Phát triển du lịch là kinh tế mũi nhọn
Ông Lương Bá Can - Phó Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh cho biết, trong tầm nhìn đến năm 2030, địa phương sẽ tập trung mời gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển về du lịch, thương mại trên địa bàn tỉnh. Thành phố chú trọng việc xây dựng các khu, điểm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương xã, phường, đặc biệt khai thác hiệu quả tiềm năng của các khu du lịch nổi tiếng như núi Bà Đen, Tòa Thánh..., kết nối hệ thống du lịch chung của thành phố, tạo ra sự đa dạng phong phú về sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách.
Đồng thời, địa phương cũng tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp, đặc sản địa phương: các loại trái cây như mãng cầu Bà Đen, dưa lưới, mật ong, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh, xoài… phục vụ nhu cầu mua sắm, quà tặng của khách du lịch và phát triển mô hình homestay, farmstay tại địa phương. Khảo sát hình thành thí điểm các làng nông thị kết hợp với các dự án nông nghiệp chất lượng cao khu vực xung quanh dưới chân núi Bà.
Theo UBND thành phố, nỗ lực thời gian tới đây của thành phố Tây Ninh sẽ liên kết với các địa phương khác, với doanh nghiệp lữ hành tổ chức các hoạt động trải nghiệm như vượt rừng, các loại hình thể thao như leo núi, dù lượn, chèo thuyền, các hoạt động trò chơi nhóm cho học sinh, sinh viên (teambuilding)… Hình thành các chương trình hoạt động trải nghiệm nông nghiệp như tham quan vườn cây ăn trái (mãng cầu, nho rừng...); tham quan các trang trại nông nghiệp, các cơ sở chế biến, kinh doanh gắn với các sản phẩm OCOP tại địa phương.
Trước đó, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch số 1833/KH-UBND về phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của kế hoạch là khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch của tỉnh; chú trọng phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc, đưa Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực và cả nước.
Bên cạnh đó, chú trọng phát triển du lịch văn hoá, bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hoá dân tộc; xây dựng sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch đa dạng, chuyên nghiệp; sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng, có sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu du khách trong nước và quốc tế. Áp dụng công nghệ 4.0 trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; từng bước phát triển du lịch thông minh; đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp.
Theo đó, đến năm 2025, Khu du lịch núi Bà Đen đạt tiêu chuẩn khu du lịch cấp quốc gia, trở thành khu du lịch đẳng cấp của quốc gia và quốc tế; là tâm điểm dẫn dắt, lan toả đến các sản phẩm du lịch khác của tỉnh Tây Ninh và khu vực Đông Nam bộ. Giải quyết được khoảng 7.400 lao động làm việc có liên quan đến ngành du lịch, trong đó, lao động trực tiếp khoảng 2.600 người, lao động gián tiếp của xã hội khoảng 4.800 người. Mục tiêu giai đoạn 2021-2025, doanh thu du lịch đạt 9.000 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 130 tỷ đồng; tổng lượng khách tham quan du lịch đạt 18 triệu lượt.
Định hướng đến năm 2030, du lịch Tây Ninh là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GRDP, thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch tăng bình quân hằng năm từ 25%/năm trở lên. Chi tiêu bình quân khách du lịch đến Tây Ninh đạt trên 1,3 triệu đồng/người/ngày.
Địa phương cũng giải quyết khoảng 21.000 lao động làm việc có liên quan đến ngành du lịch. Trong đó, lao động trực tiếp khoảng 7.000 người, lao động gián tiếp khoảng 14.000 người. Giai đoạn 2026-2030, doanh thu du lịch đạt 35.000 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 235 tỷ đồng; khách tham quan du lịch đạt 37 triệu lượt.
Để đạt các mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra các giải pháp trọng tâm, trong đó tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; thu hút đầu tư về phát triển du lịch như: rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh theo hướng đơn giản, tạo điều kiện cho việc đăng ký thành lập doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp với chính sách ưu đãi nhất trong đầu tư phát triển du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư thực hiện vai trò “đầu tàu” cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển.
Phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch như: hạ tầng giao thông; hạ tầng công nghệ thông tin; hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật như hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ ăn uống, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hiện đại hoá và mở rộng mô hình sản xuất, giới thiệu, trưng bày, phân phối một số sản phẩm quà tặng, lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ, đặc sản mang đặc trưng của tỉnh.
Tỉnh cũng đề ra giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch; phát triển đa dạng các loại hình du lịch như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá - lễ hội; du lịch nông nghiệp; du lịch sinh thái; du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử; phát triển sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng và điều kiện; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch...
Tăng tốc hoàn thiện hạ tầng
Để phát triển du lịch trong thời gian tới, đối với hạ tầng giao thông, tỉnh Tây Ninh đề ra giải pháp đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng các dự án kết nối Tây Ninh với các tỉnh giáp ranh và các dự án trọng điểm như: cao tốc Hồ Chí Minh - Mộc Bài; đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà; đường kết nối từ ĐT.784 (Tây Ninh) đến ĐT.744 (Bình Dương); đường ĐT.782 - ĐT.784; đường liên tuyến kết nối vùng N8-ĐT.787B - ĐT.789, cầu An Hoà.
Thực hiện đầu tư các dự án giao thông theo quy hoạch và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, chú trọng các tuyến đường kết nối các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, các trục giao thông chính của thành phố Tây Ninh (bao gồm: đường Trường Chinh, đường Hoàng Lê Kha nối dài, đường Nguyễn Chí Thanh nối dài, đường Nguyễn Trọng Cát).
Ngoài ra, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động các loại hình, phương tiện vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu đưa vào khai thác các tuyến vận tải khách cố định, xe buýt kết nối đến các khu du lịch, điểm du lịch. Đồng thời, phối hợp Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu phương án mở tuyến xe buýt chất lượng cao từ Tây Ninh đi các quận nội thành TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, nhiều dự án kết nối với các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được Tây Ninh đặc biệt chú trọng. Điển hình là dự án đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài (53,5 km) giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 15.900 tỉ đồng, theo hình thức đối tác công tư cũng đang được đẩy nhanh tiến độ.
Tỉnh Tây Ninh cũng đang chủ động phối hợp với các bộ, ngành, đẩy nhanh thực hiện các dự án đường tuần tra biên giới (35 km), vốn đầu tư 350 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2025; dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát đoạn từ Gò Dầu đến TP Tây Ninh đã được Thủ tướng phê duyệt giao UBND tỉnh Tây Ninh thực hiện giai đoạn 1…
Ngoài những dự án trên, theo Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng ngành giao thông tỉnh Tây Ninh, năm 2023, đơn vị này sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Ðức Hòa để kịp hoàn thành trong năm 2025.
Ðồng thời, Tây Ninh đưa vào khai thác sử dụng 6 dự án trong năm 2023. Cụ thể, đó là dự án nâng cấp, mở rộng đường ÐT.782 - ÐT.784 từ ngã ba tuyến tránh Quốc lộ 22B đến ngã tư Tân Bình, dự kiến hoàn thành vào quý II/2023; nâng cấp, mở rộng đường ÐT.795, dự kiến hoàn thành vào quý III/2023.
Các dự án dự kiến hoàn thành vào quý IV/2023 gồm đường Ðất Sét - Bến Củi; đường ÐT.794 đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn (giai đoạn 2); tiểu dự án đường mòn Bàu Tà On; tiểu dự án đường vào cầu Ông Sãi; dự án đường Trường Hòa - Chà Là (từ Nguyễn Văn Linh đến ÐT.784).
Nhiều dự án giao thông nội tỉnh và kết nối Tây Ninh với Bình Dương, Bình Phước, Long An được tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công. Dự kiến trong năm 2023, nhiều dự án hoàn thành góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như các địa phương có dự án đi qua./.