Theo xếp hạng mới nhất do Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố ngày 15/03/2019, Tập đoàn FLC lọt top 3 chủ đầu tư bất động sản uy tín năm 2019.
Đây là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report, được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Uy tín của các công ty được đánh giá dựa trên nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố tài chính, hình ảnh doanh nghiệp trên truyền thông và đánh giá của các chuyên gia trong ngành, cụ thể bao gồm: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính; Uy tín truyền thông; Khảo sát chuyên gia trong ngành; Khảo sát cư dân đang sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn về mức độ hài lòng với các sản phẩm/dịch vụ bất động sản.
Bên cạnh đó, khảo sát doanh nghiệp về tình hình hoạt động, số lượng dự án, tiến độ bàn giao dự án… trong năm 2018 - 2019 cũng được sử dụng như yếu tố bổ sung nhằm xác định vị thế của doanh nghiệp trong ngành.
Theo Vietnam Report, năm 2018 tiếp tục được đánh giá là một năm thuận lợi của bất động sản Việt Nam, được thúc đẩy bởi các yếu tố, bao gồm sự tăng trưởng GDP đầu người; gia tăng hoạt động sản xuất và bùng nổ du lịch; sự phát triển của chung cư giá tầm trung; gia tăng nhu cầu đầu tư bất động sản của các nhà đầu tư nước ngoài; giảm lãi suất thế chấp; sự phát triển nhanh chóng của các thành phố ven biển.
Đối với Tập đoàn FLC, năm 2018 ghi nhận nhiều thành công trong lĩnh vực hoạt động cốt lõi với các loại hình đầu tư bất động sản đa dạng bao gồm: Quần thể nghỉ dưỡng du lịch sinh thái, khu đô thị, nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, khu công nghiệp,… nổi bật là Quần thể nghỉ dưỡng FLC Hạ Long khai trương vào tháng 12/2018.
Các quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái trọng điểm như FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn, FLC Quảng Bình, đã đi vào vận hành và tiếp tục chứng minh được hiệu suất cao. Kết hợp với đó là hãng hàng không Bamboo Airways thuộc sở hữu của Tập đoàn đã cấu thành hệ sinh thái đồng bộ, phục vụ trọn vẹn cả nhu cầu di chuyển, nhu cầu lưu trú của du khách, từ đó khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch địa phương.
Những đóng góp này cũng được ghi nhận thông qua hàng loạt giải thưởng trong nước và quốc tế khác dành cho dự án và chủ đầu tư như: FLC Quy Nhơn với giải “Dự án bất động sản nghỉ dưỡng tốt nhất”, “Địa điểm tổ chức MICE ASEAN tốt nhất”; khách sạn The Coastal Hill - FLC Grand Hotel Quy Nhon với giải “Hạng mục Dự án công trình xanh tốt nhất”; và Tập đoàn FLC với giải “Nhà phát triển BĐS uy tín nhất”, “50 doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc nhất Việt Nam”, “Doanh nghiệp có đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam”…
Hiện tại, Tập đoàn FLC đang nghiên cứu đầu tư và xúc tiến pháp lý cho hơn 230 dự án tại 56 tỉnh thành cả nước, cung cấp ra thị trường gần 7.000 sản phẩm đa dạng bao gồm căn hộ thương mại, biệt thự biển, nhà phố thương mại, căn hộ khách sạn…
Dự đoán về diễn biến ngành bất động sản trong năm 2019, Vietnam Report cho rằng ba xu thế nổi bật được dự báo sẽ định hướng tăng trưởng ngành bất động sản.
Thứ nhất, sự phát triển của bất động sản xanh, là những công trình xanh - sạch - đẹp và thân thiện với môi trường. Hiện nay có khá nhiều các tiêu chuẩn xanh được lưu hành như: Edge (của tổ chức IFC thuộc Ngân hàng Thế giới); Green Mark (Singapore), Leed (Mỹ), Lotus..., nhưng thực tế có rất ít công trình được công nhận là "xanh" tại Việt Nam.
Với yêu cầu ngày càng cao và mức độ chịu chi cho không gian sống an toàn, thoải mái và thông minh hơn của khách hàng, chắc chắn bất động sản xanh sẽ trở thành xu thế chính của ngành trong thời gian tới.
Thứ hai, bất động sản khu công nghiệp tiếp tục có tiềm năng phát triển nhờ sự dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam trong một vài năm trở lại đây. Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược tại khu vực châu Á, có đường biên giới đất liền với Trung Quốc, và nhiều cảng biển lớn được kết nối với các khu công nghiệp bởi hệ thống đường lớn, đường cao tốc đang được chú trọng đầu tư hoàn thiện.
Thứ ba, bất động sản nghỉ dưỡng - du lịch vẫn còn dư địa phát triển. Báo cáo mới nhất của BCG cho thấy, năm 2017, Việt Nam thu về 8,3 tỷ USD từ khách quốc tế, thấp hơn Indonesia là 12,6 tỷ USD; Singapore là 18,4 tỷ USD, Thái Lan là 52,5 tỷ USD, nguyên nhân không phải do lượng khách du lịch vào Việt Nam ít hơn mà bởi vì khách du lịch ít có cơ hội tiêu tiền ở Việt Nam. Có thể thấy, sự phát triển của nghỉ dưỡng cao cấp, dịch vụ vui chơi, thư giãn, mua sắm… chưa thực sự tương thích với tiềm năng du lịch của Việt Nam, vì vậy các chủ đầu tư có thể tiếp tục nghiên cứu và phát triển các mô hình shophouse, condotel… theo hướng hiện đại và thân thiện hơn với khách hàng.