Aa

Tết lặng lẽ của những mảnh đời cuối cùng ở trại phong bỏ hoang tại Hà Nội

Chủ Nhật, 03/02/2019 - 12:45

Dù đã cận kề Tết cổ truyền nhưng những cụ già đang sinh sống tại Trại phong Đá Bạc (Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội) vẫn lặng lẽ với nhịp sống yếu ớt. Đúng ra thì đã hơn 50 cái Tết qua, họ vốn không màng đến dưa thịt, bánh chưng, câu đối đỏ…

“Chúng tôi đã nương tựa vào nhau sống suốt hơn nửa thế kỷ qua”

Trại phong Đá Bạc nằm sâu dưới chân núi, phía cuối một con đường đất đỏ lởm chởm đầy ổ gà cùng những lết lõm xiêu vẹo theo vệt bánh xe. Một bầu không gian yên tĩnh, vắng lặng cùng cỏ cây hoang dại lấp kín hai bên đường dẫn vào. Mọi thứ như được sinh ra để ngăn cách trại phong với thế giới bên ngoài. Phía bên trong là một thế giới riêng, nơi những mảnh đời bất hạnh đang sống để chờ chết….

Người đầu tiên trò chuyện với chúng tôi là cụ Quách Thị Oanh (71 tuổi). Cụ Oanh đã sinh sống tại trại phong Đá Bạc từ khoảng cuối thập niên 60 của thế kỷ trước khi nơi đây mới được thành lập để chăm sóc cho các bệnh nhân mắc chứng phong (hủi).

Trước đây, trại từng có tới hơn 100 bệnh nhân nhưng vào năm 2013, chính quyền thành phố quyết định di dời trại đi nơi khác. Các bệnh nhân phong, người trở về sống với gia đình, họ hàng, người tìm đến trại khác và cuối cùng, chỉ còn lại 6 cụ già - 6 con người đã sống lay lắt ở đây quá lâu, quyết định xin ở lại. Từ đó đến nay, suốt 6 năm, họ sống ở một khu nhà hoang.

 Trại phong Đá Bạc nằm dưới chân núi, nay bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Ảnh: N.T

Trại phong Đá Bạc nằm dưới chân núi, nay bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Ảnh: N.T

“Bệnh phong đã lấy đi các đốt ngón tay trên bàn tay phải của tôi, việc cầm đũa trong mỗi bữa ăn còn khó huống chi nói đến việc cầm liềm đi cắt cỏ. Tuy nhiên, các chị ở đây đều nhiều tuổi hơn tôi, lưng cũng đã yếu, không còn sức để cặm cụi cắt cỏ nữa. Việc chăm lo bữa ăn cho đàn thỏ hoàn toàn phụ thuộc vào tôi”, cụ Oanh tâm sự.

Sau khi với lấy sợi dây đỏ buộc chặt bàn tay phải vào cán của lưỡi liềm, vẫn giữ dáng vẻ hối hả đó, tay trái cụ xách theo chiếc thúng, tay phải lăm lăm lưỡi liềm sắc lẹm vội sải bước ra vườn. Cụ đưa bàn tay trái gầy guộc, nhăn nheo tóm chặt lấy phần thân cây cỏ, tay phải thoăn thoắt gạt từng đường liềm sắc lẹm. Cứ như vậy, chẳng mấy chốc, chiếc thúng cụ Oanh xách theo đã đầy ắp cỏ xanh.

Khi được hỏi về gia đình, con cháu có lên thăm cụ vào dịp Tết không, cụ Oanh thở dài: “Nhắc làm gì nữa, tôi không có gia đình được hơn 50 năm nay rồi. Nếu ai hỏi về gia đình của tôi, thì đây, những cụ già sinh sống cùng tôi trên trại phong Đá Bạc này chính là gia đình của tôi. Chúng tôi đã nương tựa vào nhau cùng sống suốt hơn nửa thế kỷ qua, cùng trải qua hơn 50 cái Tết”.

 Dãy nhà nơi những người bị bệnh phong sống giờ đã bị rêu mốc, vôi vữa rơi rụng.

Dãy nhà nơi những người bị bệnh phong sống giờ đã bị rêu mốc, vôi vữa rơi rụng.

Không mang vẻ tất bật và vội vã, cụ Nguyễn Thị Sợi (71 tuổi) thảnh thơi và thư thái ngắm nhìn chiếc chuồng thỏ mới được hoàn thành. Cũng giống như cụ Oanh, cụ Sợi cũng là một trong những người đầu tiên đến sinh sống trên trại phong Đá Bạc.

Chiếc chuồng thỏ này mới được một người dân sinh sống trong làng làm giúp các cụ, nó có khung thép chắc chắn và được rào xung quanh bằng lưới mắt cáo. Đưa tay kéo thử then cài của chiếc cửa chuồng thỏ, cụ Sợi cười mãn nguyện: “Vậy là chiếc chuồng thỏ đã được hoàn thành. Trước kia không có chuồng, chúng tôi chỉ biết thả đàn thỏ cho chúng tự do trong một gian buồng bỏ hoang không có cửa, buổi đêm thì kéo miếng gỗ ọp ẹp chặn lối. Đáng buồn thay, lợi dụng đêm tối, kẻ xấu vẫn thường đột nhập bắt trộm thỏ đem đi. Giờ chuồng thỏ có rồi, xem như cũng yên tâm phần nào”.

Mơ cái Tết trọn vẹn lúc cuối đời

Chia sẻ với chúng tôi, cụ Sợi cho hay mỗi dịp Tết đến xuân về luôn làm cho tâm trạng của cụ phấn chấn hơn, tươi tỉnh hơn. Cụ tâm sự rằng cứ vào dịp cuối năm, có người lên thăm hỏi, trò chuyện thì sẽ chốn này sẽ vui hơn rất nhiều.

Cách đây không lâu, đã có một đoàn sinh viên tình nguyện lên động viên và trao tặng áo ấm mùa đông đến cho các cụ. Phần quà mặc dù không có giá trị vật chất quá lớn lao nhưng nó mang thứ giá trị tinh thần to lớn mà mỗi lần nhắc đến các cụ lại rưng rưng nước mắt.

“Từng lượt người đến thăm hỏi, chuyện trò, sẻ chia rồi lại ra về, chúng tôi cũng quen với cảnh ấy rồi. Dường như đã thành thói quen rồi, năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày này mà chưa thấy có ai lên là lại thấp thỏm đợi chờ. Không mong quà cáp nhiều nhặn gì đâu, chỉ mong có người đến thăm hỏi, trò chuyện là vui rồi”, cụ Sợi tâm sự.

 Mỗi khi nhắc đến Tết, cụ Lê Thị Liên và cụ Nguyễn Thị Sợi lại buồn tủi nhớ về gia đình.

Mỗi khi nhắc đến Tết, cụ Lê Thị Liên và cụ Nguyễn Thị Sợi lại buồn tủi nhớ về gia đình.

Cũng theo lời của cụ Sợi, giờ phút tiếp đón đoàn người lên thăm hỏi là giờ phút các cụ vui sướng nhất, được ngồi cùng nhau ăn bữa cơm, nghe kể chuyện về cuộc sống, đàn hát văn nghệ… Rồi khi đoàn xe chở đoàn tình nguyện chuyển bánh, các cụ lại ngồi thẫn thờ một góc ôm nhau nước mắt ngắn dài.

Cụ Lê Thị Liên (82 tuổi) là người nhiều tuổi nhất ở đây. Cụ Liên lặng lẽ ngồi một góc riêng và gặm nhấm những nỗi ưu tư riêng. Dù sống trong một cuộc sống tách biệt với xã hội bên ngoài nhưng trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, cụ Liên không hề tỏ ra bi quan, có lẽ cũng bởi cụ đã quá quen với cảnh này. Căn bệnh phong đã đeo bám cụ đằng đẵng suốt 60 năm nay. Cụ Liên tâm sự rằng, hàng năm cứ đến những ngày giáp Tết, cụ cùng cụ Sợi sẽ xuống chợ mua một ít thực phẩm rẻ tiền để làm cơm.

“Chúng tôi đều già cả rồi, cũng chẳng ăn được nhiều đâu, nhưng năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết cổ truyền là mâm cơm đạm bạc thường ngày sẽ có thêm bánh chưng. Giờ cuối đời rồi mà được đón một cái Tết trọn vẹn thì thật là vui sướng. Có nhắm mắt xuôi tay nghĩ cũng đáng”, cụ Liên giãi bày.

 Dãy nhà cấp 4 ở trại phong Đá Bạc - nơi cư ngụ của người phụ nữ tuổi đã xế chiều.

Dãy nhà cấp 4 ở trại phong Đá Bạc - nơi cư ngụ của người phụ nữ tuổi đã xế chiều.

Nhiều năm qua, cuộc sống của những người bệnh phong vẫn luôn lầm lũi, buồn tẻ như thế nhưng từ khi nơi này bị di dời, mọi thứ càng trở nên cô quạnh hơn. Cụ Liên và cụ Sợi đã gắn bó với trại Đá Bạc quá lâu, người thân, bạn bè của họ đã mất ở đây nên khi cuối đời, họ rủ nhau ở lại chỉ để hương khói cho người đã mất. Đối với họ, đó cũng là mục đích sống cuối cùng…

Dù từng bị người thân đối xử ghẻ lạnh và có phần nhẫn tâm nhưng cụ là Quách Thị Oanh vẫn lạc quan về cuộc sống. Ngày nào, cụ Oanh cũng tụng kinh niệm Phật để tâm được an, nhắc đi nhắc lại những lời răn dạy:

“Sống không giận, không hờn, không oán trách

Sống mỉm cười với thử thách chông gai

Sống vươn lên theo kịp ánh ban mai

Sống an hòa với mọi người chung sống.

Sống là động nhưng lòng luôn bất động

Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương

Sống yên vui danh lợi mãi coi thường

Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.

Nhật Tân – Ngọc Tuấn

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top