Aa

TH khởi công Dự án Chăn nuôi bò sữa công nghệ cao quy mô lớn nhất Tây Nguyên

Chủ Nhật, 20/09/2020 - 13:30

Ngày 18/9/2020, tại tỉnh Kon Tum, Tập đoàn TH tổ chức Lễ khởi công Dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung, quy mô công nghiệp công nghệ cao tại xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy.

Dự án là bước tiếp theo trong lộ trình tạo dựng bản đồ sữa TH true MILK trải dài khắp đất nước với các trang trại tại Nghệ An, Hà Giang, Phú Yên, Thanh Hóa và sắp tới là An Giang, Cao Bằng, với mục tiêu tới năm 2025, tổng đàn bò sữa chăn nuôi tập trung và liên kết với nông dân của TH đạt 400.000 con.

Tổng vốn đầu tư của Dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung, quy mô công nghiệp công nghệ cao của TH tại Kon Tum là 2.544 tỷ đồng, tổng diện tích 441 ha với quy mô đàn bò nuôi tập trung là 10.000 con, đàn bò nuôi liên kết với nông dân dự kiến 20.000 con thông qua mô hình hợp tác xã công nghệ cao; xây dựng nhà máy chế biến sữa công suất 150 tấn/ngày. Đây sẽ là trang trại bò sữa và nhà máy chế biến sữa tươi sạch có quy mô lớn số 1 của vùng Tây Nguyên.

Dự án cũng đặt nền móng cho sự phát triển ngành chăn nuôi bò sữa tỉnh Kon Tum – Địa phương có rất nhiều thế mạnh cho ngành này nhưng chăn nuôi bò sữa của Kon Tum hiện vẫn là “trận địa” hoàn toàn bỏ trống cho đến khi có sự xuất hiện của TH.

 Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu tại lễ khởi công dự án, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, Dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao tỉnh Kon Tum” là một trong những công trình lớn để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 - 2025 sắp diễn ra; đồng thời đánh dấu mốc quan trọng trong hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh.

“Dự án hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Sa Thầy nói riêng; nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân, góp phần giảm nghèo, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và cũng là động lực mới trong phát triển kinh tế xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mối liên kết 5 nhà “Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và ngân hàng”, là tiền đề, hạt nhân để phát triển mô hình Hợp tác xã kiểu mới trong sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi, trồng và chế biến cây ăn quả, dược liệu… tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh như: thành phố Kon Tum, huyện Kon Rẫy, Kon Plông, Ia H’Drai”, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum khẳng định.

Ông Nguyễn Ngọc Sâm, Bí thư Huyện ủy huyện Sa Thầy cho biết, nhân dân trên địa bàn huyện rất kỳ vọng đối với dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao của Tập đoàn TH true MILK, hy vọng đây là sự đột phá để huyện Sa Thầy trở thành vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến. Góp phần nâng cao đời sống người dân nông thôn, đạt các tiêu chí về nông thôn mới trong thời gian tới.

Kon Tum có đất đai rộng lớn, mật độ dân số thấp, đặc biệt là khí hậu cao nguyên mát mẻ, nhiệt độ quanh năm dao động chỉ từ 18 - 23 độ C, trên nền địa hình cao từ 700 - 1.200 mét so với mực nước biển. Những đặc điểm đó rất phù hợp với việc chăn nuôi bò sữa – Loài đại gia súc đến từ xứ ôn đới. Đầu tư dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại huyện Sa Thầy, Kon Tum, TH sẽ biến vùng đất nơi phên dậu đất nước thành một trong những vùng chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa điển hình của cả nước, góp phần cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội địa phương.

Theo kế hoạch, dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của TH tại Kon Tum được thực hiện theo hai mô hình, gồm: mô hình chăn nuôi bò sữa khép kín, tập trung, ứng dụng công nghệ cao - tương tự dự án đã triển khai ở Nghệ An; mô hình chăn nuôi bò sữa liên kết với người dân thông qua hợp tác xã công nghệ cao - tương tự mô hình mà TH đã triển khai tại Đà Lạt thông qua Dalatmilk.

Với mô hình chăn nuôi tập trung, Dự án chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Kon Tum xây dựng một cụm trang trại quy mô 10.000 con bò sữa trên diện tích 60ha cùng vùng nguyên liệu rộng lớn 378ha.

Cụm trang trại thiết kế và vận hành bằng công nghệ chăn nuôi bò sữa tiên tiến của Israel, quản lý đàn bằng hệ thống vi tính 100% và dàn máy móc tự động, hiện đại hàng đầu thế giới.

Trạng trại bò sữa của TH tại Kon Tum sẽ chủ động nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn cho bò bằng việc sử dụng nguồn cỏ, ngô trồng tại địa phương, đồng thời nhân giống, phát triển các giống cây trồng khác, hướng dẫn và khuyến khích bà con nông dân trong khu vực trồng các loại cây nguyên liệu và bao tiêu đầu ra cho cho các nông hộ.

Với mô hình chăn nuôi liên kết với người nông dân thông qua hợp tác xã công nghệ cao, Dự án đặt mục tiêu phát triển đàn bò sữa theo mô hình này lên 20.000 con, quy mô 5 - 10 con bò sữa/hộ. Dự kiến sẽ có khoảng 2.000 - 4.000 hộ nông dân của huyện Sa Thầy và các vùng lân cận của tỉnh Kon Tum có thể tham gia dự án, nhận chuyển giao công nghệ, tiếp cận cơ hội cải thiện thu nhập và làm giàu cho gia đình.

“Chúng tôi sẽ làm tất cả để đảm bảo những ly sữa do người nông dân làm ra cũng hoàn mỹ và đồng nhất chất lượng với những ly sữa làm ra tại các trang trại chăn nuôi tập trung của TH.

Doanh nghiệp và người nông dân phải cùng làm ra những ly sữa đồng nhất về chất lượng và cùng tự tin bước ra thị trường thế giới”, Bà Thái Hương, Nhà sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH khẳng định.

Bà Thái Hương, Nhà sáng lập Tập đoàn TH.

Tham gia vào hợp tác xã công nghệ cao, bà con nông dân được hỗ trợ vay vốn ngân hàng để mua bò sữa và xây dựng chuồng trại; được hỗ trợ về thú y; được hỗ trợ cung cấp thức ăn cho bò và bao tiêu hoàn toàn sữa tươi nguyên liệu. Đàn bò chăn nuôi tại nông hộ cũng sẽ được gắn chip để theo dõi mọi hoạt động, phòng bệnh và theo dõi chất lượng, sản lượng sữa.

Thời điểm khởi công Dự án tại Kon Tum, đã có trên 20 hộ trong khu vực sẵn sàng kí cam kết tham gia vào mô hình hợp tác xã để nhận chuyển giao công nghệ 4.0 từ Tập đoàn TH.

Tâm niệm của Nhà sáng lập Tập đoàn, bà Thái Hương, là làm ly sữa tươi sạch để phục vụ sức khỏe cộng đồng và xuất khẩu; đồng thời giúp người nông dân làm giàu nhờ con bò sữa, và quan trọng hơn, giúp họ cảm thấy “tự hào về đồng đất của họ, đồng đất đã làm ra những sản phẩm mà thế giới đã chấp nhận với yêu cầu, chuẩn mực khắt khe nhất”.

Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của TH tại Kon Tum cũng sẽ đi theo hướng kinh tế xanh – kinh tế tuần hoàn. Đây là mô hình kinh tế đã được triển khai bài bản tại TH, thể hiện ở quy trình sản xuất khép kín “từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch” của TH trong 10 năm qua. Trong mô hình kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm, phụ phẩm, thậm chí chất thải của hạng mục này là đầu vào của hạng mục khác, ví dụ thu gom chất thải của hệ thống chăn nuôi để xử lý bằng hệ thống hầm biogas công suất lớn, ủ phân vi sinh bón cho các vùng nguyên liệu, các đồng cỏ, ngô phục vụ làm thức ăn cho bò sữa…

Mô hình này cũng được cụ thể hóa bằng việc TH tiên phong ứng dụng các giải pháp tiêu dung bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa, tích cực tái chế - tham gia khởi xướng các tổ chức như Liên minh Doanh nghiệp Vì Môi trường Việt Nam (VB4E), Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Vietnam). TH cũng có các chính sách bảo vệ tài nguyên đất, nước, sáng tạo các giải pháp về năng lượng, tuân thủ quy chuẩn cao nhất về nguồn nước và xử lý chất thải. Đây chính là mô hình kinh tế mà thế giới đang chuyển mình theo vì sự phát triển bền vững đồng thời rất phù hợp với tôn chỉ Trân quý Mẹ Thiên nhiên.

Dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung công nghệ cao” của tập đoàn TH

Dự án được triển khai từ tháng 10 năm 2009 với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD.

Tới thời điểm này, quy mô đàn bò của TH tại Nghệ An đạt 45.000 con (đã xác lập kỷ lục Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô lớn nhất châu Á). Dự án sữa hiện đang được mở rộng ra nhiều tỉnh thành trong nước, trong đó có Hà Giang, Cao Bằng, Thanh Hóa, Phú Yên và An Giang.

Từ 2016, tập đoàn TH đã triển khai Dự án sữa tại Liên bang Nga với tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD. Ngày 31.1.2018, trang trại đầu tiên của TH tại Nga đã khánh thành. Ngày 7.9.2018, TH đã khởi công xây dựng nhà máy sữa tại Kaluga – Nga.

Sở hữu thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK, TH hiện chiếm tới 40% thị phần sữa tươi tại Việt Nam, đồng thời đã mở rộng thị trường sang các nước ASEAN và thị trường 1,5 tỷ dân Trung Quốc. TH hiện vẫn là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu các sản phẩm sữa tươi sang thị trường Trung Quốc.

Để có một ly sữa tươi sạch TH true MILK đạt tiêu chuẩn quốc tế ngay tại Việt Nam, tập đoàn TH đã áp dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong chăn nuôi bò sữa tập trung, với quy trình sản xuất khép kín “Từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch”. Tại trang trại bò sữa TH, hầu hết hoạt động quản lý đàn bò được tự động hóa hoàn toàn, trong đó có sử dụng chip afitag, có thể kiểm soát bệnh viêm vú trước 4 ngày để cách ly bò bệnh, đảm bảo nguồn sữa nguyên liệu luôn tươi sạch. Vận hành Dự án là 3 công ty: Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH - đơn vị quản lý vận hành trang trại chăn nuôi bò sữa; Công ty cổ phần sữa TH – đơn vị vận hành Nhà máy chế biến sữa TH; Công ty cổ phần chuỗi thực phẩm TH- đơn vị quản lý việc kinh doanh, phân phối các sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng.

Hiện tại, TH đã phát triển 72 sản phẩm từ sữa tươi (gồm sữa tươi thanh trùng, tiệt trùng, sữa tươi công thức, sữa chua ăn, sữa chua uống, bơ, phomai, kem...). Các sản phẩm TH true MILK đã góp phần ghi tên sản phẩm sữa Việt Nam trên bản đồ sữa thế giới, với việc đoạt một loạt các giải thưởng quốc tế danh tiếng như giải Sản phẩm thực phẩm tốt nhất ASEAN, Giải Vàng, Bạc, Đồng thực phẩm của năm, Giải sản phẩm mới xuất sắc nhất tại WorldFood Moscow 2015, 2016, 2017, 2018, 2019 (Liên bang Nga); 3 giải thưởng lớn tại Hội chợ Gulfood Dubai (2016), các giải thưởng sáng tạo tại Hàn Quốc; Giải thưởng Doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội tại Philipine (2018); Giải thưởng Stevie Awards Mỹ (2018).

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top