Dự hội nghị về phía tỉnh Thái Bình có: Ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn công tác; ông Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng đoàn công tác; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh.
Dự hội nghị có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Thụy Sĩ Phùng Thế Long; Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Sĩ Nguyễn Đức Thương; đại diện các tổ chức SVBG, SACC và các doanh nghiệp, nhà đầu tư Thụy Sĩ trong các lĩnh vực y tế, tài chính, năng lượng, dệt may, chế biến hải sản, vận tải, logitic…
Giới thiệu về tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư vào tỉnh Thái Bình, đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh thông tin: Thái Bình là tỉnh đồng bằng ven biển thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam; có vị trí gần thành phố Hà Nội, kết nối hệ thống sân bay, cảng biển tại Hải Phòng với hệ thống giao thông đã và đang được đầu tư đồng bộ, hiện đại, rất thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa toàn cầu.
Những năm qua, Thái Bình đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh phát triển nhanh và đạt nhiều thành tích ấn tượng trong hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn đứng tốp đầu của Việt Nam. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 7,37%; thu hút vốn đầu tư đạt 98.256,6 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó thu hút đầu tư nước ngoài FDI cán mốc gần 3 tỷ USD và xếp thứ 5 toàn quốc về thu hút FDI. Riêng 2 tháng đầu năm 2024, thu hút vốn FDI của Thái Bình đạt 78,330 triệu USD. Đặc biệt, tổng vốn đầu tư FDI vào Khu Kinh tế, khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2023 của tỉnh đạt gần 104.000 tỷ đồng, trong đó vốn FDI đạt 3,74 tỷ USD, cao gấp 4,45 lần tổng vốn FDI của tỉnh giai đoạn 2020 trở về trước.
Trong lĩnh vực hợp tác với Thụy Sĩ, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thái Bình sang thị trường quốc gia này đạt 1,2 triệu USD, chiếm 0,05% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh với mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng dệt may.
Thái Bình đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành điểm đến đầu tư hấp nhất bậc nhất của các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Theo đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh có 3 yếu tố đó là: Khu Kinh tế Thái Bình - địa bàn đặc biệt ưu đãi đầu tư, với mức ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam; quỹ đất tại Khu Kinh tế dành phát triển công nghiệp lớn (8.020 ha), đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của nhà đầu tư; Khu Kinh tế có vị trí địa lý thuận lợi, giáp với thành phố Hải Phòng, thuộc tam giác tăng trưởng kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Ngoài ra, địa phương còn có nguồn nhân lực dồi dào với dân số khoảng 2 triệu người, trong đó có trên 1 triệu người đang trong độ tuổi lao động; người lao động có trình độ, tay nghề cao. Cùng với đó, các cấp chính quyền trong tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong suốt quá trình nghiên cứu đầu tư, triển khai dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh có 10 khu công nghiệp cùng 49 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 3.000ha đã được giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư. Đặc biệt, Khu Kinh tế Thái Bình là khát vọng phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược để tăng trưởng kinh tế. Do đó, tỉnh rất quan tâm đến việc thu hút đầu tư và luôn chào đón các nhà đầu tư trên toàn thế giới, trong đó có các nhà đầu tư tại Thụy Sĩ đến nghiên cứu, tìm hiểu, hợp tác và đầu tư tại Thái Bình. Trong 3 năm qua, Khu Kinh tế Thái Bình đã thu hút được dự án hạ tầng khu công nghiệp của các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm như: Khu Công nghiệp Liên Hà Thái, Khu Công nghiệp VSIP Thái Bình, Khu Công nghiệp Tiền Hải, Khu Công nghiệp Hải Long...
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Thương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Sĩ chia sẻ: Hơn nửa thế kỷ qua, quan hệ song phương Việt Nam - Thụy Sĩ đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục và đào tạo. Trong đó, hợp tác về thương mại và đầu tư là hai trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa hai nước và hiện còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển. Thụy Sĩ hiện đang là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Châu Âu.
Đối với lĩnh vực hợp tác giữa Thái Bình với Thụy Sĩ trong thời gian qua, theo ông Nguyễn Đức Thương vẫn còn khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng, lợi thế hợp tác của hai bên. Hội nghị xúc tiến thương mại đầu tư do UBND tỉnh Thái Bình tổ chức là dịp để thúc đẩy hợp tác, đổi mới và tăng trưởng bền vững giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Thụy Sĩ, từ đó mở ra cơ hội mới trong các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia cũng như giữa các địa phương, nhà đầu tư của Thụy Sĩ với tỉnh Thái Bình trong thời gian tới.
Trong vai trò cầu nối xúc tiến thương mại và đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ, SVBG, SACC sẽ tiếp tục phối hợp quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và định hướng đầu tư của Việt Nam nói chung, Thái Bình nói riêng đến với các doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh, các công tư vấn đầu tư và các tổ chức nghiên cứu kinh tế tại Thụy Sĩ và Châu Âu, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam như điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Tại hội nghị, đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam và Thụy Sĩ đã trao đổi, thảo luận làm rõ thêm về các lĩnh vực có thể hợp tác và hỗ trợ tỉnh như thương mại, năng lượng xanh, bền vững và phát thải thấp; hỗ trợ thực hiện dự án điện gió, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, dịch vụ du lịch...
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng cảm ơn tình cảm và hỗ trợ tích cực từ Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ và các đơn vị phối hợp, góp phần làm nên thành công hội nghị. Đồng chí khẳng định: Hội nghị có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Thái Bình, thể hiện sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư của Thụy Sĩ đối với môi trường hợp tác, đầu tư của tỉnh trên nhiều lĩnh vực.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ tin tưởng tiềm năng, cơ hội hợp tác với các đối tác Thụy Sĩ trong thời gian tới rất rộng mở và dồi dào. Đồng chí mong muốn Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp có trụ sở tại Thụy Sĩ như Swiss Global Enterprise, SwissMEM, Swiss Textiles, SACC và SVBG cũng như cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Thụy Sĩ sẽ là cầu nối tích cực và hiệu quả, góp phần củng cố đoàn kết cộng đồng và hướng về xây dựng quê hương, hỗ trợ, giúp sức cho tỉnh bằng cách kết nối giữa với các công ty và nhà đầu tư Thụy Sĩ. Tỉnh Thái Bình cam kết tạo điều kiện, hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư FDI nói chung và doanh nghiệp, nhà đầu tư Thụy Sĩ nói riêng nhằm thúc đẩy hợp tác, đầu tư.
* Cùng ngày, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm và làm việc với chính quyền bang Zurich (Thụy Sĩ). Bà Carmen Walker Spah, Ủy viên Hội đồng Bang, Bộ trưởng kinh tế Bang Zurich tiếp và làm việc với Đoàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã thông tin kết quả thành công của hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư vừa được tổ chức với sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ Thụy Sĩ; đồng thời mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa tỉnh Thái Bình với bang Zurich trên cơ sở nhận thấy tiềm năng, thế mạnh và cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai bên trong thời gian tới. Thái Bình cũng cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và sẽ luôn mở rộng cánh cửa chào đón các doanh nghiệp, đối tác Thụy Sĩ tới hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh hiệu quả, cùng phát triển bởi tỉnh có niềm tin và đánh giá rất cao về tiềm lực, năng lực đầu tư, khoa học, công nghệ trong sản xuất và kinh doanh của Thụy Sĩ.
Tỉnh Thái Bình mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa tỉnh với bang Zurich trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai bên.
Qua trao đổi, thảo luận, hai bên đã đề xuất hướng hợp tác về thu hút đầu tư và hợp tác kinh doanh với các đối tác của bang Zurich; thúc đẩy trao đổi, xuất nhập khẩu hàng hóa, trao đổi nguồn nhân lực; thúc đẩy cơ hội hợp tác giáo dục, đào tạo, y tế và trao đổi văn hóa.