Lý giải nguyên nhân tín dụng tăng trưởng thấp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, nguyên nhân chính khiến tín dụng tăng chậm là do các doanh nghiệp không có đầu ra, không có đơn hàng nên nhu cầu vay vốn thấp.
Tín dụng tăng chậm do sức hấp thụ vốn yếu
Đối với lĩnh vực tín dụng bất động sản, thông thường tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này cao hơn so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nhưng hiện tại thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn nhất là về pháp lý. Ở góc độ cơ quan điều hành, cơ chế, chính sách cho vay vẫn giữ nguyên, không có gì thay đổi. Về phía các tổ chức tín dụng, những tháng đầu năm dư địa về room tín dụng rất thoải mái, không bị chậm và thanh khoản hệ thống được NHNN duy trì rất dư thừa.
Các chuyên gia cũng nhận định nguyên nhân chính dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu hơn so với năm ngoái. Ngoài lý do trên, Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, một phần nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng thấp do mặt bằng lãi suất của các nhà băng cao so với giai đoạn trước. Song, thời gian vừa qua, NHNN đã rất nỗ lực để hạ mặt bằng lãi suất khi giảm 3 lần lãi suất điều hành trong vòng 3 tháng. Qua đó tạo điều kiện cho các NHTM giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, nền kinh tế.
Thực tế, tăng trưởng tín dụng cũng là mong muốn của các ngân hàng, và họ đang miệt mài “đốt đuốc” đi tìm doanh nghiệp tốt. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, không có lý do gì để các tổ chức tín dụng huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền mà khi doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn lại không cho vay.
Đại diện một ngân hàng lớn cho biết, vốn ưu đãi ngân hàng sẵn sàng, vấn đề thách thức lớn nhất hiện tại là sức hấp thụ của nền kinh tế, khả năng sử dụng, đưa vốn vào lĩnh vực sản xuất, phương án kinh doanh hiệu quả đang thấp.
Kỳ vọng tăng trưởng nửa cuối năm
Nếu so với kế hoạch tăng trưởng tín dụng đặt ra trong năm nay khoảng 14 - 15% thì từ giờ đến cuối năm dư địa tăng trưởng còn rất nhiều. Trước những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, hiện NHNN cùng các bộ ngành đang thực hiện hàng loạt giải pháp tháo gỡ. Đây là những tín hiệu đầy tích cực, kỳ vọng sẽ tạo động lực tăng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong những tháng tới.
Cụ thể, về phía NHNN, sau quyết định giảm lãi suất điều hành, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023. Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu; tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, giảm các loại phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Thống đốc cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP.
Các ngân hàng lớn, nhỏ cũng đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN khi liên tiếp giảm lãi suất cho vay, tung nhiều gói tín dụng ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên với quy mô từ vài chục nghìn đến cả trăm nghìn tỷ đồng kích cầu tín dụng. Đơn cử, như Agribank tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với dư nợ trung dài hạn hiện hữu của khách hàng, thời gian áp dụng từ nay đến hết ngày 30/9/2023. Ước tính, sẽ có khoảng 2 triệu khách hàng được hỗ trợ với tổng số tiền được giảm theo chương trình này là hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là lần thứ 5 liên tiếp từ đầu năm 2023 đến nay, Agribank điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ trực tiếp các đối tượng khách hàng, giúp giảm thiểu chi phí để tập trung tái cơ cấu, khôi phục hoạt động kinh doanh. LPBank đã triển khai gói hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, khách hàng doanh nghiệp bán lẻ và đặc biệt khách hàng sản xuất kinh doanh với mức giảm lên tới 1%/năm. Gói hỗ trợ này với tổng quy mô lên tới 104.000 tỷ đồng và áp dụng tới hết ngày 31/08/2023. Đây là chương trình hỗ trợ lãi suất có quy mô lớn nhất mà LPBank đã triển khai trong năm 2023...
Các chuyên gia đánh giá, khi “giá” rẻ hơn, các doanh nghiệp sẽ tìm đến nguồn vốn từ nhà băng nhiều hơn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu tín dụng trong bối cảnh hiện nay, không thể trông chờ vào một chính sách đơn lẻ có thể thay đổi tất cả, cụ thể ở đây là câu chuyện lãi suất. "Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng, vẫn cần thúc đẩy từ cả chính sách tài khoá để cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn", ông Tùng nói thêm.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dự thảo nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước áp dụng từ 1/7 tới. Đồng thời, Chính phủ cũng đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2%… Trên nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc giảm thuế VAT 4% để khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu; Hay như vấn đề pháp lý đối với các dự án bất động sản nếu được giải quyết sớm cũng sẽ tạo động lực tăng trưởng tín dụng hồi phục nhanh.
Với sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của chính sách trên, cùng với việc Việt Nam đã và đang rốt ráo cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, hàng loạt luật đang được sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu dần phục hồi… chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình tin tưởng, kinh tế nửa cuối năm 2023 sẽ có nhiều điểm sáng, từng bước phục hồi, thông qua đó, thúc đẩy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế./.