Theo đó, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) hướng đến nhiều mục tiêu, một trong số đó là mục tiêu kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo.
Để giải quyết vấn đề này, Dự thảo Luật (sửa đổi) đã điều chỉnh tổng mức dư nợ tín dụng đối với một khách hàng và tổng mức dư nợ tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan tương ứng từ không được vượt quá 15% và 25% (theo Luật hiện hành) xuống còn 10% và 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô. Với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, mức giảm từ 25% và 50% xuống còn 15% và 25%.
Xoay quanh nội dung này, không ít ý kiến còn tỏ ra băn khoăn, trong đó, không ít ý kiến cho rằng, việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, chi phí vốn tăng cao. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự là kênh huy động vốn ổn định cho nền kinh tế và còn nhiều rủi ro, nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng.
Đáng nói, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp đang rất thiếu vốn để phục hồi và phát triển sau những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, cũng như những diễn biến phức tạp trên thị trường tài chính, ngân hàng trong nước và trên thế giới.
Chưa kể, việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng có thể tác động tiêu cực đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam.
Thực tế trước đó, các Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam,… cũng đều cho rằng, nếu quy định về giới hạn cấp tín dụng như đề xuất của Dự thảo Luật (sửa đổi) được áp dụng, các doanh nghiệp FDI đang vay nợ ở Việt Nam ở mức gần với giới hạn tối đa 15% và 25% theo Luật hiện hành sẽ phải tìm kiếm các nguồn vốn mới… việc giảm khả năng vay trong nước của khối FDI đối với các ngân hàng như vậy có thể làm giảm sức hấp dẫn trong thu hút FDI của Việt Nam.
Cho ý kiến về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho biết, việc điều chỉnh theo hướng giảm tỷ lệ tối đa cho vay khách hàng sẽ gây khó khăn cho người đi vay, đặc biệt là các doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp phải tiếp cận cùng lúc với nhiều ngân hàng mới đảm bảo đủ nguồn lực tài chính để triển khai dự án. Các chi phí liên quan đến tài chính cũng sẽ cao hơn rất nhiều, đặc biệt là cũng sẽ giảm sức cạnh tranh của ngân hàng.
Theo vị đại biểu này, ngay ở hiện tại, quy định hạn mức tối đa cũng đã gây khó cho các tổ chức kinh tế. Nhiều doanh nghiệp hay dự án lớn do không được cấp đủ vốn tín dụng phải đi huy động từ các nhiều nguồn khác. Ngoài ra, việc doanh nghiệp phải vay tại nhiều ngân hàng, phải đáp ứng nhiều điều kiện khác nhau của các tổ chức tín dụng, trong khi lại không có nguồn tài trợ chính cũng sẽ có thể dẫn đến nhiều rủi ro, khi hoạt động kinh doanh không thuận lợi hay xảy ra tranh chấp.
“Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục cân nhắc và rà soát các quy định liên quan đến hạ mức chủ sở hữu, hạ mức vốn vay cho từng khách hàng và quy định với những người liên quan. Đây là nội dung nhằm giải quyết vấn đề sở hữu chéo, song tôi thấy rằng cũng chưa có cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học để đưa ra những quy định này”, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo bày tỏ.
Đồng tình với quan điểm đã nêu, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc thu hẹp tổng mức tín dụng sẽ gây tác động bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng. Đồng thời, việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng thấp hơn so với một số nước trong khu vực có thể khiến môi trường đầu tư ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn.
Xoay quanh nội nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị cân nhắc việc sửa đổi các giới hạn cấp tín dụng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự là kênh huy động vốn ổn định cho nền kinh tế và còn nhiều rủi ro. Quy định này có thể tác động tiêu cực đến thu hút FDI của Việt Nam do giảm khả năng vay trong nước.
“Việc mở rộng định nghĩa về người có liên quan đồng thời với việc thu hẹp tổng mức tín dụng được cấp cho một khách hàng và người có liên quan sẽ gây tác động bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng. Trường hợp vay hợp vốn hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ sẽ mất thêm nhiều thời gian, thủ tục hơn do giới hạn cấp tín dụng thu hẹp hơn so với Luật hiện hành. Chưa kể thông lệ quốc tế đều quy định ở mức tỷ lệ cao hơn (khoảng 25%) so với quy định tại Dự thảo Luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế bày tỏ./.