Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng vừa báo cáo UBND tỉnh về tình hình triển khai thực hiện quy hoạch chung và những đề xuất liên quan đến Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm (TP. Đà Lạt).
37 dự án được cấp chứng nhận đầu tư
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Khu du lịch hồ Tuyền Lâm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt năm 2016 với mục tiêu hình thành khu du lịch quốc gia kiểu mẫu; là khu du lịch mang tính đặc trưng riêng của TP. Đà Lạt, phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, có quy mô lớn, mang tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế.
Quan điểm và mục tiêu của tỉnh Lâm Đồng là hình thành Khu du lịch hồ Tuyền Lâm theo hướng khu du lịch hỗn hợp, kết hợp hài hòa bản sắc văn hóa phương Đông và phương Tây, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi - giải trí cao cấp là loại hình chính yếu; phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, coi trọng bảo tồn và tôn tạo các yếu tố tự nhiên, bảo vệ nguồn tài nguyên nước và môi trường rừng; bảo vệ đa dạng sinh học của khu vực; khai thác có hiệu quả lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, các giá trị truyền thống và văn hóa - lịch sử. Khu du lịch hồ Tuyền Lâm góp phần phát triển ngành du lịch Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung theo hướng chất lượng cao, bền vững, trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh.
Việc triển khai thực hiện quy hoạch nói trên đóng góp tích cực vào công tác quản lý phát triển khu du lịch, bảo tồn các giá trị cảnh quan đặc trưng kết hợp khai thác có hiệu quả lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, các giá trị truyền thống và văn hóa - lịch sử và làm tiền đề cho việc xét công nhận Khu du lịch quốc gia theo Quyết định số 205/QĐ-TTg ngày 15/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ (là Khu du lịch quốc gia đầu tiên trong tổng số 47 Khu du lịch quốc gia của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận).
Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm rộng hơn 2.944ha được quy hoạch làm 11 phân khu. Đến nay, tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm có tổng cộng 37 dự án được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có nhiều dự án đã đi vào hoạt động khai thác kinh doanh. Các dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh có cơ sở vật chất kỹ thuật đạt chất lượng cao, hiện đại. Trong tương lai, khi tất cả 37 dự án đầu tư trong Khu du lịch hoàn thành đi vào hoạt động kinh doanh, các sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao được tăng thêm, các loại hình du lịch phong phú, đa dạng: Dịch vụ nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn chất lượng cao (khoảng 7.000 phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao), hội nghị - hội thảo cao cấp, các dịch vụ tham quan, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe...
Cụ thể, trong 13 dự án tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm đã đi vào hoạt động, có 5 dự án đưa vào khai thác kinh doanh toàn bộ, gồm: Dự án của Công ty Maico Đà Lạt (Edensee), Công ty Sacom Tuyền Lâm (sân golf 18 lỗ), Công ty Bốn Mùa Tuyền Lâm (Terracotta Đà Lạt), Công ty Hoa lan Thanh Quang (Vườn hoa lan Thanh Quang kết hợp trồng sâm Ngọc Linh), doanh nghiệp tư nhân Phong Phú (điểm tham quan du lịch sinh thái thác Bảo Đại). Có 8 dự án kinh doanh một phần, gồm dự án của Công ty Tiến Lợi (điểm du lịch sinh thái K’Lan); Công ty Đào Nguyên (Làng nghệ sĩ, nghỉ dưỡng, trại sáng tác, câu lạc bộ âm nhạc); Công ty Sao Đà Lạt (Khu nghỉ dưỡng Đà Lạt Star - đường hầm đất sét); Công ty Sacom Tuyền Lâm (Khu Sacom resort); Công ty Làng Bình An (Bình An Village); Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Lâm Đồng (Khu du lịch sinh thái thác Đatanla và bãi đậu xe công cộng dưới tán rừng); Công ty Lý Khương (Khu nghỉ dưỡng Hoàng gia). Ngoài ra, còn có 24 dự án đang trong quá trình triển khai, chưa đưa vào hoạt động kinh doanh theo Giấy chứng nhận đầu tư được cấp.
13 dự án đã đưa vào hoạt động nói trên với tổng số vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng đã tạo ra các sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo và cung cấp khoảng 949 phòng lưu trú, góp phần thu hút khách du lịch đến với Đà Lạt - Lâm Đồng, hàng năm đóng góp khoảng 25 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 1.189 lao động.
Tạo động lực phát triển mới
Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc, bất cập. Khu du lịch vẫn chưa khai thác hết được tiềm năng, lợi thế về cảnh quan của một khu du lịch đặc trưng tại Đà Lạt: hạ tầng khu du lịch còn manh mún, thiếu sự đồng bộ; các phân khu chức năng còn mang tính chất cục bộ về loại hình, sản phẩm du lịch theo từng dự án, chưa phát huy hết tiềm năng địa hình, cảnh quan của từng phân khu, thiếu sự liên kết, thống nhất và chưa hình thành được chuỗi sản phẩm, hoạt động du lịch đặc trưng của khu du lịch; thiếu các công trình điểm nhấn, hình ảnh mang nét đặc trưng riêng cho Khu du lịch hồ Tuyền Lâm...
Qua triển khai thực hiện, có một số khu chức năng thuộc khu nghỉ dưỡng cao cấp có diện tích lớn đã được đền bù giải phóng mặt bằng (đất sạch). Tuy nhiên, diện tích tác động công trình có mái che thấp (khoảng 2,5 - 9%), chưa phát huy hết hiệu quả việc sử dụng đất để tạo nguồn lực thu hút đầu tư hạ tầng tại khu vực; một số khu vực trước đây thuộc quy hoạch 3 loại rừng nhưng đến nay đã điều chỉnh ra ngoài đất lâm nghiệp. Trong khi đó, một số tuyến đường giao thông tiếp cận các khu chức năng theo quy hoạch không thể triển khai, thực hiện do có địa hình phức tạp, vướng cây rừng; một số khúc quanh có tầm nhìn bị che khuất... làm cho các nhà đầu tư không thể triển khai thực hiện, dẫn đến trả dự án hoặc bị thu hồi do chậm tiến độ.
Ngoài ra, một số quy định mới về đầu tư chưa được cập nhật trong đồ án, cần được rà soát, bổ sung để phát huy hết tiềm năng của Khu du lịch cấp quốc gia, như các quy định về các loại hình dịch vụ nghỉ dưỡng, lưu trú trong sân golf, quy định về đầu tư các loại hình vui chơi có thưởng, casino...
Từ những tồn tại, vướng mắc nêu trên, Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm. Theo Sở Xây dựng, việc điều chỉnh quy hoạch chung Khu du lịch hồ Tuyền Lâm là bước đi nâng tầm; phát huy động lực, tiềm năng của Khu du lịch, đặc biệt nguồn lực từ đất đai, trong đó đất đai có nguồn gốc từ rừng tập trung phát triển du lịch, đất đai có nguồn gốc do đền bù từ đất nông nghiệp chuyển sang đất du lịch hỗn hợp phục vụ hậu cần du lịch và cư trú.
Sở Xây dựng cũng kiến nghị mở rộng ranh giới Khu du lịch về phía Nam giáp với đường cao tốc Liên Khương - Đà Lạt gắn với di tích lịch sử kháng chiến núi Voi sẽ tạo động lực phát triển mới cho Khu du lịch; tăng thêm tính chất du lịch tham quan di tích thắng cảnh gắn với di tích lịch sử, du lịch sức khỏe cho phù hợp với nền kinh tế hậu Covid-19.
Đối với các quỹ đất công, đất ngoài lâm nghiệp và hiện trạng không có rừng, đất đã đền bù giải phóng mặt bằng (đất sạch) cho phép nghiên cứu điều chỉnh tăng tỷ lệ tác động cơ sở du lịch nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo nguồn vốn đầu tư để cải tạo nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng của khu du lịch phù hợp với khu du lịch quốc gia đã được công nhận. Đồng thời rà soát, điều chỉnh các danh mục, kế hoạch, lộ trình thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư để có thể triển khai thực hiện theo quy hoạch cũng như phù hợp với điều kiện ngân sách của địa phương, khả năng huy động vốn, nguồn lực thực hiện./.