Như ngày trước máy tính chưa thịnh hành, hoặc là với các văn sĩ, thi nhân, tác giả cao tuổi, không quen gõ máy, “mổ cò” thì lâu la quá, lại vẫn xúc cảm với trang bản thảo viết tay, thì như một số cụm từ hay được dùng để tả về họ, là viết lia lịa, lia bút soàn soạt, hoặc suốt sáng sang chiều cặm cụi, nắn nót từng chữ…
Viết bài Tết phải sớm, đáp ứng tiến độ chuẩn bị, biên tập, dàn trang, duyệt bài… của tờ báo đặt bài. Vì thế mới có hình ảnh vui người viết hay nhắc, là mới đầu thu nắng còn oi ả, đến chơi bác nhà văn, thấy bác xoay trần ra, đầm đìa trước chồng giấy. Hỏi bác lao động gì mà quần quật thế, bác bảo đang viết bài Tết đây. Hoặc có liên hệ nhà thơ xin bài thơ Tết, không khí xuân sắc cho nó ấm cúng, nhẹ nhàng, thì quả là phải “vận nội công” ghê gớm bởi vào lúc heo may se se đã phải hình dung ra gió xuân hây hẩy, nụ đào chúm chím, nắng ửng hồng đậu trên vai áo ai…
Nghĩ hài hóm chút chút vậy thôi, chứ đâu cứ ngày mùng Một, mùng Hai Tết Nguyên đán hay làn khói thơm thảo Giao thừa mới gợi lại cho ta những hoài niệm sum vầy đầm ấm. Mà ngay ra ngoài Tết chưa được bao lâu, nhìn những ruộng đào cắt luôn gần hết, chỉ còn nhô lên một đoạn gốc, thân, có thể còn chút cành, được phủ lên một đoạn vôi trắng, là mình đã chơm chớm mủi lòng tiếc xuân, nhớ Tết.
Và lâu lâu lại có dịp rẽ ngang qua một vùng ruộng đào nào đó, thấy cây dần um xanh lên những cành nhánh nhỏ, rồi lá đã tuốt, rồi thấp thoáng mấy bóng đèn điện chăng ra cho người ngủ trông tối, ruộng đào chuyển hình thù phủ ni lông, che chắn lụp xụp từ lều đến cây. Lại thấy nao nao những mong chờ, những đoán đợi, những nghĩ suy về ước hẹn của trời đất, mùa màng. Mấy anh chị em văn bút gọi nhau lang bang rong ruổi những nẻo đường núi cao dẫn lên, lên mãi vào mây lớn, thung xanh, nước non mờ xa trùng điệp. Như là đi chơi Tết sớm vậy. Lá hoa, non nước, đồng bào, củi lửa, những sắc màu thổ cẩm, dốc cao, và ngô khoai, và rượu, những câu chuyện rừng xa, tập quán, những điểm trường sâu, những người lính biên phòng…, tất cả cứ mọc lên trong cuộc du ngoạn nhiều bất ngờ, thật cứ như mùa xuân đến rồi ấy! Sinh sôi, tiếp nối, mới mẻ và xanh tốt, những chuyến đi thường mang ý nghĩa của mùa xuân, tuổi thanh xuân. Thế là những người văn có nhiều điều để viết, kể những chuyện tai nghe mắt thấy.
Cũng có khi không phải vậy, mà người cầm bút xâu chuỗi những điều nhặt nhạnh bao lâu nay để chiêm nghiệm Tết nhất, mùa xuân, thân phận, nghiệp nghề, những đổi thay... Bài Tết, thực tế không chỉ, không cứ và thậm chí bây giờ cũng không quá nhiều những tản văn bánh chưng, tùy bút mừng tuổi, thơ hoa đào hoa mận, những ghi chép Tết đến xuân về nơi bản xa, miền biên ải, hoặc những không khí vui Tết xuân đặc thù ở nơi nào, của những cộng đồng con người nào đó có nét đặc sắc về văn hóa, nghề nghiệp. Không ít tờ báo xuân cũng chỉ cần điểm xuyết một ít bài vở làm “duyên mùa”, như nhành đào đủ thưa thoáng hoa, nụ, lộc non. Mùa xuân trên báo Tết còn là nhiều những đề tài đời sống, xã hội, kinh tế, chính trị với những con người, những thành tựu ngoạn mục khác, dành nhìn lại, ngẫm ngợi thời gian qua để đến dịp đầu năm đưa lên trang báo mừng công.
Cũng lại có những ý tưởng có lý lẽ riêng. Hãy để số báo xuân nhẹ nhàng, giản dị hơn với những bài viết thiên về văn hóa, văn nghệ, sáng tác mang không khí Tết nhất, truyền thống, sum họp, quây quần. Còn những gì bề thế, lớn rộng, nước non, con người, những công trình, sự kiện, dấu mốc… của thể thao, của đối ngoại, của hội nhập, của xuất khẩu và mọi thứ trên đời, thì nên để cho các số đặc biệt, các số báo gộp dày dặn, những số thường có chủ điểm, chuyên đề.
Tất nhiên, đấy cũng là một cách cho ứng hợp tình hình, điều kiện. Vì thế, viết bài Tết cũng nhiều hình thức, nhiều chuyến đi, nhiều đối tượng, tác giả đa dạng lắm lắm. Một nhà thơ “cha chú” của chúng tôi, người “cao tuổi” nhưng còn nghĩ mình thanh niên, hưu đã lâu rồi nhưng chưa chịu để cuộc đời “hắt” đi, những dịp này mấy năm qua vẫn rong ruổi đề tài Tết lắm. Khoảng cách gần gần trăm cây đổ về, ông dong xe máy vi vu bình thường. Xa xa miền Trung, ông nhảy xe khách, xa tít Tây Nguyên, miền Nam, ông bay vào, ở đâu cũng có đồng nghiệp hào hiệp đãi đằng, gợi mở những thực tế hay, chỉ chỗ này chỗ kia quen biết, cho mượn xe máy lên đường. Hoặc xe khách nối các tỉnh, các huyện thì cũng sẵn chuyến lắm. Và đã lên đường thì với người sáng tác kỳ cựu, có thâm niên biên tập, tổ chức trang báo như ông, đề tài để thâm nhập có thể nhận ra ở nhiều nơi lắm. Bước vào tháng Chạp, là ghi chép văn hóa, chân dung văn nghệ, bút ký những đường đất của ông “bay lượn” trên những trang báo.
Có năm nọ tôi thống kê vui khi đọc lướt báo Tết, áng áng được, có những nhà thơ đăng hàng chục, mấy chục bài thơ Tết, trên báo Trung ương, bộ ngành, báo hội nghề, rồi báo chí của hội văn học nghệ thuật các tỉnh. Rồi có những tên tuổi đã nổi danh, cũng rất được chuộng về tản văn, tùy bút, thỉnh thoảng mở báo này, báo kia lại thấy trang trọng một áng văn đượm đà hương sắc vùng miền. Một số nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình uy tín và viết hay, được trọng nể thì cũng hay góp mặt trên các trang báo xuân. Nhưng cũng phải lựa chọn để đầu tư thời gian, sức lực thôi, chứ không dễ dàng nghe các em, các cháu “nỉ non” mà đáp ứng cho hết được. Ở đây thì cũng có một cái là có những khi đặt một số tên tuổi, thì cũng nên chuẩn bị bài “sơ cua”, phòng khi trăm lẻ một những lý do khách quan và chủ quan mà bài vở, tác phẩm không như hẹn được. Thỉnh thoảng tôi thích những bài viết, sáng tác mới, từ những cái tên “mơi mới, tre trẻ” khi trong những dòng viết có gì hơi lóe lên, hơi khang khác, là lạ một chút. Dường như trong sự mạnh dạn gửi gắm, cũng có thêm niềm thiết tha. Chúng tôi có được nhiều nữa những cây bút mới tài hoa hay le lói những suy tư tìm tòi nghiêm ngắn, những bộc bạch hồn nhiên trong sáng tác, cũng là để thêm tươi, thêm cung bậc, màu sắc cho trang báo xuân của mình.
Nhiều người viết cũng có những sự lo toan cho bài vở, tác phẩm của mình khác nhau. Lâu lâu trước, một lần tôi đang ngồi họp cộng tác viên ở tờ báo về pháp luật của anh bạn, đúng lúc nhà văn Đỗ Chu gọi điện thoại. Ông bảo có mấy chữ trong truyện ngắn mới gửi cho số báo Tết của tờ báo về nông thôn tôi đang làm khi đó, chưa được ưng lắm, thay giúp “tao” bằng chữ này, chữ này… Vâng vâng dạ dạ, ghi sẵn ra để về còn sửa. Lát sau, ông lại gọi tiếp, chắc nhà văn rà lại, nghĩ gì đó chưa yên tâm, cả chỗ này nữa nhé, ông dặn đi dặn lại. Lần nọ, đặt được bài họa sĩ, nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân. Ông rất đúng hẹn. Và được biết những “mùa bài Tết” như thế này hay việc viết cộng tác cho báo nào đó trong năm, ông cũng chỉn chu như vậy. Rồi có xin phép ông cho gọt bớt, sửa sang vài chữ, cũng phải cẩn thận chứ, bởi mỹ thuật hay nghệ thuật nói chung là mảng đề tài mà không ít người làm báo vốn theo nghề văn chương hay tin rằng mình biết, họa sĩ lại rất “thoáng”, cứ điều chỉnh theo nhu cầu của báo nhé, tùy các bạn thôi, mỗi báo lại có những cái khác nhau mà.
Nhưng cũng phải tự hiểu rằng, cho phép vậy không có nghĩa là mình được “bẻ” cái bài theo ý khác. Mà vẫn phải tôn trọng ý tứ, nội dung, khi cần phải làm chỉ nên điều chỉnh lượng chữ cho vừa diện tích trang báo. Tất nhiên, cái việc phải “gọt giũa” sao cho cân đối, đáp ứng yêu cầu đủ “đất” cho bài, trang nhã về hình thức thì cũng vẫn là muôn thuở. Vả lại phía tác giả cũng yên tâm khi gửi bài cho mình, bởi nhiều nội dung, câu chữ có tính chuyên môn, thì trừ lý do đặc biệt mà không dùng được, còn thì cũng khó lòng mà “thò bút” vào sửa thành khác đi được.
Tầm này, một số báo đã đăng những lời “mật ngọt” mời viết bài Tết rồi đấy, làm cho những ai ai đó nghề viết cũng hơi nao nức. Tất nhiên là ngoài lời mời gọi chung gửi đến “tất cả mọi người” ra thì phải có những tác giả thuộc diện “hàng thửa” để cho tác phẩm, bài viết trong tương lai gần dành đăng giai phẩm xuân được yên tâm, ưng ý. Vì thế mà có những cuộc gọi, email, những dòng “chát chít” gọi mời, nhờ cậy, trao đổi đề tài. Và sau đó một thời gian lại là gọi nhắc, là giục giã, trông đợi ngày ngày. Nhiều tác giả khi đã nhận lời là cũng bắt đầu một chặng thời gian canh cánh bận lòng, để mà rong ruổi, thâm nhập, lâng lâng nghĩ suy, đi vào đi ra, nâng lên hạ xuống câu chữ. Rồi miệt mài, phấn khích, đến lúc xong xuôi, ấn nút gửi bài bay đi, gọi điện nhắc một câu, “gửi rồi đấy nhé, kiểm tra xem bài đến chưa…”, đằng kia vâng dạ, báo lại, cảm ơn đã thấy ạ, là nhẹ cả người!
Ngẫm cái thú viết bài Tết cũng là nét riêng. Dù bây giờ nhuận bút các số thường đa phần các báo đã cải thiện. So với các số Tết, số đặc biệt, số tất niên, tân niên..., “tiền bút mực” cũng không đến nỗi quá là “kém cạnh”. Vả lại, dẫu bài Tết có thù lao cao gấp ba, gấp bốn…, thì cũng phải là sản phẩm “nặng đô” hơn. Mấy bài cho số thường viết thong thả “diệu dàng” như… đi cấy đi cày ngày ngày thì nhuận bút gom lại cũng gần gần như nhau thôi. Nhưng cái vui tươi, đợi mong âm ỉ tờ báo Tết thì không thay thế được. Đợi người đưa báo, gửi báo, hoặc báo tin để thả bộ ra sạp tìm mua, thấy bài mình đăng nền nã trên trang báo bóng láng dày dặn đang cùng hướng vọng mùa xuân, thì niềm “vinh hạnh xinh xinh” đó phải lâu lâu mới được hưởng./.