Aa

TS. Vũ Đình Ánh: Nhìn nhận vai trò của doanh nghiệp qua con số tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm

Thứ Ba, 06/07/2021 - 06:06

Tốc độ tăng GDP nửa cuối năm và cả năm 2021 phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh và duy trì sản xuất kinh doanh trong bối cảnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, lan rộng, gây hậu quả khôn lường.

Tổng cục Thống kê đã công bố GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64% - cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Riêng GDP quý II/2021 tăng 6,61% - cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020 nhưng cũng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý II các năm 2018 và 2019.

Nền kinh tế trong nửa đầu năm 2020 và năm 2021 đều chịu tác động mạnh của Covid-19, thậm chí 6 tháng đầu năm 2021 còn chịu ảnh hưởng của 2 đợt dịch liên tiếp với cường độ mạnh hơn, phạm vi lan rộng hơn, tốc độ lây nhanh hơn và mức độ phức tạp hơn hẳn so với chỉ một đợt dịch xảy ra vào nửa đầu năm 2020 và nhanh chóng được kiểm soát.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020 lại diễn biến trái chiều và cần tìm lời giải thích từ góc độ doanh nghiệp - trụ cột của tăng trưởng kinh tế. Thông qua phương pháp so sánh cùng kỳ giữa năm trước và năm nay có thể thấy:

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế đang trên đà phục hồi tốt sau khi rơi xuống đáy vào quý II/2020, và tốc độ tăng GDP theo quý đang hướng về khung 5 - 7% thiết lập từ cuối 2009. Nếu xu hướng tăng trưởng lạc quan này được giữ vững thì GDP cả năm 2021 hoàn toàn có thể đạt mục tiêu tăng 6,5 - 7%.

Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021
Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021. (Nguồn ảnh: Tổng cục Thống kê)

Thứ hai, mặc dù đều chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 - yếu tố không tồn tại trước 2020 và thậm chí dịch bệnh Covid-19 nửa đầu năm 2021 diễn biến và ảnh hưởng nặng nề hơn hẳn so với cùng kỳ năm 2020, song, diễn biến tăng trưởng kinh tế lại ngược hoàn toàn khi cả tăng trưởng quý I và quý II/2021 đều cao hơn hẳn so với các quý tương ứng năm 2020.

Đặc biệt, xu hướng tăng trưởng theo quý hoàn toàn ngược chiều khi nửa đầu năm 2020 là xu hướng giảm mạnh, còn nửa đầu năm 2021 thì GDP lại tăng tương đối mạnh, thậm chí GDP quý II/2021 tăng tương đương với tốc độ tăng theo quý tốt nhất giai đoạn 2014 - 2019, nghĩa là giai đoạn chưa xuất hiện Covid-19 và kinh tế bắt đầu vượt qua giai đoạn khó khăn 2008 - 2013. Theo đó, GDP hai quý cuối năm 2021 thậm chí có thể tăng tới trên 7% bất chấp đợt dịch thứ tư đang hoành hành cho tới nay vẫn chưa thấy điểm dừng.

Thứ ba, xét riêng quý II năm 2020 và 2021 - quý chịu tác động mạnh nhất của Covid-19 cho đến nay - GDP quý II/2020 theo báo cáo ban đầu tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,72% nhưng cùng kỳ năm 2021 lại tăng tới 4,11%; còn khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,38% - thấp xa tốc độ tăng tới 10,28% cùng kỳ năm 2021 và khu vực dịch vụ quý II/2020 giảm 1,76% thì quý II/2021 lại vẫn tăng 4,3%.

Để loại trừ yếu tố độ trễ tác động có thể sử dụng số liệu nửa đầu năm để so sánh. Theo đó, GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19% (cùng kỳ năm 2021 tăng 3,82%), khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98% (cùng kỳ năm 2021 tăng 8,36%) và khu vực dịch vụ tăng 0,57% (tăng 3,96%).

Qua đó có thể nhận định dịch Covid-19 tác động mạnh tới tất cả các bộ phận của nền kinh tế nửa đầu năm 2020 nhưng lại hầu như không tác động gì tới khu vực công nghiệp và xây dựng và giảm tác động vào khu vực dịch vụ trong khi khu vực nông nghiệp lại đạt kỳ tích tăng trưởng nửa đầu năm 2021.

Phải chăng sức chống chịu trước Covid-19 của kinh tế Việt Nam đã tăng vọt bất chấp dịch bệnh nặng nề và phức tạp hơn nhiều lần? Nếu thực tế này được củng cố và khẳng định thì nửa cuối năm 2021 sẽ tiếp tục chứng kiến phục hồi tăng trưởng ngoạn mục ở cả 3 ngành: Công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. 

Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2021
Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2021. (Nguồn ảnh: Tổng cục Thống kê)

Thứ tư, về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,56% (cùng kỳ năm 2020 tăng 0,69%); tích lũy tài sản tăng 5,67% (cùng kỳ năm 2020 tăng 1,93%); xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 24,05% (cùng kỳ năm 2020 giảm 0,31%); nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 22,76% (cùng kỳ năm 2020 giảm 2,54%).

Như vậy, sức chống chịu dịch bệnh của nền kinh tế còn thể hiện cả phục hồi tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản trong khi thay vì giảm như nửa đầu năm 2020 thì cả xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ nửa đầu năm 2021 đều tăng mạnh như chưa hề có dịch bệnh, thậm chí còn cao hơn nhiều lần các con số tương ứng năm 2019 (xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,06%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,98%).

Xuất khẩu khẳng định vai trò trụ cột tăng trưởng bất chấp ảnh hưởng của Covid 19 đến các trung tâm sản xuất để xuất khẩu như Bắc Giang và Bắc Ninh trong nửa đầu năm 2021, trong đó có những doanh nghiệp FDI lớn thuộc khu vực đóng góp tới 3/4 kim ngạch xuất khẩu của nước ta mỗi năm.

6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) tăng tới 33%, chiếm 74,1% (các con số tương ứng năm 2020 là giảm 6,7% và chiếm 65,9%) còn khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu tăng 16,8%, chiếm 25,9% (cùng kỳ năm 2020 lần lượt là tăng 11,7%, chiếm 34,1%).

Rõ ràng, kỳ tích xuất khẩu nửa đầu năm 2021 được tạo ra bởi các doanh nghiệp FDI đã đảo ngược tình thế cùng kỳ năm 2020 trong khi doanh nghiệp trong nước cũng xuất khẩu tốt hơn. Tốc độ tăng xuất khẩu khó có thể duy trì ở mức cao vào nửa cuối năm 2021 do mặc dù nhu cầu thị trưởng thế giới dự báo tăng mạnh do mở cửa trở lại nhờ tiêm chủng vacxin rộng rãi, song, năng lực sản xuất, xuất khẩu khó tăng tương ứng, chưa kể ảnh hưởng của dịch bệnh đến các trung tâm sản xuất, xuất khẩu của nước ta như Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TP.HCM,... 

Thứ năm, một trong những luận cứ cho tốc độ tăng trưởng kinh tế là số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và số lượng doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể do doanh nghiệp FDI đóng góp tới hơn 1/5 GDP và khoảng 3/4 tổng kim ngạch xuất khẩu còn hơn 700 ngàn doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng góp khoảng 10%GDP.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thành lập mới không phản ánh thực tế tăng trưởng kinh tế trong một vài quý mà chỉ là bằng chứng cho niềm tin kinh doanh và triển vọng tăng trưởng trong tương lai khi những doanh nghiệp thành lập mới thực hiện sản xuất kinh doanh tạo ra những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cho nền kinh tế.

Thêm vào đó, quy mô vốn đăng ký và lao động sử dụng tại các doanh nghiệp mới thành lập chủ yếu chỉ mang ý nghĩa trên giấy tờ chứ không phải là thật sự tham gia vào cấu thành tổng vốn đầu tư toàn xã hội cũng như tạo việc làm mới trong kỳ công bố số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Hơn nữa, không phải doanh nghiệp nào mới đăng ký thành lập cũng hoạt động tốt ngay lập tức và góp phần thực sự vào tăng trưởng kinh tế trong kỳ.

Ở chiều ngược lại, những doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, đặc biệt là buộc phải giải thể hay phá sản trong kỳ trực tiếp ảnh hưởng đến số lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ mà các doanh nghiệp đó cung cấp cho nền kinh tế, theo đó trực tiếp làm giảm quy mô GDP lẫn phần đóng góp vào Ngân sách Nhà nước (NSNN).

Vì vậy, đánh giá tác động vào tăng GDP trong kỳ nào đó phụ thuộc vào biến động số lượng doanh nghiệp phải giải thể hay phá sản, đặc biệt là quy mô của các doanh nghiệp đó chứ không phải là phụ thuộc vào số doanh nghiệp mới đăng ký hay chênh lệch giữa số doanh nghiệp đó với số doanh nghiệp giải thể và phá sản. Có chăng sự chênh lệch giữa số doanh nghiệp mới gia nhập thị trường với số doanh nghiệp ra khỏi thị trường chỉ tác động ngay đến tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong một kỳ nào đó.

"GDP nửa đầu năm 2021 cao hơn hẳn so cùng kỳ năm 2020 chỉ có thể được giải thích bởi các doanh nghiệp còn lại đã hoạt động tốt hơn, không những bù đắp phần thiếu hụt do hơn 7 vạn doanh nghiệp ra khỏi thị trường tạo ra, mà còn tăng được cả quy mô sản phẩm hàng hóa dịch vụ bất chấp tác động nặng nề hơn hẳn của dịch bệnh Covid-19 trong nửa đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020".

Rõ ràng, trong 6 tháng đầu năm 2021 đã có tới 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020, chứng tỏ một trong những trụ cột tăng trưởng kinh tế là các doanh nghiệp ngoài Nhà nước đã chịu tác động sâu sắc bởi Covid-19 và nền kinh tế Việt Nam đã mất đi sự đóng góp của tới hơn 7 vạn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng nửa đầu năm 2021 đã có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tuy không biết đầy đủ, chính xác và cụ thể quy mô của các doanh nghiệp đã rời bỏ thị trường trong 6 tháng qua nhưng Tổng cục Thống kê cho biết đã có 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2020 và 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7% cùng với 9,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%, trong đó có 8.883 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, tăng 34,2%; 105 doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 2,8%.

Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác; dịch vụ lưu trú và ăn uống; kinh doanh bất động sản; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác; vận tải, kho bãi; giáo dục, đào tạo; thông tin và truyền thông; sản xuất phân phối điện, nước, gas.

Như vậy, GDP nửa đầu năm 2021 cao hơn hẳn so cùng kỳ năm 2020 chỉ có thể được giải thích bởi các doanh nghiệp còn lại đã hoạt động tốt hơn, không những bù đắp phần thiếu hụt do hơn 7 vạn doanh nghiệp ra khỏi thị trường tạo ra mà còn tăng được cả quy mô sản phẩm hàng hóa dịch vụ bất chấp tác động nặng nề hơn hẳn của dịch Covid-19 trong nửa đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020.

Thêm vào đó, PMI - chỉ số quản lý sức mua phản ánh triển vọng hoạt động của khu vực doanh nghiệp - sau khi đạt đỉnh cao nhất kể từ tháng 11/2018 tới 54,7 vào tháng 4/2021 đã giảm mạnh từ 53,1 của tháng 5/2021 xuống 44,1 trong tháng 6/2021. Điều này chứng tỏ khối doanh nghiệp còn tồn tại đang đương đầu với rất nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra. Theo đó, tốc độ tăng GDP nửa cuối năm và cả năm 2021 phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh và duy trì sản xuất kinh doanh trong bối cảnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, lan rộng và gây hậu quả khôn lường.

Thứ sáu, một trong những chỉ số rất quan trọng phản ánh năng lực thật sự của doanh nghiệp chính là thực hiện nghĩa vụ thu nộp NSNN.

Tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm 2021 đạt 775 nghìn tỷ đồng (cùng kỳ năm 2020 đạt 607,1 nghìn tỷ đồng), bằng 57,7% dự toán năm (năm 2020 là 40,1%), trong đó thu nội địa đạt 633,1 nghìn tỷ đồng (năm 2020 là 503,8 nghìn tỷ đồng), bằng 55,9% (năm 2020 bằng 39,9%; thu từ dầu thô tuy chỉ đạt 18,5 nghìn tỷ đồng (năm 2020 là 20,2 nghìn tỷ đồng) nhưng lại bằng 79,8% dự toán năm (năm 2020 bằng bằng 57,5%) do giảm mạnh dự toán thu từ dầu thô; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 122,8 nghìn tỷ đồng (năm 2020 là 82,8 nghìn tỷ đồng), bằng 68,8% (năm 2020 bằng 39,8%) do xuất khẩu phục hồi rất mạnh.

Trong thu nội địa nửa đầu năm 2021, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước được 78,5 nghìn tỷ đồng, bằng 52,9% dự toán năm (cùng kỳ năm 2020 đạt 59 nghìn tỷ đồng, bằng 33,2% dự toán năm); thu từ doanh nghiệp FDI (không kể dầu thô) đạt 113,7 ngàn tỷ đồng, bằng 57,1% (con số tương ứng năm 2020 là 86,7 nghìn tỷ đồng, bằng 37,9%); thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước là gần 139,5 nghìn tỷ đồng, bằng 58,7% (cùng kỳ năm 2020 thu 92,3 nghìn tỷ đồng, bằng 34%).

Như vậy là cả 3 khu vực doanh nghiệp đều thu nộp NSNN với các con số cả tuyệt đối lẫn tương đối (so với dự toán năm) đều vượt xa so với cùng kỳ năm 2020. Tiếc là thiếu số liệu về việc doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng trong nửa đầu năm để phân tích rõ hơn thực trạng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp dưới tác động của Covid-19 trong bối cảnh tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2021 đạt 2.463,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 0,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 3,55% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,77%).

Thứ bảy, đầu tư của doanh nghiệp không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong kỳ mà còn là tiền đề dự báo tăng trưởng kinh tế trong tương lai ngắn hạn và trung hạn.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội

Nửa đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 1.169,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 là 850,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4%), bao gồm:

- Vốn khu vực Nhà nước đạt 295,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,3% tổng vốn và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước (con số tương ứng năm 2020 là 273,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,2% tổng vốn và tăng 7,4%);

- Vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt 660,1 nghìn tỷ đồng, bằng 56,4% và tăng 7,4% (tương ứng năm 2020 lần lượt là 375,9 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% và tăng 4,6%);

- Vốn khu vực FDI đạt 214,4 nghìn tỷ đồng, bằng 18,3% và tăng 6,7% (năm 2020 đạt 200,9 nghìn tỷ đồng, bằng 23,6% và giảm 3,8%).

Rõ ràng, doanh nghiệp ngoài Nhà nước đang dẫn đầu cuộc đua đầu tư vào nền kinh tế cả về quy mô, tỷ trọng và tốc độ tăng trong khi doanh nghiệp FDI vẫn chưa lấy lại được vị thế đầu tư sau khi suy giảm mạnh hồi nửa đầu năm 2020.

Dường như một bộ phận lớn doanh nghiệp ngoài Nhà nước không bị lâm vào tình thế tạm dừng hoạt động hay giải thể, phá sản không những không co hẹp mà ngược lại còn đẩy mạnh đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh trong tình trạng có Covid-19 gấp nhiều lần so với không có dịch. Động thái đặc biệt của những doanh nghiệp ngoài Nhà nước này nếu được khẳng định sẽ củng cố hơn nữa chủ trương đưa khu vực kinh tế ngoài Nhà nước trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top