Aa

Tăng trưởng kinh tế năm 2022: Kỳ vọng từ cỗ xe tam mã

Thứ Năm, 23/12/2021 - 06:22

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5% trong năm 2022, vai trò của “cỗ xe tam mã” - xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng - cần phát huy vai trò lớn hơn nữa.

Trong khi trụ cột xuất khẩu đã phát đi những tín hiệu tích cực rõ ràng, hai trụ cột còn lại cần nhiều giải pháp để hiện thực hóa kế hoạch và kỳ vọng.

Triển vọng tích cực

Nhìn lại năm 2021, trụ cột xuất khẩu đang mang lại những tín hiệu tích cực nhất. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã đạt 602 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5%; nhập khẩu đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5%; cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 225 triệu USD. Dự báo cả năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ vượt mốc 660 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Việc xuất khẩu hàng hóa vượt mốc 300 tỷ USD có thể xem là kỳ tích của năm 2021 trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid. Đáng chú ý, đã xuất hiện những ngành cán đích xuất khẩu đặt ra. Đơn cử, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản 11 tháng ước đạt gần 43,48 tỷ USD, trong khi mục tiêu cả năm chỉ là 42 tỷ USD. Ngành dệt may đến nay cũng đã hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD.

Theo dự kiến các kịch bản cho tăng trưởng của ngành dệt may trong năm 2022 đưa ra tại Hội nghị tổng kết của Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức tuần vừa qua, trong kịch bản kém tích cực nhất (với giả thiết tình hình dịch bệnh còn phức tạp kéo dài đến cuối năm 2022) thì xuất khẩu vẫn có thể đạt 38-39 tỷ USD. Trong khi ở kịch bản trung bình (dịch bệnh còn phức tạp đến giữa năm 2022), sẽ đạt 40-41 tỷ USD và ở kịch bản tích cực nhất (dịch bệnh được cơ bản kiểm soát trong quý I/2022), kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 41,5-42,5 tỷ USD.

Chỉ ví dụ từ một ngành như vậy đã cho thấy kỳ vọng xuất khẩu trong năm tới sẽ là trụ cột giúp cỗ xe tam mã chạy tốt. Và theo các chuyên gia, không chỉ xuất khẩu mà đầu tư, tiêu dùng cũng sẽ có những khởi sắc trong năm Nhâm Dần. “Tôi tin tưởng cỗ xe tam mã sẽ vận hành trơn tru hơn, phục hồi tốt hơn nhiều so với sự trầm lắng của năm 2021”, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định.

Chuyên gia này lấy ví dụ, đầu tư công năm tới chắc chắn sẽ được thúc đẩy mạnh vì các lý do chính như: Chương trình phục hồi chuẩn bị được triển khai; nhiều dự án hạ tầng đã được chuẩn bị sẵn sàng trong thời gian vừa qua cả về mặt pháp lý, giải phóng mặt bằng, kế hoạch bố trí vốn và các chỉ đạo rất quyết liệt; kỳ vọng kiểm soát dịch, bao phủ vắc xin tốt hơn trong năm 2022… Bên cạnh đó, nếu nhìn tính theo chu kỳ, giai đoạn các năm thứ hai, thứ ba thường là những năm giải ngân đầu tư công tương đối tốt sau năm đầu xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai.

Đầu tư tư nhân cũng kỳ vọng sẽ phục hồi tốt, nhất là các lĩnh vực gắn với du lịch, bán lẻ… vốn chịu rất nhiều tác động tiêu cực trong suốt thời gian vừa qua. Bởi khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng sẽ phục hồi. Hoạt động đầu tư tư nhân, lượng doanh nghiệp thành lập mới, quay lại hoạt động sẽ tăng khả quan hơn, trong khi doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, đóng cửa phá sản sẽ giảm đi.

Tiêu dùng cũng chắc chắn sẽ phục hồi tốt hơn khi các hoạt động kinh tế trở về trạng thái bình thường mới. Hành vi tiêu dùng có thể thay đổi do tác động của dịch bệnh vẫn còn nhưng chi tiêu cho du lịch, ăn uống nhà hàng và các hoạt động giải trí khác chắc chắn sẽ gia tăng. Bên cạnh đó, Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với các gói hỗ trợ được đưa ra tới đây chắc chắn cũng sẽ giúp kích thích cả phía cung và cầu của nền kinh tế.

Vẫn cần những nỗ lực lớn

Đánh giá về từng trụ cột trong “cỗ xe tam mã”, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam cơ bản khá yên tâm về triển vọng xuất khẩu và đầu tư, song tỏ ra lo ngại về yếu tố tiêu dùng. “Tôi cho rằng vướng nhất của cỗ xe này hiện nay là tiêu dùng, mà đã là “cỗ xe tam mã” phải chạy đều thì mới ổn định được”, chuyên gia này nêu quan điểm.

Trong tiêu dùng gồm 2 phần: Tiêu dùng của người dân và chi tiêu của Chính phủ. “Phần chi tiêu của Chính phủ hy vọng sẽ tăng tốt khi đẩy mạnh được đầu tư công đúng như kế hoạch dự kiến, nhưng tiêu dùng của người dân thì rất phụ thuộc vào việc làm và mức độ gia tăng của thu nhập. Nếu không có việc làm, hoặc vẫn có việc làm nhưng thu nhập giảm đi thì rất khó để tiêu dùng gia tăng mạnh như kỳ vọng”, chuyên gia này phân tích.

Vì vậy TS. Lê Duy Bình cho rằng, các giải pháp hỗ trợ ngắn hạn để kích thích tiêu dùng cũng có thể phát huy tác dụng nhưng biện pháp căn cơ và tốt nhất chính là làm sao đảm bảo được việc làm, gắn với kinh tế và thu nhập của người dân. Chỉ khi có thu nhập ổn định người dân mới chi tiêu nhiều hơn. Với chi tiêu của Chính phủ, chuyên gia này lưu ý nguyên nhân chính của việc chậm giải ngân đầu tư công thời gian qua bên cạnh do yếu tố dịch bệnh khách quan còn do các thủ tục, quy định. Vì vậy hy vọng sang năm 2022, với việc chúng ta đã có những chính sách, biện pháp sống chung với dịch bệnh; có kinh nghiệm của năm vừa qua và nhất là những vướng mắc về các thủ tục, quy định được giải quyết sẽ giúp mang lại những chuyển biến khác biệt thực sự trong đầu tư công.

Khuyến nghị các giải pháp tổng thể để thúc đẩy “cỗ xe tam mã” trong năm tới, TS. Lực cho rằng về mặt xuất khẩu, cần tận dụng tốt hơn nữa các FTA và các thị trường đối tác lớn trong bối cảnh họ vẫn đang phục hồi tốt. Hiện nay chỉ riêng 6 thị trường xuất khẩu chính (Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản) đã chiếm khoảng gần 80% kim ngạch. Bên cạnh đó, cần cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là về các thủ tục đầu tư, xây dựng, hải quan, đất đai… là những lĩnh vực vẫn có những rào cản lớn về các quy định, thủ tục hành chính.

Cùng với đó, cần có các chính sách, giải pháp hữu hiệu và phù hợp, phục hồi sớm ngành du lịch để tạo lan tỏa tích cực cho các lĩnh khác như lưu trú, bán lẻ, giải trí. Trước mắt, cần tập trung vào kích cầu du lịch trong nước, đồng thời tới đây cần sớm có tổng kết về hiệu quả thí điểm du lịch quốc tế ở một số địa phương vừa qua để xem xét nhân rộng cũng như xây dựng rõ lộ trình hợp tác quốc tế về bong bóng du lịch trong đón khách quốc tế.

Nhắc lại câu chuyện khó khăn mà hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực gặp phải trong giai đoạn quý III vừa qua, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến việc các tỉnh thành cần khắc phục những ách tắc về giao thông vận tải (bao gồm cả hàng không); tăng cường kiểm tra, bãi bỏ ngay những biện pháp phòng, chống dịch của địa phương trái với chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, gây cản trở quá trình khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top