Aa

Tập đoàn CEO tiếp tục có tên trong Top 10 chủ đầu tư bất động sản uy tín năm 2018

Thứ Tư, 14/03/2018 - 13:18

Ngày 13/03/2018, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 10 Chủ đầu tư bất động sản – Nhà thầu xây dựng – Công ty vật liệu xây dựng uy tín năm 2018.

Đây là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report, được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Uy tín của các công ty được đánh giá dựa trên nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố tài chính, hình ảnh doanh nghiệp trên truyền thông và đánh giá của các chuyên gia trong ngành, cụ thể bao gồm: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính gần nhất (tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế, hiệu quả sử dụng vốn…); (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát chuyên gia trong ngành; Khảo sát người dân đang sinh sống tại Hà Nội và TP.HCM về mức độ hài lòng với các sản phẩm/ dịch vụ bất động sản, độ tin cậy của các thương hiệu nhà thầu và công ty sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng.

Bên cạnh đó, khảo sát doanh nghiệp về tình hình hoạt động, số lượng dự án, tiến độ triển khai dự án… trong năm 2017 – 2018 cũng được sử dụng như yếu tố bổ sung nhằm xác định vị thế của doanh nghiệp trong ngành.

Danh sách 1:

Top 10 Chủ đầu tư bất động sản uy tín năm 2018 – Top 10 Most Reputable Property Developers 2018 

 Điểm quy đổi xếp hạng của Top 10 Chủ đầu tư bất động sản uy tín năm 2018

Điểm quy đổi xếp hạng của Top 10 Chủ đầu tư bất động sản uy tín năm 2018

Hai tên đứng đầu trong Bảng xếp hạng Top 10 Chủ đầu tư bất động sản uy tín là Vingroup và Novaland. Trong vài năm trở lại đây, Vingroup đã trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu xu hướng đầu tư trong ngành bất động sản với hàng loạt sản phẩm đa dạng trên thị trường từ nhà ở, văn phòng thương mại, nghỉ dưỡng đến shophouse, condotel, officetel… Trong khi đó, Novaland là tên tuổi trụ vững trong thị trường phía Nam với tiềm lực tài chính mạnh và quỹ đất lớn.

Danh sách 2:

Top 10 Nhà thầu xây dựng uy tín năm 2018 – Top 10 Most Reputable Building Contractors 2018

Điểm quy đổi xếp hạng của Top 10 Nhà thầu xây dựng uy tín năm 2018

Điểm quy đổi xếp hạng của Top 10 Nhà thầu xây dựng uy tín năm 2018

Trong số các nhà thầu Việt Nam hiện nay, những tên tuổi như Coteccons, Hòa Bình Corp đã gắn liền với hình ảnh nhà thầu nhiều kinh nghiệm, giàu uy tín và có trách nhiệm. Đây cũng là những doanh nghiệp được nhóm chuyên gia tham gia khảo sát đánh giá hàng đầu.

Danh sách 3:

Top 10 Công ty vật liệu xây dựng uy tín năm 2018 – Top 10 Most Reputable Building Material Companies 2018

Điểm quy đổi xếp hạng của Top 10 Công ty vật liệu xây dựng uy tín năm 2018

Điểm quy đổi xếp hạng của Top 10 Công ty vật liệu xây dựng uy tín năm 2018

Thép Hòa Phát hay Viglacera đều là một trong những công ty lâu đời và có quy mô lớn nhất trong ngành VLXD, gắn với sự ra đời của hàng trăm sản phẩm, công trình trên khắp cả nước. Đây cũng là những thương hiệu xuất hiện đầu tiên trong tâm trí của hơn 50% khách hàng tham gia khảo sát.

Với tốc độ phát triển mạnh mẽ và quy mô lan rộng của Internet, ngày nay, công tác truyền thông đã trở thành “mũi nhọn” mới trong chiến lược của các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tạo dựng uy tín và hình ảnh hiệu quả. Dữ liệu mã hóa truyền thông trên các đầu báo, kênh truyền thông có ảnh hưởng như Thời báo Kinh tế Việt Nam, Báo Đầu tư, Thời báo Kinh tế Sài gòn, Cafef… cùng một số chuyên trang về bất động sản, vật liệu xây dựng (Cafeland, batdongsan.com.vn, vatlieuxaydung.org.vn…) trong khoảng thời gian từ 01/2017 đến tháng 01/2018 do Vietnam Report thực hiện cho thấy nhiều doanh nghiệp trong ngành đã tập trung làm truyền thông hơn cùng các bài viết với trên 10 nhóm chủ đề hay được đề cập đến nhất, trải rộng từ Chất lượng sản phẩm, dự án; Tài chính/Kết quả kinh doanh; Chứng khoán; Hình ảnh/PR; Đầu tư; Chiến lược kinh doanh/M&A; Khách hàng/Quan hệ khách hàng; Nghiên cứu phát triển (R&D); Vị thế trên thị trường; Giá cả.

Các Công ty có trên 10 nhóm chủ đề bao phủ (trong tổng số 24 nhóm chủ đề) trên truyền thông. (Đơn vị: nhóm chủ đề)p/Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding từ tháng 01/2017 đến tháng 01/2018

Các Công ty có trên 10 nhóm chủ đề bao phủ (trong tổng số 24 nhóm chủ đề) trên truyền thông. (Đơn vị: nhóm chủ đề) Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding từ tháng 01/2017 đến tháng 01/2018

Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp có sự đầu tư kỹ lưỡng về mặt hình ảnh doanh nghiệp trên truyền thông chủ yếu vẫn thuộc về nhóm chủ đầu tư với một số tên nổi bật như Vingroup, Novaland, Hà Đô Group, Nam Long, Tập đoàn CEO, Sacomreal, Him Lam... hay các nhà thầu xây dựng lớn như Coteccons, Hòa Bình Corp… với tần suất thông tin có ảnh hưởng tích cực ở mức cao trên 35%. Những doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn tuy chưa tập trung nhiều, nhưng trong vài năm gần đây cũng đã đầu tư hơn cho công tác truyền thông.

Trong tương lai, uy tín của doanh nghiệp sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tạo lập sự tự tin của bản thân doanh nghiệp đó và xây dựng niềm tin với công chúng khi Việt Nam thực sự hội nhập vào với những thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Cùng với việc xếp hạng Top 10 uy tín, Vietnam Report cũng tiến hành khảo sát các doanh nghiệp ngành bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng về triển vọng ngành trong năm 2018 – 2019. Kết quả khảo sát về cơ bản cho thấy, các doanh nghiệp đều tỏ ra lạc quan về hoạt động đầu tư và kinh doanh trong thời gian tới đây.

Năm 2017: Thị trường bất động sản trên tiến trình tăng trưởng mạnh mẽ

Trong năm 2017, bức tranh toàn cảnh thị trường bất động sản trở nên sôi động hơn bao giờ hết với những chuyển biến tích cực trên mọi phân khúc. Chỉ tính riêng tại Hà Nội và TP.HCM đã có tới 64.263 giao dịch thành công trong năm nay, tỷ lệ hấp thụ thị trường trung bình đạt 79%. Bên cạnh đó, một loạt các sản phẩm mới như condotel, officetel, hometel đã phát triển “bùng nổ”, góp phần tạo nên sức hút mạnh mẽ của thị trường. Chỉ tính đến cuối tháng 11/2017, tổng giá trị tồn kho đã giảm khoảng 17% so với năm 2016, đạt khoảng 25.700 tỷ đồng.

Một trong những nền tảng hỗ trợ thị trường trong năm 2017 phải kể tới kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong giai đoạn trước đó. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Vietnam Report, doanh thu và lợi nhuận sau thuế trung bình năm 2016 của các doanh nghiệp trong ngành bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, đều tăng trưởng “ấn tượng”. Đặc biệt, doanh thu trung bình của nhóm chủ đầu tư bất động sản năm 2016 đạt 1.205 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2015; lợi nhuận sau thuế trung bình năm 2016 đạt 116 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm trước.  

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế trung bình năm 2016 của các doanh nghiệp ngành Bất động sản – Xây dựng – Vật liệu xây dựng (Đơn vị: triệu đồng)Doanh thu và lợi nhuận sau thuế trung bình năm 2016 của các doanh nghiệp ngành Bất động sản – Xây dựng – Vật liệu xây dựng (Đơn vị: triệu đồng)

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế trung bình năm 2016 của các doanh nghiệp ngành Bất động sản – Xây dựng – Vật liệu xây dựng (Đơn vị: triệu đồng)Doanh thu và lợi nhuận sau thuế trung bình năm 2016 của các doanh nghiệp ngành Bất động sản – Xây dựng – Vật liệu xây dựng (Đơn vị: triệu đồng) Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu doanh nghiệp ngành bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng năm 2016

Trong năm 2017, bức tranh toàn cảnh thị trường bất động sản có một số điểm nổi bật. Thứ nhất, thị trường condotel, officetel, hometel phát triển rất sôi động, mang đến nhiều cơ hội và thách thức với việc tạo ra một loại hình sản phẩm mới cho thị trường. Thứ hai, phân khúc chung cư giá thấp và giá vừa trên địa bàn hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM phát triển đặc biệt rõ rệt. Động thái này đối với những người có thu nhập ở mức vừa là một giải pháp giúp họ “có nhà”, tuy nhiên xét trên mặt quản lí đô thị, nó lại gây ra những vấn đề về quá tải mật độ xây dựng, tăng sức ép đối với cơ sở hạ tầng. Thứ ba, thị trường chứng kiến sự phục hồi đáng kể các dự án đã đình hoãn trong giai đoạn 2011 – 2013. Thứ tư, một trong những điểm không hoàn toàn mới nhưng được thúc đẩy mạnh trong năm 2017 là thị trường bất động sản trên địa bàn ba đặc khu kinh tế. Cùng với việc cho ý kiến Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và đưa ra những cơ chế chính sách thuận lợi, thị trường bất động sản ở ba địa bàn đặc khu kinh tế, nhất là Phú Quốc, trong năm qua đã có những chuyển biến rất toàn diện.

Đa số các doanh nghiệp và chuyên gia tham gia khảo sát với Vietnam Report đều nhận định năm 2017 là một năm thành công của bất động sản Việt Nam và điều đó được góp phần nhờ các yếu tố sau: Một là, kinh tế phát triển tốt với tốc độ tăng trưởng cao, lạm phát thấp, thu ngân sách tốt, xuất – nhập khẩu ổn định... làm tiền đề cho thị trường phát triển sôi động. Hai là, chính sách tín dụng tuy chưa đến mức nới lỏng song cũng không bị thắt chặt. Lãi suất điều chỉnh giảm, tín dụng chưa thắt chặt như từ ngày 01/01/2018 thực hiện Thông tư 36 (sửa đổi) đưa lên 250% phòng ngừa rủi ro và 40% chuyển vốn ngắn hạn thành vốn dài hạn mà năm 2017 chưa thực hiện hết. Ba là, thị trường chứng khoán – thị trường luôn đồng hành cùng thị trường bất động sản, khởi sắc. Bốn là, công cụ tài chính về bất động sản như condotel, officetel, hometel, timeshare được mở ra, tạo ra một luồng tiền cho thị trường bất động sản. Cùng với những công cụ mua bán, sản phẩm mới, thị trường tạo được một xung lực để thu hút được một luồng tiền khá tốt vào phân mảng này. Điều thứ năm gắn liền với một trong những đặc điểm của chu kì kinh tế: Những năm có số đuôi là 1, 2, 3 thì suy giảm, năm có số đuôi là 4, 5 thì phục hồi, và thông thường năm có số đuôi 6, 7 là tăng trưởng. Thị trường bất động sản cũng không nằm ngoài chu kì này, cứ mỗi một vòng 10 năm thì chia làm bốn chu kì, những năm đuôi 6, 7 thường nằm ở phía đỉnh tăng trưởng. Năm 2017 được hưởng từ chu kì tăng trưởng đó. Sáu là, mở ra địa bàn mới là đặc khu kinh tế, từ đó tạo ra một xung lực mới, kích hoạt thị trường bất động sản trên những đặc khu này. Từ đó thu hút nguồn vốn đầu tư lớn, cơ sở hạ tầng phát triển tạo tiền đề cho thị trường bất động sản tại các đặc khu trở thành những “mảnh đất màu mỡ”.

Tuy nhiên nhìn nhận một cách khách quan về những mặt hạn chế, các chuyên giá cũng nhận định một số nguyên nhân chính còn cản trở sự tăng trưởng của thị trường. Một là, luồng tiền đầu tư công suốt cả năm còn gặp khó khăn trong giải ngân. Hai là, Nhà nước tiếp tục thoái vốn khỏi doanh nghiệp nhà nước. Điều này đem lại hai hiệu ứng: Nhà nước không đầu tư vào bất động sản thì đã được thể hiện rõ ràng nhưng bên cạnh đó, Nhà nước rút vốn ra khỏi các doanh nghiệp Nhà nước, khiến cho một luồng tiền quay ra đón phần Nhà nước bán ra, dẫn tới hiện trạng thị trường bất động sản bị chia sẻ nguồn lực. Ba là, có nhiều cơ hội kinh doanh khác nhau xuất hiện trong năm 2017, cho nên thị trường này bị tranh chấp nguồn vốn. Bốn là, chính sách Nhà nước không theo kịp yêu cầu. Ví dụ như chính sách đối với condotel, officetel còn rất lúng túng, chưa có hành động nào thể hiện được liệu Nhà nước tạo điều kiện hay hạn chế cho phân mảng này phát triển.

Bên cạnh đó, theo khảo sát của Vietnam Report, các doanh nghiệp cho rằng khó khăn hiện tại chủ yếu nằm ở ba vấn đề cốt lõi: Giá cả nguyên vật liệu đầu vào (58,1%); Quy định, chính sách, văn bản pháp luật (58,1%) và Sự gia tăng cạnh tranh của các đối thủ trong ngành (45,2%).

 Hạn chế, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp trong ngành bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng hiện nay (Đơn vị: %)

Hạn chế, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp trong ngành bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng hiện nay (Đơn vị: %)

Xu hướng thị trường bất động sản 2018 – 2019: 3 cơ hội – 4 thách thức – 5 xu hướng

Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp và chuyên gia của Vietnam Report, thị trường bất động sản năm 2018 về cơ bản vẫn giữ được những yếu tố ổn định trong trung hạn. Cơ hội, thách thức xen kẽ nhau tạo nên xu hướng cho thị trường.

Ba cơ hội: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt – Doanh nghiệp trong nước ngày càng trỗi dậy; Hiệp định CPTTP giúp “bơm” thêm luồng tiền nước ngoài vào thị trường nội địa; Thị trường đặc khu kinh tế dần mở ra.

Bốn thách thức: Kinh tế vĩ mô của khu vực, nhất là khu vực Biển Đông nếu có bất ổn sẽ khiến thị trường bất động sản phản ứng tiêu cực ngay lập tức; Nhà nước tiếp tục thoái vốn và có thể thoái vốn mạnh hơn, do đó tranh chấp vốn sẽ khắc nghiệt hơn; Các luồng tiền, đặc biệt là luồng tiền điện tử sẽ có tác động rất rõ ràng dù là yếu tố nằm ngoài thị trường; Phân khúc condotel, officetel và hometel tiềm ẩn những rủi ro khi đầu tư vì cũng là những sản phẩm mới đồng thời chưa có chính sách quản lý rõ ràng.

Năm xu hướng: Một, xu hướng chủ yếu M&A, đối với tất cả các dự án đình hoãn và các chủ đầu tư thất bại, sẽ tiếp tục mạnh mẽ. Hai, các đặc khu kinh tế tiếp tục trỗi dậy, trở thành những “miền đất hứa” và thu hút lượng đầu tư bất động sản lớn. Ba, condotel, officetel và hometel sẽ tác động đến các địa bàn còn lại trước khi “tắt sóng” và khu vực có thể mở rộng đến Hải Phòng, Vũng Tàu... Bốn, vấn đề về căn hộ giá thấp sẽ được giải quyết và sẽ có nhiều người mong muốn tham gia, nhưng quan trọng là chúng có đáp ứng được kì vọng hay không. Năm, sự thu hẹp của thị trường truyền thống, bởi các thị trường mới nổi quá mạnh nên các thị trường truyền thống như căn hộ giá 3 tỉ sẽ không còn nhiều cơ hội.

Xu hướng thị trường bất động sản giai đoạn 2018 - 2019

Nguồn: Vietnam Report

Nguồn: Vietnam Report

Uy tín sẽ là bài toán bức thiết

Ngành bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng trong giai đoạn tới sẽ là ngành gắn liền với công nghệ 4.0. Theo khảo sát của Vietnam Report, bên cạnh phương thức tiếp thị truyền miệng truyền thống, các khách hàng dần tiếp cận các thông tin bất động sản qua mạng và Internet nhiều hơn. Hơn 50% khách hàng được hỏi cho biết họ tìm kiếm thông tin trên các chuyên trang về nhà đất trên Internet và các diễn đàn trên mạng, mạng xã hội. Sự “va chạm” giữa doanh nghiệp Việt với công nghệ 4.0 cũng sẽ dần thay đổi hoạt động sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp này. Trở nên “đa năng” hơn, hiện đại hơn, những doanh nghiệp trước đây chỉ phụ trách một mảng thì nay hoàn toàn có thể tính đến phát triển mình ở những lĩnh vực khác để sinh lời nhiều hơn, với sự hỗ trợ từ công nghệ, trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ nhân lực chất lượng cao; chẳng hạn như sự xuất hiện của mô hình D&B (thiết kế và thi công) trong vài năm trở lại đây ở nước ta.

Khi yêu cầu của khách hàng ngày càng cao, thông tin công bố trên thị trường ngày càng minh bạch và có tính thời sự, các chủ đầu tư và nhà thầu sẽ ngày càng quan tâm đến sự bền vững và lâu dài của các dự án, công trình xây dựng. Các chuyên gia nhận định trong năm 2017, chất lượng sản phẩm đầu ra đã được nâng cao, theo xu hướng tốt lên, chất lượng của nhà đầu tư, nhà quản lí, các nhà thầu, công nghệ, thiết bị xây dựng và cái tâm của người làm nghề đều được thể hiện rõ nét. Dưới áp lực cạnh tranh gia tăng cả trong nước và quốc tế, trong thời gian tới, các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả sẽ dần bị loại bỏ. Để có thể trụ vững trên thị trường, các chủ đầu tư bắt buộc phải chứng minh năng lực thực sự, các nhà thầu xây dựng cũng cần liên tục cải thiện chất lượng, đẩy mạnh tính chuyên nghiệp trong các dự án, công trình.

Từ phía khảo sát khách hàng của Vietnam Report, Uy tín của doanh nghiệp trên truyền thông là một trong top 3 lý do khách hàng chọn sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp trong ngành bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng; trong đó 2 yếu tố quyết định là doanh nghiệp liên tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau (70%) và xuất hiện những đánh giá tích cực về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (67,5%). Đứng trên góc độ các doanh nghiệp, Chất lượng công trình, Năng lực tài chính, Tầm nhìn thương hiệu dài hạn là 3 mục tiêu doanh nghiệp đánh giá quan trọng nhằm giữ vững vị thế và nâng cao uy tín của mình.

Đánh giá của các doanh nghiệp trong ngành về mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến chiến lược và nâng cao uy tín của doanh nghiệp. (Đơn vị: %)

Đánh giá của các doanh nghiệp trong ngành về mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến chiến lược và nâng cao uy tín của doanh nghiệp. (Đơn vị: %)

Lễ công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Bất động sản – Xây dựng – Vật liệu xây dựng năm 2018 do Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 18/04/2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Trong khuôn khổ Lễ công bố, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng và thịnh vượng – Tiếng nói từ những nhà tạo lập thị trường bất động sản 2018 - 2019 sẽ là dịp đặc biệt quy tụ các doanh nghiệp bất động sản uy tín trên thị trường, các nhà đầu tư đẳng cấp và các chuyên gia hàng đầu trong ngành để cùng chia sẻ về những khó khăn, thách thức, thuận lợi và xu hướng mới nhất trên thị trường hiện nay.

Bảng xếp hạng Top 10 Công ty uy tín ngành Bất động sản – Xây dựng – Vật liệu xây dựng năm 2018 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report được công bố thường niên từ năm 2016, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông đã được Vietnam Report và các đối tác ứng dụng từ năm 2012, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Ngân hàng, Bảo Hiểm, Chứng khoán, Dược, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ...

Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội được 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành Bất động sản – Xây dựng – Vật liệu xây dựng tại Việt Nam.

Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về các doanh nghiệp dược được đăng tải trên 6 đầu báo, kênh có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 01/2017 đến tháng 01/2018. Tổng số có 2.251 bài báo, với tương ứng 4.811 coding unit (đơn vị mã hóa) được đánh giá theo ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).

Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top