Aa

Tết cười trong nắng xuân

Nhà thơ Trang Thanh
Nhà thơ Trang Thanh trangthanh196@gmail.com
Chủ Nhật, 22/01/2023 - 06:12

Những ngày áp Tết, nếu mưa gió cứ sùi sụt kéo dài thì chẳng lấy gì làm dễ chịu. Nhà nghèo mong nắng chả kém gì mong Tết. Có nắng để hong phơi những thứ cần thiết dùng trong dịp Tết, trong đó có cả cái ăn, cái mặc...

Mùa đông đang ấm dần lên hay rét đang về chậm hơn do biến đổi khí hậu? Nhiều năm gần đây, Tết thường ấm nóng, chút hanh hao ban trưa lẫn trong sáng chiều nồm ẩm, không như những năm xưa, Tết gần như mặc định với mưa phùn gió bấc, rét cắt thịt da.

Nhà quê xưa không có tủ lạnh cũng chẳng phải bận tâm lo bánh chưng hay thức ăn bị hỏng, rét đến nỗi bánh chưng quê nghèo để dành ăn cả tháng Giêng vẫn thơm ngon. Mâm cỗ Tết bưng ra ấm nóng tỏa khói thơm, mà chỉ sau dăm mười phút là mỡ đã kết trắng một lớp mỏng trên bát canh măng, miến. Lắm khi ngồi ăn cỗ Tết mà cứ rét run từ trong ruột rét ra, vì ăn đồ lạnh giữa nhiệt độ ngoài trời xuống đến dưới 10 độ C, nhà cửa cũng thông thốc gió lùa, khiến cơ thể bị mất nhiệt.

Ngoài sân mưa bụi giăng màn, dùng dằng rét buốt. Đàn bà con gái luôn chân luôn tay làm việc nhà, rửa bát bằng nước nóng khiến bàn tay phát cước, khô nẻ, bỏng rát. Một cơn nắng những ngày áp Tết cũng là niềm mong mỏi của người nghèo ở chốn quê xưa. Người nghèo mong Tết, lo Tết và chờ nắng.

Tết không thể thiếu hoa, cây quất, cành đào. Nhà rực rỡ sáng tươi thì Nàng Xuân mới hân hoan ban niềm vui, tài lộc, cho gia đình một năm sung túc. (Ảnh: Reatimes)

Mong Tết vì Tết là lễ hội lớn của cả một năm. Sau bao nhiêu vất vả khó nhọc chất lên đôi vai gồng gánh qua mùa gối vụ, người ta cần có một quãng lặng để thân thể nghỉ ngơi, tâm tư lắng lại, được hân hoan trong niềm vui lễ lạt, ăn uống, chúc tụng, vui vầy trong dăm ngày Tết. Kéo sang hội hè suốt tháng Giêng, để lòng người thơ thới, nguồn năng lượng sống mới nhen lên cho con người đủ sức mạnh mà đi tiếp những tháng năm rộng dài còn đầy lo toan phía trước.

Rồi Tết là cái mốc để người ta phấn đấu. Đặt mục tiêu trước Tết thì sửa nhà, sắm thêm bộ bàn ghế, mua cái xe, hay nhỏ hơn thì cũng mua ấm trà mới, cho ngày Tết có cốc chén lịch sự mà tiếp khách. Tức là, có Tết, thì con người ta có cái mốc thời gian để thu xếp những công việc đang làm, có mục tiêu và đích đến rõ ràng, chẳng còn mông lung ngày tháng. Mà thường thì con người ta nhớ nhất, lo nhất là những món nợ phải trả dịp cuối năm, không trả được thì dông mất. Nợ tài chính, nợ đầu việc, hay nợ lời hứa với ai đó. Mọi việc cứ phấn đấu phải hoàn thành trước Tết mới an lòng, với người nghèo xưa, hay với mọi người hôm nay, vẫn vậy. Cho đến khi xong nợ nần rồi, thì bắt đầu lo cho cái Tết nhà mình được ấm no. Mẹ lo thực phẩm đã đủ đầy, thì đến phần trang hoàng nhà cửa, sắm lễ nghênh xuân cũng phải tươm tất. Tết không thể thiếu rượu, chè, bánh trái; Tết không thể thiếu hoa, cây quất, cành đào. Nhà rực rỡ sáng tươi thì Nàng Xuân mới hân hoan ban niềm vui, tài lộc, cho gia đình một năm sung túc.

Những ngày áp Tết, nếu mưa gió cứ sùi sụt kéo dài thì chẳng lấy gì làm dễ chịu. Nhà nghèo mong nắng chả kém gì mong Tết. Có nắng để hong phơi những thứ cần thiết dùng trong dịp Tết, trong đó có cả cái ăn, cái mặc.

Nhà nghèo mong nắng chả kém gì mong Tết. (Ảnh: Tùng Dương)

Từ giữa Chạp, có một vài thứ mà cha mẹ không bao giờ quên đem phơi sớm, đó là đỗ xanh để đồ xôi, nấu chè, làm nhân bánh chưng; mộc nhĩ để bó cây giò xào; lạt giang để gói bánh. Đỗ xanh mẹ trồng trên bãi sông Hồng, xen canh với ngô, khoai, phơi săn, sàng ra những hạt to mẩy nhất, để dành từ mùa hạ. Chọn một ngày nắng, mẹ rải đỗ lên chiếc dần, neo lên dây phơi cho hạt đỗ thêm đượm nắng. Đỗ giòn rồi thì chờ nguội, rồi rải đều một lớp hạt lên cái thớt gỗ lớn, mẹ dùng chiếc chai thuỷ tinh lăn miết cho hạt đậu vỡ ra làm đôi, việc này gọi là siết đỗ. Mộc nhĩ cha ươm từ mấy gốc gỗ mít ở góc vườn, hái về phơi trên bể nước, qua vài nắng là tai nấm nhĩ khô còng queo. Lạt giang trắng nõn, cha chuốt mỏng từ ống giang tươi, buộc túm một đầu lại, rồi rải theo kiểu xòe hoa trên mái nhà, phơi trong cái nắng cuối đông hanh vàng cho se se lại, đến khi dùng gói bánh, lại ngâm vào nước vài giờ cho mềm dẻo ra. Những chiếc lạt sẽ giúp cha buộc chắc từng tấm bánh chưng xanh.

Việc dọn, sửa cửa nhà, giặt giũ chăn màn, xống áo tinh tươm mà đón năm mới cũng cần có nắng. Nhà nghèo sẽ đem những bộ áo quần đẹp đẽ duy nhất của mỗi người cất dành cả năm trong tủ ra phơi, ba ngày Tết thơm tho mà diện. Nắng ấm những trưa chiều hăm chín, ba mươi để phơi phóng nốt những gì còn ẩm ướt, để tắm thơm thân thể bằng nước lá mùi. Hương cây, hương đất như thấm đượm trên da, quyện hòa trong tóc, bụi trần giũ sạch chờ đón xuân sang.

Mẹ tôi thường lựa một ngày nắng đẹp, thúc giục con cái mang áo quần trong tủ ra phơi. Tết ở nhà tôi, chỉ riêng con gái út là tôi được sắm áo quần và dép mới. Mọi người lớn đều mặc bộ quần áo cho là đẹp nhất của mình, được cất giữ trong tủ qua nhiều mùa xuân.

Mẹ có một chiếc áo cánh màu tím hoa cà, chiếc quần lụa sa tanh mờ. Mỗi năm, mẹ chỉ mặc bộ quần áo này đôi lần quan trọng như đi ăn cưới và Tết, trời rét thì khoác thêm cái áo len xanh, quàng khăn nhung the đen nhức, rét đậm thì có thêm cái áo bông trần. Áo tím hoa cà mẹ đặt may ở hiệu Khánh Lễ nổi tiếng TP. Nam Định, từ khi cha còn ở đó học nghề may. Chiếc áo vải xoa nên nó rất bền. Mẹ mặc có lẽ qua chục mùa xuân, dường như nó vẫn còn mới.

Mẹ tôi thường lựa một ngày nắng đẹp, thúc giục con cái mang áo quần trong tủ ra phơi. (Ảnh: Tùng Dương)

Nhìn những bộ quần áo, khăn mũ đẹp nhất của cả nhà phơi trong nắng ấm, mẹ lại nói đùa: “Nhà ta phơi áo, Tết phấp phới lưng trời”. Liếc thấy áo quần đem phơi dường như vẫn thiếu, mẹ giục các chị mau mau làm “thủ tục phơi Tết”, kẻo mai trời mưa. Nên nếu dây phơi không đủ chỗ, chị em tôi sẽ ngả cái nia ra giữa sân, rải quần áo lên nia cũng rất được nắng. Áo len cao cổ, áo sơ mi màu tàn thuốc lá, quần ka ki màu ghi đá của cha, là bộ quần áo được mua theo tiêu chuẩn phân phối, từ ngày cha còn làm ở quỹ tín dụng nhân dân xã. Cả đời cha chỉ mặc bộ quần áo ấy trong những ngày trọng đại, cho đến phút cuối của đời người, vẫn là bộ quần áo ấy theo cha về với tổ tiên. Nghèo cả một đời, nhưng khi cần vẫn phải tươm tất, đàng hoàng, cha luôn nói như vậy. Tôi hiểu vì sao mà trong nghèo khó, cha mẹ tôi lại giữ gìn những tấm áo đẹp đẽ đến thế…

Tết nghèo xưa, nhà tôi thiếu hoa đào. Thường có hồng nhung cha trồng, không hái mà để tươi nguyên trên cây "cho xuân vườn" - cha bảo vậy. Hoa thược dược có năm nhà trồng được, có năm mua, cắm chung với lay-ơn, mấy cành violet tím. Nhưng năm nào cha cũng giúp tôi tự làm lấy một cành đào. Mua giấy màu về, cha dạy tôi cắt từng bông hoa, cứ lớp bông to lồng ôm lấy lớp bông nhỏ thành hoa đào cánh kép, dùng hồ nếp dính lại, lấy đầu kim đan len chuốt cho cong cong cánh mềm là được những bông đào thắm. Cha chọn một cành cây khô có thế đẹp để gắn hoa đào vào. Rồi cũng chờ một ngày nắng ráo, cành đào được treo trên dây, nhờ nắng phơi cho hồ nếp thật khô để tránh bị mốc khi nồm ẩm. Thế là Tết có hoa đào. Cha giống mẹ cũng thường bảo: "Tết đã về đến lưng trời…". Cái màu hoa thắm khiến lòng rạo rực. Ngay từ lúc đặt kéo cắt những cánh hoa đầu tiên, đến khi mang đào phơi trong nắng hửng, gió đến, hoa rung cánh lao xao vẫy gọi Tết về…

Tiếng pháo dạm đón Giao thừa đã phấp phỏng xa xa từ đâu cuối làng dội lại. Tết đã về thật sự khi trên ban thờ, mâm ngũ quả đủ màu sung túc, bánh chưng đủ cặp, bánh khảo, kẹo lạc chẳng thiếu thức gì, nhang đèn ấm cúng, thơm ngát. Và rồi, chỉ một chốc lát, tiếng pháo tép pháo đùng hàng loạt dội lên. Giao thừa đã điểm! Gần xa trong đầu làng cuối xóm, nghe tiếng pháo mà đoán của nhà này, nhà kia. Riêng nhà tôi thường chỉ có một bánh pháo tép dành đến sáng sớm mùng Một, trước khi dâng mâm cỗ Tết thỉnh tổ tiên ông bà về sum họp thì cha sẽ đốt pháo mừng xuân. Bánh pháo đung đưa trước hiên, chính nơi cửa giữa, nổ giòn, xác pháo đỏ hồng như rắc hoa từ trong nhà ra sân, cả một bầu xuân ấm áp lan tỏa bao bọc ngôi nhà.

Nhớ về những ngày áp Tết, nhớ nắng và hoa, những màu Tết phơi vui cười trong nắng ấm... (Ảnh: Tùng Dương)

Tôi nhớ không ít lần mình phụng phịu, thấy hơi tủi thân vì Giao thừa nhà ai cũng đốt pháo mà nhà mình không có. Trẻ con xóm tôi cứ túm tụm lại là đem đọ Tết với nhau, rằng nhà ai pháo bé là Tết bé, không đụng lợn cũng là Tết bé. Mẹ tôi thường nhủ, "Con ạ, nhà mình nghèo, mọi thứ làm sao cho đủ đầy nhưng vẫn phải tiết kiệm". Rồi thì cũng có một lần, cha mẹ tôi đụng lợn, cha lại chiều tôi mua hai bánh pháo tép, gắn thêm lủng lẳng mấy quả pháo đùng. Ấy là năm chị tôi đi lấy chồng nên cha mẹ tôi mừng. Đêm ba mươi nổ pháo đón Giao thừa, "đẹt đẹt đẹt đùng…", Tết thật đầm ấm và hân hoan.

Hửng trưa ngày mùng Một, lòng tươi tựa nắng, thấy Tết như đang cười trong nắng xuân, tôi diện áo đẹp, chạy ra ngõ chụm đầu đọ Tết với mấy đứa. "Năm nay nhà tao đụng lợn, đốt pháo hai lần, pháo đùng cũng có, Tết nhà tao to hơn rồi nhé". Vui ơi là vui…

Nhớ về những ngày áp Tết, nhớ nắng và hoa, những màu Tết phơi vui cười trong nắng ấm, tôi đã viết bài thơ "Tết thương" đong đầy kỷ niệm:

“Cha ngồi chuốt lạt giang bên thềm hanh nắng Chạp

Tết xòe hoa trắng ngần mái gianh

Tết đang nở giữa vườn xanh

Trên những luống cải hoa mùi rau diếp đắng

Tết cốm non trên khóm dong bánh mật

Mưa bụi nạm kim cương lên những nụ hồng

Chiều ba mươi mùi Tết lừng thơm

Hương nấm, hương măng, hương mùi, hơi bánh chưng chín vờn bếp lửa

Thương sao những trẻ quê mùa đông thiếu áo

Chiều ba mươi tắm lá mùi bên cạnh nồi bánh chưng

Ba ngày Tết tay mẹ thơm nấm hương

Nắng đã óng xanh trong vườn Tết rộn ràng

Bầy trẻ đỏ môi hạt dưa ngượng nghịu

Mắt ren rén phong bao nhảy vòng bay xác pháo...”

thơ Trang Thanh
Thế Công
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top