Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Táo Quân là 3 vị “thần” Đất, vị “thần” Nhà, vị “thần” Bếp núc. Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người dân lại có tục lễ tiễn ông Táo bằng các loại cá và phóng sinh tại ao, hồ, sông… quanh khu sinh sống.
Thả cá chép tiễn Táo quân về trời theo mong muốn cầu chúc về một năm mới tốt lành, vạn sự như ý, mọi nhà được ấm no. Chính vì thế mà phong tục này vẫn đang được phát huy và lưu truyền lại cho thế hệ sau này hiểu được về văn hóa dân tộc.
Ngoài ý nghĩa là “cá hóa long”, nghĩa là cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời, phong tục thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam.
Trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.
Việc thả cá chép vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm là một tục lễ đẹp nhất trong văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của nó, không phải cứ thả cá càng nhiều theo cách riêng của mình thì càng được sự chứng giám của trời mà cần phải biết cách thả sao cho hợp phong thủy, hợp với tín ngưỡng của dân tộc. Thả cá thế nào để vừa có ý nghĩa tâm linh, vừa với mục đích tái tạo nguồn lợi và vừa bảo vệ môi trường là điều mà không phải ai cũng có ý thức đầy đủ.
Các gia chủ nên tham khảo các lưu ý dưới đây để làm đúng nhất phong tục đẹp là phóng sinh cá chép tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời:
- Theo quan niệm dân gian, cá chép phải thả trước giờ Ngọ (12h trưa 23 tháng Chạp) thì mới kịp lên thiên đình. Chính vì vậy nhiều gia chủ chọn cúng tiễn ông Công ông Táo từ chiều 22 tháng Chạp để các Táo quân có thể thong thả lên chầu trời.
- Chúng ta nên thả cá nhẹ nhàng, bỏ túi nilon và cầu chúc những điều chúc an lành cho bản thân, gia đình rồi mới từ từ để cá chép bơi xuống mặt nước với lòng thành kính, thiêng liêng nhất.
- Không nên đứng từ trên thành cầu, bờ hồ mà “ném” xuống, nguyên cả cá trong túi nilon.
- Tốt nhất là bạn nên chọn ao hồ nên rộng rãi, thoải mái và có cảnh quan đẹp để thả cá chép. Tránh thả cá ở những nơi nước bẩn vì sẽ khiến cá bị chết.
- Bạn không nên nói thời điểm cũng như vị trí thả cá chép cho người khác biết để đề phòng những người có tâm địa không tốt sẽ vớt lại cá sau khi bạn thả. Như vậy thì Táo quân sẽ không có phương tiện để chầu trời.
- Tâm thái khi đi khi đi thả cá cũng là điều đáng lưu ý. Bạn cần giữ thái độ vui vẻ, thoải mái đi phóng sinh cá. Trong lúc thả cá cũng không cần phải cầu khấn gì cả, chỉ cần đơn giản nghĩ là mình đang đơn thuần cứu vớt chúng là được.
- Đặc biệt tuyệt đối không nên thả cả túi nilong vì cá không thoát ra được để kiếm ăn thì sẽ không sống sót được, như vậy không thể gọi là phóng sinh. Hơn nữa, túi nilong còn gây ô nhiễm môi trường.
- Trong khi thả cá, gia chủ cũng có thể thả kèm chân hương (nhang) cũ. 23 tháng Chạp được coi là ngày nhiều gia chủ lựa chọn để tỉa chân hương (nhang) dọn bàn thờ.