Aa

Tập đoàn inox Thành Nam “tay không” có bắt được “giặc”?

Thứ Ba, 26/09/2017 - 22:01

Thành Nam vừa gây sốc cho giới đầu tư bởi kế hoạch tấn công vào thị trường BĐS nghỉ dưỡng. Dù là "ông trùm" trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh inox, nhưng Thành Nam không có nhiều kinh nghiệm làm BĐS và tiềm lực tài chính cũng không thuộc hàng “xuất sắc”.

Cổ đông nhất trí cho TNI làm hàng loạt dự án condotel

CTCP Tập đoàn Thành Nam (TNI) tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 19/9 và đã thông qua phương án chào bán 31,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Cổ phiếu chào bán theo tỷ lệ 1:1,15 với giá phát hành là 10.000 đồng/cp. Thời gian chào bán dự kiến trong năm 2017 và ủy quyền cho HĐQT quyết định.

Dự kiến, số tiền thu về đạt khoảng 315 tỷ đồng, trong đó TNI sẽ đầu tư 115 tỷ đồng vào các dự án khách sạn, căn hộ và BĐS; trả nợ vay ngắn hạn 105 tỷ đồng và bổ sung vốn thực hiện các hợp đồng kinh tế là 95 tỷ đồng.

Tại ĐHCĐ này, cổ đông TNI cũng thông qua phương án triển khai đầu tư dự án khách sạn và căn hộ du lịch tại Khu khách sạn Vườn Đào (Bãi Cháy, Hạ Long, Quảng Ninh) với quy mô diện tích 8.816m2 và tại Hoàng Sa, Đà Nẵng với diện tích 2.039m2.

Được biết, để thực hiện dự án khách sạn và căn hộ du lịch tại Hoàng Sa, Đà Nẵng, Tập đoàn đã thông qua việc thành lập Công ty TNHH MTV Mặt trời mới Đà Nẵng, có vốn điều lệ 200 tỷ đồng.

Ngoài ra, Thành Nam cũng sẽ thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Sơn Trà để triển khai dự án condotel Lê Đức Thọ tại Đà Nẵng có diện tích 6.000m2. Công ty có quy mô vốn điều lệ 5,6 tỷ đồng và dự kiến sẽ chuyển nhượng 60% vốn góp của Công ty này cho các nhà đầu tư nước ngoài để cùng thực hiện.

Tại ĐHCĐ bất thường, tập đoàn ủy quyền cho HĐQT tìm kiếm các cơ hội đầu tư dự án BĐS trên cả nước. Tìm kiếm các đối tác đầu tư, liên doanh, liên kết, mua bán, chuyển nhượng dự án. Quyết định mức đầu tư dự án, giá bán của dự án, giá chuyển nhượng của dự án, giá chuyển nhượng vốn góp trong trường hợp liên doanh liên kết có thể cả với nhà đầu tư nước ngoài để cùng thực hiện dự án…

"Chơi tay trái" cẩn thận vỡ trận

Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2017 của Tập đoàn Thành Nam cho thấy, tính đến hết tháng 6/2017, tổng tài sản ngắn hạn là 400 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tiền tương đương của Thành Nam còn hơn 2 tỷ đồng, hàng tồn kho hơn 156 tỷ đồng.

Nợ phải trả ngắn hạn là 319 tỷ đồng, trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 247 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 245 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối là 31 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn hiện có là 564 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm nay, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Thành Nam đạt 523,2 tỷ đồng, cao hơn mức 382 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 10,4 tỷ đồng, tăng đột biến 4,3 lần so với cùng kỳ năm 2016.

Hiện, Thành Nam đang chi khoảng 153 tỷ đồng đầu tư BĐS. Với kế hoạch vừa được đại hội cổ đông thông qua, TNI sẽ thành lập hai công ty để đầu tư xây dựng mới trước mắt 3 dự án condotel tại Đà Nẵng và Quảng Ninh. Hai công ty sẽ chuyển nhượng bớt cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài để cùng hợp tác phát triển. Ngoài ra, hội đồng quản trị cũng đưa ra phương án mở sẽ tiếp tục tìm cơ hội đầu tư thêm dự án nếu có.

Với kế hoạch trên, có vẻ TNI đang xây dựng một định hướng phát triển BĐS nghỉ dưỡng bên cạnh ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là inox. Tuy nhiên, việc chuyển hướng kinh doanh ồ ạt một lĩnh vực mới ít kinh nghiệm dự báo sẽ là thử thách đối với tập đoàn này. Thứ nhất, Thành Nam vốn là doanh nghiệp chuyên cung cấp inox dạng tấm, cuộn, ống... Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, công ty này đã mở rộng thị phần của mình ra nước ngoài. Sản phẩm inox của Thành Nam đã có mặt tại thị trường như: Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Hy Lạp, UAE, Ả-rập Xê-út, Syria... Tuy nhiên, khác với những thành tựu trong lĩnh vực inox, Thành Nam chưa có kinh nghiệm đầu tư phát triển BĐS nghỉ dưỡng.

Dù đa phần doanh nghiệp phát triển BĐS nghỉ dưỡng dựa 30%, thậm chí 70% vào vốn ngân hàng (thông qua các hình thức khác nhau, vay trực tiếp hoặc hợp đồng góp vốn của khách hàng), nhưng trong lĩnh vực đặc thù cần nhiều vốn này, bản thân doanh nghiệp vẫn phải mạnh mới hòng thu được nhiều trái ngọt. Với lượng vốn và tiền mặt hiện có theo báo cáo tài chính nói trên và cả số tiền thu được từ đợt phát hành cổ phiếu, có thể thấy những con số này vẫn còn quá khiêm tốn so với kế hoạch làm BĐS của TNI.

Thứ nữa, có lẽ Thành Nam cũng nên lường trước những khó khăn khi đi trái ngành. Nhiều bài học về sự đổ vỡ của doanh nghiệp "tay không bắt giặc" đã để lại. Ví dụ như trường hợp của Phạm Công Danh, ông Danh dù có mối quan hệ và có tiếng trong lĩnh vực BĐS nhưng lại tù tội từ ngân hàng. Hoành Sơn chưa từng có dự án BĐS tại Hà Nội nhưng vội vàng ôm đất vàng tại Nguyễn Trãi. Hoành Sơn cũng đã mất cả chục năm trời và tốn kém một số tiền không nhỏ để được phát triển dự án tại Hà Nội. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án vẫn chưa có tiến triển nhiều kể cả về mặt giấy tờ…

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng vài năm gần đây bắt đầu sôi động trở lại khi tiềm năng du lịch được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành dự báo nếu không phát triển đúng hướng, chỉ vài năm nữa nguồn cung sẽ vượt xa lượng cầu. Khi đó thị trường BĐS nghỉ dưỡng sẽ ứ đọng nguồn cung. Nếu bắt đầu kinh doanh condotel thời điểm này, có thể sản phẩm của Thành Nam tung ra thị trường đúng lúc thị trường lệch cung cầu như các chuyên gia dự báo.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top