Theo báo cáo của UBND tỉnh Hưng Yên tại Hội nghị lần thứ 26 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, năm 2023 tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh ổn định, tiếp tục đà phục hồi nhanh, vững chắc. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2023 đều đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra.
Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,05%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ; năng suất lao động tăng 8,46% (đạt trên 212 triệu đồng/lao động); thu ngân sách nhà nước vượt 44% so với dự toán, trong đó thu từ sản xuất, kinh doanh tăng mạnh.
Kết quả Chỉ số sản xuất công nghiệp trong năm qua ước tăng 6,35%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 6,41%. Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí ước tăng 2,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý nước thải, rác thải tăng 2,1%.
Công tác quản lý nhà nước về công nghiệp được tăng cường. Nhiệm vụ giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp được chú trọng. Năm 2023, tỉnh đã chi trả tiền giải phóng mặt bằng khoảng 390ha, trong đó đã cho thuê 385ha. Dự kiến đầu tư xây dựng được 273ha hạ tầng khu công nghiệp, đạt 210% kế hoạch. Các cụm công nghiệp cũng được đẩy nhanh tiến độ đầu tư…
Với các hoạt động thương mại, dịch vụ, đây được xem là ngành có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hưng Yên. Cụ thể, giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ năm 2023 của tỉnh tăng 15,23%,vượt kế hoạch đề ra. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 đạt 109.501 tỷ đồng,tăng 74,19% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 5.808 triệu USD.
Một kết quả nổi bật khác là số vốn thu hút đầu tư mới và điều chỉnh tăng thêm năm 2023 đạt 18.387 tỷ đồng và 776,27 triệu USD. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 1.390 doanh nghiệp, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022, với tổng số vốn đăng ký mới đạt 22.810 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã có 16.268 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký đạt 198.396 tỷ đồng.
Trong năm 2023, công tác quản lý kiến trúc – quy hoạch cũng được tỉnh chú trọng và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, việc quản lý hoạt động xây dựng, quản lý quy hoạch, quản lý nhà ở và thị trường bất động sản được tăng cường. Nhiều dự án lớn, trọng điểm được triển khai xây dựng. Ngoài ra, tỉnh cũng đang hoàn chỉnh hồ sơ theo ý kiến của hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Riêng hạ tầng giao thông, trong năm qua, toàn tỉnh Hưng Yên đã triển khai đầu tư hơn 432km đường giao thông ở các cấp đường, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Nhiều tuyến đường quan trọng cũng được tỉnh tích cực thi công để đảm bảo tiến độ như: Dự án đường kết nối ĐT.387 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Km31+100); dự án Đường trục ngang kết nối QL.39 (Km22+550) với ĐT.376; dự án xây dựng đường bên tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, năm 2024 là năm then chốt thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Vì vậy, Hưng Yên quyết liệt thực hiện các mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát giá cả, bảo đảm các cân đối của nền kinh tế. Đặc biệt là tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ hiện đại có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thương mại dịch vụ và đô thị, chú trọng hơn ở các khu vực trọng điểm để thúc đẩy lan tỏa phát triển./.