Aa

Thách thức trong ứng dụng bất động sản thông minh

Thứ Ba, 04/06/2019 - 20:01

Đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 40.000 căn hộ chung cư tại Việt Nam đã được tích hợp những giải pháp công nghệ thông minh trong quản lý và vận hành.

Cùng với xu hướng ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm bất động sản trên thế giới, các dự án bất động sản tại Việt Nam đang chứng kiến công nghệ thông minh được áp dụng vào nhiều lĩnh vực của thị trường. Với lợi thế gần 70% dân số trẻ, việc sử dụng các sản phẩm có tích hợp công nghệ 4.0 đã trở nên dễ dàng hơn đối với phần đông dân số tại Việt Nam.

Theo thống kê, có đến 62 triệu người dân Việt Nam thường xuyên sử dụng mạng xã hội (chiếm 64% dân số). Nhóm người này đã nhanh chóng đón nhận công nghệ thông minh và dần bắt kịp với xu hướng mới của thế giới.

Từ sử dụng ứng dụng thông minh trong bán hàng cho đến tích hợp thiết bị công nghệ trong các dự án bất động sản bao gồm cả không gian công cộng và không gian trong căn hộ/thương mại. Ngay cả các đơn vị quản lý bất động sản cũng đang từng bước ứng dụng công nghệ thông minh để quản lý và vận hành dự án một cách hiệu quả hơn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 40.000 căn hộ chung cư tại Việt Nam đã được tích hợp những giải pháp công nghệ thông minh trong quản lý và vận hành, tập trung ở các thành phố lớn, như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Chuyên gia nghiên cứu thị trường Nguyễn Minh Ngọc (Hiệp hội Bất động sản Việt Nam) cho rằng, bất động sản thông minh đang là một sản phẩm rất mới trên thị trường, bước đầu đã tạo được sự thu hút và quan tâm của các nhà đầu tư. Trong đó tất yếu sẽ hướng đến đô thị thông minh, kiến trúc xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, phát triển các sản phẩm bất động sản thông minh sẽ kéo theo sự phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội và các tiện ích dịch vụ khác... có thể sẽ làm thay đổi các cấu trúc dân cư tại các đô thị.

Tất yếu của quá trình phát triển là người dân cần phải được hưởng những tiện ích tốt nhất, hiện đại nhất ở căn nhà của mình, khi đó người dân sẽ không nặng về vấn đề giá thành sản phẩm nữa mà sẽ quan tâm xem sản phẩm đó có những gì phục vụ cuộc sống của họ. Bất động sản thông minh đang làm cho chất lượng cuộc sống của con người ngày càng cao cấp hơn.

Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ và quản lý bất động sản cũng gặp những thách thức không nhỏ. Hiện tại, nước ta đang xây dựng các khu dân cư thông minh bằng cách thông qua các công cụ quản lý trực tuyến, các ứng dụng công nghệ thông tin.

Về các thiết bị, Việt Nam đã sản xuất ra được nhưng nếu nội địa hóa thì càng tích hợp nhanh hơn. Nếu tạo ra những khu dân cư thông minh thì sau đó sẽ đến từng người dân có ứng dụng thông minh.

Tuy nhiên, theo bà Vũ Ngọc Hương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và dịch vụ Sao Kim (Venus Corporation), việc áp dụng công nghệ vào quản lý vận hành cư dân phải có sự chọn lọc. Cụ thể, đối với các khu đô thị mới thì việc ứng dụng công nghệ tương đối dễ nhưng muốn lan tỏa ra những khu đô thị hiện hữu thì việc thay đổi thói quen của người dân không hề dễ dàng.

“Trước hết, đó là thách thức đến từ công cụ. Muốn tạo ra đô thị thông minh thì trước tiên phải có công cụ thông minh, ít nhất mỗi người phải có 1 smartphone mới cài được ứng dụng. Như vậy, trong quản lý nội bộ, bản thân các doanh nghiệp phải trang bị thêm các thiết bị này để tạo ra tính tương tác đồng bộ giữa các cư dân trong dự án. Bên cạnh đó, chính quyền cũng phải trang bị thiết bị này.

Tuy nhiên, hầu như chỉ 80% các thiết bị đáp ứng, còn lại dùng thủ công truyền thống. Vì thế, trở ngại của doanh nghiệp là phải biết cách kết hợp giữa ứng dụng và thủ công truyền thống chứ không thể tuyệt đối 100% công nghệ hóa được”, bà Hương cho biết.

Bên cạnh đó, việc duy trì hệ thống quản lý ứng dụng “ngốn” kinh phí không hề nhỏ của doanh nghiệp quản lý, vận hành tòa nhà/chủ đầu tư. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận đầu tư cả phần cứng và con người để duy trì phần mềm. Khi có ứng dụng rồi lại phải có bộ phận để tải nội dung vào.

Ngoài ra, theo bà Hương, bài toán thách thức với doanh nghiệp là làm sao phải bảo mật được dữ liệu và có đủ tiềm lực tài chính để chủ động được hệ thống của mình.

Theo thống kê của Savills, đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị bất động sản trên toàn thế giới tính có giá trị khoảng 280,6 nghìn tỷ đô la Mỹ, trong đó 78% giá trị đến từ bất động sản nhà ở.

Nếu đưa ra con số so sánh thì giá trị bất động sản của thế giới đang vượt xa các khoản kinh tế, dự trữ của thế giới, cụ thể: Tổng giá trị của tất cả số vàng trên thế giới chỉ khoảng 7,7 nghìn tỷ đô la Mỹ và tổng sản lượng GDP toàn cầu là khoảng 78,3 nghìn tỷ đô la Mỹ, chỉ bằng 30% giá trị bất động sản.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top