Cái vui nhất của ngày Tết không phải là ăn uống, mà là đi chợ Tết. Mà đi chợ Tết bây giờ, thú nhất là mua sắm cỏ cây hoa lá…
Những năm trước đây, ngày Tết gắn liền với việc được may bộ cánh mới diện Tết. Bây giờ, vải vóc không còn phải phân phối theo phiếu mỗi người 5 mét một năm, quần áo mới diện quanh năm, chả bao giờ phải đợi đến rách mới vá chằng vá đụp hoặc thay bộ mới.
Vì vậy cái mặc đã thành thứ yếu.
Ngày trước, điều quan tâm nhất và cũng tốn kém nhất trong ngày Tết là nỗi lo mua sắm và chế biến thức ăn. Bây giờ không còn cảnh xếp hàng rồng rắn trước cửa hàng thực phẩm nữa, cần gì cứ vèo một cái ra chợ là có ngay. Bánh chưng, giò chả…, ngay cả đến con gà cúng luộc sẵn hay đĩa xôi cúng Giao thừa, cứ có cầu là có cung, chả thiếu thứ gì.
Vì vậy cái ăn cũng chả là vấn đề gì.
Vậy là chỉ còn phải lo thú chơi. Mà thú chơi ngày Tết, tôi thấy mọi người quan tâm nhất là cây và hoa. Vì vậy, chợ Tết bây giờ thực chất là chợ cây và hoa. Bởi thế, không biết các nước trên thế giới gắn cái Tết cổ truyền của xứ họ với điều gì; còn tôi, tôi thích gọi cái Tết cổ truyền của đất nước mình là Tết Xanh. Xanh từ phố đến làng…
Tết phố
Bởi vì, còn cách Tết dễ đến nửa tháng, nhưng cả phố xá Hà Nội đã ngập tràn trong cây và hoa. Chợ hoa Hàng Lược, Hoàng Hoa Thám thành thông lệ đã đi một nhẽ, đằng này cứ gần Tết là bất cứ hè đường, góc phố nào cũng có thể biến thành… chợ hoa, cây cảnh.
Người già đi chợ hoa, trẻ con đi chợ hoa, cả nhà dắt nhau đi chợ hoa… Nhiều khi chỉ cần thả mình trong sắc màu thiên nhiên ấy đã thấy xuân về rạo rực trong hơi thở của đất trời…
Không chỉ có đào và quất, hoa hồng hay bông đồng tiền, thủy tiên, những năm gần đây địa lan cũng là một thú chơi mới, sang trọng mà gần gũi. Rồi chả cứ gì hoa, trong cái không gian ngan ngát hương thơm và sắc màu ấy, ngay cả đến những chiếc bình gốm, chum sành… bên cánh hoa đua sắc cũng trở nên có hồn, tràn đầy sức sống…
Tết quê
Những năm gần đây, ngày Tết gia đình tôi thường về quê ăn Tết. Và về quê thế nào cũng phải dăm ba lần đi chợ…
Khi cây bàng đầu phố huyện trút những chiếc lá cuối cùng, ấy là lúc Mùa Xuân sắp sang. Rồi con đường nội tỉnh đi qua chợ huyện thường ngày khá vắng vẻ, tự nhiên đến một hôm đông đúc hẳn lên, thế là biết Tết đã đến.
Những chiếc xe ô tô nườm nượp trên đường, chở theo những cành đào, cành mận từ phố và thậm chí từ rừng, như mang cả mùa xuân bốn phương về làng.
Chợ quê thường phong phú hơn với đặc sản mỗi nơi một khác. Nhưng cứ nhìn những cô hàng cá ở phiên chợ Dần là tôi lại nhớ đến nồi cá kho húi trấu của u tôi mỗi khi Tết đến. Và cứ nhìn những lồng gà với những con gà trống mào cờ đỏ rực là tôi lại liên tưởng đến những chàng trai xúng xính đến Tết nhà bố vợ.
Nhưng dân dã và giữ cái chất hồn quê nhất phải là hàng chè xanh và hàng mùi già. Có cả những cô chở mùi đi bán rong. Và chỉ mới nhìn thấy những bó mùi xanh ngằn ngặt với những chùm quả bé tí xíu lẫn trong màu lá là cánh mũi đã nở to hít hà cái hương thơm tỏa lên nghi ngút từ nồi nước mùi già u tôi nấu để tắm tối Giao thừa và rửa mặt mỗi sớm mai trong ba ngày Tết.
Nhưng Tết ở quê không chỉ có chợ, Tết còn là nếp chùa giản dị dưới bóng bồ đề để dân làng tìm đến chốn an yên, còn là gốc đu đầu làng tíu tít kẻ đu người đánh. Và đến khi nhún cho khỏi ba kèo bốn cột thì mới cảm nhận hết sức xuân phơi phới tràn ngập xóm làng, tràn ngập hồn người…
Để rồi, khi bắt gặp nụ đào hay cánh hoa phớt hồng và giọt sương mai lung linh trước vườn như những Mặt trời tí hon, ta bỗng cảm nhận Hạnh phúc là có thật giữa cỏ cây hoa lá, giữa không gian Tết đang ngập tràn sắc xanh – Xanh phố, xanh quê./.