Thạch Hà - Hà Tĩnh: “Bến đỗ” tiềm năng, tin cậy của các nhà đầu tư

Thạch Hà - Hà Tĩnh: “Bến đỗ” tiềm năng, tin cậy của các nhà đầu tư

Thứ Sáu, 12/01/2024 - 13:30

Tích cực cải thiện môi trường đầu tư và cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản và kịp thời là một trong những giải pháp mà huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) quan tâm, thực hiện nhằm tạo dựng niềm tin với các nhà đầu tư, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa phương.

***

Trong năm 2023, Thạch Hà xếp thứ nhất toàn tỉnh Hà Tĩnh trong lĩnh vực thu hút đầu tư với 6 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, tổng nguồn vốn hơn 3.600 tỷ đồng. Đây là con số khá ấn tượng khẳng định "sức hút" của huyện Nông thôn mới Thạch Hà trong lĩnh vực thu hút đầu tư với nhiều giải pháp được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Điều này cũng cho thấy Thạch Hà đang là "bến đỗ" tiềm năng, tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo đột phá thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Thạch Hà - Hà Tĩnh: “Bến đỗ” tiềm năng, tin cậy của các nhà đầu tư- Ảnh 1.

Thạch Hà có hệ thống giao thông huyết mạch hoàn chỉnh với nhiều tuyến đường Quốc lộ đi qua địa bàn, tạo thuận lợi cho giao thương, trao đổi hàng hóa, kết nối liên vùng.

"Mảnh đất lành" giàu tiềm năng cho các nhà đầu tư

Thạch Hà là huyện phụ cận TP. Hà Tĩnh, có nhiều lợi thế về giao thông, đất đai, vị trí địa lý với diện tích tự nhiên hơn 355km2, được quy hoạch ba vùng rõ nét Bắc Hà, Tây Nam, Bãi Ngang. Huyện Thạch Hà được xác định là vùng kinh tế tổng hợp có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Hà Tĩnh với nhiều tiềm năng về phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch như diện tích đất nông nghiệp lớn, đường bờ biển kéo dài, nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú cùng hệ thống giao thông huyết mạch hoàn chỉnh. Trong đó, hệ thống giao thông thuận lợi với 73km đường Quốc lộ qua địa bàn, 61km đường huyện, 57km đường liên xã cùng khoảng 18,27km tuyến chính và 8,6km tuyến nhánh đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông đang được triển khai xây dựng.

Thạch Hà - Hà Tĩnh: “Bến đỗ” tiềm năng, tin cậy của các nhà đầu tư- Ảnh 2.

Tỷ lệ lấp đầy cụm công nghiệp Phù Việt đạt 52,76%.

Theo quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, Thạch Hà có khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ VSIP và cụm công nghiệp Phù Việt được quy hoạch ở vùng Bắc Hà; Vùng Tây Nam có quy hoạch khu thương mại, dịch vụ, du lịch và thể thao phía Tây Nam, cụm công nghiệp Tân Lân Hương và khu công nghiệp phía Tây TP. Hà Tĩnh. Vùng Biển Ngang quy hoạch Khu du lịch biển Văn Trị và cụm công nghiệp Thạch Khê.

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Bắc Thạch Hà giai đoạn 1 được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1003/QĐ-TTg ngày 29/8/2023, tổng nguồn vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP). Quy mô sử dụng đất hơn 190ha, thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.

Thạch Hà - Hà Tĩnh: “Bến đỗ” tiềm năng, tin cậy của các nhà đầu tư- Ảnh 3.

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Bắc Thạch Hà giai đoạn 1 có quy mô sử dụng đất hơn 190ha.

Trên địa bàn huyện có nhiều di tích lịch sử văn hóa với 110 di tích được xếp hạng, trong đó có 7 di tích lịch sử cấp Quốc gia và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Với những lợi thế này, Thạch Hà có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển thương mại dịch vụ.

Về phát triển du lịch biển, Thạch Hà có hệ thống bãi biển đẹp với chiều dài hơn 20km cùng nhiều bãi tắm đẹp như Thạch Hải, Thạch Hội, Thạch Trị, Thạch Văn, có tuyến đường QL15B ven biển đi qua, thuận tiện để thu hút đầu tư phát triển du lịch biển.

Tầm nhìn quy hoạch ở Thạch Hà tạo cơ chế thuận lợi thu hút đầu tư và đón đầu xu thế phát triển

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Thạch Hà luôn quan tâm, xây dựng nhiều Đề án "tầm vóc" về quy hoạch với mục tiêu cụ thể hóa Đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hà Tĩnh đảm bảo phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch gắn với phát triển văn hóa, sinh thái, xây dựng cảnh quan, tạo bước tăng trưởng kinh tế, nâng cao vai trò, vị thế của huyện trong phát triển kinh tế, xã hội theo hướng cân bằng, bền vững.

Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong công tác quy hoạch, đặc biệt là từ sau khi quy hoạch xây dựng vùng huyện Thạch Hà đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-UBND ngày 22/5/2020, Thạch Hà đã từng bước xây dựng và hoàn thành việc lập quy hoạch chung tại một số địa phương trong huyện cũng như góp ý, xây dựng phương án quy hoạch cho nhiều dự án đầu tư tại địa phương, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, làm cơ sở hoạch định kế hoạch và thu hút đầu tư vào địa bàn.

Công tác quy hoạch tại huyện Nông thôn mới Thạch Hà đã mở ra định hướng phát triển lâu dài cho địa phương, xác định rõ các vùng trọng điểm, chiến lược, từ đó mở rộng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển thương mại dịch vụ, du lịch, quản lý và phát triển quỹ đất, sử dụng một cách hợp lý, tạo cơ chế thuận lợi thu hút đầu tư và đón đầu xu thế phát triển trong giai đoạn mới.

Thạch Hà - Hà Tĩnh: “Bến đỗ” tiềm năng, tin cậy của các nhà đầu tư- Ảnh 4.
Thạch Hà - Hà Tĩnh: “Bến đỗ” tiềm năng, tin cậy của các nhà đầu tư- Ảnh 5.

Ngày 19/10/2023, Thạch Hà công bố quy hoạch chung thị trấn Thạch Hà và điều chỉnh quy hoạch công viên văn hóa Lý Tự Trọng.

Ưu tiên nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, giao thông đồng bộ, thúc đẩy thu hút đầu tư vào địa bàn

Xác định rõ xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, giao thông đồng bộ là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, những năm qua, huyện Thạch Hà đã huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nguồn vốn cho đầu tư phát triển để xây dựng nhiều công trình, dự án mang tính bền vững, đồng bộ tại nhiều địa phương trong huyện.

Trong đó, các nguồn vốn như nguồn cân đối ngân sách địa phương, nguồn hỗ trợ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và lồng ghép các nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án được huyện tính toán, cân đối và phân bổ một cách hợp lý nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, giao thông đồng bộ đem lại "sức sống mới" từ phố thị đến nông thôn trong chặng đường xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng đô thị văn minh tại các địa phương. Tính đến nay, Thạch Hà có 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu là Tượng Sơn, 10 xã nông thôn mới nâng cao, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống người dân từng bước được nâng cao.

Thạch Hà - Hà Tĩnh: “Bến đỗ” tiềm năng, tin cậy của các nhà đầu tư- Ảnh 6.
Thạch Hà - Hà Tĩnh: “Bến đỗ” tiềm năng, tin cậy của các nhà đầu tư- Ảnh 7.
Thạch Hà - Hà Tĩnh: “Bến đỗ” tiềm năng, tin cậy của các nhà đầu tư- Ảnh 8.

Phong trào làm đường giao thông nông thôn ở huyện Thạch Hà luôn đạt nhiều kết quả nổi bật, nằm trong top đầu của tỉnh Hà Tĩnh.

Có thể khẳng định điểm nổi bật và cũng là "điểm sáng của tỉnh" mà Thạch Hà đạt được trong suốt nhiều năm qua đó là đầu tư, xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, liên kết giữa các vùng. Nhiều năm liền, Thạch Hà được Bộ Giao thông Vận tải tặng cờ thi đua xuất sắc trong phong trào thi đua phát triển giao thông nông thôn - miền núi. Riêng trong năm 2023, Thạch Hà tiếp tục là đơn vị hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu về xây dựng giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng theo cơ chế hỗ trợ xi măng với trên 53km đường giao thông được xây mới, nâng cấp, phục hồi gần 30km đường tại địa phương.

Năm 2023 có 61 công trình, dự án do huyện Thạch Hà làm chủ đầu tư được triển khai thực hiện trên địa bàn, tổng mức đầu tư trên 1.800 tỷ đồng, một số dự án trọng điểm như Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ; Dự án nâng cấp mở rộng đường nối Quốc lộ 1A tại ngã ba Thạch Long đi đường tỉnh ĐT 549; Đường giao thông từ Quộc lộ 15B xã Việt Tiến đến đường Thượng Ngọc, xã Thạch Ngọc; Xử lý cấp bách tuyến đê Hữu Phủ đoạn qua cầu Cửa Sót đến núi Nam giới…

Nhờ có quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng, giao thông đồng bộ mà Thạch Hà đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào địa bàn như Công ty Cổ phần Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP), Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch OnSen Fuji, Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Silk Path…

Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, tạo dựng niềm tin để các doanh nghiệp lựa chọn Thạch Hà "làm điểm dừng chân"

Tích cực cải thiện môi trường đầu tư và cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản và kịp thời là một trong những giải pháp mà huyện Thạch Hà quan tâm, thực hiện nhằm tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa phương.

Thạch Hà - Hà Tĩnh: “Bến đỗ” tiềm năng, tin cậy của các nhà đầu tư- Ảnh 9.

Công tác cải cách hành chính được huyện Thạch Hà đặc biệt quan tâm.

Trong đó, huyện đặc biệt quan tâm, thực hiện có chiều sâu, hiệu quả các nhiệm vụ liên quan tới công tác cải cách hành chính nhằm cắt giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao trách nhiệm và đạo đức trong thực thi công vụ. Thủ tục hành chính trên môi trường điện tử trong cơ quan quản lý nhà nước từ cấp huyện đến cấp xã được thực hiện tốt, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử...

Năm 2023, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn đạt 100%, huyện đã ứng dụng triệt để có hiệu quả công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo điều hành nội bộ, 100% hồ sơ thủ tục hành chính được quản lý, công khai trên hệ thống dịch vụ công một cửa điện tử, cung cấp 131 dịch vụ công mức độ trực tuyến toàn trình cấp huyện, 67 dịch vụ công trực tuyến toàn trình cấp xã, 4 thủ tục hành chính tích hợp, liên thông cổng dịch vụ công quốc gia…

Những động thái trên của Thạch Hà đã có tác động tích cực đến việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn với nhiều Dự án về phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tại địa phương. Điều này cũng giúp cho các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn mở rộng quy mô sản xuất, tăng thêm vốn đầu tư, tạo việc làm cho nhiều cư dân nông thôn.

Lĩnh vực thu hút đầu tư trong năm 2023 dẫn đầu toàn tỉnh, Thạch Hà rộng cửa đón làn sóng đầu tư

Năm 2023, trên địa bàn huyện Thạch Hà có 6 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng nguồn vốn hơn 3.633 tỷ đồng, bằng 351% so với năm 2022, nổi bật trong đó là dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Bắc Thạch Hà (giai đoạn 1) với số vốn đầu tư là 1.555 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1003/QĐ-TTg vào ngày 29/9/2023.

Thạch Hà - Hà Tĩnh: “Bến đỗ” tiềm năng, tin cậy của các nhà đầu tư- Ảnh 10.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các Dự án của VSIP tại Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Thái Bình và Bình Thuận. Trong đó, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Bắc Thạch Hà (Hà Tĩnh) có tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.

Tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh được tổ chức vào tháng 5 năm 2023, Thạch Hà có 2 dự án được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 2.950 tỷ đồng là dự án khu du lịch biển cao cấp Wyndham Costa Hà Tĩnh và dự án Khu đô thị Thạch Trung và thị trấn Thạch Hà; 6 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã được ký kết với tổng mức đầu tư hơn 8.923 tỷ đồng. Đây là những quả ngọt mà huyện Thạch Hà gặt hái được trong lĩnh vực đầu tư khu vực tư nhân và doanh nghiệp.

Hiện nay, Thạch Hà đang triển khai xúc tiến đầu tư, góp ý phương án kêu gọi đầu tư các Dự án như Cụm công nghiệp Tân Lâm Hương với diện tích 74,5ha, tổng nguồn vốn hơn 637 tỷ đồng; Khu công nghiệp phía Tây Nam TP. Hà Tĩnh với diện tích 200ha, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, đồng thời tiếp tục thu hút đầu tư, lấp đầy diện tích sử dụng đất đối với cụm công nghiệp Phù Việt, tìm kiếm nhà đầu tư đến tìm hiểu và đề xuất phương án đầu tư tại cụm công nghiệp Thạch Khê.

Ngoài ra, thu hút đầu tư trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch và thể thao phía Tây Nam tại xã Thạch Xuân, Lưu Vĩnh Sơn với diện tích khoảng 444ha, tổng vốn đầu tư khoảng 10.700 tỷ đồng; Khu đô thị Hàm Nghi tại xã Thạch Xuân và Thạch Đài phân khu II với diện tích trên 100ha; Khu đô thị dịch vụ thị trấn Thạch Hà với diện tích 185ha; Dự án khu đô thị mới tại tổ dân phố 9, tổ dân phố 10 thị trấn Thạch Hà…

Thạch Hà - Hà Tĩnh: “Bến đỗ” tiềm năng, tin cậy của các nhà đầu tư- Ảnh 11.
Thạch Hà - Hà Tĩnh: “Bến đỗ” tiềm năng, tin cậy của các nhà đầu tư- Ảnh 12.

Phối cảnh Dự án khu du lịch biển cao cấp Wyndham Costa Hà Tĩnh và Dự án đầu tư thương mại, dịch vụ, du lịch thể thao phía Tây Nam huyện Thạch Hà tại xã Thạch Xuân, Lưu Vĩnh Sơn.

Về lĩnh vực đầu tư từ ngân sách nhà nước, trong năm 2023, Thạch Hà tiếp tục được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, nhiều công trình, dự án được đầu tư xây dựng, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương, đặc biệt sau thành công của Dự án cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp cho vùng Bắc Thạch Hà nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu do Cơ quan phát triển Pháp tài trợ với tổng mức đầu tư hơn 459 tỷ đồng hoàn thành.

Hiện nay, Thạch Hà tiếp tục hoàn tất các hồ sơ thủ tục, triển khai khởi công Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Thạch Hà do AFD tài trợ với tổng mức đầu tư hơn 850 tỷ đồng, dự kiến ngày 15/1/2024 tới sẽ khởi công các gói thầu xây lắp, thời gian hoàn thành trước 30/12/2024.

Thạch Hà - Hà Tĩnh: “Bến đỗ” tiềm năng, tin cậy của các nhà đầu tư- Ảnh 13.

Lãnh đạo huyện Thạch Hà làm việc với Cơ quan phát triển Pháp về các nội dung liên quan đến Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Thạch Hà, tổng mức đầu tư hơn 850 tỷ đồng.

Tính đến nay, hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ ở huyện Thạch Hà duy trì đà tăng trưởng, tỷ lệ lấp đầy cụm công nghiệp Phù Việt đạt 52,76%. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng ước đạt 4.178 tỷ đồng, tốc độ phát triển tăng 15,67% so với năm 2022, giá trị sản xuất thương mại dịch vụ ước đạt 6.228 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng tăng 7,48%...

Năm 2023, huyện Thạch Hà cũng tập trung cao cho công tác GPMB dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam và 10 dự án khác với diện tích thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 64ha, số hộ bị ảnh hưởng là 1.029 hộ, giá trị bồi thường hỗ trợ trên 345 tỷ đồng. Công tác GPMB dù khó, song với huyện Thạch Hà, việc bàn giao mặt bằng sạch để các đơn vị thi công đảm bảo đúng tiến độ cũng là yếu tố "then chốt" tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư cũng như niềm tin trong nhân dân, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Thạch Hà - Hà Tĩnh: “Bến đỗ” tiềm năng, tin cậy của các nhà đầu tư- Ảnh 14.

Đồng chí Võ Hồng Hải - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và lãnh đạo huyện Thạch Hà kiểm tra, chỉ đạo, giải quyết các vướng mắc trong triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn qua huyện Thạch Hà.

Nói về thu hút đầu tư vào Thạch Hà, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà khẳng định: "Dư địa về tiềm năng, lợi thế của huyện để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch vẫn còn rất lớn, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư.

Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của các Bộ, ngành Trung ương, của tỉnh, Thạch Hà xác định không ngừng nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền trong việc chỉ đạo, điều hành, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến đầu tư vào địa bàn.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch, công khai các quy hoạch đảm bảo nguyên tắc quy hoạch phải đi trước một bước, làm cơ sở cho việc hoạch định kế hoạch và thu hút đầu tư. Đồng thời rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để đồng bộ, thống nhất với quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thạch Hà - Hà Tĩnh: “Bến đỗ” tiềm năng, tin cậy của các nhà đầu tư- Ảnh 15.

Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà xác định không ngừng nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền trong việc chỉ đạo, điều hành, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến đầu tư vào địa bàn.

Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, giao thông đồng bộ; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư để các dự án được triển khai đúng tiến độ; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cơ chế liên thông, giảm đầu mối, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để hỗ trợ các doanh nghiệp rút ngắn thời gian hoàn thành các hồ sơ, thủ tục đầu tư vào địa bàn…"./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top