Tasco: Hậu thua lỗ, tái cấu trúc thành tập đoàn đa ngành và những khoản nợ phình to
Được biết đến là "ông trùm" trong lĩnh vực BOT khi đầu tư và vận hành hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm trên cả nước, tuy nhiên, trong tình cảnh thua lỗ ở lĩnh vực giao thông, Công ty Cổ phần Tasco đổi chiến lược kinh doanh sang tập đoàn đa ngành, lấn sân cả thị trường ô tô và bảo hiểm. Điều này cho thấy hướng đi mới của Tasco trong nỗ lực tái cấu trúc doanh nghiệp, tuy nhiên, hướng đi này có giúp Tasco "thoát đáy" và bước ra khỏi "vòng xoáy nợ nần" hay không, vẫn là dấu hỏi lớn.
******
Thời vàng son: Tổng tài sản tăng 42 lần sau 9 năm
Công ty Cổ phần Tasco (Mã: HUT) nguyên là một doanh nghiệp Nhà nước được thành lập năm 1971 với tên gọi ban đầu là Đội cầu Nam Hà, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông. Cùng với sự thay đổi về địa giới hành chính cũng như quá trình đổi mới quản lý các doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ, Công ty đã được cổ phần hóa vào năm 2000 và nhiều lần đổi tên. Sau cùng, vào năm 2007, Công ty chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Tasco, có trụ sở chính tại Hà Nội.
Trong suốt hơn 40 năm đầu phát triển, Tasco tập trung chủ yếu xây dựng các công trình hạ tầng trên khắp cả nước. Trong đó, giai đoạn từ năm 2010 - 2016 được xem là giai đoạn vàng son nhất của doanh nghiệp.
Trong khoảng thời gian này, Tasco được giao hàng loạt các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, xây dựng nhiều tuyến đường huyết mạch và các trạm thu phí tự động quy mô toàn quốc. Trong đó phải kể đến dự án BOT Mỹ Lộc (tuyến QL 21B, tỉnh Nam Định), với số vốn đầu tư hơn 3.801 tỷ đồng; dự án BOT Quảng Bình có tổng mức đầu tư 2.004 tỷ đồng; dự án xây dựng công trình nâng cấp đường tỉnh 39B Thái Bình theo hình thức hợp đồng BT có tổng mức đầu tư 1.882 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ (Hà Nội) đến đường 70 theo hình thức hợp đồng BT, tổng vốn đầu tư 1.543 tỷ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn qua TP. Hải Phòng theo hình thức hợp đồng BOT, có tổng mức đầu tư 2.815 tỷ đồng…
Bên cạnh được giao đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm với số vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi dự án, giai đoạn này, Tasco còn triển khai xây dựng nhiều dự án nhà ở, khu đô thị có quy mô lớn. Đơn cử như Dự án Khu đô thị mới Xuân Ngọc có quy mô 96ha, Khu đô thị mới Bắc Mai Dịch 42ha, Khu nhà ở Báo Nhân dân hơn 45ha, tòa nhà Phương Nam (Souh Building) hơn 10ha hay tòa nhà 48 Trần Duy Hưng hơn 20ha.
Chính vì vậy, chỉ trong 6 năm (từ năm 2010 - 2016), Tasco đã trở thành "ông trùm BOT" hàng đầu của cả nước và cũng là doanh nghiệp đầu tư bất động sản nhà ở được nhiều người biết đến. Đây cũng được xem là thời kỳ "lên hương" của doanh nghiệp khi khối tài sản liên tục phình to, doanh thu và lợi nhuận ghi nhận tăng trưởng mạnh.
Theo báo cáo thường niên năm 2007, tổng tài sản của Tasco ở thời điểm này chỉ có 221 tỷ đồng, nhưng đến năm 2010, con số này đã lên đến 2.654 tỷ đồng, tăng hơn 12 lần. Đến năm 2014, tổng tài sản Tasco là 3.657 tỷ đồng và đạt 9.319 tỷ đồng vào năm 2016. Như vậy, tổng tài sản Tasco đã tăng 42 lần chỉ sau 9 năm.
Về lợi nhuận sau thuế, năm 2009 doanh nghiệp ghi nhận vỏn vẹn 18 tỷ đồng nhưng chỉ sau 1 năm, con số này đã tăng gấp 5 lần, đạt 90 tỷ đồng vào năm 2010. Từ năm 2011 đến năm 2013, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp có sụt giảm nhưng đến năm 2014, lợi nhuận lại quay lại đà tăng trưởng mạnh, đạt hơn 255,8 tỷ đồng, tăng 184% so với thời điểm 2010 và không ngừng tăng lên trong năm 2016, đạt mức 403 tỷ đồng.
Đang đứng trên đỉnh cao sự nghiệp, tưởng rằng Tasco sẽ tiếp tục ăn nên làm ra, tuy nhiên kể từ năm 2017, kết quả kinh doanh của Tasco đột ngột lao dốc. Từ một doanh nghiệp báo lãi hàng trăm tỷ, Tasco đã trở thành "con nợ" thua lỗ thảm hại. Có thể khẳng định, 4 năm tiếp theo chính là giai đoạn cực kỳ khủng hoảng đối với doanh nghiệp này.
Giai đoạn "lao dốc": Nợ phải trả chiếm 71%
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017, Tasco ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm mạnh, xuống còn 2.195 tỷ đồng và 297,5 tỷ đồng. Đến năm 2018 thì rớt thảm hại chỉ còn 1.147 tỷ đồng và 65 tỷ đồng. Như vậy, lãi sau thuế doanh nghiệp đã giảm 6 lần chỉ sau 2 năm.
Tiếp đà suy giảm, năm 2019, lãi ròng của Tasco về mức 44,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2020 mới thực sự là năm "đen tối" của doanh nghiệp khi doanh thu chỉ đạt 761 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế -243 tỷ đồng. Đây cũng là năm lỗ đầu tiên của Tasco kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX năm 2008.
Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Tasco là 10.158 tỷ đồng nhưng tiền và các khoản tương đương tiền chỉ vỏn vẹn 219 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả chiếm đến 71% tổng nguồn vốn, đạt 7.197 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến "ông trùm BOT" lao dốc trong giai đoạn này được cho là do không có thêm dự án đầu tư, cùng với đó một số dự án BOT vốn được xem là "gà đẻ trứng vàng" của doanh nghiệp phải tạm dừng thu phí vì vướng phải làn sóng các tài xế phản đối các BOT lan rộng trên toàn quốc. Điển hình như trạm thu phí Tân Đệ (Thái Bình) đã phải chuyển về tuyến tránh Đông Hưng; trạm thu phí BOT Mỹ Lộc (Nam Định) buộc phải giảm hơn 50% phí để hoạt động trở lại.
Ngoài ra, dự án thu phí tự động không dừng VETC từng được Tasco kỳ vọng là quân bài kéo doanh nghiệp thoát khỏi "vũng bùn lầy" thì lại hoạt động không như kỳ vọng. Năm 2019, VETC lỗ 126 tỷ đồng. Khi đó, Tasco đã đòi trả lại toàn bộ dự án cho Bộ Giao thông vận tải vì lo phá sản nhưng không thành. Đến năm 2020, VETC lỗ lịch sử 300 tỷ đồng. Và dĩ nhiên, khi VETC thua lỗ thì công ty mẹ Tasco chính là đơn vị phải đứng ra "ôm nợ".
Công ty TNHH Thu phí tự động VETC là công ty con của Công ty Cổ phần Tasco, được thành lập vào tháng 7/2015 tại Hà Nội. Theo giới thiệu trên website của công ty, VETC được thành lập với mục tiêu trở thành đơn vị triển khai và vận hành hệ thống thu phí tự động ETC (Electronic Toll Collection) tại Việt Nam.
Năm 2015, VETC bắt đầu thử nghiệm hệ thống thu phí tự động đường bộ tại 3 trạm: Tasco Quảng Bình, Hoàng Mai (Nghệ An) và Toàn Mỹ (Đăk Nông). Đến tháng 7/2026, VEFT đã ký kết thành công hợp đồng BOO (Xây dựng - Sở hữu- Kinh doanh) với Bộ Giao thông vân tải để chính thức triển trai dịch vụ thu phí tự đồng bộ trên cả nước. Tuy nhiên, do hệ thống ETC lần đầu được thực hiện ở nước ta, có nhiều bên tham gia quản lý vận hành cộng với việc trước đó, các trạm BOT đã lắp đặt hệ thống thu phí một dừng cho nên quá trình thực hiện ETC của VETC gặp rất nhiều khó khăn.
Trong giai đoạn này, Tasco còn vướng phải lùm xùm xoay quanh những sai phạm của dự án Xuân Phương Residence - Foresa Villa khiến tiến độ thực hiện bị chậm trễ.
Chính vì vậy, thời điểm cuối năm 2020, Tasco ghi nhận gần 1.137 tỷ đồng tài sản cơ bản dài hạn. Trong đó, Khu nhà ở Xuân Phương - Foresa Villa chiếm 343 tỷ đồng, dự án BT Lê Đức Thọ đến đường 70 chiếm 314 tỷ đồng, dự án Khu đô thị mới Vân Canh chiếm 271 tỷ đồng…
Có thể thấy, hoạt động kinh doanh khó khăn cộng thêm "cú đấm bồi" từ đại dịch Covid-19 đã thực sự đẩy Tasco từ đỉnh cao sự nghiệp xuống vực thẳm chỉ trong vòng 4 năm.
Thoát mũ "ông trùm BOT" để tái cấu trúc doanh nghiệp
Trong bối cảnh lợi nhuận thua lỗ, nợ vay tăng cao, "ông trùm BOT" đã buộc phải tái cấu trúc doanh nghiệp. Từ năm 2021, Tasco đã bắt đầu thực hiện kế hoạch tái cấu trúc lớn nhất trong lịch sử hoạt động, từ việc chuyển đổi hệ sinh thái phát triển cho đến thay đổi toàn bộ ban lãnh đạo.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, công ty xác định mô hình "Nền Tảng Cuộc Sống – Foundation of Life" là chiến lược dài hạn với mục tiêu tạo hệ sinh thái phục vụ phần lớn nhu cầu chi tiêu cho đầu tư của người Việt. Do đó, thay vì tập trung vào đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông, Tasco sẽ mở rộng kinh doanh sang dịch vụ ô tô, bất động sản nghỉ dưỡng và lấn sân thêm cả thị trường tài chính bằng việc mở công ty bảo hiểm.
Nói được làm được, trong năm 2022, Tasco đã M&A Công ty bảo hiểm Groupama của Pháp và chuyển thành Công ty Bảo hiểm Tasco, đồng thời thành lập Tasco Land và đầu tư vào NVT Holdings - công ty mẹ của Công ty cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay.
Với mảng ô tô, đến cuối tháng 8/2023, Tasco đã chính thức sở hữu 100% vốn của SVC Holdings - công ty mẹ của Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico).
Việc sở hữu toàn bộ SVC Holdings (nay đổi tên thành Công ty TNHH Tasco Auto), Tasco đã trở thành nhà phân phối ô tô số 1 Việt Nam với hơn 67 showroom trên toàn quốc. Trong khi đó, việc thành lập Tasco Land và đầu tư vào NVT Holdings đã giúp Tasco bổ sung thêm chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng 5 sao Six Senses Ninh Vân Bay và Ana Mandara Đà Lạt vào danh mục bất động sản, mang lại nguồn khách hàng cao cấp cho hệ sinh thái dịch vụ ô tô, hạ tầng giao thông thông minh của mình.
Về kinh doanh bảo hiểm, việc sở hữu 67 showroom trên cả nước và hơn 1,4 triệu người sử dụng ô tô là khách hàng sử dụng dịch vụ của Tasco/VETC, Công ty bảo hiểm Tasco được kỳ vọng sẽ có ưu thế so với các công ty trong ngành.
Việc thoát mũ "ông trùm BOT" để hướng đến phát triển hệ sinh thái đa ngành, đặc biệt là dịch vụ ô tô của Tasco từng được đánh giá là hướng đi triển vọng. Bởi vì dân số Việt Nam có gần 100 triệu dânvà thu nhập bình quân đầu người đang có xu hướng tăng lên sẽ kéo theo nhu cầu sở hữu ô tô tăng. Tuy nhiên, đây chỉ là triển vọng dài hạn, còn ngắn hạn, việc tái cấu trúc theo hướng đa ngành dường như vẫn chưa đem lại hiệu quả cho Tasco. Doanh nghiệp này cơ bản vẫn đang khó khăn khi nợ vay và chi phí tăng cao, còn lợi nhuận thì ngày càng teo tóp.
Tài sản "phình to" đi đôi với nợ vay tăng cao
Ở thời điểm bắt đầu thực hiện tái cấu trúc, Tasco đã đặt mục tiêu tăng trưởng 3 năm (2022- 2024) với nhiều chỉ số ấn tượng.
Cụ thể, năm 2022, Tasco trình cổ đông kế hoạch doanh thu 11.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế mục tiêu là 250 tỷ đồng. Năm 2023, doanh thu dự kiến là 36.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 650 tỷ đồng. Với năm 2024, kế hoạch doanh thu là 48.600 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế là 1.350 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh tài chính doanh nghiệp 2 năm vừa qua có thể thấy, kế hoạch mà Tasco đề ra đã không thực hiện được, nếu không muốn nói là doanh nghiệp này đang "trượt xa" mục tiêu của mình.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, doanh thu của Tasco chỉ đạt 1.073 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp đạt 143,8 tỷ đồng. Như vậy, Tasco chỉ hoàn thành 9,4% kế hoạch doanh thu và 57,5% kế hoạch lợi nhuận.
Sang đến năm 2023, doanh thu Tasco tăng trưởng mạnh, đạt 10.995 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với kế hoạch đề ra, mức tăng trưởng này vẫn chưa đảm bảo. Chưa kể, dù doanh thu tăng mạnh, nhưng lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp lại sụt giảm 61% so với 2022, chỉ vỏn vẹn 56 tỷ đồng, bằng 8,6% kế hoạch dự tính.
Giải trình kết quả trên, Tasco cho biết do trong năm 2023, Tập đoàn tăng mạnh số lượng công ty sau khi hoàn thành hợp nhất. Việc Công ty Cổ phần SVC Holdings trở thành công ty con của Tasco từ ngày 08/09/2023 khiến doanh thu tăng mạnh từ mảng hoạt động kinh doanh xe ô tô. Mặc dù doanh thu thuần tăng mạnh nhưng giá vốn hàng bán của Tasco cũng tăng gấp 12,5 lần so với cùng kỳ 2022. Điều này đã khiến lợi nhuận của doanh nghiệp giảm. Nói cách khác, việc thâu tóm SVC Holdings đã khiến chi phí Tasco tăng mạnh làm "ăn mòn" lợi nhuận.
Bên cạnh doanh thu, lợi nhuận không như kỳ vọng, việc hợp nhất SVC Holdings còn khiến nợ vay Tasco tăng cao.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2023, tính đến 31/12/2023, tổng tài sản của Tasco đạt 26.748 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với đầu năm. Tuy nhiên, đi kèm với tài sản "phình to" là nợ vay đạt đỉnh.
Tổng nợ phải trả của Tasco ở thời điểm cuối năm 2023 cao gấp đôi so với đầu năm, lên gần 15.435 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay tại Tasco tăng vọt 70% so với đầu năm, lên mức 8.223 tỷ, chiếm 53% tổng nợ phải trả và 31% nguồn vốn của doanh nghiệp.
Hàng tồn kho tại HUT đến cuối năm 2023 đạt 2.487 tỷ đồng, gấp 25 lần so với đầu kỳ, trong đó gần 1.699 tỷ đồng là hàng hóa xe ô tô và xe máy, chiếm 70%. Ngoài ra, trong hàng tồn còn có chi phí sản xuất kinh doanh dở dang hơn 654 tỷ đồng, cao gấp 38 lần so với đầu năm, đáng chú ý là dự án khu dân cư Nam Cầu Cẩm Lệ gần 586 tỷ đồng.
Nhìn vào những chỉ số trên, có thể thấy Tasco chưa hề thoát khỏi khó khăn. Thậm chí, từ khi thực hiện tái cấu trúc bằng việc mở rộng kinh doanh sang nhiều lĩnh vực chỉ khiến chi phí sản xuất kinh doanh và nợ vay của Tasco tăng mạnh, trong khi đó, lợi nhuận lại suy giảm.
Hiện nay, lĩnh vực được đánh giá có nhiều triển vọng nhất đối với Tasco vẫn là hạ tầng giao thông. Năm 2022, sau thời gian miễn phí, Công ty Thu phí Tự động VETC chính thức thông báo mức phí dán thẻ thu phí tự động không dừng (ETC). Cụ thể từ tháng 8/2020, khách hàng sẽ phải trả 120.000 đồng/xe khi dán thẻ ETC của VETC, áp dụng với tất cả phương tiện dán mới hoặc thay thẻ, dán lại. Chính hoạt động này đã giúp doanh thu năm 2022 của VETC tăng gần gấp đôi lên 346 tỷ đồng. Điều này cũng xóa dần mức lỗ lũy kế hàng trăm tỷ đồng mà VETC đang gánh.
Trong thời gian tới, hoạt động thu phí tự động không dừng của VETC sẽ là "quả ngọt" cho Tasco. Tuy nhiên, khác với nhiều năm trước, đây không còn là mảng kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp mà hiện nay, Tasco đã là tập đoàn đa ngành. Vì vậy, dù VETC có đem về lợi nhuận tốt nhưng những mảng kinh doanh khác mà doanh nghiệp đang theo đổi như dịch vụ ô tô, bảo hiểm, bất động sản nghỉ dưỡng không ghi nhận kết quả tốt thì sức khỏe của Tasco vẫn không thể cải thiện, thậm chí có thể yếu hơn. Khi đó, không những kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp thất bại mà Tasco khả năng sẽ còn nhận phải "quả đắng"./.