Aa

Tạo bứt phá mới theo chủ đề hành động của Chính phủ

Thứ Bảy, 09/02/2019 - 21:01

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, trong năm 2019, toàn ngành Xây dựng cần quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Phải quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đạt được kết quả cụ thể cao hơn năm 2018" và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải tạo được sự bứt phá mới theo chủ đề hành động của Chính phủ.

Trước thềm năm mới Kỷ Hợi, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã điểm lại những điểm nhấn quan trọng mà ngành Xây dựng đã đạt được trong năm qua, những tồn tại hạn chế cần tập trung khắc phục để tạo đà “bứt phá” vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong năm 2019

PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2018, ngành Xây dựng đã đạt được những kết quả toàn diện trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội chung của cả nước. Xin Bộ trưởng cho biết những điểm nhấn quan trọng của ngành Xây dựng trong năm qua?

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: Xác định rõ năm 2018 là năm bản lề để thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020, đồng thời quán triệt quan điểm chỉ đạo, phương châm hành động của Chính phủ với chủ đề năm 2018 “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, ngay từ đầu năm Bộ Xây dựng đã xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2018 của ngành và ban hành Chương trình hành động với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 85 nhiệm vụ cụ thể để triển khai các Chương trình, kế hoạch, nghị quyết quan trọng của Chính phủ và Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Ảnh:VGP/Toàn Thắng

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Ảnh:VGP/Toàn Thắng

Với định hướng cụ thể, rõ ràng, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Xây dựng và sự tập trung, nỗ lực của các đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc Bộ và cộng đồng doanh nghiệp, năm 2018, ngành Xây dựng đã đạt được các kết quả tích cực và toàn diện trên các lĩnh vực. Đặc biệt, các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã được thực hiện nghiêm túc, cơ bản kịp thời, số lượng nhiệm vụ quá hạn rất ít, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ được giao tiến độ nhanh hơn, chất lượng văn bản tốt hơn. Tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển trong các lĩnh vực của ngành tiếp tục diễn biến tích cực và có sự tăng trưởng so với cùng kỳ.

Ngành Xây dựng đã duy trì được mức tăng trưởng khá với tốc độ 9,16% cho lĩnh vực xây lắp và khoảng 4% cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Trong số 14 chỉ tiêu chủ yếu đề ra, 3 chỉ tiêu vượt, 11 chỉ tiêu đạt kế hoạch, cụ thể như tỷ lệ đô thị hóa đạt 38,4%, tăng 0,9% so 2017; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đạt 39% - tăng 2% so 2017; tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch đạt 86%, tăng 1,5% so 2017; diện tích nhà ở bình quân đạt khoảng 24m2 sàn/người, tăng 0,6% so 2017...

Những điểm nhấn của ngành Xây dựng trong năm qua đó là: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được tập trung thực hiện, đặc biệt chú trọng xây dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh nhằm tạo lập, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng. Công tác quản lý đầu tư xây dựng tiếp tục có chuyển biến tích cực, ổn định, nề nếp hơn; chất lượng công trình cơ bản được kiểm soát; các nhiệm vụ cụ thể về thanh tra, kiểm tra, thẩm tra, thẩm định thiết kế, nghiệm thu công trình và quản lý năng lực các chủ thể hoạt động xây dựng được thực hiện nghiêm túc. Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, phát triển đô thị tiếp tục được đổi mới, hiệu lực, hiệu quả được nâng cao một cách thực chất.

Cùng với đó, công tác phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở phục vụ an sinh xã hội tiếp tục có kết quả khả quan. Thị trường bất động sản ổn định, phát triển tốt, chưa có dấu hiệu cực đoan; công nghiệp vật liệu xây dựng phát triển mạnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước về một số vật liệu xây dựng chủ yếu và mở rộng thị trường xuất khẩu. Hoạt động quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng tiếp tục được tăng cường; nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, quản lý đơn vị sự nghiệp tiếp tục đạt kết quả tốt, đảm bảo tuân thủ theo các nguyên tắc của thị trường, công khai, minh bạch, đúng pháp luật và đảm bảo lợi ích cao nhất của nhà nước.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết cụ thể hơn về những kết quả trong công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng?

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã quán triệt định hướng lãnh đạo của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, hoàn thiện thể chế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ để thực hiện, trong đó tập trung cho mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng.

Về cải thiện chỉ tiêu cấp phép xây dựng và các thủ tục có liên quan, đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 13/3/2018 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan. Trong năm 2018, Bộ tăng cường phối hợp với các Bộ ngành liên quan, các địa phương tích cực triển khai thực hiện các giải pháp nhằm cải cách, rút ngắn thời gian thực hiện trên thực tế đối với thủ tục cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan.

Nhiều địa phương đã ban hành Quy chế phối hợp thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực xây dựng, giảm thời gian thực hiện cấp giấy phép xây dựng. Bộ phối hợp với Bộ Công an ban hành và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp số 01/QCPH-BCA-BXD ngày 13/2/2018 trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và phòng cháy, chữa cháy đối với dự án, công trình; bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xây dựng Quy chế phối hợp thủ tục thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường), tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra công tác nghiệm thu khi hoàn thành công trình xây dựng và kiểm tra, xác nhận công trình bảo vệ môi trường, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, giảm thủ tục thời giam thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan…

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số cấp phép xây dựng năm 2018 đạt thứ hạng 21/190 nền kinh tế, là chỉ số có thứ hạng cao nhất trong 10 chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh tại Việt Nam và là 1 trong 6 chỉ số tăng điểm so với năm 2017.

Trong công tác rà soát, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, đã rà soát, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Theo đó, đã bãi bỏ 5 ngành, nghề không thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật số 03/2016/QH14; bãi bỏ 2 ngành, nghề chồng chéo với pháp luật liên quan; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa phần lớn các điều kiện đầu tư kinh doanh của 12 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực hoạt động xây dựng, nhà ở và thị trường bất động sản.

Đến nay, đã bãi bỏ 89 điều kiện (41,3%); đơn giản hóa 94 điều kiện (43,7%); giữ nguyên 32 điều kiện (15%) trên tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa đạt 85%, vượt 35% so với yêu cầu tối thiểu cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh. Bộ cũng đang tiếp tục tập trung rà soát, đề xuất bãi bỏ 04 ngành, nghề thuộc Danh mục, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo hướng thay thế các điều kiện có tính chất tiền kiểm bằng các tiêu chuẩn, quy định, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đồng thời áp dụng nguyên tắc quản lý dựa trên rủi ro nhằm mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Bộ Xây dựng cũng đã công bố và đưa vào vận hành Bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ. Kể từ ngày 1/10/2018, 100% các thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết của các Cục, Vụ được chuyển về giải quyết tại Bộ phận này. Xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến và tích hợp dịch vụ nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ bưu chính công ích lên các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Xây dựng. Tất cả các hồ sơ được kiểm soát chặt chẽ từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả tại Bộ phận một cửa. Đánh giá của tổ chức, cá nhân khi đến làm việc tại Bộ phận một cửa rất tích cực, bước đầu tạo ra thay đổi trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ. Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ đạt được kết quả tốt nhất đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, một đầu mối trong giải quyết thủ tục hành chính.

PV: Tại Hội nghị tổng kết ngành vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh phát triển nhà ở xã hội là một trong ba nội dung Bộ Xây dựng cần tập trung “bứt phá” trong năm 2019. Bộ trưởng có thể cho biết đâu là những giải pháp cụ thể để thực hiện yêu cầu này?

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo đến lĩnh vực nhà ở, đã ban hành nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện nhiều chương trình phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội dành cho người có công với cách mạng, hộ gia đình nghèo và các đối tượng thu nhập thấp đang gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn cả nước, góp phần không nhỏ vào việc bảo đảm an sinh xã hội của đất nước. Tại lễ kỷ niệm 60 năm ngành Xây dựng Việt Nam (tháng 4/2018), đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo với tinh thần là phải coi phát triển nhà ở xã hội là trọng tâm của chính sách an sinh xã hội.

Trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn, với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và toàn xã hội, chương trình phát triển nhà ở xã hội đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, đã và đang hỗ trợ nhà ở cho khoảng 290.000 hộ gia đình người có công với cách mạng; gần 620.000 hộ nghèo khu vực nông thôn (giai đoạn 1 đã hỗ trợ được cho trên 530.000 hộ, giai đoạn 2 đã hỗ trợ được cho gần 90.000 hộ); hơn 191.000 hộ gia đình vùng thường xuyên bị ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 1 đã hỗ trợ được cho trên 139.000 hộ, giai đoạn 2 đã hỗ trợ được cho trên 52.000 hộ); trên 15.600 hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt khu vực miền Trung…

Riêng Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, đến nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 98 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 40.700 căn hộ (đang tiếp tục triển khai 153 dự án, quy mô xây dựng khoảng 93.800 căn hộ) và đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 100 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, với quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn hộ (đang tiếp tục triển khai 73 dự án với quy mô xây dựng khoảng 88.400 căn hộ).

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn vướng mắc, trong đó có việc bố trí nguồn vốn, cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội theo quy định pháp luật còn chậm và thiếu so với yêu cầu, một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, chưa xác định quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội; chưa có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội công nhân khu công nghiệp trong thời gian tới, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương, doanh nghiệp cần tập trung triển khai tốt một số giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phát triển nhà ở, nhất là đối với việc phát triển nhà ở xã hội. Trong năm 2019, đề xuất sửa đổi bổ sung chính sách hỗ trợ nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức có khó khăn về nhà ở trong Luật Nhà ở để thực hiện Nghị quyết Trung ương 7; đồng thời đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở theo hướng các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới phải hoàn thành nghĩa vụ nhà ở xã hội tại Dự án thì mới được kinh doanh sản phẩm của dự án.

Bổ sung nguồn vốn ngân sách hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội, trước mắt cần bổ sung khoảng 3.000 tỷ đồng để thực hiện cho giai đoạn đến năm 2020.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải quan tâm, tập trung thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, cụ thể phải xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân là một nhiệm vụ chính trị, trong đó chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân. Quan tâm chỉ đạo việc lập, bảo đảm đủ quỹ đất cho nhu cầu phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn, kiên quyết dành quỹ đất 20% trong các dự án khu đô thị mới, các dự án phát triển nhà ở thương mại để đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

PV: Trong năm 2019, Bộ Xây dựng có những định hướng gì nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản tiếp tục phát triển ổn định?

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: Trong mấy năm qua, thị trường bất động sản đã được từng bước kiểm soát, phục hồi và phát triển ổn định, chưa có dấu hiệu cực đoan, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Đó là một cố gắng lớn của Chính phủ, các cấp, ngành và doanh nghiệp.

Để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, hiệu quả trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ Đề án "Đánh giá tình hình dự báo xu hướng đề xuất các giải pháp thị trường, cơ chế chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh". Trong đề án này đã có đánh giá tổng quát tình hình thị trường bất động sản trong thời gian qua, nhận định bối cảnh, xu hướng, các kịch bản phát triển và các giải pháp cả về thị trường và quản lý nhà nước để chủ động phòng tránh, ứng phó có hiệu quả các hiện tượng cực đoan. Bộ Xây dựng sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để triển khai hiệu quả đề án này và thực hiện nghiêm túc.

Chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm soát cung – cầu hàng hóa bất động sản theo hướng thực hiện nghiêm các quy định về công tác lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch xây dựng; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở để khắc phục tình trạng lệch pha cung - cầu hàng hóa; tiếp tục rà soát, phân loại các dự án bất động sản để quyết định việc thu hồi, tạm dừng, giãn, hoãn hoặc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm của các dự án cho phù hợp với quy hoạch, nhu cầu thực tế và khả năng chi trả của từng nhóm đối tượng trong xã hội; kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư các dự án bất động sản, nhất là các dự án bất động sản cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp.

PV: Bước vào năm 2019, Bộ trưởng có thông điệp gì tới cán bộ, công nhân viên ngành Xây dựng nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao?

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: Ngày 1/1/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Nhằm cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các Nghị quyết này, Bộ đã xây dựng Chương trình hành động của ngành với các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cần tập trung thực hiện trong năm 2019. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành cần quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Phải quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đạt được kết quả cụ thể cao hơn năm 2018" và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải tạo được sự bứt phá mới theo chủ đề hành động của Chính phủ.

Trên tinh thần đó, đòi hòi toàn ngành cần có quyết tâm mới, động lực mới, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ý chí khát vọng vươn lên, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức trong thi hành công vụ, kiên quyết xử lý những hành vi vụ lợi, tham nhũng vặt, chây ỳ khi thực hiện nhiệm vụ.

Phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của các tổ chức Đảng, vai trò của các đoàn thể, tạo sự đoàn kết, đồng thuận, chăm lo tạo việc làm ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động để họ phát huy năng lực, công hiến; nâng cao hiệu quả hoạt động của từng đơn vị cũng như toàn ngành.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top