Cách tạo nên những "mỏ vàng du lịch"
Singapore – quốc đảo không sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên, đã bù đắp sự thiếu hụt đó bằng hệ thống hạ tầng du lịch đẳng cấp với những show trình diễn tầm cỡ. Suốt nhiều năm qua, Singapore luôn đứng vững vị trí điểm đến hàng đầu châu Á với những khu nghỉ dưỡng, tổ hợp dịch vụ cao cấp bậc nhất, thu hút hàng triệu du khách toàn cầu mỗi năm.
Quốc đảo Sư tử còn là một trong những quốc gia châu Á "cởi mở" với du lịch sòng bài (casino) để hút dòng khách chi tiêu cao. Sau 3 năm bãi bỏ lệnh cấm sòng bạc, năm 2013, Singapore trở thành trung tâm casino lớn thứ ba thế giới. Casino đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng du lịch, lượng khách đến Singapore tăng gấp đôi lên 19,1 triệu người trong một thập kỷ, tính đến năm 2019.
Hiện tại, 2 khu nghỉ dưỡng casino tích hợp tầm cỡ quốc tế vẫn đang tiếp tục được mở rộng với tổng giá trị đầu tư hơn 10 tỉ đô Singapore (tương đương 7,4 tỷ USD). Cùng với đó, Singapore tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng, mở rộng các KDL, khách sạn, khu nghỉ dưỡng tầm cỡ như xây tòa tháp khách sạn thứ 4 của Marina Bay Sands nổi tiếng.
Nhắc đến sự phát triển vượt bậc về du lịch tại châu Á không thể không nhắc tới Ma Cao (Trung Quốc) – nơi từng kém phát triển hơn nhiều so với Hong Kong (Trung Quốc), nhưng GDP của Ma Cao bắt đầu vượt Hong Kong vào năm 2006, trở thành nơi giàu có thứ 3 thế giới với GDP bình quân đầu người đạt 96.037 đô la Mỹ, trong khi Hong Kong xếp thứ 23 với 40.169 đô la Mỹ (theo công bố của Ngân hàng Thế giới vào năm 2015).
Đó là nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch sòng bạc (casino) ở mức 28,2%/năm trong giai đoạn 2002–2013 tại Ma Cao. Du lịch casino mà tiêu biểu là các khu nghỉ dưỡng casio đã giúp Ma Cao thu về 45,2 tỷ đô la Mỹ doanh thu kỷ lục năm 2013, lớn gấp bảy lần so với Las Vegas (theo số liệu Schwartz, 2015). Dù đã ở "đỉnh cao danh vọng" của ngành công nghiệp không khói, nhưng hiện các sản phẩm văn hóa, giải trí tại các khu nghỉ dưỡng casino vẫn không ngừng được đầu tư, đưa Ma Cao trở thành "trung tâm du lịch và giải trí thế giới".
Cũng là một "bậc thầy" trong du lịch, Thái Lan không ngừng nâng tầm trải nghiệm và đa dạng sản phẩm từ ẩm thực, tâm linh đến sinh thái, giải trí suốt 24h… Đến Thái Lan, du khách không chỉ mê đắm với các resort 5 sao ở Phuket, mà còn thỏa sức tận hưởng, tiêu tiền trong các tổ hợp mua sắm kết hợp vui chơi giải trí, nhà hàng sang trọng như Icon Siam, Asiatique, Siam Paragon... Không thể phủ nhận, bên cạnh chiến lược quảng bá điểm đến, sự đầu tư lớn cho sản phẩm, dịch vụ chính là cách để quốc gia này "hốt bạc" từ du lịch.
Có thể thấy, công thức chung trong việc "hô biến" những mỏ vàng du lịch – kể cả khi không sở hữu mỏ vàng tài nguyên thiên nhiên chính là sự đầu tư bài bản vào sản phẩm dịch vụ. Đầu tư xứng tầm, liên tục đổi mới, đa dạng trải nghiệm, có những sản phẩm chủ chốt, đột phá… chính là cách để các quốc gia giữ vững phong độ trên đường đua du lịch.
Đà Nẵng và tham vọng vươn tầm châu lục
Ở Việt Nam, TP du lịch biển Đà Nẵng ngày càng vươn xa trên bản đồ quốc tế. Không chỉ dựa vào thiên nhiên tuyệt mỹ, và dù đã có những sản phẩm đẳng cấp quốc tế như InterContinental Danang, Sun World Ba Na Hills, Cầu Vàng, Lễ hội pháo hoa quốc tế, Liên hoan phim châu Á…, song vừa qua Đà Nẵng đã chứng kiến công cuộc làm mới sản phẩm ấn tượng trong mùa hè 2024.
Đó là "thay áo mới" cho Công viên châu Á bằng việc ra mắt "quận giải trí" Da Nang Downtown – tổ hợp giải trí, mua sắm sôi động suốt đêm ngày. Hàng loạt show diễn lần đầu tiên có mặt tại Đà Nẵng và tạo được tiếng vang như show jetski & flyboard kết hợp pháo hoa hàng đêm "Symphony of River" tại Da Nang Downtown, hay loạt show diễn quy tụ hàng trăm nghệ sĩ đình đám thế giới trong làng xiếc ảo thuật tại Bà Nà Hills…
Nhờ vậy, hơn 1 tháng hè, Đà Nẵng đã hút hơn 1,5 triệu lượt khách, đưa doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành trong tháng 6 tăng gần 30% so với năm 2023, ước đạt 16.344 tỷ đồng. Dịp Lễ 2/9 vừa qua, Đà Nẵng đón gần 308.000 lượt khách, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng thu du lịch đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 33,8% so với cùng kỳ. Riêng tại Ba Na Hills, lượng khách 4 ngày lễ ước tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023, Da Nang Downtown đón tỷ lệ khách tăng đặc biệt ấn tượng: 268% so với cùng kỳ.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng trong gần 20 năm qua, Đà Nẵng đã có bước nhảy vọt về phát triển và định vị du lịch khi hút được nhà đầu tư chiến lược để hình thành những KDL, công trình tầm cỡ. Trong 2 năm 2023-2024, Đà Nẵng đã "làm mới và nâng cấp chính mình", tiêu biểu là tổ hợp Da Nang Downtown cùng loạt show diễn hấp dẫn, chợ đêm sôi động… Bà Nà Hills cũng được nâng tổng mức đầu tư lên 39.000 tỷ đồng, với loạt hạng mục, sản phẩm mới đã, đang và sẽ liên tục được bổ sung, với mục tiêu đưa KDL này trở thành điểm đến đẳng cấp hàng đầu châu lục.
Theo vị chuyên gia du lịch, Đà Nẵng cần phải có một KDL tầm cỡ, đẳng cấp để tạo đầu kéo cho du lịch Đà Nẵng. Dẫn giải Bà Nà Hills như một điển hình, ông Dũng phân tích: "Khi xây dựng KDL tầm cỡ, cần hướng đến phát triển bền vững trên tinh thần 3 trụ cột. Thứ nhất, bền vững về kinh tế, thu hút được thêm nhiều khách, tạo nhiều công ăn việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách. Thứ hai là bền vững về các giá trị văn hóa, phù hợp với đặc trưng riêng của điểm đến Bà Nà. Thứ ba là hài hòa với môi trường. Và Bà Nà đã làm rất tốt những việc này. Chúng tôi tin rằng, Sun World Ba Na Hills sẽ phát triển xứng tầm, đạt được vị thế xứng đáng và đóng góp nhiều hơn nữa cho KT-XH, du lịch Đà Nẵng".
Dẫu vậy, vị chuyên gia nhận định, để vươn tới đỉnh cao mới trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, Đà Nẵng cần mạnh dạn đầu tư thêm, mở rộng những công trình quy mô, đẳng cấp, xứng tầm… Và quan trọng hơn cả là phải có cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược. "Chúng tôi vẫn ủng hộ những "sếu đầu đàn", "đại bàng" lớn có cam kết đồng hành dài hạn để tạo ra được những dự án đẳng cấp, nâng tầm thương hiệu điểm đến, tạo ra nhiều giá trị KT-XH, giúp cộng đồng doanh nghiệp, người dân cùng hưởng lợi. Và đó chính là những yếu tố tạo nên sự phát triển du lịch bền vững cho mỗi địa phương", ông Cao Trí Dũng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch nhận định, Đà Nẵng đang là điểm đến có nhiều lợi thế để đi nhanh, vững chắc trên đường đua vươn tới đỉnh cao du lịch, nhất là khi đã được phê duyệt loạt chính sách đặc thù, thí điểm xây dựng khu thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam.
PGS.TS Phạm Trung Lương cho rằng "đây là cơ hội để phát triển những sản phẩm du lịch, những loại hình mới mà trong tư duy và cách tiếp cận của người Việt vẫn chưa được mở". Chuyên gia hàng đầu về du lịch bày tỏ quan điểm ủng hộ tư duy mới trong phát triển du lịch, những sản phẩm đột phá, kể cả casino nếu được quản lý tốt.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cạnh tranh điểm đến khốc liệt hiện nay, để vươn tầm châu lục, Đà Nẵng cần tiếp tục nâng tầm, làm mới sản phẩm dịch vụ. Nếu dừng lại, "ngủ quên trên chiến thắng", bất cứ điểm đến nào cũng sẽ bị bỏ xa trên đường đua./.