Chiều 29/12, tại Hội trường Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tổ chức họp mặt giữa lãnh đạo tỉnh với các đơn vị khối kinh tế tổng hợp, tài chính ngân hàng nhân dịp kết thúc năm tài chính năm 2023.
Đến dự có ông Nguyễn Thành Tâm- Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Bí thư Tỉnh uỷ; ông Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội, cùng lãnh đạo các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo các doanh nghiệp có thành tích trong thực hiện nộp ngân sách nhà nước.
Ông Trịnh Ngọc Phương – Giám đốc Sở Tài chính cho biết, với sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân; cùng với sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành ở địa phương đã giúp ngành Tài chính, ngân hàng tham mưu điều hành Tài chính, ngân hàng năm 2023 đạt được kết quả tích cực.
Theo đó, tổng thu Ngân sách nhà nước (NSNN) đến hết ngày 28.12.2023 là 11.328,8 tỷ đồng, đạt 109,4% dự toán Trung ương giao và đạt 103% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 7,1% cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 9.696,8 tỷ đồng, đạt 107,1% dự toán Trung ương giao và đạt 101% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 7,9% so cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu: 1.630,9 tỷ đồng, đạt 125,5% dự toán Trung ương giao và đạt 116,5% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 2,2% so cùng kỳ.
Có 9/16 khoản thu đạt từ 100% trở lên so với dự toán và 7/16 khoản thu không đạt dự toán. Trong đó, đặc biệt các khoản thu đạt cao vượt dự toán như: Thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; thu phí, lệ phí; Thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết…
Tổng chi Ngân sách địa phương (NSĐP) 10.054,8 tỷ đồng (chưa kể chi trong thời gian chỉnh lý quyết toán), đạt 90% dự toán, tăng 0,5% cùng kỳ. Trong đó chi cân đối NSĐP 8.526,7 tỷ đồng, đạt 87,5% dự toán, tăng 0,5% cùng kỳ. Tổ chức điều hành chi ngân sách trong phạm vi dự toán được duyệt, thực hiện kiểm soát chi chặt chẽ đảm bảo theo đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ nhà nước quy định.
Nhìn chung, chi ngân sách địa phương được đảm bảo từ nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng, thu bổ sung từ ngân sách Trung ương đã cơ bản đảm bảo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên theo nhiệm vụ dự toán được giao, thực hiện tốt chỉ đạo, chủ trương của Trung ương, Tỉnh uỷ trong công tác điều hành ngân sách, cắt giảm các khoản chi chưa thật sự cần thiết, tập trung nguồn lực để chi đầu tư, phục vụ tốt hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước, các cơ quan đảng, đoàn thể, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Dự báo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, tỉnh ta tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức:dịch bệnh trên người, trên cây trồng, vật nuôi còn diễn biến phức tạp; quy mô kinh tế, năng lực cạnh tranh của tỉnh chưa cao; nguồn lực đầu tư còn hạn chế, doanh nghiệp, người dân đã bị bào mòn của dịch bệnh… Với tình hình đó, các sở, ngành và huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, để hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2024 là 11.100 tỷ đồng, tăng 0,9% dự toán năm 2023.
Năm qua, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân và hoạt động ngành Ngân hàng.
Bám sát định hướng, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành Ngân hàng Tây Ninh đã triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế địa phương, thực hiện tốt chính sách tín dụng hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế; đồng thời đảm bảo hoạt động các TCTD tuân thủ quy định pháp luật, phát triển an toàn và lành mạnh.
Kết quả hoạt động tín dụng của các đơn vị đến ngày 25.12.2023 cụ thể như: Quỹ Đầu tư phát triển Tây Ninh có dư nợ đạt 694,5 tỷ đồng, tăng 31,4% so đầu năm. Phòng giao dịch Tây Ninh – Sở giao dịch II – NH Phát triển Việt Nam có vốn huy động 1 tỷ đồng, giảm 84%; Dư nợ đạt 54 tỷ đồng, giảm 12% so đầu năm. Các TCTD còn lại có vốn huy động đạt 64.644 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm; Tổng dư nợ cho vay đạt 96.217 tỷ đồng, tăng 12,1% so đầu năm.
Phát biểu tại buổi họp mặt, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm nhấn mạnh, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự giám sát của HĐND tỉnh, sự nỗ lực của hệ thống chính trị, tính chủ động sáng tạo của các thành phần kinh tế, của các tầng lớp nhân dân, tỉnh đã đạt được những kết quả rất toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Năm 2024, với những thuận lợi, thời cơ thách thức đã được nhận diện, Bí thư Tỉnh uỷ mong muốn khối kinh tế tổng hợp và tài chính ngân hàng phát huy kết quả của năm 2023, tạo động lực thực hiện đạt và vượt nghị quyết Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh đề ra trong năm tới.
Các đơn vị cần tiếp tục chủ động, sáng tạo, đề ra giải pháp linh hoạt để phấn đấu thực hiện hoàn thành mục tiêu của ngành cũng như phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong năm 2024.
Dịp này, UBND tỉnh tặng bằng khen cho 4 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thu NSNN trên địa bàn tỉnh năm 2023; 15 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách pháp luật thuế năm 2023.