Aa

Phó Thống đốc NHNN: Tập trung tháo gỡ ngay khó khăn cho các chủ lực của nền kinh tế, trong đó có bất động sản

Thứ Năm, 12/10/2023 - 08:00

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tập trung tháo gỡ ngay khó khăn cho các tập đoàn, tổng công ty lớn. Những chủ lực của nền kinh tế cần có cơ chế tín dụng riêng.

Ngày 11/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ đã có buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân để kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (ngày 13/10). 

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú gửi lời chúc mừng tới các doanh nghiệp, doanh nhân luôn vững vàng vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển vững mạnh, phấn đấu đạt được các mục tiêu đề ra và tiếp tục thành công trên mọi lĩnh vực.

Mong các ngân hàng là các doanh nghiệp, lãnh đạo ngân hàng cũng là các doanh nhân, chúng ta cùng chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú kỳ vọng. 

Lãi suất cho vay đã giảm 1,5 - 2%, từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm

Theo ông Đào Minh Tú, thời gian qua kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, sản xuất, thương mại toàn cầu khó khăn. Lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn còn cao, giá hàng hóa thế giới biến động khó lường do tác động từ diễn biến địa chính trị phức tạp, thời tiết khắc nghiệt. Đồng USD trên thị trường quốc tế biến động với biên độ lớn. Cùng với đó, các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, trong khi một số ngân hàng trung ương châu Á giảm lãi suất hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc do kinh tế suy yếu và mong muốn phục hồi nhanh tăng trưởng kinh tế. 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Đối với nền kinh tế trong nước, tăng trưởng kinh tế ở mức thấp, xuất khẩu bị thu hẹp, các ngành sản xuất nói chung vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ cầu thế giới, kể cả cầu đầu tư và cầu tiêu dùng giảm; thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu... cũng gặp nhiều khó khăn.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định, tất cả những diễn biến này đã ảnh hưởng không thuận lợi đến sự phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, khiến cho các doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức sau đại dịch Covid-19, làm giảm khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành đã quyết liệt ban hành nhiều chủ trương, cơ chế chính sách đồng bộ để gỡ khó và đồng hành cùng doanh nghiệp”, Phó Thống đốc cho biết. 

Do đó, để thực hiện tốt chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và ngành Ngân hàng cũng đã quyết tâm, nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế, như:

Thứ nhất, từ đầu năm đến nay, NHNN điều hành CSTT theo xu hướng nới lỏng từng bước phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô bằng việc 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm nhằm định hướng và tạo điều kiện cho các TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay, góp phần tăng cường đầu tư xã hội, hỗ trợ sản xuất, tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. 

Được biết, đến nay, lãi suất cho vay VND đã giảm bình quân khoảng 1,5 - 2%/năm so với cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do tác động của độ trễ chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của NHNN. Từ đầu năm chỉ kỳ vọng giảm 1,5% nhưng đến nay mới tháng 10 đã giảm mức 1,5 - 2%, từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. 

“Đồng thời, điều hành linh hoạt, chủ động thị trường tiền tệ, tỷ giá để tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Ngoại tệ tỷ giá có dao động lên xuống nhưng vẫn trong khuôn khổ đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% vì đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng”, Ông Tú nhận định.  

Thứ hai, NHNN đã phân bổ và mở rộng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm cho các TCTD để các TCTD chủ động cân đối, đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, người dân ngay từ đầu năm; chỉ đạo các TCTD tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên và là động lực tăng trưởng. Đồng thời, ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ các khách hàng gặp khó khăn, chưa có khả năng trả nợ không bị chuyển nhóm nợ và tiếp tục được các TCTD xem xét cho vay mới nếu đáp ứng đủ điều kiện.

Thứ ba, chỉ đạo các TCTD triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù như: chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản; chính sách hỗ trợ 2% lãi suất... 20.000 tỷ đồng cho tín dụng tiêu dùng.

Thứ tư, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng các hình thức cấp tín dụng trên cơ sở ứng dụng công nghệ số. Sửa đổi các quy định có liên quan về hoạt động cho vay của TCTD theo hướng giảm bớt các thủ tục không cần thiết và tạo thuận lợi hơn cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. 

Thứ năm, tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền 63 tỉnh, thành phố nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trên từng địa bàn liên quan đến tín dụng ngân hàng và chỉ đạo các TCTD khẩn trương có các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ ngay. Trong đó, NHNN đặc biệt quan chỉ đạo xử lý kịp thời các kiến nghị của Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp...

Với sự triển khai quyết liệt và nỗ lực của NHNN và ngành ngân hàng, đến ngày 29/9/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng gần 7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 11,05%), riêng trong tháng 9 những ngày đầu tháng 10 tốc độ tăng trưởng tích cực đạt hơn 1%. Tổng dư nợ cả nền kinh tế là khoảng 13 triệu tỷ đồng, từ đầu năm cung ứng thêm cho doanh nghiệp hỗ trợ thị trường trái phiếu đang khó khăn gần 600 nghìn tỷ đồng. 

Thời gian qua, NHNN đã lắng nghe và tiếp thu những chia sẻ của doanh nghiệp, do vậy, đưa ra những định hướng điều hành trong thời gian tới, Phó Thống đốc cho biết:

Thứ nhất, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ bảo đảm ổn định. Trong đó công cụ tỷ giá, bảo đảm ổn định, lãi suất được điều hành theo hướng ổn định, giảm dần, phù hợp với diễn biến lạm phát và tình hình tăng trưởng kinh tế, không để tình trạng đầu cơ găm giữ nâng tỷ giá, sử dụng các nguồn lực, bảo đảm tiếp tục điều hành tỷ giá. 

Thứ hai là tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng giảm dần, NHNN chỉ đạo các NHTM tiết kiệm chi phí, bằng mọi nguồn lực chia sẻ khó khăn giảm lãi suất cho doanh nghiệp. 

Thứ ba là tháo gỡ các điều kiện thủ tục tiếp cận tín dụng. 

Tuy nhiên, ông Tú cho rằng, vấn đề này có hai mặt, vì một mặt nếu như không bảo đảm tối thiểu trong điều kiện tín dụng có thể dẫn đến không an toàn lành mạnh các tổ chức tín dụng và an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, quan điểm NHNN là bảo đảm hài hòa an toàn vốn, ngược lại tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng tín dụng. 

“Các giải pháp này chúng tôi đã cố gắng trong điều kiện tích cực, ngay ngày 10/10, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn cho các Tập đoàn, Tổng công ty lớn, chủ lực của nền kinh tế cần có cơ chế tín dụng riêng. Đó là các đối tượng cần được quan tâm và có chính sách làm sao tháo gỡ khó khăn, kể cả tập đoàn lớn trong các lĩnh vực khác, trong đó có bất động sản, sẽ có chủ trương và giải pháp trong thời gian tới”, Phó Thống đốc thông tin. 

Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, thời gian tới, cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp quan trọng đã được ban hành, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu đề xuất các giải pháp áp dụng cho năm 2024 như tiếp tục xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đã áp dụng cho năm 2023. 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

“Chúng tôi đang rà soát và báo cáo Chính phủ tiếp tục xem xét giảm thuế giá trị gia tăng như đã áp dụng cho năm 2023, áp dụng giảm thuế suất thuế xuất nhập khẩu, hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước, giảm mức thu một số mức phí, lệ phí, khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết. 

Cũng theo ông Tuấn, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cải cách trên các mặt khác như hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh lành mạnh hóa các lĩnh vực tài chính đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan nhằm tạo thuận lợi và tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Kiến tạo một thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, đồng bộ 

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của khối doanh nghiệp, doanh nhân đối với nền kinh tế đất nước, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, thời gian vừa qua, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không chỉ lo phát triển kinh tế mà đồng thời góp phần rất quan trọng ổn định xã hội, lo công ăn việc làm, đời sống cho người lao động. Đó chính là việc thực hiện nguyên tắc phát triển kinh tế nhưng không quên trách nhiệm xã hội.

Cùng với đó, đại dịch Covid-19 chính là một thử thách rất lớn. Riêng Nhà nước cùng với doanh nghiệp, các cơ quan đã dành tới hơn 120.000 tỷ để hỗ trợ 68 triệu lượt lao động và người có hoàn cảnh khó khăn, 1,4 triệu người sử dụng lao động để vượt qua khó khăn, thách thức. 

Có thể thấy, quan hệ giữa quản lý nhà nước, người sử dụng lao động và đại diện cho người lao động rất hài hòa để xây dựng doanh nghiệp ổn định, phát triển”, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung vui mừng đánh giá. 

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết sẽ tiếp tục sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, tạo điều kiện thông thoáng nhất cho doanh nghiệp, người lao động cùng phát triển. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Tuy nhiên, theo ông Đào Ngọc Dung, thời gian tới, Việt Nam còn rất nhiều thách thức để có thể trở thành một quốc gia có kinh tế phát triển và thường có nguyên tắc là ít nhất phải có 24 doanh nghiệp/1.000 dân trên lứa tuổi 18. 

Thực tế, ông Dung cho biết, đây là thách thức lớn mà chúng ta cần tiếp tục quan tâm. Do đó cần tạo môi trường phát triển nhanh và mạnh hơn cho doanh nghiệp và doanh nhân cả nước cả về số lượng và chất lượng.

Hội nghị Trung ương 8 vừa qua khi bàn về chính sách xã hội, trong 3 khâu đột phá có 2 khâu liên quan đến doanh nghiệp. Đó là phải kiến tạo một thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, đồng bộ.

Tiếp theo, trong 5 năm tới sẽ tập trung đột phá mạnh vào xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát cho người dân, bởi đó là nhu cầu tối thiểu của người dân theo Hiến pháp quy định. 

Cùng với đó, Chính phủ đã quyết định có 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân lao động. Công nhân lao động ổn định thì chính là doanh nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, tạo điều kiện thông thoáng nhất cho doanh nghiệp, người lao động cùng phát triển. Nhiều chính sách hỗ trợ sẽ được ban hành liên quan đến doanh nghiệp, người lao động.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cần tập trung tận dụng và phát huy giai đoạn dân số vàng, trong đó xây dựng khung chính sách quốc gia để hạn chế già hóa dân số và mở rộng quy mô phát triển dân số. Đi đôi với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thì phải chuyển đổi nhân lực theo hướng tập trung vào nhân lực chất lượng cao.

Cuối cùng, sẽ tiến hành cải cách toàn diện chính sách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp. Sẽ tiến hành cải cách đúng nghĩa. Nhà nước chỉ can thiệp vào lương tối thiểu để làm cơ sở cho doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận… 

“Đây sẽ là động lực cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn, xứng đáng và thực sự là những chiến sĩ tiên phong trong công cuộc kiến tạo và xây dựng đất nước”, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung bày tỏ sự tin tưởng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top