Aa

Tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 7,02%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra

Thứ Sáu, 27/12/2019 - 17:30

Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 7,02%. Nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng cao, quy mô được mở rộng với chất lượng ngày càng cải thiện.

Chiều 27/12, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2019.

“Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6% - 6,8%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011,” ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Thống kê cho biết.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê thông báo một số vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam quý IV và năm 2019

Theo đó, nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng cao, quy mô được mở rộng với chất lượng ngày càng được cải thiện. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Cung cầu hàng hóa trong nước bảo đảm, tiêu dùng tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao nhất giai đoạn 2016 - 2019.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,90%, đóng góp 50,4%; khu vực dịch vụ tăng 7,3%, chiếm 45%; khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%, chiếm 4,6%.

Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 11,29% và các ngành dịch vụ thị trường tiếp tục giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, ngành vận tải, kho bãi tăng 9,12%, bán buôn và bán lẻ tăng 8,82%, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,62%.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa xác lập kỷ lục mới, đạt 516,96 tỷ USD với giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay. Ngành du lịch tạo dấu ấn với lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt người. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thu hút nhiều doanh nghiệp thành lập mới và đầu tư nước ngoài.

Cũng theo báo cáo, về cơ cấu kinh tế năm 2019, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,96% GDP, công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49% GDP, khu vực dịch vụ chiếm 41,64% GDP và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,91% GDP (trong khi cơ cấu tương ứng của năm 2018 tương ứng 14,68%; 34,23%; 41,12%; 9,97%).

Ông Nguyễn Bích Lâm nhận định: “Không chỉ tăng trưởng cao, chất lượng tăng trưởng kinh tế cũng được cải thiện”.

Năm 2019, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 46,11%, bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011 - 2015.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế có sự chuyển biến khả quan và đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018).

Chất lượng dân số ngày một nâng lên, tuổi thọ trung bình tăng cao, tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong mẹ và trẻ em giảm mạnh. Số người có việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm dần, thu nhập của người dân cải thiện, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và vấn đề địa chính trị khiến hệ thống thương mại thế giới làm gia tăng tính bất ổn. Điều này đã gây ảnh hưởng đến niềm tin kinh doanh, quyết định đầu tư và thương mại toàn cầu.

"Mặc dù thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế biến động khó lường, giá dầu diễn biến phức tạp tác động đến tăng trưởng tín dụng, tâm lý và kỳ vọng thị trường, song kết quả tăng trưởng 7,02% khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng năm 2019", ông Lâm nói.

Bước sang năm 2020, kinh tế Việt Nam cần nhận diện những cơ hội cũng như các thách thức để có bước đi đúng trong tiến trình “về đích” của giai đoạn 2016 - 2020. Để có thể hoàn thành các mục tiêu kế hoạch, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần tháo gỡ các nút thắt, phát huy tối đa mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, trong đó tập trung vào 6 nhóm động lực có tính nền tảng cho tăng trưởng kinh tế năm 2020 và các năm tiếp theo với các nội dung chủ yếu sau: (1) Hoàn thiện thể chế kinh tế; (2) Nâng cao hiệu quả vốn đầu tư của nền kinh tế; (3) nâng cao năng suất lao động; (4) Tăng khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước; (5) Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; (6) Đô thị hóa là quá trình tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top