cầu đang lớn hơn nguồn cung.

tang truong kinh te cuoi nam la chan vaccine va song chung voi dich

Ông Nguyễn Chánh Phương, Chủ tịch Hội Gỗ Mỹ nghệ TP.HCM, cho biết trong tháng 4 đơn vị này đã tổ chức tuần lễ kết nối mua giao thương. Điều đặc biệt là trong tuần lễ này, nhu cầu của người đi mua còn cao hơn người đi bán hàng. Các nhà mua hàng ngay từ đầu tháng 4 đã phải xếp hàng để chờ các nhà sản xuất ở Việt Nam.

Dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, một số nhà máy đang bị phong toả nhưng phần lớn thì các nhà máy vẫn đang hoạt động. Nửa còn lại của năm, một số doanh nghiệp lớn ngành gỗ còn mở rộng quy mô sản xuất, tuyển thêm lao động, cũng như chuẩn bị các nguồn nguyên vật liệu cho những mùa vụ sản xuất tiếp theo.

Có nên hạ mục tiêu tăng trưởng?

Trong báo cáo mới nhất của HSBC, tổ chức này đã giảm mức dự báo tăng trưởng của năm 2021 của Việt Nam từ 6,6% xuống 6,1%. Nguyên nhân bởi Việt Nam đang đối mặt những thách thức từ đợt bùng dịch Covid-19 nặng nề nhất từ đầu mùa dịch tới nay.

Theo đó, ngành dịch vụ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhất là trong bối cảnh các ngành liên quan đến du lịch vẫn tiếp tục ảm đạm.

“Tuy ngành sản xuất và xuất khẩu duy trì bền vững đáng ngạc nhiên góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Song, các chỉ số vĩ mô đang cho thấy điểm yếu trong tương lai gần khi chỉ số PMI chạm mức thấp nhất trong vòng một năm”, báo cáo nhận định.

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trên 6% của năm nay, nền kinh tế sẽ cần phải tăng trưởng ở mức 6,3% trong nửa cuối năm
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trên 6% của năm nay, nền kinh tế sẽ cần phải tăng trưởng ở mức 6,3% trong nửa cuối năm. Ảnh: Việt Linh.

Theo IHS Markit, công ty chuyên thu thập kết quả khảo sát chỉ số PMI, làn sóng các ca lây nhiễm Covid-19 mới nhất ở Việt Nam đã khiến các điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất suy giảm mạnh trong tháng 6, mạnh nhất trong hơn một năm và từ đó kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 6 tháng qua. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ đợt bùng phát dịch đầu tiên vào đầu năm 2020, trong khi các công ty đã giảm tương ứng số lượng việc làm và hoạt động mua hàng.

Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) nhận định để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trên 6% của năm nay, nền kinh tế sẽ cần phải tăng trưởng ở mức 6,3% trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, đây sẽ là một thách thức lớn đối với Việt Nam, Chính phủ đang đẩy mạnh các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng trong nửa còn lại của năm.

"Lá chắn" vaccine và sống chung với dịch

Theo PGS.TS. Quách Mạnh Hào, sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và kinh tế Việt Nam - Anh Quốc tại Đại học Lincoln, sự bùng phát của dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến sức mạnh nội tại của nền kinh tế Việt Nam. Bởi nó sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ kinh tế và chuỗi cung ứng trong nước.

Ông cho rằng khi dịch bệnh xảy ra, khu vực chế biến chế tạo có những ảnh hưởng nhất định như phải gián đoạn cho dịch. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông nó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến khu vực này.

Nhưng đối với khu vực dịch vụ chiếm hơn 40% cơ cấu GDP, sẽ bị ảnh hưởng sụt giảm rất mạnh trong nửa còn lại của năm bởi sự giãn cách hay các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh ở trong nước. Chính vì lý do này thì tăng trưởng kinh tế còn lại của năm sẽ khó khăn và chủ yếu đến từ khu vực dịch vụ nội địa.

“Dịch Covid-19 có thể sẽ trở thành căn bệnh bình thường, và không hẳn là điều gì mà chúng ta sợ hãi quá mức và rồi phải hạn chế những hoạt động kinh tế", PGS.TS. Quách Mạnh Hào nói.

Việt Nam cần phải vạch ra một lộ trình sống chung với dịch.

PGS.TS. Quách Mạnh Hào

Và theo quan điểm của PGS.TS. Quách Mạnh Hào, hoạt động kinh tế trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp nhỏ và người nghèo là rất quan trọng. Nếu các biện pháp quá nghiêm ngặt, nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ có thể dẫn đến những vấn đề xã hội còn nghiêm trọng.

Ông nhấn mạnh Việt Nam cần phải vạch ra một lộ trình sống chung với dịch. Theo đó, bước đầu tiên là Việt Nam cần tư duy về lâu dài người dân cần phải sống chung với Covid-19.

Thứ hai, cần sớm mở cửa nền kinh tế một cách bình thường, đi kèm đó là những hạn chế nhất định trong việc thực hiện giãn cách xã hội, thay vì đóng cửa một cách cứng nhắc.

Thứ ba, Việt Nam cần khẩn trương thực hiện việc tiêm chủng và mở rộng tiêm chủng càng sớm càng tốt. Đó chính là nền tảng, là tấm hộ chiếu để Việt Nam sớm quay trở lại với nền kinh tế toàn cầu./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top