Lễ công bố có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng… cùng đại diện các bộ, ngành, cơ quan thông tấn báo chí và tổ chức, doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 02/10/2021, Chính phủ đã ban hành quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021 – 2025 nhằm bảo đảm chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh thông qua việc duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và trường chuyên biệt.
Phát biểu tại Lễ công bố, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá hoạt động chăm sóc bảo vệ sức khỏe học sinh, thế hệ tương lai của đất nước bước đầu đã đi vào nề nếp và ngày càng có chất lượng. Thủ tướng chỉ đạo Bộ GDĐT thực hiện tốt vai trò đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cá nhân, tổ chức liên quan để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu của chương trình. Đặc biệt chú trọng việc nâng cao năng lực chuyên môn; thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và hành động đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về vấn đề chăm sóc Sức khỏe học đường.
Cùng với đó, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ VHTT&DL, UBND các tỉnh, thành phố và các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng Chương trình Sức khoẻ học đường nói riêng và các chương trình, dự án bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ trẻ em nói chung trên tinh thần huy động sức mạnh của cộng đồng để dành những gì tốt nhất cho trẻ em.
Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021 - 2025 xác định 5 nhóm nội dung và 7 nhóm giải pháp về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khoẻ học sinh; giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường; tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, thống kê, báo cáo; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học.
Mỗi nội dung được giao chỉ tiêu đánh giá cụ thể như: Đến năm 2025, 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định…; 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; được giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn; 100% trường học có đủ giáo viên giáo dục thể chất và được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ…
Trong những năm qua, một số chương trình, dự án cũng đã đưa vào trường học nhằm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe học sinh như phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, vệ sinh thực phẩm... nhưng với phạm vi riêng lẻ, không đồng bộ, triển khai trên một số địa phương, trường học.
Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025 thể hiện sự quyết tâm và khát vọng của quốc gia vào việc chăm sóc cho thế hệ tương lai. Chương trình lựa chọn các nội dung ưu tiên đối với sức khỏe học sinh trên cả nước, tránh sự trùng lặp, triển khai chồng chéo.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Đây là một chương trình tổng thể về chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông. Việc triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình Sức khoẻ học đường sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc xây dựng và chỉ đạo thực thi chính sách, tạo mối liên kết và sự thống nhất trong công tác chăm sóc sức khỏe học sinh.”
Với thông điệp “Trường học an toàn, học sinh khỏe mạnh”, lần đầu tiên tại Việt Nam, một chương trình quy mô, thiết thực và ý nghĩa về sức khoẻ học đường với sự tổng thể, chính thống và toàn diện được thực hiện, cùng với đó là những trách nhiệm và hi vọng lớn lao về những ngôi trường an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh.
Anh hùng Lao động Thái Hương - Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH chia sẻ: “Chương trình Sức khỏe học đường 2021-2025 là chính sách có tính chất bao trùm, là dấu mốc quan trọng thể hiện quyết tâm hành động, xây dựng nền tảng phát triển bền vững, góp phần mang đến những thay đổi tốt đẹp cho thế hệ tương lai. Tôi vô cùng cảm kích những nỗ lực ấy của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ và các bộ ban ngành có liên quan.
Sức khỏe học đường là lĩnh vực rộng, trong đó có những trụ cột quan trọng và mang tính chất quyết định như: Dinh dưỡng học đường; Hoạt động thể chất; Vệ sinh trường học…
Những mục tiêu lớn và những trụ cột chính của chương trình Sức khỏe học đường là những giá trị cốt lõi mà Tập đoàn TH đã xây dựng và vun đắp, thể hiện qua sứ mệnh và tầm nhìn: Con người là chủ thể của xã hội, là nguồn lực quyết định sự phát triển đất nước. Sự phát triển thể lực, trí lực và tâm hồn của mỗi cá nhân là rất quan trọng. Một quốc gia chỉ vững mạnh khi con người được phát triển toàn diện cả thể lực và trí lực, trong đó yếu tố tiên quyết cho sự phát triển này không những là nguồn dinh dưỡng thiết yếu như lúa, gạo, thực phẩm mà cần có một chế độ chăm sóc sức khỏe bền vững. Đầu tư vào phát triển thể lực và trí lực là phát triển nòi giống của dân tộc, là đầu tư vào phát triển bền vững mang tính chiến lược quốc gia”.
Nhiều năm qua, Tập đoàn TH đã tiên phong, đồng hành cùng Chính phủ, các Bộ ban ngành chăm lo cho trẻ em - đặc biệt trẻ em lứa tuổi vàng từ 2-12 tuổi với thông điệp “Vì một Việt Nam hùng cường, Vì một tầm vóc Việt” và sẽ tiếp tục đồng hành với Chương trình Sức khỏe học đường với nhiều hoạt động đột phá trong tương lai.
Tập đoàn TH đã thực hiện nhiều chương trình như: Chung tay vì tầm vóc Việt (năm 2014); Tiên phong trong chương trình Sữa học đường Quốc gia (Năm 2016); Tiên phong xây dựng Đề án Dinh dưỡng người Việt (Năm 2018); Đồng hành triển khai Mô hình điểm Bữa ăn học đường với hai trụ cột của Sức khỏe học đường: Dinh dưỡng – Thể lực (Năm 2019 - 2021); Đồng hành cùng chương trình Điều ước cho em, xây dựng 1.000 nhà vệ sinh cho học sinh miền núi (Năm 2021).